kiemkedisan.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn

Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Không gian địa lý: Đến đầu thế kỷ XX, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành ở 49 làng mà cộng đồng xác định là làng quan họ cổ. 44 làng hiện nay thuộc tỉnh Bắc Ninh: Bái Uyên, Duệ Đông, Hạ Giang, Hoài Thị, Hoài Trung, Lũng Giang, Lũng Sơn, Ngang Nội, Vân Khám (huyện Tiên Du); Tam Sơn, Tiêu (huyện Từ Sơn); Đông Mai, Đông Yên (huyện Yên Phong); Bồ Sơn, Châm Khê, Cổ Mễ, Dương Ổ, Đẩu Hàn, Điều Thôn, Đông Xá, Đỗ Xá, Hòa Đình, Hữu Chấp, Khả Lễ, Khúc Toại, Ném Đoài, Ném Sơn, Ném Tiền, Niềm Xá, Phúc Sơn, Thanh Sơn, Thị Chung, Thị Cầu, Thọ Ninh, Thượng Đồng, Trà Xuyên, Vệ An, Viêm Xá, Xuân Ái, Xuân Đồng, Xuân Ổ, Xuân Viên, Y Na, Yên Mẫn (thành phố Bắc Ninh). Có 05 làng thuộc tỉnh Bắc Giang: Giá Sơn, Hữu Nghi, Nội Ninh, Mai Vũ, Sen Hồ (huyện Việt Yên).

Ngoài ra, ở 13 làng: Đình Cả, Đông Long, Khả Lý Thượng, Núi Hiếu, Mật Ninh, Quang Biểu, Tam Tầng, Thần Chúc, Tiên Lát Hạ, Tiên Lát Thượng, Thổ Hà, Trung Đồng, Vân Cốc (huyện Việt Yên) của tỉnh Bắc Giang, Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng được thực hành. Đây là những làng nằm trong vùng lan tỏa của di sản này.

Thời gian tổ chức: Hát quan họ vào mùa xuân, thu khi có lễ hội, khi gặp gỡ bạn bè cũng như trong ngày thường, trong nhà, đình làng, chùa, trên hồ, sông và trên đồi Lim.

Trong số các lễ hội làng quan họ, hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) mở vào 13 tháng giêng âm lịch, là hội lớn nhất.

Cộng đồng chủ nhân di sản: Chủ nhân của Dân ca Quan họ Bắc Ninh là người Việt (Kinh) cư trú ở hai tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hiện nay, sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và nghề thủ công.Các làng quan họ nằm hai bên bờ sông Cầu, cách thủ đô Hà Nội về phía Bắc khoảng hơn 30km. Các làng này quy tụ gần nhau trong một không gian với diện tích chừng 60km2.

Nhận diện di sản: Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát thi lấy giải, hát đối câu, đối chữ, đối lời trong hát canh của cộng đồng người Việt (Kinh) ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sáng tạo nên.

Nét đặc trưng của Quan họ chính là những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm. Hát quan họ không chỉ đòi hỏi hát tròn vành, rõ chữ, mượt mà, duyên dáng, bằng nhiều kỹ thuật như: rung, ngân, luyến, láy mà còn phải hát nảy hạt. Kỹ thuật “nảy hạt” trong “vang, rền, nền, nẩy” của các nghệ nhân quan họ, tuy có nét chung với lối hát chèo và ca trù nhưng lại rất riêng, khó lẫn. Các nghệ nhân chính là những bậc thầy dân gian thực hành việc sáng tạo, lưu giữ và trao truyền vốn di sản quý báu đó cho các thế hệ mai sau nên rất xứng đáng được tôn vinh. 

Báo cáo kiểm kê về di sản: Dân ca Quan họ Bắc Ninh

BÁO CÁO TỔNG QUAN KIỂM KÊ KHOA HỌC

DI SẢN DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH

1. Mục đích điều tra- kiểm kê:

Cuộc điều tra- kiểm kê được thực hiện nhằm mục đích chính là:

- Khảo sát và đánh giá thực trạng sinh hoạt văn hóa quan họ cổ truyền ở Bắc Ninh (44 làng Quan họ) theo các tiêu chí kiểm kê di sản văn hóa của UNESCO. Kết quả khảo sát sẽ góp phần nhận diện rõ nét hơn không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ vùng Kinh Bắc xưa và nay:

- Tiếp tục triển khai hoạt động sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa quan họ và kiểm kê di sản văn hóa thường kỳ như đã tiến hành từ nhiều năm trước đây.

- Nhận diện ở một mức độ nhất định số lượng/đội ngũ những người thực hành di sản quan họ cùng số lượng dữ liệu quan họ đang được thực hành tại các làng quan họ ở Bắc Ninh trong thời điểm hiện tại.

- Nhận diện ở một mức độ nhất định số lượng những bài quan họ đang được thực hành tại các làng quan họ.

- Kiểm kê các di tích văn hóa tín ngưỡng và các lễ hội tại các làng quan họ.

- Thu thập cứ liệu khoa học phục vụ công tác xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

2. Địa bàn điều tra, kiểm kê:

Huyện Tiên Du – Bắc Ninh

Xã Liên Bão (3 làng)

1.     Làng Hoài Thị (Bịu Sim)

2.     Làng Bái Uyên (làng Bưởi)

3.     Làng Hoài Trung (làng Bịu Giữa, Bịu Quan)

Thị trấn Lim (3 làng)

4.     Làng Lũng Giang (làng Lim)

5.     Làng Duệ Đông (làng Bắc Hợp, Giáo phường)

6.     Làng Lũng Sơn (Liễu Giáp)

Xã Hiên Vân (2 làng)

7.   Làng Vân Khám (Khám)

8.   Làng Ngang Nội (làng Ngang, Hiên Ngang)

Xã Phú Lâm (1 làng)

10.  Làng Hạ Giang

Huyện Từ Sơn

Xã Tam Sơn: (1 làng)

          10. Làng Tam Sơn (xưa tên làng Giỏ)

Xã T­ương Giang: (1 làng)

11.Làng Tiêu (hiện không còn dấu vết sinh hoạt quan họ).

Nhóm điều tra lực chọn làng Hồi Quan (cùng trong không gian văn hóa của làng Tiêu.

Huyện Yên Phong

Xã Trung Nghĩa: (1 làng)

          12. Làng Đông Mơi (xưa tên là Đông Mai)

Xã Đông Phong: (1 làng)

          13. Làng Đông Yên (xưa tên là Đông Khang)

Tp.Bắc Ninh

Xã Khắc Niệm: (3 làng)

14. Làng Ném Đoài (xưa tên nôm là Trại Tè)

15. Làng Ném Sơn ( xưa tên là Niệm Thượng, Hồ Sơn)

16. Làng Ném Tiền ( xưa tên nôm là Cổ Niệm, Niệm Tiền)

- Xã Võ C­ường: (4 làng)

          17. Làng Xuân ổ (làng ó) – Nay chia thành Xuân ổ A, Xuân ổ B.

          18. Làng Khả Lễ (làng Sẻ)

          19. Làng Hoà Đình (làng Nhồi Đình, Nhồi)

          20. Làng Bồ Sơn (Bò)

- Ph­ường Ninh Xá: (1 làng)

          21. Làng Đỗ Xá (Đọ)

- Ph­ường Kinh Bắc: (4 làng)

          22. Làng Niềm Xá (Niềm)

          23. Làng Yên Mẫn (Yên Giữa)

          24. Làng Thị Chung (làng Yên Xá,Yên Chợ)

          25. Làng Y Na (làng Nưa)

- Xã Vũ Ninh: (3 làng)

          26. Làng Cổ Mễ (Cô Mễ)

          27. Làng Phúc Sơn (làng Bãi Cát)

          28. Làng Thanh Sơn

- Ph­ường Vệ An: (1 làng)

