Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

Lễ hội Ri ja pruang của người Chăm

1. Phân loại di sản: Lễ hội truyền thống (Lễ hội múa tống ôn đầu năm).

2. Thời gian: Vào dịp đầu năm, mở hội vào ngày 1 tháng Giêng lịch Chăm. Đối với làng Chăm Ahiêr (Người Chăm theo đạo Bà la môn giáo) thường tổ chức lễ hội Rija Nưgar vào ngày thứ tư, thứ năm và Chăm Awal (người chăm theo đạo Bà Ni) thì ngày thứ năm, thứ sáu trong tuần và bắt đầu bằng các ngày lẻ (1, 3, 5, 7) trong tháng giêng.

3. Không gian: Lễ hội Rija Nưgar được diễn trong một nhà lễ (kajang) ở một bãi đất trống đầu thôn

4. Chủ nhân cộng đồng di sản: Cộng đồng Chăm Ahier và Chăm hồi giáo Bà Ni

5. Nhận diện di sản: Lễ hội Rija Praung là lễ hội múa lớn nằm trong hệ thống lễ hội dân gian của người Chăm, gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật múa Chăm đặc sắc. Đây là lễ hội do tộc họ tổ chức, có ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo từ Malaixia. Ngoài yếu tố tâm linh, lễ hội Rija Praung còn chứa đựng trong nó những vốn văn hoá đặc sắc thông qua những màn hát múa dân gian lung linh sắc màu huyền bí. Khi trong tộc họ có người bị bệnh tật, gặp phải tai ương đã chữa trị bằng nhiều phương cách nhưng không khỏi được, thì người Chăm tổ chức lễ Rija Praung để cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ cho người bệnh tai qua nạn khỏi. Lễ Rija Nưgar được tổ chức trong hai ngày “một ngày vào và một ngày ra” (vào ngày thứ năm ra ngày thứ sáu - tamư di jip tabiak di suk). Hoặc họ gọi theo cách gọi cúng lễ vật “Ngày vào cúng Gà và ngày ra cúng Dê” (tamư mưnuk tabiak pape). Họ còn gọi theo cách cúng lễ vị thần “tamư Po birâu tabiak Po aklak” (Ngày vào cúng thần mới - thần Hồi giáo và ngày ra cúng thần cũ - thần Bàlamôn).

+ Lễ vật dâng cúng, ngoài gà, dê còn có 5 mâm cơm, canh, bánh trái (chuối, bánh ngọt), trầu cau, rượu trứng… Ngoài ra trên bàn lễ còn có vật lễ quan trọng là lửa - nước. Lễ vật cũng được người Chăm chia làm hai phần âm và dương mà họ thường gọi nôm na theo tên lễ vật chính là “ngày vào buổi chiều - cúng con gà (thuộc âm) và ngày ra buổi sáng - kết thúc lễ là cúng con dê (thuộc dương)”.

+ Những người trực tiếp hành lễ gồm:

- Thầy Ka in (thầy bóng) mặc áo đỏ múa lễ, đạp lửa, lên đồng phản ánh nguyện vọng của cộng đồng lên thần linh và ngược lại.

- 03 thầy Mưduôn mặc áo trắng vỗ trống Basanưng hát thánh ca của các vị thần (01 thầy hát chính 02 thầy phụ lễ).

- 02 nghệ nhân đánh trống Bananưng.

- 01 nghệ nhân thổi kèn Saranai cùng nhiều thầy cúng lễ và dân làng phụ lễ.

+ Nhạc cụ bao gồm: 01 cặp trống Ginăng, 01 trống Basanưng và 01 kèn Saranai. Đạo cụ múa bao gồm: 01 cây chèo, 01 cây mía đỏ (tượng trưng cho mái chèo thuyền); 01 cây quạt, khăn, và 01 cây roi ngựa. Tất cả đạo cụ, ngoài khăn và quạt được thầy Ka in (thầy bóng) cầm tay còn lại là để tại bàn tổ (danok). Tại bàn tổ nơi để vật lễ và đạo cụ múa còn có một cán rìu (công cụ lao động).

+  Hệ thống thần linh được thờ cúng trong lễ Rija Pruang : Người Chăm có tục thờ đa thần. Tất cả làng Chăm đều có hệ thống thần linh chung. Nhưng quan trọng là làng nào cúng lễ thì thần làng của làng đó được mời cúng lễ đầu tiên trong hệ thống thần linh chung ấy. Hệ thống thần linh trong lễ Rija Nưgar Chăm bao gồm các vị thần như sau Po Tang, Po Tang Ahok (thần chèo thuyền), Po Gialau (thần rừng trầm, rừng quế), Cey thun, Cey Dalim (Chàng Lựu), Cey Hanim Par, Cey Sit, Cey Pruang (hai hoàng tử), Po Garai phauk, Po Dam (Chàng trai trẻ), Po Riya (thần sóng biển), Nữ thần Po Nưgar (thần mẹ xứ sở), Po Klaung Garai (vua Chăm), Po Rame (vua Chăm), Po patau Bin Thôr, Po Sah Inư, Po Nai, Nai Bia Sôi, Bia Kôn, Bia Nưn, Bia Than Can, Bia Than Cih (Hoàng Hậu)… Ngoài các vị thần trên là các vị thần anh hùng văn hoá, anh hùng dân tộc trong lễ Rija Nưgar còn cúng các vị thần đất (Po bhùm), thần sông, thần nước (Patau ia), thần mặt trời (Aditiak), thần núi (Po cơk), thần biển (Yang tasik), thần lúa (Po yang sri)…

