Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

Lễ giỗ họ của người Việt ở Tiền Giang

1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ

2. Không gian địa lý: Lễ giỗ họ của người Việt ở Tiền Giang phổ biến được thực hành ở các dòng họ thuộc các làng xã vùng Gò Công, Chợ Gạo, Mỹ Tho, Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang, nơi những làng được thành lập ở giai đoạn cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.

3. Thời gian tổ chức: Cúng việc lề hay lễ “giỗ họ” là nghi lễ mang tính chất của gia đình, họ tộc nên thời gian tiến hành lễ cũng tùy thuộc vào từng họ và mỗi họ có một ngày “giỗ họ” riêng.

3. Chủ nhân di sản: Chủ nhân của di sản là người Việt cư trú lâu đời, trong các dòng họ lớn, ở Tiền Giang.

4. Nhận diện di sản:

Giỗ họ hay cúng “việc lề” hoặc là “giỗ hội” là tục lệ của người Việt ở Tiền Giang phát sinh trong thời kỳ khẩn khoang lập ấp, để tưởng nhớ công lao của tổ tiên, và gợi nhớ về cội nguồn. Thông qua lễ “giỗ họ” biểu hiện nét văn hóa của dòng họ, nơi gắn kết các thành viên dòng họ .  

Người đứng ra làm chủ lễ thường là Nam giới trưởng tộc của dòng họ, người có uy tín, có hưởng lộc tổ tiên, có đạo đức, biết quan tâm đến dòng tộc mới được phân công để thực hiện nghi lễ này.

Trước ngày giỗ, trưởng họ cho mời tất cả các trưởng chi đến nhà để họp bàn việc chuẩn bị và cách tổ chức. Phân công các công việc đến các thành viên. Đến ngày giỗ, con cháu tụ tập tại nhà trưởng họ để lo các công việc như đi dọn mộ, chuẩn bị lễ vật dâng cúng tổ tiên…Khi cúng, gia chủ dù giàu hay nghèo đều phải bày vật cúng ra tấm đệm trải trước sân nhà. Lễ vật là những thức ăn đơn giản như: Thịt Gà luộc, Cá nướng, thịt quay… đặc biệt món Cá Lóc nấu cháo ám là đồ lễ đặc trưng gần như dòng họ nào dâng cúng. Cháo ám cúng trong ngày giỗ họ ở Tiền Giang có điểm đặc biệt là cá chỉ cạo vẩy bằng dao tre, không chặt kỳ, vây đuôi…Nét đặc biệt trong lễ giỗ họ là mỗi dòng họ có một lễ vật đặc biệt, tương tự như tô tem để dâng cúng trong ngày lễ, một dạng biểu tượng của dòng họ để việc nhận biết dòng họ trong quá trình xiêu tán và mang ý nghĩa “nhớ về cội nguồn” nhưng mang tính khu biệt trong dòng họ.

Kinh phí hoạt động của mỗi dòng họ đều được lập ra được gọi là quỹ họ. Trách nhiệm quản lý quỹ họ cũng như tiến hành tổ chức giỗ đều do trưởng họ chịu trách nhiệm. Các thành viên khác trong họ sẽ được phân công từng việc cụ thể. Theo phong tục, chiều 14 con cháu làm lễ cúng gọi là “tế cáo”, mời tổ tiên về, sáng hôm sau là lễ “tế chính”. Tất cả con cháu xa gần đều được thông báo về dự lễ Lễ giỗ họ được tổ chức tại Từ đường hoặc nhà trưởng họ, xây trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên để lại. Người trưởng họ sẽ được ở trên mảnh đất đó để trông coi, hương khói. Khi làm lễ, trưởng họ đứng trước bàn thờ tổ đọc lịch sử dòng họ và đây là cách nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn tổ tiên và để giáo dục các thế hệ hậu sinh về truyền thống, gia phong của gia tộc. Sau khi tiến hành xong hết các nghi lễ cúng, lễ vật sẽ được “hạ” xuống để tất cả con cháu quây quần cùng ăn, gọi là “thụ lộc”. Tiếp đến, các trưởng chi sẽ ngồi lại họp bàn về công việc chung của họ, cụ thể là tổng kết công việc năm trước và lên kế hoạch cho năm sau.

Cũng như các tập tục khác trong đời sống, lễ giỗ họ có vị trí quan trọng đối với cá nhân, gia đình và dòng họ, thể hiện nét văn hóa của người Việt ở Tiền Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung, nó hàm chứa trong đó những ý nghĩa xã hội sâu sắc. Lễ giỗ họ gợi con người nhớ về cội nguồn thể hiện qua lễ vật dâng cúng, cách thức hành lễ đều toát lên đặc điểm văn hóa của dòng họ và tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng làng xóm, dòng họ và gia đình.

Tags

kiểm-kê-di-sảntiền-giang

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

enim ut tellus elementum sagittis vitae et leo duis ut diam quam nulla porttitor massa id neque aliquam vestibulum morbi blandit cursus risus at ultrices mi tempus imperdiet nulla malesuada

Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015

Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội 

ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095        Fax: (84-24) 35116415

Email: info@vicas.org.vn           Website: http://vicas.org.vn

Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này

 

Edit website