          29. Làng Vệ An (làng Vệ)

- Ph­ường Thị Cầu (1 làng)

          30. Làng Thị Cầu

- Xã Hoà Long (6 làng)

31.Làng Hữu Chấp ( xưa tên Kẻ Chắp, làng Chấp)

32.Làng Viêm Xá (làng Diềm)

33.Làng Đẩu Hàn (làng Đô Hàn)

34.Làng Xuân ái (làng Xói Vải, làng Xói)

35.Làng Xuân Đồng (xưa là làng Đồng Mật, Xuân Lôi)

36.Làng Xuân Viên (thôn Xuân Vinh, thôn Vườn Hồng, thôn V­ườn Xuân)

- Xã Vạn An: (3 làng)

37.Làng Thư­ợng Đồng (làng Lẫm)

38.Làng Đương Xá (Đặng Xá, Đặng)

39.Làng Thụ Ninh ( Làng Thọ Ninh, làngThụ)

- Xã Khúc Xuyên: (2 làng)

40. Làng Khúc Toại (làng Chọi)

41.Làng Trà Xuyên (làng Trà, làng Chọi Hai)

- Xã Phong Khê: (3 làng)

42.Làng Châm Khê (làng Bùi Xá)

43.Làng Đào Xá (làng Điều Thôn, làng Đầu)

  44.Làng Dư­ơng ổ (làng Đống Cao, tục gọi làng Đổng)

Các làng quan họ bắc sông Cầu: Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Thị trấn Nếnh:

     45. Làng Sen Hồ (làng Liên Hồ).

Xã Ninh Sơn:

          46. Làng Nội Ninh (trước đây mang các tên Sương Vương,Ninh Khánh, Gia).

          47. Làng Mai Vũ (làng Mai Đường).

          48. Làng Hữu Nghi (trước đây gọi là làng Hữu Lân).

          49. Làng Giá Sơn.

Việc lựa chọn các thành viên trong làng để tiến hành thảo luận cộng đồng, cung cấp tư liệu kiểm kê di sản văn hóa quan họ (định tính, định lượng) dựa trên một số căn cứ chủ yếu:

- Các nghệ nhân cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên) hát quan họ. Đây là lực lượng chính giữ vị trí nối kết sinh hoạt văn hóa quan họ truyền thống với sinh hoạt văn hóa trong giai đoạn lịch sử đương đại tại các làng quan họ. Nếu tính từ giai đoạn 1945 đến 1954, những thế hệ “chơi quan họ” cuối cùng (ở lứa tuổi 10-12 bắt đầu học hát và tham gia sinh hoạt quan họ truyền thống) thuần tuý theo lề lối cổ trước khi quan họ bị cấm sinh hoạt cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, thì đến nay, lực lượng này tối thiểu cũng đã thuộc lứa tuổi 70 hoặc 75 trở lên. Sự tồn tại và hiện diện của các thế hệ này là minh chứng cho sự liền mạch trong sinh hoạt quan họ truyền thống ở các làng quan họ cổ.

- Đại diện những người yêu thích Quan họ và am hiểu về Quan họ trong làng.

- Đại diện các lứa tuổi trung niên, thanh niên, thiếu niên biết hát quan họ, đã và đang được các nghệ nhân trao truyền nguồn di sản này.

- Đại diện những người phụ trách Câu lạc bộ Quan họ của các làng Quan họ.

- Đại diện chính quyền địa phương và người phụ trách công tác quản lý văn hóa.

Các làng thuộc đối tượng điều tra kiểm kê đều thuộc diện được công nhận là làng quan họ gốc và nằm trong khu vực vốn có điều kiện tự nhiên tương đồng, cụ thể là nằm trên thềm phù sa cổ phía nam sông Cầu và 5 làng thuộc phía bắc sông Cầu(vùng nhiều gò nổi, núi đồi thấp, ruộng trũng, sông suối, ao hồ). Kinh tế của các làng cách đây khoảng chục năm về trước chủ yếu dựa vào nguồn thu nông nghiệp. Dân c­ư có nguồn gốc hình thành từ lâu đời. Tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng thuộc hình thức đa thần, trong đó tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ thành hoàng và Phật giáo rất đậm nét.

Nhìn về nguồn gốc lịch sử, vùng đất phía nam sông Cầu là địa bàn tụ cư của người Việt cổ, không có sự đan xen tụ cư của các tộc người khác. Đặc điểm này tạo ra sự khác biệt so với vùng đất phía Bắc sông Cầu. Do vùng đất này trải qua quá trình hình thành lâu dài và lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử và văn hóa quan trọng nên mật độ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phân bố khá đậm đặc. Nhiều biểu hiện cho thấy những di sản văn hóa lâu đời này được hình thành liên tục qua các thời kỳ lịch sử. Từ vài thập niên trở lại đây, vùng đất Bắc Ninh có không ít sự biến đổi môi trường sinh thái và môi trường nhân văn. Cụ thể là, nhiều khu công nghiệp mọc lên đã lấn chiếm khá rộng diện tích đất canh tác và thổ cư của người dân vốn quen với nghề nông. Nhiều làng Quan họ xưa kia vốn gốc nhà nông, hiện nay đã chuyển đổi nghề nghiệp, trở thành các làng nghề thủ công hoặc buôn bán lẻ., thể hiện rõ nhất tại địa bàn thành phố Bắc Ninh và các thị trấn Từ Sơn, Tiên Du. Khá nhiều làng quan họ vốngắn nghề nông với nghề thủ công phát triển thành làng nghề thuần tuý. Một số làng do cơ cấu hành chính đã tách chia thành 2 làng (trường hợp Xuân ổ) hoặc thành các khu phố khác nhau (Làng Ninh Xá).

Với các làng quan họ phía bắc sông Cầu, cho đến nay các nhà nghiên cứu đã xác định có 5 làng liền kề ven các dãy núi Kẻ, núi Nội, núi Phượng Hoàng, thuộc địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nhiều bọn hát quan họ của 5 làng này xưa kia thường vượt sông Cầu sang các làng phía nam kết chạ hoặc kết bạn quan họ. Điều khác biệt với các làng phía nam là: các làng quan họ bắc sông Cầu đều thuần nông, quen trồng lúa nước. Thuở xa xưa, có một vài làng thêm nghề trồng dâu nuôi tằm, dết vải phục vụ cho nhu cầu gia đình.

3. Ph­ương pháp thực hiện

Phương pháp được sử dụng để thu thập thông tin gồm phỏng vấn bảng hỏi, phỏng vấn sâu, và tập trung thảo luận nhóm, dựa trên các tiêu chí do UNESCO yêu cầu kết hợp phương pháp điều tra dân tộc học.

4. Một số thuận lợi và khó khăn:

Có nhiều thuận lợi đối với nhóm điều tra – kiểm kê: Đó trước hết là sự nhiệt tình giúp đỡ và tham gia thảo luận, cung cấp thông tin của các nghệ nhân và đông đảo các thành viên của các CLB Quan họ tại tất cả các làng Quan họ. Sự giúp đỡ của các cấp quản lý văn hóa và chính quyền địa phương, đặc biệt là các trưởng thôn.

* Khi thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã gặp phải một số khó khăn:

 - Hầu hết những người biết hát và am hiểu quan họ cổ tuổi đã quá cao, sức khỏe yếu, trí nhớ không còn minh mẫn.

 - Nhiều tập tục sinh hoạt quan họ bị mai một so với thời kỳ cách đây vài chục năm, thậm chí dăm bảy năm. Sự tiếp nối giữa các thế hệ bị ngắt quãng do chiến tranh và điều kiện xã hội.

