Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

VN.0098TD Nghệ thuật Xòe Thái

Không gian địa lý: Xòe được thực hành tại các bản của người Thái ở 4 tỉnh  Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên, trong đó có các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ ở tỉnh Yên Bái; các huyệnMộc Châu, Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên,thành phố Lai Châu ở tỉnh Lai Châu; các huyện Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà,Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ ở tỉnh Điện Biên;cáchuyện Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp, Vân Hồ, Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, thành phố Sơn La ở tỉnh Sơn La. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên),Thuận Châu (Sơn La).

Thời gian tổ chức: Xòe thường được biểu diễn trong bắt kể không gian và thời gian nào, trong các nghi lễ như Kin Pang Then, Hết Chá, Xên Lẩu Nó, tiệc vui như đám cưới, lễ mừng nhà mới, trong lễ hội, trong các sự kiện văn hóa của cộng đồng, trong tuần văn hóa các dân tộc ở Tây Bắc.  Theo số liệu kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2018 về các dịp diễn ra múa Xòe, 94,9% các thành viên cộng đồng được hỏi cho biết thường xuyên múa Xòe trong các lễ cưới và lễ mừng nhà mới; 86,2% thường xuyên múa Xòe trong các ngày lễ do chính quyền tổ chức; 70,4% thường xuyên múa Xòe trong các dịp lễ hội truyền thống; các dịp lễ khác cũng thường có múa Xòe như các sinh hoạt đoàn thể (63,6%); theo lịch sinh hoạt của các CLB, đội văn nghệ (60,2%); trong các dịp lễ tiết (54,1%). Tỷ lệ ít hơn trong các lễ cúng truyền thống, chỉ có 12,4% có thường xuyên Xòe trong các lễ cúng; 8,4% có Xòe trong các nghi lễ vòng đời người; đặc biệt hiếm có Xòe trong các lễ tang (hiện nay chỉ còn 3 thôn/bản thuộc huyện Vân Hồ - Sơn La và 2 thôn/bản thuộc thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái là còn thực hành Xòe trong tang ma).

Cộng đồng chủ nhân di sản:

Chủ thể của Nghệ thuật Xòe Thái là cộng đồng người Thái (Thái đen và Thái trắng - phân biệt qua màu sắc trang phục) tập trung đông nhất ở các tỉnh thuộc Tây Bắc Việt Nam (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên); và rải rác ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Những người thực hành Xòe Thái là cộng đồng cư dân người Thái không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị công tác, miễn là có sức khỏe và đủ điều kiện hình thể tham gia sinh hoạt Xòe.

Người tham gia thực hành Xòe Thái nói chung không phân biệt lứa tuổi, thành phần nghề nghiệp, chính trị, giới tính, địa vị xã hội và niềm tin tôn giáo. Với các cuộc Xòe gắn cùng thực hành nghi lễ do Thày/Bà Then tổ chức, người tham gia chủ yếu là các con bệnh được chữa khỏi, đến để tạ ơn thần linh/Then hoặc những người đang gặp hoạn nạn, ốm đau đến dâng lễ và tham dự để cầu cúng.

Nhận diện di sản:

“Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ,trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng.

Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa, v.v. Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.

Các động tác múa cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng, người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau. Các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính, đệm cho múa theo nhịp chẵn 2/4, 4/4 trong những âm điệu đặc trưng của những quãng 2 trưởng, 3 trưởng, thứ, quãng 4,5 đúng. Các động tác múa tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết của tất cả thành viên cộng đồng.

Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát,trang phục áo cóm bó chặt người, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Tháitạo nên một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái ở vùng Tây Bắc.

 

 

Tags

kiểm-kê-di-sản;di-sản-quốc-giaYên-BáiLai-ChâuSơn-LaĐiện-Biên

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

enim ut tellus elementum sagittis vitae et leo duis ut diam quam nulla porttitor massa id neque aliquam vestibulum morbi blandit cursus risus at ultrices mi tempus imperdiet nulla malesuada

Giấy phép số 348/GPSĐBS-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 09/07/2015

Người chịu trách nhiệm chính: PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Địa chỉ: 32 phố Hào Nam - quận Đống Đa - Hà Nội 

ĐT: (84-24) 38569162 - (84-24) 35111095        Fax: (84-24) 35116415

Email: info@vicas.org.vn           Website: http://vicas.org.vn

Ghi rõ nguồn "VICAS" khi phát hành lại thông tin từ website này

 

Edit website