Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
DANH MỤC KIỂM KÊ
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Trò chèo ma dân tộc mường, tỉnh Thanh Hóa
Loại hình: Nghệ thuật trình diễn
Không gian địa lý: Tập trung ở các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Lang Chánh, Như Xuân, Yên Định, Quan Sơn và Quan Hoá của tỉnh Thanh Hoá.
Thời gian tổ chức: Trong đám tang
Chủ nhân của di sản: Là dân tộc Mường ở Việt Nam, người Mường là dân tộc có số dân đông thứ hai sau người Việt ở Thanh Hóa, địa bàn cư trú của họ chiếm hầu hết các vùng núi thấp vùng bán sơn địa của tỉnh Thanh Hóa.
Nhận diện di sản: Hầu hết các vùng người Mường ở Thanh Hóa đều có phường Trò ma. Tên gọi của phường này ở mỗi vùng mỗi khác; huyện Ngọc Lặc gọi là phường Ròong, huyện Bá Thước gọi là phường Trò, huyện Cẩm Thủy gọi là Phường Chèo ma, ở Thạch Thành gọi là phường Chay. Trò ma được tổ chức thành phường, có người đứng đầu, có sự phân công luyện tập và diễn trò dưới sự điều khiển của trùm trò. Phường Trò ma thường có từ 8 đến 12 người tùy tài năng tổ chức và sáng tác nội dung của ông trùm định ra được số người ít hay nhiều.
Nội dung biểu diễn của mỗi phường Trò ma gồm hai phần: Hát và trò diễn. Phần hát gồm có 3 tư thế hát: Hát đứng, hát ngồi và hát vỗ tay. Kết thúc phần hát là đến phần trình diễn trò (gồm các tích trò với nội dung phản ánh mọi sinh hoạt thường ngày của con người như săn bắn, hái lượm, trồng bông, dệt vải, mỗi bài hát được thể hiện rất hài hước để gây cười, tuy nhiên cũng có những bài với nội dung hết sức chân tình chia buồn với tang chủ và dặn hồn người chết (vong) trước lúc về mường ma. Dù hát hay diễn trò phường Trò ma đều sử dụng lối biểu diễn khôi hài cùng ngộ nghĩnh, càng khôi hài càng đạt yêu cầu. Chính vì thế đám tang của người Mường ít bị bi lụy. Tiếng khóc của con cháu, người thân gia chủ ở đây được nhường chỗ cho các phường trò, các ông mo ậu kể chuyện mo trêu thay hồn ma dặn dò cho con cháu. Nội dung bài hát phản ánh mọi sinh hoạt thường ngày của con người từ đi săn đến trồng bông dệt vải, mỗi bài hát được thể hiện rất hài hước để gây cười, tuy nhiên cũng có bài hết sức chân tình chia buồn với tang chủ và dặn hồn vong trước lúc về Mường ma. Tổ chức phường trò ma là một tổ chức tự nguyện bán chuyên nghiệp, cuộc sống chính của các thành viên trong phường là nghề làm ruộng, khi có đám ông khố thổi tù và làm hiệu lệnh, mọi người mới tập chung về nhà khố để đi phục vụ . Các thành viên khác sau ông khố đều là các nghệ nhân cao tuổi, những người này truyền thụ phần hát cũng như dậy cho lớp trẻ thành nghề. Đạo cụ để đi phục vụ đám tang của phường trò gồm: hai chiếc gậy tròn nhỏ ở hai đầu có sơn đen, ở giữa dùng cho trai chèo khi chèo kén, hai chiếc mặt nạ phụ nữ dùng cho hai bà vợ đánh ghen, một lốt hổ lang dùng cho người đóng hổ lang, hai bộ quần áo nẹp xanh dùng cho trai chèo, ông khố mặc áo lương đội mũ ni và một số đạo cụ là cồng, trống cơm, kèn, mõ và trống cái.
Trò ma không chỉ phản ánh một dạng tín ngưỡng, cách quan niệm về thế giới về vũ trụ của người Mường và còn ghi nhận biểu hiện của một nền văn hóa, văn minh lúa nước, lòng yêu thiên nhiên đất nước và tinh thần lao động cần cù của cộng đồng dân tộc Mường Việt Nam.
Tags
kiểm-kê-di-sảnthanh-hóaVIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015
Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095 Fax: (84-24) 35116415
Email: info@vicas.org.vn Website: http://vicas.org.vn
Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này