Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
DANH MỤC KIỂM KÊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Đám chay dân tộc Cao Lan
1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội
2. Không gian địa lý: Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
3. Thời gian tổ chức: Đám chay tiếng Cao Lan gọi là Đám sênh thường được diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hàng năm.
4. Cộng đồng chủ nhân di sản: Cộng đồng người Cao Lan cư trú tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
5. Nhận diện di sản:
Đây là một nghi thức cầu an của các gia đình người Cao Lan, để chuẩn bị cho lễ cúng Đám chay gia đình phải dựng hai đàn cúng, một ở gian khách gần nơi thờ cúng của gia đình và một đàn ở ngoài trời để cho Ngọc hoàng các vị thần linh về ngự, đàn cúng là nơi giành riêng cho thầy cúng và đạo tràng tiến hành các lễ thức trong lễ cúng đám chay.
Nghi lễ đầu tiên của lễ hội đám chay là lễ hoi pệt hay còn gọi là lễ Khai bút. Đây là nghi thức cúng xin gia tiên cho phép tổ chức lễ cúng Đám chay, để thầy cúng và các đạo tràng tiến hành các nghi thức viết sớ.
Để mở đầu cho lễ cúng đám chay các say phù tiến hành lễ cúng Thành hoàng, Thiên đình để phù hộ cho lễ cúng được may mắn.
Sau lễ cúng thành hoàng là lễ Lập trịnh. Đây là lễ thức yểm bùa, phòng thân, gọi quân tướng, âm binh, trừ tà nhốt ma của các say phù trước khi tiến hành lễ cúng đám chay.
Khi trời tối cũng là lúc lễ cúng thần bưu tá - màng công sào được say phù và các đạo tràng tiến hành ở trên nhà nơi đặt bàn thờ chính. Sau lễ pin làn các say phù làm lễ màng nhoọc tạy – nhoọc chứ, đây là lễ cúng thiên đình mời ngọc hoàng và các vị thần xuống chứng kiến phù hộ cho công việc của gia đình được diễn ra một cách tốt đẹp, người yên vật thịnh.
Để tiến hành nghi lễ mời gọi các thần, say phù phải dùng đến mặc kệm (dao cúng), tèo sìu cán (gậy cúng) - được coi như lệnh bài để say phù đưa lễ đến các thần và các phủ. Đồng thời thầy cúng luôn tay gieo Cạo chơi là hai mẩu gỗ được bào mỏng - để xin âm dương sau mỗi lần cúng gọi. Khi gieo được hai miếng Cạo chơi một sấp, một ngửa tức là thần linh đã đến chứng giám và dự lễ cùng gia đình.
Cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng của lễ cúng đám chay được các say phù tiến hành vào lúc nửa đêm, giống như một số tộc người khác ở nước ta dân tộc Cao Lan thường làm lễ cấp sắc cho những người đàn ông trưởng thành. Theo quan niệm của người Cao Lan thì đàn ông khi được cấp sắc sẽ tự thờ cúng tổ tiên nhà mình, bản thân không sợ ma quỷ, bảo vệ được mọi thành viên trong gia đình và khi chết sẽ không mất tên tuổi.
Sớm hôm sau, say phù và đạo tràng làm lễ cúng thần nông. Đây là một nghi lễ nông nghiệp của người Cao Lan để cầu xin thần nông ban cho gia đình có được nhiều lúa gạo, đầy đủ no ấm. Cùng diễn ra với lễ cúng thần nông ở trên nhà là lễ cúng âm trạch (mồ mả) cho tổ tiên được say phù tiến hành ở đàn cúng ngoài sân.
Lễ đám chay của người Cao Lan là một hình thức nghi lễ độc đáo, điển hình cho nghi lễ, văn hóa tộc người là một nghi lễ quan trọng trong chu trình đời người, nó thể hiện đạo lý sống, hướng con người đến những điều Chân – Thiện – Mỹ, đến với cuội nguồn tổ tiên, để trở thành mạch nguồn văn hoá đã đang và vẫn chảy mãi cho tới mai sau.
Tags
kiểm-kê-di-sảnyên-báiVIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015
Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095 Fax: (84-24) 35116415
Email: info@vicas.org.vn Website: http://vicas.org.vn
Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này