- Hầu hết các làng quan họ đều có các di tích văn hóa-tín ngưỡng như đình, đền, chùa,... Nhưng đa số các di tích này hoặc là bị xuống cấp hoặc đã bị khôi phục tân trang lại, không ít dấu vết cổ kính đã bị xóa nhoà hoặc bị hiện đại hóa. Việc sử dụng các địa điểm này cho sinh hoạt quan họ không còn như xưa, chủ yếu chỉ vào các ngày hội làng. Sinh hoạt quan họ thường nhật lại diễn ra ở các nhà văn hóa thôn.

- Do thời gian thực hiện dự án gấp và địa bàn lại rộng nên việc tập hợp tư liệu gặp nhiều khó khăn.

- Không gian văn hóa và môi trường sinh hoạt có nhiều thay đổi và bị tác động toàn diện từ hoàn cảnh xã hội và điều kiện sống. Với các làng quan họ nam sông Cầu, nhiều làng quan họ được nhập vào không gian quản lý hành chính của thành phố Bắc Ninh, thay đổi tên gọi thành các khu phố, nghề nghiệp chuyển từ nông nghiệp thành làng nghề thủ công nghiệp, nhiều hộ gia đình chuyển thành các hộ buôn bán nhỏ. Một số làng bị tách ra thành các làng nhỏ hoặc các khu phố. Cụ thể là:

- 14 làng quan họ vốn thuộc huyện Yên Phong được nhập vào thành các phường hoặc khu phố của thành phố Bắc Ninh.

- 3 làng quan họ của huyện Tiên Du được nhập vào thành phường hoặc khu phố của thành phố Bắc Ninh (xã Khắc Niệm).

- Làng Tiêu( thuộc xã Tương Giang, huyện Yên Phong) hiện nay, qua điều tra (các năm 2005 và 2008), không còn dấu vết của sinh hoạt quan họ. Trong khi đó, làng Hồi Quan cùng xã lại có truyền thống sinh hoạt quan họ từ xưa, hiện đang hoạt động sôi nổi, được chọn để điều tra-kiểm kê.

 Những khó khăn được dẫn ra trên đây đã phần nào ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu, đặc biệt là việc thẩm định hệ thống giọng điệu, bài bản quan họ cổ, các nghi lễ – tín ngưỡng liên quan đến quan họ, đội ngũ những người thực hành di sản quan họ tại từng làng cùng các di tích văn hóa-tín ngưỡng có liên quan đến quan họ hoặc không được khôi phục, hoặc xuống cấp nghiêm trọng, không còn được chọn là địa điểm cho sinh hoạt quan họ tại từng làng.

5. Kết quả điều tra:

- 2 bộ tư liệu gốc là phiếu điều tra – kiểm kê từ các làng quan họ phía nam và phía bắc sông Cầu.

-1 bộ 6 tập tư liệu thống kê danh sách những người thực hành di sản quan họ tại các làng (phân theo 6 hạng lứa tuổi).

- 2 bộ tư liệu thống kê các di tích văn hóa – tín ngưỡng tại các làng quan họ.

- 1 bộ tư liệu thống kê các bài quan họ hiện đang được thực hành tại các làng.

- 2 bộ tư liệu thống kê quan hệ sinh hoạt quan họ trong không gian văn hóa (quan hệ kết chạ, quan hệ giao lưu quan họ).

- 2 bộ tư liệu điều tra sơ bộ về các điều kiện kinh tế, dân cư và các điều kiện văn hóa xã hội tại các làng quan họ.

6. Một số kết quả cụ thể rút ra từ cuộc điều tra

Các tư liệu thu thập được từ cuộc điều tra bao gồm nhiều nội dung, có thể chia thành 2 mảng chính: tư liệu định lượng (chủ yếu sử dụng phương pháp định lượng như phỏng vấn bảng hỏi, thống kê… để thu thập tư liệu) và tư liệu định tính (được thu thập bởi các phương pháp thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu, hồi cố và các phương pháp khác).

Nguồn tư liệu được tập hợp ở đây xuất phát từ những thông tin ghi nhận được thông qua việc thảo luận nhóm tại các làng quan họ (chủ yếu theo danh sách đã công nhận làng quan họ lâu nay). Riêng trường hợp làng Tiêu vốn có tên trong danh sách làng quan họ cổ nhưng thực tế kiểm kê cho thấy, làng này không còn dấu vết của sinh hoạt quan họ. Trong khi đó, theo giới thiệu của cán bộ quản lý văn hóa xã Tương Giang, làng Hồi Quan cạnh đó đã và đang có phong trào sinh hoạt quan họ, có nhiều thế hệ chơi quan họ lâu nay nhưng không được quan tâm tìm hiểu. Do đó, chúng tôi tổ chức điều tra-kiểm kê bước đầu làng quan họ này, thay cho vị trí của làng Tiêu.

6.1.Về đặc điểm của di sản quan họ:

Các thông tin tiếp nhận nhìn từ phạm vi đặc điểm của di sản, có thể nhận diện khái quát ở một số mặt sau:: a/ Những người tham gia sinh hoạt quan họ; b/ Các hoạt động sinh hoạt quan họ hiện nay; c/ Hoạt động truyền dạy quan họ ở các làng được xác định là làng quan họ cổ; d/ Xu hướng thị hiếu của người hát quan họ hiện nay; và e/ Hệ thống bài bản quan họ.

a. Những người tham gia sinh hoạt quan họ:

- Theo số liệu thống kê, những người tham gia sinh hoạt quan họ tại 49 làng Quan họ có sự không đồng đều về tỉ lệ giới tính: nữ nhiều gấp 2 lần nam (có một vài làng tỉ lệ cân bằng nhau).

- Độ tuổi người hát quan họ theo tỷ lệ đã khảo sát được là:

Số liệu cụ thể các nhóm tuổi là:

+ Có năm sinh từ  1911 đến 1930 (độ tuổi từ 98 đến 78): khoảng 8 đến 10 %.

+ Có năm sinh từ  1931 đến 1945 (độ tuổi từ 77 đến 64): khoảng 18 - 22 %.

+ Có năm sinh từ  1946 đến 1954 (độ tuổi từ 63 đến 53): khoảng 23-25 %.

+ Có năm sinh từ  1955 đến 1975 (độ tuổi từ 52 đến 33): khoảng 33-35 %.

+ Có năm sinh từ  1976 đến 1980 ( độ tuổi từ 32 đến 28): khoảng  5 - 7%.

+ Có năm sinh từ  1981 đến 1990 (độ tuổi từ 27 đến 20/18): khoảng 5 - 7%.

- Nhìn chung những ngư­ời hát quan họ có trình độ học vấn thấp: khoảng 40 % học hết cấp I;  50% học hết cấp II.

- Thu nhập trung bình hàng năm của những ng­ười tham gia sinh hoạt quan họ tại các làng quan họ thuần nông nhìn chung còn thấp (các làng quan họ thuộc huyện Tiên Du và 4 làng phía bắc sông Cầu). Các làng gắn với nghề thủ công, buôn bán (thuộc thành phố bắc ninh) đa số đều có mức sống cao, điều kiện sinh hoạt tốt hơn các làng thuần nông.

- Nhìn chung, các thế hệ biết hát quan họ không đồng đều:

+ Thế hệ học hát quan họ cách đây trên 50 năm có tỉ lệ chênh lệch lớn với các lớp quan họ học hát kế tiếp (thấp hơn một nửa).

+ Lớp quan họ mới học hát cách đây 10 năm chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 30%).

+ Nhóm đông nhất (nếu tính gộp lại) là nhóm học hát cách đây từ 10 đến 30 năm.

