Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
DANH MỤC KIỂM KÊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Lễ gọi hồn của người Lự
1. Phân loại di sản:
Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội
2. Không gian địa lý:
Địa bàn sinh sống của người Lự tại các xã thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
3. Thời gian tổ chức:
Lễ diễn ra khi trong nhà, trong bản có người ốm, được tổ chức từ chiều đến tối.
4. Cộng đồng chủ nhân di sản:
Người Lự cư trú tại địa bàn xã Nặm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
5. Nhận diện di sản:
Người Lự tin rằng, các loại ma, thần có thể ra vào thế giới của người sống và tác động xấu hay tốt với người và vật của họ. Do đó, họ tiến hành lễ gọi hồn khi trong bản có người ốm. Người ốm bình thường thì làm lễ gọi hồn nhỏ (hoòng khon nọi), người bệnh bị ốm lâu không khỏi thì phải làm lễ gọi hồn lớn (hoòng khon luộng). Người Lự tiến hành lễ gọi hồn khi trong bản có người ốm. Người Lự tin rằng, con người có linh hồn và khi được gọi, mọi bộ phận trên cơ thể sống được gọi về. Người ốm bình thường thì làm lễ gọi hồn nhỏ (hoòng khon nọi), người bệnh bị ốm lâu không khỏi thì phải làm lễ gọi hồn lớn (hoòng khon luộng).
Lễ gọi hồn diễn ra từ chiều đến tối. Người Lự tin rằng, mặt trời lặn xuống, hồn mới về. Ở lễ gọi hồn, ngoài những lễ vật như: một đôi gà, một con dao nhọn, một con cá, một tấm mía, một bát gạo, một tấm vải đỏ, một quả trứng thì giữa nam, nữ cũng có sự phân biệt rõ. Nếu hồn của nam thì có thêm gươm, dao, dụng cụ săn bắn. Nếu gọi hồn của nữ thì có thêm gương, lược và một số đồ trang sức.
Chủ trì lễ gọi hồn là thầy cúng, phụ việc cho ông là ba người họ hàng của gia đình người ốm. Sau khi cúng, thầy cúng sẽ tiến hành bói gạo, người Lự cho rằng, nếu người thầy cúng chọn được: chẵn - lẻ - chẵn, thì coi như hồn người ốm đã về, nếu không chọn được như vậy thì phải làm tiếp khi nào được thì thôi.
Tiếp theo thầy cúng sẽ cúng xin hồn hãy nhập vào người ốm và làm cho người ốm khoẻ lại. Những người tham dự lễ cúng đều đặt 2 ngón tay trỏ và ngón cái vào mâm cúng hồn người ốm. Hành động này mang hàm ý mọi người thống nhất làm lễ gọi hồn, ổn định động viên hồn từ giờ trở đi không được đi đâu xa. Thầy cúng sẽ dùng sợi chỉ để buộc hồn người ốm lại, không cho đi xa.
Nếu làm lễ gọi hồn nhỏ mà người ốm không khỏi gia đình người ốm mời thầy cúng của bản (chẩu hô) đến để làm lễ gọi hồn lớn. Các đồ lễ cũng được chuẩn bị như lễ gọi hồn nhỏ chỉ khác là sau khi cúng ở bếp xong, thầy cúng lấy con dao trên mâm cúng hơ vào lửa đến khi dao nỏ thì lấy tay vuốt vào con dao rồi xoa vào người ốm.
Cũng giống như một số dân tộc khác như người Thái, người Tày… trong một số lễ cúng của người Lự như: lễ đặt tên, lễ cúng lúa… sợi chỉ trắng thường được dùng với ý nghĩa như một lời động viên, như một lời chúc.
Ở lễ này sợi chỉ trắng trong mâm cúng buộc vào tay người ốm và chồng của người ốm với ý nghĩa hồn của người ốm không đi đâu xa, hãy ở lại với người ốm. Chồng của người ốm từ giờ không để hồn bỏ đi, không cho vợ ghét hồn, phải thắt chặt tình yêu thương. Sợi chỉ còn được đặt lên vai người chồng. Nó mang ý nghĩa, người chồng đang đưa hồn về bằng cách cõng hồn trên lưng. Mọi người lại bê mâm cúng lên lần nữa để hồn chấp nhận mọi lời khuyên răn của thầy cúng. Người ốm nhận hồn vào mình, và mang theo quần áo, lược, trang sức, dao để vào đầu giường của ốm. Hành động này mang ý nghĩa thầy cúng đã giao hồn cho người ốm rồi. Từ nay trở đi, hồn không được lang thang đi chơi nữa. Tiếp đó, cơm được thầy cúng để lên kiềng bếp. Người Lự tin rằng, quanh năm bếp ở trong nhà thì hồn cũng vững chắc như bếp, luôn ở trong nhà không bỏ ra ngoài.
Sau cùng chủ nhà cám ơn thầy cúng, cảm ơn mọi người đã gọi hồn về ở với gia đình với con cái.
Với quyền tín ngưỡng và tự do tín ngưỡng, đồng bào đã và đang dần dần xoá bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, có tính chất mê tín dị đoan mà nguyên nhân sâu xa là do trình độ văn hoá còn thấp, do đói nghèo và bệnh tật, do bất lự trước tự nhiên. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận bên cạnh những mặt tiêu cực, còn có những mặt tích cực cần nhìn nhận và phát huy. Đó là những nét văn hoá tín ngưỡng truyền thống - cơ sở để tạo nên tinh thần cố kết cộng đồng và lưu giữ được bản sắc dân tộc.
Tags
kiểm-kê-di-sảnlai-châuVIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015
Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095 Fax: (84-24) 35116415
Email: info@vicas.org.vn Website: http://vicas.org.vn
Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này