Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Không gian địa lý: Đến đầu thế kỷ XX, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành ở 49 làng mà cộng đồng xác định là làng quan họ cổ. 44 làng hiện nay thuộc tỉnh Bắc Ninh: Bái Uyên, Duệ Đông, Hạ Giang, Hoài Thị, Hoài Trung, Lũng Giang, Lũng Sơn, Ngang Nội, Vân Khám (huyện Tiên Du); Tam Sơn, Tiêu (huyện Từ Sơn); Đông Mai, Đông Yên (huyện Yên Phong); Bồ Sơn, Châm Khê, Cổ Mễ, Dương Ổ, Đẩu Hàn, Điều Thôn, Đông Xá, Đỗ Xá, Hòa Đình, Hữu Chấp, Khả Lễ, Khúc Toại, Ném Đoài, Ném Sơn, Ném Tiền, Niềm Xá, Phúc Sơn, Thanh Sơn, Thị Chung, Thị Cầu, Thọ Ninh, Thượng Đồng, Trà Xuyên, Vệ An, Viêm Xá, Xuân Ái, Xuân Đồng, Xuân Ổ, Xuân Viên, Y Na, Yên Mẫn (thành phố Bắc Ninh). Có 05 làng thuộc tỉnh Bắc Giang: Giá Sơn, Hữu Nghi, Nội Ninh, Mai Vũ, Sen Hồ (huyện Việt Yên).

Ngoài ra, ở 13 làng: Đình Cả, Đông Long, Khả Lý Thượng, Núi Hiếu, Mật Ninh, Quang Biểu, Tam Tầng, Thần Chúc, Tiên Lát Hạ, Tiên Lát Thượng, Thổ Hà, Trung Đồng, Vân Cốc (huyện Việt Yên) của tỉnh Bắc Giang, Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng được thực hành. Đây là những làng nằm trong vùng lan tỏa của di sản này.

Thời gian tổ chức: Hát quan họ vào mùa xuân, thu khi có lễ hội, khi gặp gỡ bạn bè cũng như trong ngày thường, trong nhà, đình làng, chùa, trên hồ, sông và trên đồi Lim.

Trong số các lễ hội làng quan họ, hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) mở vào 13 tháng giêng âm lịch, là hội lớn nhất.

Cộng đồng chủ nhân di sản: Chủ nhân của Dân ca Quan họ Bắc Ninh là người Việt (Kinh) cư trú ở hai tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hiện nay, sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và nghề thủ công.Các làng quan họ nằm hai bên bờ sông Cầu, cách thủ đô Hà Nội về phía Bắc khoảng hơn 30km. Các làng này quy tụ gần nhau trong một không gian với diện tích chừng 60km2.

Nhận diện di sản: Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát thi lấy giải, hát đối câu, đối chữ, đối lời trong hát canh của cộng đồng người Việt (Kinh) ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sáng tạo nên.

Nét đặc trưng của Quan họ chính là những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm. Hát quan họ không chỉ đòi hỏi hát tròn vành, rõ chữ, mượt mà, duyên dáng, bằng nhiều kỹ thuật như: rung, ngân, luyến, láy mà còn phải hát nảy hạt. Kỹ thuật “nảy hạt” trong “vang, rền, nền, nẩy” của các nghệ nhân quan họ, tuy có nét chung với lối hát chèo và ca trù nhưng lại rất riêng, khó lẫn. Các nghệ nhân chính là những bậc thầy dân gian thực hành việc sáng tạo, lưu giữ và trao truyền vốn di sản quý báu đó cho các thế hệ mai sau nên rất xứng đáng được tôn vinh. 

Tags

đại-diện-của-nhân-loạidi-sản-quốc-giakiểm-kê-di-sảnbắc-ninhbắc-giang

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

enim ut tellus elementum sagittis vitae et leo duis ut diam quam nulla porttitor massa id neque aliquam vestibulum morbi blandit cursus risus at ultrices mi tempus imperdiet nulla malesuada

Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015

Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội 

ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095        Fax: (84-24) 35116415

Email: info@vicas.org.vn           Website: http://vicas.org.vn

Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này

 

Edit website