Tuy nhiên, có dấu hiệu đáng mừng là việc học hát quan họ có xu h­ướng ngày càng tăng.

bCác hoạt động sinh hoạt quan họ hiện nay :

- Hiện nay, khoảng 85% ng­ười đư­ợc hỏi biết hát quan họ vẫn tham gia sinh hoạt quan họ.

- Qua kết quả điều tra về tục kết bọn quan họ, hoàn cảnh kết bạn giữa những ng­ười hát quan họ chủ yếu là do cùng sinh hoạt trong đội văn nghệ thôn (24.6%); cùng học chung thầy (13.2%) và quen biết khi rủ đi chơi hát quan họ (10.8%).

- Tại các làng quan họ hiện nay có 4 hình thức sinh hoạt văn hóa thu hút đông ng­ười hát quan họ tham gia là:

Hát mừng thọ.

+ Hát trong Hội làng.

Hát trong dịp sinh hoạt đội/CLB văn nghệ thôn định kỳ

Thi hát quan họ.

Các hình thức sinh hoạt có mức độ tham gia thấp hơn là: hát trong hội họp, mít tinh, hát trong lễ hội do chính quyền tổ chức, hát đám c­ưới, hát đón khách

+ Hầu hết các làng không tổ chức hát trong ngày tang ma, nhưng có hát trong ngày giỗ chạp.

Sinh hoạt quan họ hiện nay chủ yếu diễn ra trong phạm vi làng. Thống kê các tr­ường hợp tham gia hát quan họ, nhóm nghiên cứu nhận thấy địa điểm trong làng chiếm cao nhất vào các thời gian:

-         Hát trong thời gian diễn ra lễ hội (43.5%).

-         Hát sinh hoạt đội/CLB (44%).

-          Hát trong hội họp (22%).

-         Hát đám cư­ới (21%).

-         Hát mừng thọ (20.2%).

-         Hát dịp  tết Nguyên Đán(16.7%).

Những địa điểm khác có xuất hiện sinh hoạt quan họ ít hơn lần lư­ợt là xã,  huyện và ngoài tỉnh.

- Nhìn chung, sinh hoạt hát quan họ trong lễ hội vẫn còn có ảnh hưởng nhất định đến sự phổ biến dân ca quan họ trong vùng. Hình thức sinh hoạt này chủ yếu diễn ra vào mùa xuân (tỷ lệ người hát quan họ tham dự là 65%), trùng với lịch lễ hội của các làng trong vùng. Với các hội vùng, liên làng, sinh hoạt quan họ vẫn được duy trì ở một mức độ nhất định, đặc biệt là các làng có truyền thống kết chạ hoặc giao lưu với nhau từ xưa.

- Hầu như ở tất cả các làng đều tổ chức thành lập và duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ quan họ thường kỳ tại Nhà văn hóa thôn. Tham gia vào sinh hoạt câu lạc bộ này bao gồm nhiều lứa tuổi, thành phần, trình độ học thức, vị trí xã hội, trong đó có sự hiện diện của các hội đoàn (hội Người cao tuổi, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh).

  c. Hoạt động truyền dạy quan họ ở các làng hiện nay:

- Về học hát quan họ, những ng­ười học hát th­ường có được kiến thức và kỹ năng từ 2 nguồn cung cấp chính:

+ Ng­ười cùng làng (chiếm vị trí chủ yếu).

+ Người từ nhiều địa phương khác (Nhóm hỗn hợp): cùng xã + huyện + tỉnh .

- Khoảng 30% người được hỏi cho biết họ học hát quan họ từ nhà t­ư nhân (NR); 30% học tại nhà t­ư kết hợp với ph­ương tiện nghe nhìn; 40% học tại nhà t­ư kết hợp với học ở trư­ờng lớp hoặc câu lạc bộ.

- Phư­ơng pháp học chủ đạo của người tham gia sinh hoạt quan họ ở các làng điều tra là truyền khẩu.

- Khi hỏi về nguyện vọng bảo tồn quan họ, tất cả những ngư­ời đư­ợc hỏi đều muốn con cháu họ tiếp nối học hát. Các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho biết người học hát từ họ chủ yếu là ng­ười trong gia đình, dòng họ.

- Phư­ơng pháp người cao niên, nghệ nhân dạy cho lớp trẻ chủ yếu là truyền khẩu (uốn nắn từng câu qua thực hành hàng ngày theo cách thức truyền thống). Có khoảng 65% ng­ười làm theo phương pháp này. Bộ phận còn lại dạy hát quan họ cho lớp trẻ thông qua truyền khẩu kết hợp sách, giáo trình (20%), ph­ương tiện nghe nhìn…

d. Xu hướng thị hiếu của người hát quan họ hiện nay:

- Khi hỏi về tiêu chuẩn người hát hay, khoảng 65% ng­ười hát quan họ được hỏi cho rằng hát hay là phải đúng theo giọng cổ. Khoảng 32% lại cho rằng hát quan họ hay là hát đúng theo lối cải biên. Một tỉ lệ nhỏ (3%) cho rằng phải kết hợp cả hai lối giọng trên.

- Hiện nay, càng ngày càng có nhiều ng­ười hát quan họ thích sử dụng nhạc đệm: khoảng 50 % đồng ý sử dụng (lý do chủ yếu là do lớp trẻ chiếm số lượng đông).

Trong các loại nhạc cụ đệm cho hát quan họ, loại nhạc cụ được ­ưa thích nhất là nhạc cụ dân tộc (khoảng 70% đồng ý với điều này).

Tuy nhiên, tỷ lệ ng­ười thích nhạc cụ ph­ương Tây cũng khá cao (khoảng 30%) và chủ yếu là lớp trẻ.

Về động cơ tham gia thi hát quan họ, 78% ngư­ời đ­ược hỏi thích tham gia thi để học hỏi và giao l­ưu với các quan họ bạn. 22% số ng­ười khác không thích hình thức này vì cho rằng mình đã già yếu hoặc không thích cách tổ chức thi hát.

e. Hệ thống bài bản quan họ:

- Các bài quan họ l­ưu truyền hiện nay có thể chia theo  2 nhóm:

+ Nhóm bài hát đã đư­ợc s­ưu tầm và công bố (tư liệu của nhạc sĩ Hồng Thao), sau đó được sử dụng làm giáo trình giảng dạy ở đoàn quan họ Bắc Ninh hoặc được các CLB tổ chức dạy và lưu truyền.

+ Nhóm bài hát do các nghệ nhân hoặc người cao tuổi còn nhớ và truyền cho con, cháu hoặc người làng, số ít người từ nơi khác về xin theo học.

- Về các làn điệu quan họ, hiện nay ở địa phương tồn tại:

+ Cách gọi phổ biến trong những nhóm hát quan họ (khi miêu tả giọng) làsổng và bỉ. Khá nhiều người thuộc lớp trẻ nghĩ rằng mỗi bài quan họ là một giọng. Theo điều tra, gần như hiện nay chỉ có các nghệ nhân tại các làng nổi tiếng như Diềm, Hoài Thị, Thị Cầu là phân định rõ cách hiểu về hai loại giọngSổng và Bỉ.

Theo các nghệ nhân cao niên (cụ Ngô Thị Nhi - 86 tuổi làng Diềm, Nguyễn Thị Bạn - 76 tuổi làng Diềm, Nguyễn Văn Bảo - 87 tuổi làng Thị Cầu,...), giọng bỉ thể hiện ở các cặp bài hát đối quen được gọi là giọng vặt . Tên câu hát đầu tiên là tên của loại giọng đó. Vì vậy, giọng bỉ bao gồm những bài giọng vặt  và giọng giã bạn.

