1. Phân loại di sản phi vật thể: Tập quán xã hội, nghi lễ.
2. Không gian địa lý: Người Sán Chay tập trung chủ yếu tập ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang; rải rác ở các tỉnh: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn (Việt Nam).
3. Thời gian tổ chức: Lễ cưới của người Sán Chay thường được tổ chức từ khoảng tháng 9 cho đến tháng 2 dương lịch hàng năm.
4. Cộng đồng chủ nhân di sản: Người Sán Chay
5. Nhận diện di sản: Một trong những bản sắc văn hóa độc đáo được người Sán Chay lưu giữ là tục cưới hỏi. Đó là những nghi thức riêng được thực hiện theo tập quán của dân tộc để mỗi đôi trai gái tạo lập nên một gia đình mới. Đám cưới của người sán Chay thường được diễn ra trong 2 ngày một đêm với rất nhiều thủ tục và nghi lễ khác nhau như lễ đặt trầu, lễ dạm ngõ, lễ đặt ghánh và cuối cùng là lễ rước dâu. Sau khi mọi thủ tục thách cưới, ăn hỏi đã xong, hai họ quyết định chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức đám cưới. Nhà trai cử một ông mối, một đôi nam nữ phù rể cùng chú rể sang nhà gái đón dâu. Nét văn hóa độc đáo trong lễ cưới của người Sán Chay là phong tục giấu cô dâu. Khi nhà trai đến, các cô phù dâu của đoàn nhà gái phải tìm cách che giấu cô dâu. Khi đã tìm được cô dâu, ông mối phải lấy mũ hoặc ô che đầu cho cô dâu rồi đưa vào trong nhà làm lễ. Xưa kia, trong xã hội phong kiến, với những lễ giáo ngặt nghèo, nam nữ Sán Chay không được tự do lựa chọn người bạn trăm năm của mình mà phải tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ. Tuy nhiên, họ cũng có thể tự tìm người bạn đời của mình thông qua các cuộc hát. Theo tập quán của dân tộc, vào những dịp đầu xuân, người Sán Chay ở bản này thường đến bản kia để du xuân và ca hát. Họ có thể đi như thế hàng tuần mà không bị gia đình ngăn cản. Qua những cuộc hát ấy, nhiều đôi nam nữ đã quen nhau, yêu nhau rồi dẫn đến hôn nhân.