Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
DANH MỤC KIỂM KÊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh
Không gian địa lý: Dân ca Ví, Giặm được thực hành rộng khắp trong cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc Bắc Trung Bộ Việt Nam. Theo kết quả kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (năm 2013), có 260 làng trong đó có 168 làng ở tỉnh Nghệ An và 92 làng ở tỉnh Hà Tĩnh có người thực hành Dân ca Ví, giặm. Trung tâm của di sản Ví, Giặm ở các làng nằm hai bên bờ sông Lam và sông La như làng Kim Liên, Bồi Sơn (Nghệ An), Thạch Việt,Trường Lưu (Hà Tĩnh).
Thời gian tổ chức: Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên, v.v.
Cộng đồng chủ nhân di sản: Người Việt ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (sau đây viết tắt là Nghệ Tĩnh) đều biết hát Ví, Giặm. Hiện nay, có 75 Nhóm Dân ca Ví, Giặm, điển hình là Nhóm Dân ca Ví, Giặm Hồng Sơn, Nhóm Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn ở tỉnh Nghệ An, và Nhóm Dân ca Ví, Giặm O Nhẫn, Nhóm Dân ca Ví, Giặm Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh sinh hoạt dân ca thường xuyên. Nhiều nghệ nhân, tiêu biểu là ông Nguyễn Trọng Đổng (82 tuổi), ông Trần Văn Tư (85 tuổi), bà Võ Thị Vân (49 tuổi) ở tỉnh Nghệ An, ông Trần Khánh Cẩm (74 tuổi), ông Trần Minh Chính (65 tuổi), bà Vũ Thị Thanh Minh (63 tuổi) ở tỉnh Hà Tĩnh, một số nghệ sĩ như cô Trịnh Hồng Lựu, ông Nguyễn Ngọc Ất ở Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An, ông Vương Ngọc Vinh, ông Nguyễn Ngọc Thịnh ở Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh tích cực thực hành, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm.
Nhận diện di sản: Ví, Giặm có đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát. Ví, Giặm được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối, hát cuộc. Mỗi cuộc hát thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết, nổi bật nhất là hát giao duyên. Ca từ bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể (hát Ví), 5 chữ (hát Giặm), cô đọng, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát. Hát Ví có âm điệu tự do phụ thuộc vào lời ca, vào bối cảnh và tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8. Còn hát Giặm có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, nhịp 3/4 và 6/8. Hai lối hát này luôn được hát xen kẽ cùng nhau.
Hát Ví, Giặm rất phổ biến trong các cuộc vui, lễ hội, liên hoan, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng và còn được khai thác thành các trình diễn nghệ thuật trên sân khấu. Người thực hành là những người làm ruộng, thợ thủ công, người đánh cá, giáo viên, học sinh, công nhânv.v… Các nghệ nhân dân gian giữ vai trò chủ chốt trong việc truyền dạy và diễn xướng.
Sự hấp dẫn của Dân ca Ví, Giăm nằm ở sự tự do thể hiện tư tưởng, tình cảm bằng lời ca tiếng hát, bằng ngôn ngữ địa phương. Mỗi người có thể sáng tạo, đặt lời mới, bổ sung thêm nhiều bài bản phản ánh văn hóa, xã hội, cuộc sống, tình cảm. Lời ca của Dân ca Ví, Giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người.
Tags
di-sản-quốc-giađại-diện-của-nhân-loạikiểm-kê-di-sảnnghệ-anhà-tĩnhVIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015
Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095 Fax: (84-24) 35116415
Email: info@vicas.org.vn Website: http://vicas.org.vn
Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này