Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
DANH MỤC KIỂM KÊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Chợ nổi phụng hiệp ở Nam Bộ
1. Phân loại di dản: Tập quán xã hội
2. Không gian địa lý: Chợ nổi Phụng Hiệp thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, còn gọi là chợ nổi Ngã Bảy bởi chợ họp ngay vùng hợp lưu của bảy con sông nhỏ là: Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Còn, Mang Cá và kênh Xáng.
3. Thời gian tổ chức: Chợ nổi Phụng Hiệp được họp hàng ngày vào buổi sáng sớm đến xế trưa.
4. Chủ nhân của di sản: Cộng đồng chủ nhân di sản là người Việt ở nhiều nơi đến và thuộc nhiều thành phần trong xã hội trong đó chủ yếu là: Nông dân, thị dân và giới thương hồ.
5. Nhận diện di sản: Ở Nam Bộ với địa hình đặc trưng, có một mạng lưới kênh rạch chằng chịt, con người gắn bó với cuộc sống sông nước miệt vườn. Gắn với môi trường sông nước kênh rạch ấy, chợ nổi được hình thành nó không chỉ là nơi giao thương hàng hóa của bà con cư dân mà ở đó nó phản ánh cả một nền văn hóa của cư dân sông nước là một hình thức sinh hoạt độc đáo. Chợ nổi Phụng Hiệp được hình thành từ năm 1915, chợ không họp trên đất liền mà diễn ra trên sông nước. Chợ nổi nổi tiếng nhộn nhịp là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và trở thành một nét văn hóa riêng của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Chợ nổi Phụng Hiệp nổi tiếng sầm uất là chợ tổng hợp, có thể mua sỉ, bán lẻ; phong phú đa dạng đủ loại hàng hóa mang đặc trưng sắc màu cuộc sống Nam Bộ từ trái cây, hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản…
Chợ nổi, với tư cách là một biểu hiện tập trung của lối sống gắn với sông nước, ghe thuyền của người dân châu thổ Cửu Long, mang nét văn hóa đặc trưng riêng. Nét văn hóa thể hiện khá phong phú qua cách thức ứng xử trong mua bán và trong nếp sống của dân thương thồ. Chợ Ngã Bảy Phụng Hiệp có lượng hàng hóa đa dạng và rất phong phú, nhất là trái cây, hàng nông sản, ngoài ra còn có chiếu, hang thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản… cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu.
Nét độc đáo, riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức “bẹo hàng”. Do tính chất “bèo nước hợp tan” của phiên chợ nhóm trên sông, giữa dân thương buôn tứ xứ, nên văn hóa chợ nổi có nét đặc sắc trong quy tắc ứng xử: lối bẹo hàng giản dị trực quan mà rất cụ thể, “bẹo gì bán nấy”, lại có những quy ước riêng: “bẹo lá, bán ghe”. Ứng xử trong mua bán ở chợ nổi dựa trên nguyên tắc sòng phẳng, tín nhiệm, nhanh gọn, linh hoạt. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây, và loại trái đó sẽ được treo lên một cây sào cao tượng trưng như là để thông báo rằng: "tôi là nhãn", "còn tôi là xoài".
Chợ nổi còn là môi trường thực hành, lưu giữ các điệu hò đối đáp mang âm hưởng mênh mang của sông nước mang tình tự của lớp dân nghèo lặn lội khắp nơi để mưu sinh. Niềm khát khao được giao lưu, trao gửi tâm tình của khách thương hồ thể hiện qua những cuộc đờn ca tài tử, một hình thức sinh hoạt văn nghệ phổ biến của người dân Nam Bộ. Chợ nổi cũng trở thành nguồn cảm hướng cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật.
Tags
kiểm-kê-di-sảncần-thơVIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015
Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095 Fax: (84-24) 35116415
Email: info@vicas.org.vn Website: http://vicas.org.vn
Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này