Lễ Rija Nưgar do thầy Mưduôn (thầy vỗ) làm chủ lễ, vỗ trống Basanưng rót rượu lần lượt mời các vị thần và hát bài thánh ca. Thầy Ka in (thầy bóng) dâng lễ vật và múa phụ hoạ theo nhịp trống Basanưng, trống Ginăng, kèn Saranai. Mỗi vị thần được mời về dự thì thầy Ka in (thầy bóng) có một điệu múa riêng, có một sắc phục và đạo cụ riêng. Hầu hết những bài thánh ca của các vị thần đều được rút ra từ những huyền thoại, sự tích, truyền thuyết, tiểu sử (Damnưi) của các vị vua (Po), hoàng hậu (Bia), tướng lĩnh (Cey)… Nhưng trong lúc hành lễ tùy theo thời gian, tâm trạng, tính cách, công lao của các vị thần mà Mưduôn (thầy vỗ trống), hoặc Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) xướng lên nhiều hay ít. Theo nguyên bản, mỗi ca khúc rất dài, có từ 60-100 câu thơ. Tất cả những lời ca này được các nghệ nhân thuộc lòng và được ghi lại thành văn bản chữ Chăm còn lưu truyền trong dân gian hiện nay.

 Lễ Rija Nưgar được tổ chức hai ngày, mặc dù mỗi làng Chăm đều có một số tiểu tiết lễ khác nhau nhưng chung qui lại lễ Rija Nưgar cơ bản là giống nhau. Mục đích của lễ này là người Chăm đem lễ vật cầu cúng để tránh được tai ương bệnh tật, cầu được mùa và sức khoẻ cho dân làng. Qua lễ Rija Nưgar người Chăm còn gắn với sự tích lịch sử, những vị anh hùng văn hoá, anh hùng dân tộc mà họ suy tôn thành thần linh. Lễ Rija Nưgar còn chứa đựng nhiều vấn đề cốt lõi lịch sử, văn hoá nghệ thuật như những loại truyền thuyết, sự tích, thơ ca, tục cúng tế, các loại hình ca múa nhạc dân gian Chăm. Tất cả những yếu tố trên đã liên kết, phụ thuộc vào nhau, tạo nên ở lễ Rija Nưgar một diện mạo của lễ hội Chăm đa dạng và độc đáo. Điều đặc sắc là lễ hội Rija Praung chứa đựng một tập hợp những điệu múa thiêng và múa truyền thống dân gian Chăm. Lúc thực hiện nghi lễ dâng trầu thì có múa dâng “ thôn hala”, lúc múa đồng thì có các điệu Biyen, Chahya, điệu Patra- hoàng tử, rồi lễ múa xít đu độc đáo…Ngày xưa, lễ hội Rija Praung kéo dài tới 7 ngày 7 đêm. Ngày nay thích nghi với cuộc sống đương đại các thủ tục không cần thiết đã được giản tiện rút ngắn để giảm bớt chi phí cho gia chủ, lễ hội cũng diễn ra trong khoảng hơn 3 ngày. Lễ hội Rija Praung kết thúc với phần tiễn đưa thuyền ra sông về với biển, đúng với ý nghĩa của lễ hội được tổ chức từ ngàn xưa đến nay. Rija Praung là một lễ hội do dòng họ tổ chức, nhưng chứa đựng trong nó là cả một không gian văn hoá đậm chất dân gian Chăm. Di sản quý giá nhất của người Chăm là di sản phi vật thể, vì thế, việc đầu tư cho nghệ nhân, sưu tầm ghi chép kịp thời những bí quyết của họ và kịp thời gìn giữ những lễ hội văn hóa, những điệu múa Chăm độc đáo trước khi nó đứng trước nguy cơ thất truyền.

 

Tags

kiểm-kê-di-sảnninh-thuận

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

enim ut tellus elementum sagittis vitae et leo duis ut diam quam nulla porttitor massa id neque aliquam vestibulum morbi blandit cursus risus at ultrices mi tempus imperdiet nulla malesuada

Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015

Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội 

ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095        Fax: (84-24) 35116415

Email: info@vicas.org.vn           Website: http://vicas.org.vn

Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này

 

Edit website