Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
DANH MỤC KIỂM KÊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Lễ hội Màng của người Dao Tiền - Nghi lễ Tẩu sai
1. Phân loại di sản: Nghi lễ vòng đời
2. Không gian địa lý: Địa bàn sinh sống của người Dao Tiền tại tỉnh Bắc Cạn tập trung ở huyện Ba Bể và huyện Ngân Sơn.
3. Thời gian tổ chức: Theo chu kỳ của các dòng họ người Dao Tiền, lễ Màng thường 15-30 năm mới tổ chức một lần. Vì thế, trong chu kỳ vòng đời, người Dao Tiền chỉ có thể chứng kiến từ 1 đến 2 lần nghi lễ này.
4. Chủ nhân di sản: Người Dao Tiền.
5. Nhận diện di sản: Trong đời sống tâm linh của người Dao Tiền, tất cả các nghi lễ liên quan đến việc mời gọi, tổ chức nghi lễ cúng ông tổ Bàn Vương đều được gọi chung là lễ Màng. Màng là một nghi lễ liên quan trực tiếp đến ông tổ Bàn Vương và các loại thánh thần, binh mã, Ngọc Hoàng, Thái Thượng lão quân… liên quan đến những công việc đã tiến hành tại lễ cấp sắc 7 đèn và 12 đèn cho người đệ tử thụ lễ.
Theo quan niệm của người Dao, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con vì chưa có thầy Cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Người đã qua Cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng, được cúng bái. Họ cũng quan niệm rằng có trải qua lễ Cấp sắc mới biết lễ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Có thể coi, lễ Màng là một trong những nghi lễ quan trọng, mang đậm dấu ấn về bản sắc của dân tộc Dao Tiền.
Đối với người đàn ông dân tộc Dao, ai cũng có hai cái tên, một tên thường gọi và một tên được đặt trong lễ Màng chỉ để dùng cho những dịp cúng lễ, trình báo tổ tiên, gọi là bí danh, có nơi gọi nôn na là “tên âm”. Thế nhưng đây lại là cái tên có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời của người đàn ông Dao Tiền.
Trước kia, nhiều người quá nghèo, khi còn sống không có tiền làm lễ Màng cho con. Khi họ qua đời người con ấy phải sắm lễ Màng tự đặt tên cho mình. Và không ít người Dao Tiền khi bước vào tuổi cổ lai hy vẫn không có tên vì trong đời họ chưa bao giờ làm lễ Màng. Với nghi lễ này thực chất là lễ công nhận một thành viên chính thức của dòng họ đã đến tuổi trưởng thành có quyền và mọi nghĩa vụ trong dòng họ. Lễ đặt tên còn là sự trình báo cho tổ tiên biết một thành viên của dòng họ nhập vào tổ tiên có nghĩa vụ nối dõi và làm tròn phận sự của mình. Ngày làm lễ là ngày vui của gia đình, dòng họ và cũng là ngày vui của cả bản làng. Lễ vật gồm có gà, rượu, gạo và bắt buộc phải có 3 con lợn. Hai ông thầy mo có uy tín được mời đến cúng suốt hai ngày, hai đêm.
Có thể nói lễ Màng của người Dao Tiền còn tồn tại đến ngày nay đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ, có môi trường trình diễn, bảo tồn nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo của người Dao Tiền ở Bắc Cạn.
Tags
kiểm-kê-di-sảnbắc-cạnVIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015
Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095 Fax: (84-24) 35116415
Email: info@vicas.org.vn Website: http://vicas.org.vn
Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này