Với giọng Sổng, lại có quy định chặt chẽ ở từng loại bài. Giọng Sổng là loại giọng Lề lối, có khoảng vài chục gịong, thường là giọng cổ, khó hát, đòi hỏi kỹ thuật cao. Ví dụ: giọng Hừ la, La rằng, Tình tang, Đường bạn, Cái ả, Phong thư, Bóc thư, Trình thư, Giọng thơ, Năm cung, Bảy cung, Thạp cung, Năm canh kép, Suông hời, Trèo lên núi,...

+ Có nhóm hát biết nhiều tên giọng và hát được trên 100 bài theo lối cổ (bọn quan họ làng Diềm, Hoài Trung, Hoài Thị,...). ở các nhóm này, việc gọi tên các giọng quan họ tương tự như ở các làng kết nghĩa/chạ.

+ Có nhóm hát sử dụng một số bài quan họ dị bản với nơi khác và cho rằng nó được người làng mình sáng tác trước đây (Làng Thị Cầu, Làng Diềm).

+ Đặc biệt, có nhóm hát tuy thuộc nhiều bài quan họ cổ nhưng hầu như­ không còn nhớ tên giọng nào ( đây chủ yếu thuộc các đội quan họ mới tổ chức cách đây chục năm, các thành viên đa số là người ở độ tuổi 20 đến 50). Qua điều tra, nhóm nghiên cứu nhận thấy, hiện nay ở các làng có truyền thống sinh hoạt quan họ, số người biết hát quan họ cổ giảm sút nhiều so thời kỳ trước (cách đây 20 năm). Rất ít nghệ nhân còn nhớ hoặc thuộc nhiều bài. Một số nghệ nhân còn nắm vững những kỹ thuật hát các bài khó nh­ưng không mang tính hệ thống hoặc do sức khỏe, tuổi tác cao nên khó thực hành.

+ Phần lớn các nghệ nhân trên 70 tuổi vẫn còn hát được lối quan họ cổ, không hát kèm nhạc đệm.Một số nhóm quan họ trẻ đã bắt đầu kế tục được thế hệ quan họ lớp trước hát đ­ược lối cổ, nhưng đôi khi sử dụng nhạc đệm .

          6.2.Về những thành phần hữu hình gắn với di sản quan họ:

-      Trong số 49 làng được khảo sát kiểm kê, hầu hết các làng quan họ đều có những di tích văn hóa-tín ngưỡng, trong số đó đa số được sử dụng cho sinh hoạt quan họ vào các dịp hội làng, hoặc lễ tiết lớn trong năm. Thống kê sơ bộ : Tại 49 làng quan họ thuộc bắc Ninh và huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, hiện nay có 47 ngôi đình, 42 ngôi chùa, 16 ngôi đền, 3 nghè và 7 miếu. Trong đó nơi diễn ra sinh hoạt quan họ chủ yếu gắn với chùa, sau đó là đình vàđền.

-      Thực tiễn cho thấy: Hiện nay, tại các di tích văn hóa tín ngưỡng chùa và đình (hoặc đền), sinh hoạt quan họ chỉ chủ yếu diễn ra vào dịp hội làng hoặc các dịp lễ tiết lớn trong năm. Sinh hoạt thường kỳ/thường xuyên của các câu lạc bộ quan họ lại diễn ra tại nhà văn hóa của thôn (gần 100 % số thôn có nhà văn hoá).Khai cuộc cho các buổi sinh hoạt hát quan họ ở chùa hoặc đình bao giờ cũng thực hiện nghi lễ cúng tế truyền thống. Đồ tế lễ thường đơn giản (hoa quả, tiền vàng, hương, rượu).

-      Cơm quan họ nói chung không có gì đặc biệt so với cung cách ẩm thực của vùng đồng bằng Bắc bộ (thường bao gồm thịt gà, thịt lợn, cá, rau,...).

-      Tục kiêng/hèm đa số ở các làng không có. Riêng làng Hữu Chấp có tục khi nấu miến kiêng cắt thành từng đoạn (người dân cho rằng nếu cắt miến ra từng đoạn cho người quan họ ăn, khi hát dễ bị vấp hoặc giọng không mượt, tiếng hát không hay !).

-      Trang phục quan họ đơn giản hơn so với truyền thống: hầu như không có trang sức truyền thống (khuyên, xà tích, yếm, khăn,...). Y phục quan họ chỉ chủ yếu được sử dụng trong kỳ lễ hội hoặc lễ tiết đặc biệt. Điều dễ nhận thấy là, các loại trang phục, trang sức truyền thống được người quan họ dùng, chủ yếu lại được cung cấp từ các địa phương không có truyền thống hát quan họ hoặc từ thị tứ (Bắc Ninh) và các làng nghề của Hà Tây (làng Chuông, làng Vạn Phúc), Hà Nội (Hàng Trống, Hàng Buồm),...

6.3.Về các tổ chức có liên quan đến sinh hoạt quan họ:

-      Các hội và đoàn thể ở địa phương đều quan tâm đến việc duy trì sinh hoạt quan họ, phục vụ cho đời sống tinh thần của dân cư trong làng, đặc biệt là Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ.

-      Hầu hết các thôn/làng đều thành lập câu lạc bộ quan họ hoặc đội hát quan họ. Đây là tổ chức sinh hoạt văn hóa mang tính tự nguyện, quy tụ những người có khả năng hát quan họ hoặc lớp trẻ muốn được học hát quan họ. Kinh phí phục vụ cho sinh hoạt (mua trầu cau, thăm hỏi trong các hoàn cảnh hiếu – hỷ) đều do các thành viên đóng góp. Sự giúp đỡ, tài trợ của chính quyền, các doanh nghiệp,... chỉ mang vai trò động viên, phụ trợ.

-      Ngành văn hóa thông tin cấp xã và huyện đều quan tâm, tổ chức các cuộc thi hát quan họ vào dịp đầu xuân, tổ chức sinh hoạt quan họ của các câu lạc bộ trong làng.

-      Trong khoảng trên dưới chục năm gần đây, một số cán bộ của tổ chức UNESCO Việt Nam đã về một số làng quan họ Bắc Ninh tiến hành đầu tư kinh phí và tổ chức các lớp học quan họ cổ, tổ chức sinh họat quan họ cho dân làng.

6.4.Về tình trạng của di sản quan họ:

-    Đa số thanh thiếu niên  ngại học những bài quan họ cổ, dù trong gia đình có người hát quan họ lâu năm.

-    Giới trẻ đa số thích hát quan họ có nhạc đệm, thiên về biểu diễn hơn là sinh hoạt thường ngày.

-    Tại các câu lạc bộ: Kinh phí phục vụ cho sinh hoạt quan họ chủ yếu do các thành viên đóng góp, điều đó gây ra hạn chế cho sự phong phú và đa dạng của sinh hoạt quan họ, không tạo ra sự động viên thiết thực cho môi trường sinh hoạt văn hóa này.

-    Hầu hết các địa phương (huyện, xã) chủ yếu dừng ở mức động viên phong trào hát quan họ bằng tinh thần, thiếu sự quan tâm vật chất, không có chế độ đãi ngộ các nghệ nhân và phong trào nói chung.

-    Không gian văn hóa làng có nguy cơ bị phá vỡ ở 2 phần 3 số làng quan họ Bắc Ninh. Tính chất đô thị hóa đã và đang gây ra sự tiếp biến văn hóa, làm biến đổi môi trường nhân văn và do vậy, không gian văn hóa truyền thống của quan họ tất yếu thay đổi theo. Thể hiện cụ thể: Hoạt động duy trì kết chạ đã và đang có nguy cơ không được tiếp nối, cung cách ăn mặc, quan hệ theo xu hướng hiện đại. Đã và đang có dấu hiệu thương mại hóa quan họ thông qua hình thức dịch vụ, sân khấu hóa tại các tụ điểm lễ hội.

