Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
DANH MỤC KIỂM KÊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Hoa văn truyền thống tiêu biểu trong trang trí Chùa Kh’mer Sóc Trăng
1. Phân loại di sản: Nghệ thuật điêu khắc dân gian
- 2. Không gian địa lý: Di sản hoa văn truyền thống trong trang trí Chùa Kh’mer được thực hành trong không gian tại các ngôi chùa của người Kh’mer trên một địa bàn rộng lớn của tỉnh Sóc Trăng.
- 3. Thời gian tổ chức: Trang trí hoa văn truyền thống cho các Chùa của người Kh’Mer ở Sóc Trăng thường được tiến hành khi xây dựng chùa.
- 4. Chủ nhân di sản: Là cộng đồng người Kh’mer ở Sóc Trăng
- 5. Nhận diện di sản:
Đối với người Kh’Mer ngôi chùa là nơi chứa đựng những tinh hoa thiêng liêng quý giá nhất của cộng đồng. Mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị về thẩm mỹ, là không gian thiêng liêng tập hợp khả năng kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng tộc người. Ngôi chùa là một tập hợp toàn vẹn nhất của các yếu tố tạo hình, các yếu tố này kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất.
Trên nền tảng vật thể kiến trúc của ngôi chùa, người Kh’mer lấy việc trang trí hoa văn làm thước đo giá trị của ngôi chùa, thông qua bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của các nghệ nhân được nhà chùa và bổn sóc tuyển chọn. Hoa văn trang trí trong các ngôi của người Kh’mer có những bố cục điển hình: Bố cục thành dải (đường diềm), hình tam giác, bố hình tròn, hình vuông…là những loại bố cục điển hình và được coi là truyền thống của người Kh’mer.
Bố cục hình tam giác và hình dải là phổ biến nhất. Theo quan niệm của người Kh’mer, hình tam giác là hoàn thiện nhất, ở đó chứa đựng cái đẹp hoàn mỹ và tuyệt đối. Hình tam giác còn gắn với ngọn lửa thiêng của đạo Hindu, mà đức Phật thay bằng ngọn lửa thiêng bên trong, nó đồng thời là tri thức xuyên suốt sự giác ngộ, và sự huỷ bỏ cái vỏ bọc bên ngoài. Bố cục hình tròn cũng là bố cục điển hình được trang trí tại các chùa của người Kh’mer ở Sóc Trăng. Bố cục này có mặt hầu khắp mọi nơi trong không gian chùa, nhưng tập trung chủ yếu ở tường rào bao quanh chùa. Bố cục hình tròn tượng trưng cho thuyết luân hồi của đạo Phật. Bố cục hình dải hay còn gọi là đường diềm, bố cục này có mặt khắp nơi trong mỗi ngôi chùa nhưng vẫn đảm bảo được liều lượng nhất định.
Về mô típ hoa văn được trang trí trên các chùa Kh’mer gồm các nhóm cơ bản: Nhóm hoa văn hình ngọn lửa (Pnhi –Phlơng); hoa văn các loại hình hoa lá, kỷ hà (Pnhi-Tee hay vu); hoa văn mô típ Ăngco; hoa văn tổng hợp các loại trên; và nhóm hoa văn ảnh hưởng các dân tộc khác. Màu sắc được sử dụng trong nghệ thuật trang trí chùa người Kh’mer họ dùng năm màu cơ bản cũng là năm màu cờ giáo tượng trưng cho mỗi kiếp hóa thân của đức Phật: Màu xanh lam; màu vàng, màu trắng; màu vàng cam; màu đỏ. Nói chung, kiến trúc chùa Kh’mer là một loại kiến trúc đơn giản nhưng vững chắc, tạo hiệu quả công năng cao, đồng thời hầu như tất cả đều biến thành vật liệu để cho trang trí - kiến trúc nở rộ. Từ đây, tạo nên một mối quan hệ vững chắc giữa kiến trúc và điêu khắc - trang trí, sự đơn giản hoá của kiến trúc được phối hợp với sự cầu kỳ và vô số những môtíp trang trí - điêu khắc đã tôn nhau tạo một tổng thể hài hoà nhưng rực rỡ, mềm mại mà không cứng nhắc.
Nhìn từ góc độ nghệ thuật, ngôi chùa là một tổng thể nghệ thuật kiến trúc đặc trưng nhất của người Kh’mer. Nhìn từ góc độ tâm linh, ta thấy ngôi chùa là đỉnh cao của thăng hoa tôn giáo. Cái đẹp hiện ra trong cái thiêng liêng Phật tính. Làm đẹp cho chùa, nơi thờ Phật là làm cho lòng mình sung sướng và thanh thản nhất.
Nghệ thuật trang trí hoa văn trong các ngôi chùa của người Kh’mer thể hiện tâm tư tình cảm, óc sáng tạo và khiếu năng thẩm mỹ của người Kh’mer và thể hiện nét đặc trưng cho văn hóa tộc người Kh’mer ở Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng.
Tags
kiểm-kê-di-sảnsóc-trăngVIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015
Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095 Fax: (84-24) 35116415
Email: info@vicas.org.vn Website: http://vicas.org.vn
Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này