Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
DANH MỤC KIỂM KÊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Nghệ thuật múa rối Bảo Hà
Loại hình: Nghề thủ công truyền thống, Nghệ thuật trình diễn
Không gian địa lý: Làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng.
Thời gian tổ chức: Vào ngày 13 tháng 3 âm lịch hàng năm
Chủ nhân di sản: Cư dân làng nghề truyền thống nghệ thuật múa rối cạn ở làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Nhận diện di sản: Múa rối Bảo Hà là một trong 3 phường Rối cạn cổ truyền ở Việt Nam (Rối Thẩm Rộc Thái Nguyên, Rối Ổi Lỗi Nam Định và rối Bảo Hà Hải Phòng). Nghề Rối Bảo Hà ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XV gắn với Nguyễn Công Huệ người được coi là tổ sư nghề tạc tượng, điêu khắc của làng Bảo Hà. Hàng năm, vào ngày hội của làng (13/3 âm lịch hàng năm), người thợ Bảo Hà vẫn tổ chức cúng tế vị tổ nghề tạc tượng và điêu khắc gỗ Nguyễn Công Huệ tại miếu Bảo Hà. Sự phát triển của nghề tạc tượng và nghề điêu khắc gỗ là một trong những cơ sở đầu tiên để Rối cạn hình thành ở Bảo Hà. Để làm ra một con rối, người thợ phải trải qua bước tạc thô như: tạo dáng, tạo khuôn mặt, đẽo tay con rối. Trong đó, tạo khuôn mặt là khâu khó nhất. Khuôn mặt con Rối phải đảm bảo có hồn và thể hiện được vai diễn. Rối cạn càng làm giống người thật càng hay. Ở nghệ thuật tạo hình Rối Bảo Hà, các nghệ nhân tạo mặt liền với bán thân, nối với bán thân là que trụ hay còn gọi là que trong. Nó đã làm nên nét đặc sắc trong nghệ thuật múa rối ở Bào Hà. Công đoạn hoá trang và may quần áo cho quân rối được thực hiện tiếp sau công đoạn tạc thô. Màu sắc, kiểu dáng trang phục cho từng con rối được tuân theo một quy định rõ ràng. Qua trang phục, người xem thấy được tính xã hội, tính thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân. Một trong những tiêu chí phân biệt Rối nước, Rối cạn, Rối trên không là sân khấu diễn. Nếu như: ở sân khấu múa rối nước, người điều khiển quân rối phải ngâm 2/3 thân mình trong nước, sau các tấm mành tre cửa buồng trò để kéo, giật, đưa đẩy các tấm sào, các dây làm cho quân rối đi lại, cử động ngoài sân khấu thì rối cạn Bảo Hà vẫn bảo đảm sự giao lưu tình cảm giữa người diễn và người xem qua chiếc mành. Người điều khiển vừa thấy quân rối của mình hoạt động trước mắt, vừa tiếp nhận được những cảm xúc của người xem biểu lộ ra khi nhân vật hành động. Nghệ thuật múa rối Bào Hà cũng quy định rõ cửa vào diễn là cửa sinh, cửa đi ra là cửa tử. Múa Rối là một nghệ thuật diễn xuất. Thông qua các hành động trên sân khấu, người diễn đã truyền đạt được nội dung, tình cảm đến người xem. Được hình thành trên mảnh đất dân gian, nghệ thuật múa rối truyền thống đã gắn bó chặt chẽ với khát vọng, hội hè, với những hình thức sinh hoạt tinh thần quen thuộc của người dân xưa. Trải qua thời gian, sự ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng dân gian không còn đậm nét trong nghệ thuật Múa Rối nhưng những kỹ thuật, bí quyết tạc quân Rối và nghệ thuật diễn xuất đã tạo nên nét độc đáo của Múa Rối. Tin rằng nghệ thuật Múa Rối cạn Bảo Hà sẽ vượt ra khỏi biên giới vùng, miền và quốc gia.
Tags
kiểm-kê-di-sảnhải-phòngVIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015
Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095 Fax: (84-24) 35116415
Email: info@vicas.org.vn Website: http://vicas.org.vn
Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này