- Không gian sinh hoạt quan họ hiện nay chủ yếu là nhà văn hóa thôn/làng, thể hiện rõ nhất ở các làng quan họ thuộc Bắc Ninh. Thực trạng này làm cho môi trường sinh hoạt văn hóa  quan họ bị suy giảm các yếu tố truyền thống, cung cách thực hành dần dần bị biến tướng như một buổi sinh hoạt văn nghệ thuần tuý.

- Hầu hết các làng/thôn quan họ trước đây đều có tục kết chạ với các làng/thôn khác cùng huyện hoặc khác huyện và thường có những giao lưu gắn kết trong việc qua lại hát quan họ với nhau.  Truyền thống kết chạ mang ý nghĩa truyền thống tích cực đó hiện nay ở khá nhiều làng bị phá bỏ hoặc đứt quãng, không duy trì hoặc giao lưu rất ít (chủ yếu chỉ còn gặp nhau trong mỗi dịp hội làng). Nguyên nhân của sự đứt quãng hoặc chấm dứt này có lẽ do hoàn cảnh xã hội và điều kiện sống hiện đại gây ra.

- Những hoạt động mang tính văn hóa-tín ngưỡng gắn với quan họ dần phai nhạt ở các làng.

Nhận xét chung:

1. Đối tượng  kiểm kê được xác định tên gọi chung ở tất cả các làng là Dân ca Quan họ. Không gian thực hành diễn ra chủ yếu tại 5 loại địa điểm:

-      Gia đình của một cá nhân trong làng có điều kiện tổ chức cuộc hát quan họ.

-      Chùa của thôn/làng.

-      Đình của thôn/ làng.

-      Đền của thôn/làng.

-      Nhà văn hóa của thôn/ làng.

2. Đặc điểm của loại hình dân ca này thể hiện ở cách thức tổ chức, nội dung và các lớp lang thực hành, các biểu hiện về nghệ thuật diễn xướng và trang phục của người thực hành, các hình thức kết chạ và quan hệ giao lưu sinh hoạt quan họ,...

3. Đội ngũ tham gia thực hành di sản văn hóa này ở các làng hiện nay chủ yếu tập trung trong các câu lạc bộ quan họ. Trong số này, người tham gia chủ yếu là các thế hệ trung niên, thế hệ trẻ. Những lớp người cao niên càng ngày càng ít tham gia sinh hoạt vì lý do sức khoẻ. Tỷ lệ giới tính cũng ngày một chênh lệch: Số lượng nữ giới tham gia đông hơn nam giới.

4. Các thế hệ vẫn có sự tiếp nối giữ gìn, tổ chức sinh hoạt loại hình di sản này, tuy mức độ ở các làng có khác nhau. Tại đa số các thôn/làng quan họ, sự mạnh yếu trong phong trào sinh hoạt quan họ phụ thuộc khá lớn vào sự yêu thích và quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò cá nhân của người lãnh đạo.

5. Đã và đang có sự biến đổi về môi trường sinh thái và môi trường nhân văn tại các làng quan họ. Biểu hiện cụ thể:

-      Nhìn về quá khứ, phần lớn các làng quan họ được điều tra không phải là các làng thuần nông; mà với người dân ở hầu hết các làng quan họ thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bên cạnh nghề nông vốn là nghề gốc, giữ vai trò chủ đạo, nhưng trên bước đường làm ăn và phát triển kinh tế, hầu như làng nào cũng có nghề phụ. Cụ thể:

·        Nghề làm giấy bằng vỏ cây dó ở các làng Đống Cao (Dương ổ), Điền Thôn (Đào Xá), Châm Khê, Ném Tiền, Xuân ổ.

·        Nghề làm hàng sáo ở Bái Uyên, Hòa Đình (Nhồi), Bịu Sim (Bịu), Đông Yên.

·        Nghề nấu rượu ở Ngang Nội (Ngang), Vân Khám (Khám).

·        Nghề cắt tóc ở Y Na (Nưa).

·        Nghề làm mộc và đồ gỗ mỹ nghệ ở Niềm Xá (Niềm), Khúc Toại, Viêm Xá (Diềm).

·        Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Viêm Xá, Hữu Chấp (Chắp),Xuân ái, Đẩu Hàn (Hàn), Yên Mẫn.

·        Nghề dệt vải và buôn bán sợi – the - lụa ở Lũng Giang (Lim), Duệ Đông, Lũng Sơn, Tam Sơn, Hoài Trung.

·        Nghề làm hàng mã, làm giấy, dệt lụa ở Ném Đoài, Xuân ổ.

·        Nghề làm đồ trang sức vàng bạc ở Thị Cầu, Hồi Quan.

·        Nghề làm đậu phụ ở Xuân Viên.

·        Nghề đúc mâm, nồi ở Đông Mơi (Đông Mai).

·        Nghề trồng rau, trồng hoa ở Khả Lễ.

·        Nghề kéo gỗ thuê ở Hữu Chấp.

·        Nghề trồng mía, nấu mật ở Xuân Đồng (Đồng Mật).

·        Nghề làm mộc, gốm, trồng rau diếp ở Đặng Xá (Đặng).

·        Nghề làm kẹo thủ công ở làng Thụ Ninh.

·        Nghề đánh cá ở Đông Mai (Đông Mơi).

·        Nghề làm thợ nề, thợ mộc, dệt vải ở Duệ Đông.

·        Nghề làm hàng mã, làm bún, nấu rượu ở Ném Tiền.

·        Nghề trồng rau và thuốc lào ở Bồ Sơn (Bò).

·        Nghề thêu, dịch vụ thầy ký, thầy nho ở Niềm Xá.

·        Nghề buôn bán và dịch vụ ở Thanh Sơn.

·        Nghề rèn làm nông cụ, kim hoàn ở Thị Cầu.

- Trong số 5 làng quan họ bắc sông Cầu, chỉ có làng Sen Hồ (Liên Hồ) là có nhiều gia đình tham gia thêm nghề phụ như nghề mộc, nề, làm bún, làm bánh đa. Do thuận lợi về mặt giao thông (nằm sát quốc lộ 1 và ga xe lửa Sen Hồ, nên làng này phát triển buôn bán, làm thợ khắp nơi.

-      Các làng đã và đang có xu hướng chuyển đổi điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa theo hướng đô thị hóa. Hầu hết các làng quan họ trên địa bàn thành phố Bắc Ninh vốn là bán nông kiêm nghề phụ đã dần chuyển thành các làng làm nông là thứ yếu, tập trung phát triển nghề thủ công nghiệp, hoặc buôn bán  và làm các dịch vụ khác (các làng Dương ổ, Châm Khê, Điền Thôn thuộc xã Phong Khê; làng Khả Lễ thuộc phường Võ Cường; làng Cổ Mễ xã Hòa Long,...). Chính vì thế, thời gian rỗi của các thành phần này không có hoặc không như thành phần làm nghề nông. Phần lớn đất canh tác của các làng này đã chuyển đổi mục đích sử dụng (đất dành cho xây dựng các xí nghiệp, trồng rau, trồng hoa,...).

-      Môi trường sinh thái tại các làng quan họ thay đổi, bị tác động theo chiều hướng bị huỷ hoại, ô nhiễm (các ao làng, sông-bến sông), đặc biệt là môi trường tại các làng nghề-làng quan họ thuộc thành phố Bắc Ninh hoặc quanh các khu công nghiệp Tiên Du, Từ Sơn chủ yếu trong khoảng thời gian 10 -15 năm trở lại đây.

