Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

Sử thi Tây Nguyên

Loại hình: Ngữ văn dân gian

Không gian địa lý: Diễn ra ở Nam Trung Bộ và tỉnh Tây Nguyên từ tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông cho đến Lâm Đồng.

Thời gian tổ chức: Nghệ nhân hát kể Sử thi tại nhà, ở chòi rẫy trên nương. Sử Thi thường được hát - kể vào những đêm nông nhàn sau mùa làm rẫy và vào những dịp lễ hội trong năm, hoặc được hát kể trong lúc nghỉ ngơi trên rẫy sau những ngày lao động vất vả. Diễn xướng Sử Thi thường được thực hiện nhiều hơn sau các lễ thức gia đình như đám cưới, lễ bỏ mả, hay trong những nghi lễ cộng đồng.

Cộng đồng chủ nhân di sản: Là người Ba Na, Mnông, Ê Đê, Xơ Đăng, RaGlai, Chăm

Nhận diện di sản: Sử thi Tây Nguyên ra đời và tồn tại như một mắt xích quan trọng của cuộc sống của các dân tộc Tây Nguyên. Chủ thể của của những tác phẩm Sử Thi là người nông dân các dân tộc Ba Na, Mnông, Ê Đê, Xơ Đăng, RaGlai, Chăm, canh tác độc canh lúa trên nương rẫy, trong vùng rừng rậm nhiệt đới, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Sử Thi ra đời từ xã hội của chế độ công xã nông thôn thời kì đầu, nhưng bảo lưu rất nhiều dấu vết của xã hội nguyên thủy. Sử Thi mang màu sắc tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Trong câu chuyện Sử Thi có mối quan hệ liền mạch giữa thế giới con cháu đang sống và cha ông đã chết, giữa quá khứ với hiện tại, giữa thế giới hữu hình và vô hình với quan niệm đó là hai nửa của một cộng đồng làng. Sử Thi gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ ngưỡng vọng như Diông, Dư, Dăm Noi, Dăm Săn, Dăm Tiông, Xing Nhã, Lêng, Tiăng, Dăm Duông... Điều thú vị và hấp dẫn ở Sử thi là những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá của nó với những cứ liệu lịch sử đầy thuyết phục về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Sử Thi hình thành trong hoàn cảnh xã hội ban đầu là từng plei chật hẹp sau đó trong quá trình phát triển xã hội, hình thức plei ít còn phù hợp nữa mà tự bản thân nó cần mở rộng, phát triển bằng cách tập hợp các plei lại với nhau để hình thành liên minh, nhằm thu gom dân cư, lao động và của cải cho các thủ lĩnh. Diễn biến quá trình lịch sử như vậy không thể tránh khỏi những mâu thuẫn gay gắt, dẫn đến những hình thức tranh chấp giữa các plei và giữa các thủ lĩnh. Đó có thể là điều kiện lịch sử xã hội để Sử Thi ra đời nhằm phản ánh cuộc sống và ước mơ chinh phục tự nhiên của con người và phản ánh những cuộc chiến tranh của những người anh hùng. Sự hình thành và thực hành Sử Thi trải qua một qúa trình lâu dài, mà trong đó công đầu tiên và lớn nhất phải kể đến hoạt động sáng tạo của các nghệ nhân hát – kể Sử Thi. Họ là người am hiểu sâu sắc về cộng đồng, văn hóa của dân tộc mình và có trí nhớ tuyệt vời để hát kể những câu chuyện sử thi kéo dài nhiều đêm. Trong quá trình hát kể sử thi, họ đã vận dụng và sáng tạo nên những câu chuyện về người anh hùng, về văn hóa, đời sống xã hội của cộng đồng, dân tộc. Sử Thi thường được chia thành nhiều khúc, đoạn, mỗi khúc đoạn như vậy mô tả về một sự kiện, thậm chí một nhân vật, một hiện tượng văn hóa. Chúng hợp lại thành một sử thi hoàn chỉnh, nhưng cũng có thể tách rời, giữ vị trí tương đối độc lập. Nội dung cơ bản xuyên suốt trong mỗi tác phẩm Sử Thi bao gồm 3 nhiệm vụ của người anh hùng là lấy vợ, lao động và đánh giặc, trong đó đánh giặc là nhiệm vụ trung tâm. Sử Thi  phản ánh những kinh nghiệm của cộng đồng tộc người Tây Nguyên về văn hóa xã hội như thiết chế và quan hệ xã hội, dòng họ, hôn nhân, gia đình, phong tục tập quán trong chu kỳ đời người. Sử Thi là kho tàng dân gian về  buôn làng, nhà cửa, trang phục, ẩm thực, nhạc cụ, phương tiện vận chuyển, vũ khí, là văn hóa tinh thần như quan niệm về thế giới, tín ngưỡng đa thần, lễ hội, nghệ thuật dân gian, và là kinh nghiệm quản lí cộng đồng đó là luật tục. Sử Thi còn chứa đựng nhiều tri thức bản địa phong phú của các tộc người Tây Nguyên về hoạt động mưu sinh, kĩ thuật phát rừng, đốt rẫy, trỉa lúa, xen canh các loại rau quả, bên cạnh cây lương thực chính, làm cỏ, bảo vệ rẫy, thu hoạch.

