Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
DANH MỤC KIỂM KÊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Lễ hội Cầu Vồng
Loại hình: Lễ hội truyền thống.
Không gian địa lý: Lễ hội đình Vồng được tổ chức tại khu vực đình, chùa Vồng thuộc thôn Ngò, xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Thời gian tổ chức: Lễ hội Cầu Vồng diễn ra “xuân thu nhị kỳ”. Hội mùa xuân diễn ra trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng giêng âm lịch và hội mùa thu diễn ra từ ngày mùng 9 đến ngày mùng 10 tháng 9 âm lịch hàng năm. Ngày chính hội là ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Công đồng chủ nhân di sản: Nhân dân xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Nhận diện di sản: Lễ hội đình Vồng là lễ hội ở đình chùa Vồng, thôn Ngò xã Song Vân, huyện Tân Yên. Đây là lễ hội liên quan tới tín ngưỡng thờ Cao Sơn - Quý Minh và các nhân vật họ Dương là quận công thời Mạc là Dương Quốc Nghĩa, Dương Hùng Lượng, Dương Quốc Công. Trong ngày hội đình Vồng có tục tế ngựa rước sắc quận công về đình cùng phối thờ.
Lễ hội đình Vồng ngày nay được chính quyền và nhân xã Song Vân chuẩn bị chu đáo, các thôn làng đều náo nức với phần việc của mình để tham gia lễ hội với những phần trình diễn đẹp nhất, chu đáo nhất. Trong lễ hội, lễ rước được thay bằng lễ diễu hành của 13 thôn trong xã. Đi đầu là đoàn rước của thôn Đồng Kim, tiếp đó là các đơn vị thôn Tân Tiến, thôn Trung Tiến, thôn Hoàng Vân, thôn Ngò, thôn Tè, thôn Giếng, thôn Đông Lai, thôn Bùi, thôn Hồng Phúc, thôn Chậu, thôn Tân Lập, thôn Kỳ Sơn.
Hội đình Vồng thu hút nhân dân trong vùng và khách thập phương không chỉ ở những trò chơi mang đậm tinh thần thượng võ của vùng đất Cầu Vồng, mà còn cuốn hút người trảy hội bởi lễ tế ngựa truyền thống độc đáo. Lễ tễ ngựa đình Vồng được tiến hành rất trang nghiêm. Những người có trách nhiệm tề tựu đầy đủ trước sân đình trước giờ tế lễ. Trước đây, trong nghi lễ tế ngựa, các kỵ sĩ cưỡi 8 con ngựa bạch thong dong phi nước kiệu rất đẹp mắt. Ngày nay, ban tổ chức lễ hội đã chuẩn bị 8 đầu ngựa mã để 8 thanh niên đeo vào người khi chạy ngựa. Lễ tế ngựa là nét đặc sắc của lễ hội đình Vồng, mang ý nghĩa thiêng liêng, bên cạnh ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, nhà nhà no đủ còn thể hiện ý nguyện của nhân dân ghi nhớ chiến công của các võ tướng xưa, biểu dương tinh thần thượng võ của mảnh đất Cầu Vồng.
Sau lễ tế ngựa là màn biểu diễn võ thuật truyền thống của hai môn phái Thiếu Lâm và Hồng quyền. Tiếng trống chiêng của màn biểu diễn võ thuật vừa dứt đã lại nổi lên liên thanh hồi điệp để chào đón màn vật thờ truyền thống.
Lễ gieo cầu nghênh phúc trong lễ hội Cầu Vồng được diễn ra trước sân đình. Hai giáp Đông - Đoài đã chọn lựa được những trai đinh khỏe mạnh nhất để tham dự trò chơi. Sau khi lễ thánh, ông Tổng cờ giơ cao quả cầu, truyền cho hai giáp bắt đầu vào trận. Sau lễ vật cầu là nghi lễ dâng hương của nhân dân trong làng và khách thập phương. Trong lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đấu vật, đánh phết (lệu gà), đánh đu, bắn cung nỏ, đánh cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, tổ tôm điếm, bịt mắt đập niêu, thả diều, kéo co thu hút rất đông nhân dân trong vùng và khách thập phương về dự đã chứng tỏ sức thu hút lớn của lễ hội đình Vồng và vị trí của nó trong đời sống tinh thần của người dân trong vùng.
Lễ hội đình Vồng đã tồn tại hàng trăm năm nay, ngày hội là ngày để các thế hệ tưởng niệm những người có công với dân với nước trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương. Lễ hội đình Vồng là một trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh của cả cộng đồng dân cư vùng Tân Yên của tỉnh Bắc Giang.
Tags
kiểm-kê-di-sảnbắc-giangVIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015
Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095 Fax: (84-24) 35116415
Email: info@vicas.org.vn Website: http://vicas.org.vn
Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này