-      Thế hệ trẻ có xu hướng không quan tâm đến văn hóa quan họ (lề lối, phong tục tập quán, tín ngưỡng,...) mà chỉ quan tâm thuộc bài ca và thực hành nó như diễn trình thể hiện một sáng tác âm nhạc hiện đại, thích có nhạc đệm phục vụ mục đích biểu diễn, trình diễn. Phần lớn thế hệ trẻ tiếp nhận quan họ (học hát) từ các phương tiện truyền thông hiện đại (vô tuyến, đài phát thanh, đĩa hát,...).

-      Một số làng bị xé lẻ, chuyển lên hình thức sinh hoạt hành chính đô thị, trở thành khu phố chính hiệu, xã trở thành phường. Mối quan hệ làng xã mang tính cộng đồng bị tác động mạnh, có nguy cơ bị phá vỡ do điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội đã có nhiều biến đổi.

-      Các phương tiện truyền thông đại chúng và văn hóa đương đại nói chung đã và đang tác động mạnh tới hình thức sinh hoạt quan họ truyền thống.

6. Sự liên quan của các tổ chức khác:

-      Chưa quan tâm khảo sát không gian văn hóa tại tất cả các làng trong phạm vi 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nói chung và các làng được coi là làng quan họ gốc lâu nay. Thực trạng này cho thấy một vấn đề là: Có khả năng vẫn còn những làng khác trong không gian văn hóa Kinh Bắc vốn có truyền thống sinh hoạt quan họ từ lâu nay những chưa từng được nhận diện và quan tâm đến, đặc biệt là hàng chục làng cư trú trên thềm phù sa phía bắc sông Cầu. Và ngược lại, có làng được coi là làng quan họ gốc nhưng thực chất không có hoặc không còn dấu vết của sinh hoạt văn hóa quan họ (như trường hợp làng Tiêu xã Tương Giang, huyện Từ Sơn).

-      Chưa hoàn thiện và thể hiện cụ thể chính sách hỗ trợ vật chất cho các đối tượng tham gia thực hành di sản văn hóa quan họ, nhất là đội ngũ các nghệ nhân và các đội quan họ của các làng.

-      Việc bảo tồn di sản quan họ chưa nằm trong sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình-nhà trường và xã hội, chưa có tác động tích cực cụ thể đến thực tiễn các làng quan họ hiện nay. Chưa có sự nghiên cứu đồng bộ và đầu tư một cách khoa học cho việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể (đình, đền, chùa) một cách kịp thời trong khi đa số các di sản đó đã và đang bị huỷ hoại bởi thời gian và con người hoặc được khôi phục một cách tự phát, phá vỡ không gian văn hóa truyền thống, gây ra hậu quả tiêu cực cho đời sống sinh hoạt văn hóa tại các địa phương.

-      Việc tổ chức các lễ hội truyền thống của thôn/làng bị tác động bởi sự can thiệp quá sâu của chính quyền và các nhà quản lý văn hóa địa phương. Thể hiện rõ nét nhất ở việc xây dựng và duyệt kịch bản lễ hội, phá bỏ không ít các hình thức nghi lễ truyền thống, thương mại hóa lễ hội thông qua các hình thức tổ chức dịch vụ thuần tuý vì mục đích kinh tế. ở khá nhiều địa phương, đặc biệt là các thôn/làng bị đô thị hóa, làng thủ công nghiệp, các lễ hội truyền thống đã và đang có nguy cơ trở thành các cuộc liên hoan vui chơi văn nghệ, tổ chức mít tinh để kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của thành hoàng làng, của các nhân vật lịch sử được người dân tôn thờ lâu nay.

7. Về các nhà trường cấp tiểu học và phổ thông cơ sở, phổ thông trung học trên địa bàn các làng quan họ, người dân trong cuộc thảo luận đều có chung nhận xét, là: các cơ sở này hiện rất ít hoặc không có hoạt động tham gia vào việc truyền dạy quan họ.

8. Tại tất cả các làng/thôn quan họ được điều tra kiểm kê, chưa có làng/thôn nào tổ chức cùng nhau bàn kế hoạch và biện pháp truyền dạy quan họ từ phạm vi gia đình đến cộng đồng: xây dựng trường lớp, tổ chức đào tạo,...Ngành văn hóa thông tin ở địa phương hầu như chưa có hoạt động theo kế hoạch để duy trì và phát triển sinh hoạt ca hát quan họ ở các làng/thôn quan họ. Mọi hoạt động đều do nhóm tham gia sinh hoạt câu lạc bộ tự tổ chức truyền dạy, sinh hoạt, bên cạnh sự hỗ trợ của Hội người cao tuổi.

9. Trong các buổi sinh hoạt ca hát quan họ, người dân không bao giờ thực hành các loại hình nghệ thuật khác đan xen (chỉ hát quan họ, không hát tuồng, chèo, ca trù, ví, đúm, trống quân,...). Tuy nhiên, một số nghệ nhân quan họ vẫn có khả năng hát tuồng cổ, chèo cổ, trống quân, ví đúm (các làng thuộc huyện Yên Phong cũ). Trong các dịp hội làng, chính quyền và dân làng/thôn thường tổ chức hát quan họ ở chùa hoặc đình/đền và dựng sân khấu ngoài sân hoặc khoảnh đất gần đó dành cho hát tuồng, chèo, nhạc trẻ,...Theo giải thích của nhóm thảo luận, hát quan họ không cần/không có nhạc đệm, trong khi hát các loại khác (tuồng, chèo) bắt buộc phải có nhạc đệm; vì vậy, họ không thể ngồi hát chung với nhau được. Trên thực tế, khi cộng đồng tham gia vào hoạt động sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, thường phân tách thành 2 nhóm lớn: Nhóm tham gia nghe/xem hoặc hát quan họ và nhóm nghe/xem hoặc hát các loại hình nghệ thuật khác.

10. Trong quá trình diễn ra sinh hoạt quan họ, mọi người chủ yếu hát cặp với nhau. Có quy định bất thành văn:

-      Lớp tuổi nào thường hát cặp với lớp tuổi đó (hoặc là cặp nam, cặp nữ, hoặc là cặp nam-nữ). Lý do: cùng thể trạng sức khỏe, thể hiện nghi lễ kính trọng (bằng vai phải lứa), hợp giọng, hợp nhịp thở và lấy hơi, cùng có nhận thức và niềm say mê cùng thế hệ,...

-      Thường xuyên có điều kiện hát cùng nhau, đã quen giọng, quen phong cách của nhau, quen sở thích bài chọn, cùng học từ một thày dạy, sống gần nhau (cùng nhà, cùnh thôn/làng) nên dễ có điều kiện thời gian cùng đi hát, hẹn hò nhau,...

-      Khi đi sang làng/thôn khác hát (hát theo sinh hoạt bình thường hoặc hát thi), cặp hát quen nhau sẽ vì danh dự của làng mình mà trổ tài, có điều kiện khoe giọng hát hay của làng mình, bài hay thường được chọn làm bài tủ của mình (trong trường hợp người làng khác không biết, thể hiện rõ nhất trong các cuộc thi hát đối). Vì thế mà giật giải hoặc được thôn/làng bạn kính trọng, khâm phục.