Sử Thi thuộc thể loại ngữ văn truyền miệng, truyền từ đời này sang đời khác, vùng này sang vùng khác. Đây là cách gọi và cách phân loại truyền thống. Thực tế, Sử Thi có thể được gọi là loại hình diễn xướng bằng hình thức hát kể, trong đó nghệ nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành, lưu truyền, và truyền dạy sử thi.  Một buổi hát kể sử thi cũng còn phải kể đến người thưởng thức, bối cảnh diễn xướng trong không gian gắn liền với văn hóa của cộng đồng như trong nhà rông, trên nhà rẫy.  Mỗi một nghệ nhân hát kể lại thêm thắt, sáng tạo và tái tạo theo tư duy và khả năng riêng của mình tạo nên một dị bản Sử Thi, dựa vào những mẫu hình ngôn từ và chủ đề truyền thống chính của cốt truyện sử thi. Sử Thi được lưu truyền theo phương thức truyền miệng dân gian giữa người dạy và người học thông qua hình thức diễn xướng hát - kể. Khi nghệ nhân hát kể cho cộng đồng nghe, người có trí nhớ tốt và có ý thức học Sử Thi thuộc dần từng đoạn, từng câu chuyện trong sử thi. Nếu người có ý thức học Sử Thi lại sống trong gia đình có nghệ nhân hát kể Sử Thi thì công việc thuận lợi hơn nhiều. Thực tế  cho thấy có hai con đường hình thành nghệ nhân: một là liên quan đến huyết thống – cha ông truyền con cháu nối và hai là con đường ngoài huyết thống, tức tự học (một cách ngẫu nhiên) từ những người xung quanh, có khi ở khá xa nhau. Điểm chung của những nghệ nhân là những người có khả năng hát kể, có trí nhớ và khi được nghe nhiều, sử thi đã “ngấm” vào mình và bắt đầu tham gia hát kể cho mình, cho cộng đồng. Và cứ như vậy, sử thi đã được hình thành, được diễn xướng và lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng những lời hát kể của các nghệ nhân, những “báu vật sống” giữ gìn lịch sử, văn hóa của cộng đồng.

 

Tags

kiểm-kê-di-sảnkom-tumgia-laiđắk-lắkđắk-nônglâm-đồng

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

enim ut tellus elementum sagittis vitae et leo duis ut diam quam nulla porttitor massa id neque aliquam vestibulum morbi blandit cursus risus at ultrices mi tempus imperdiet nulla malesuada

Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015

Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội 

ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095        Fax: (84-24) 35116415

Email: info@vicas.org.vn           Website: http://vicas.org.vn

Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này

 

Edit website