11. Đa số người dân của các làng vốn kết chạ với nhau từ xưa (truyền thống), vì lý do nào đó bị ngắt quãng hoặc xao nhãng, nay đều có nguyện vọng khôi phục quan hệ hoặc tiếp nối quan hệ để cùng nhau sinh hoạt quan họ với nhau trong các kỳ lễ tiết hoặc hội làng.Theo thống kê, hiện đã hoặc đang có hàng loạt  cặp kết chạ giữa các làng quan họ gốc (khoảng 80%) với nhau ( Thị Cầu – Cổ Mễ, Khúc Toại – Hữu Chấp, Viêm Xá - Hoài Bão, Yên Mẫn – Thị Chung, Khả Lễ – Bái Uyên, Khả Lễ – Bồ Sơn, Y Na – Bồ Sơn, Hoà Đình – Trà Xuyên, Hòa Đình - Đỗ Xá, Hoà Đình Niềm xá, Hoà Đình - Đông Yên, Niềm Xá - Đông Yên, Lũng Giang – Tam Sơn, Xuân ổ – Ném Thượng, Ném Tiền – Ném Đoài, Ném Thượng – Ném Sơn, Ném Đông – Ném Tiền, Hạ Giang – Châm Khê,...Hầu hết các làng quan họ bắc sông Cầu đều kết chạ hoặc kết bạn với các làng quan họ nam sông Cầu(làng Sen Hồ kết chạ với làng Diềm, làng Nội Ninh kết chạ với làng Diềm và làng Thị Cầu, làng Hữu Nghi kết chạ với làng Hữu Chấp). Và có không ít làng quan họ gốc kết chạ với các làng khác không phải là làng quan họ: Khúc Toại – Hương Mặc, Bịu Trung – Phúc Đức, Hạ Giang – Phù Lưu, Hồi Quan – Tam Tảo... Lý do kết chạ chủ yếu:

-      Do có sự kết chạ theo tục lệ của làng vốn có từ trước khi xuất hiện sinh hoạt hát quan họ.

-      Do có quan hệ và giao lưu hát quan họ.

-      Do cùng sinh hoạt tín ngưỡng phụng thờ chung Thành hoàng.

  -   Do quan hệ giao lưu buôn bán hàng hóa giữa các làng có nghề phụ với nhau.

12.  Thực tế cho thấy, số lượng các bài quan họ đã và đang được trao truyền cho thế hệ trẻ ở các làng quan họ là không nhiều, chỉ khoảng gần 100 bài (chiếm 30 % số bài các nghệ nhân còn nhớ và thực hành được). Đây đa số là các bài quan họ quen thuộc hoặc dễ hát, dễ được người học thực hành. Hiện trong trí nhớ các nghệ nhân vẫn còn lưu truyền số lượng khá lớn các bài quan họ cổ, vốn ít được thực hành trong dân chúng (các nghệ nhân làng Diềm, làng Hoài Thị, Hoài Trung, làng Thị Cầu,...). Điều đó đặt ra một yêu cầu cấp thiết phải khẩn trương ghi âm, ghi hình để các nghệ nhân cung cấp truyền lưu lại cho con cháu vốn di sản văn hóa quý bắu đó. Theo các nghệ nhân Ngô Thị Nhi – 86 tuổi, Nguyễn Thị Bạn – 76 tuổi (làng Diềm), Phạm Văn Loan – 91 tuổi (thôn Khúc Toại), Nguyễn Thị Nguyên – 87 tuổi (thôn Khả Lễ),... hiện đang có thể thực hành được khoảng trên dưới 200 bài quan họ, có bài rất cổ chưa từng hát trước dân chúng, nhiều bài rất hay những khó hát và ít người có khả năng học được. Đây là vốn quý cần khẩn trương có kế hoạch sưu tầm và khai thác bảo tồn kịp trước khi các bậc nghệ nhân cao niên này về cõi vĩnh hằng !

13.  Các tục hèm trong sinh hoạt văn hóa quan họ không nhiều. Biểu hiện trong thực tế một số điều cụ thể sau:

- Trước khi bước vào cuộc hát quan họ trong kỳ hội làng, các đội quan họ bắt buộc phải làm lễ dâng cúng tại đình, đền (nơi thờ thành hoàng làng) và dâng lễ lên chùa (thờ Phật và Mẫu), nếu có. Nhân vật được phụng thờ làm thành hoành chiếm số lượng các làng nhiều nhất là Đức thánh Tam Giang Trương Hống – Trương Hát ( tại 16 trên tổng số 44 làng quan họ). Mật độ thờ Mẫu tại các làng quan họ khá phổ biến: Hầu hết các làng đều thờ Nữ thần, mang các tục danh và tước danh khác nhau.

-      Không hát trong ngày làng có tang.

-      Nhà có tang, người nhà đó không đi hát tối thiểu trong vòng 1 năm (người dân gọi là qua giỗ đầu).

-      Trong bài quan họ có câu nào, từ nào trùng với tên gọi cúng cơm của thành hoàng hoặc người được dân làng phụng thờ tại đình, đền, người hát quan họ phải biết và hát chệch đi nhưng vẫn giữ đúng làn điệu của câu hát. Ví dụ: Các làng thờ Trương Hát làm thành hoàng đều kiêng chữ Hát, thay bằng chữ Ca, làng Hoài Thị thờ Đống Long Công chúa nên khi hát phải thay chữ Long bằng chữ Nia (cái Long thay thành cái Nia), chữ Đông/Đống thay bằng chư Đương (xóm Đông – xóm Đương)...

-      Trong bài quan họ, nếu có lời nào trùng với tên của bố hoặc mẹ chủ chứa (nhà tập trung để hát quan họ, nhà của người đứng ra tổ chức cuộc hát), người hát phải biết và hát chệch đi bằng chữ khác.

-      Những người vi phạm luật pháp của Nhà nước, vi phạm hương ước của làng phải tự nhận biết sự xấu hổ của mình, không nên tham gia vào các cuộc hát quan họ, dù người làng không tuyên bố thành quy định văn bản.

-      Người hát quan họ của các làng kết chạ với nhau không được đi đến hôn nhân. Quan hệ của các liền anh, liền chị với các làng hát quan họ nói chung diễn ra bình thường, các liền anh, liền chị yêu nhau đều có thể đi đến hôn nhân.

-      Trong sinh hoạt quan họ, mọi người không được tranh cãi, chửi mắng nhau, không ăn nói tục tĩu, phải thể hiện sự lịch lãm, nền nã của người chơi quan họ.

-      Trong ẩm thực, vào những ngày hội của làng quan họ, cỗ bàn cấm không làm thịt chó để dâng ra đình, đền, chùa. Nếu mâm cỗ có “tam sinh đồng tử” thì đó chỉ là thịt gà, thịt lợn, thịt bò hoặc thịt trâu. Làng Chấp (Hữu Chấp) có tục kiêng cắt vụn miến thành từng đoạn, sợ làm vậy người ăn vào, hát quan họ dễ bị ngắt hơi, hụt hơi, gẫy giọng.

Đánh giá chung: Hầu hết các làng được coi là làng quan họ gốc hiện vẫn giữ được truyền thống sinh hoạt quan họ của mình. Mặc dù không gian văn hóa có nhiều biến đổi nhưng với vai trò nòng cột của các thế hệ người cao niên vốn gắn bó thực hành quan họ nhiều năm, di sản văn hóa quan họ vẫn được các thế hệ đời sau tiếp nhận và thực hành trong hoàn cảnh xã hội hiện đại. Từ những kết quả kiểm kê này, có thể gợi ra không ít vấn đề cần đi sâu nghiên cứu. Chẳng hạn, vấn đề nguồn gốc đích thực của sinh hoạt quan họ, vấn đề sinh hoạt quan hệ nghiêng về môi trường trồng lúa nước hay môi trường trồng lúa kết hợp với làm nghề phụ, nghề thủ công, vấn đề vai trò của sinh hoạt quan họ trong việc củng cố và thắt chặt mối liên kết cộng đồng làng xã, vấn đề sinh hoạt quan họ trong môi trường tiếp biến văn hóa và đô thị hóa hiện nay,... Nhưng dù cho điều kiện và hoàn cảnh xã hội đã và đang thay đổi hoặc có nhiều biến đổi, sinh hoạt văn hóa quan họ vẫn là hình thức biểu hiện giá trị văn hóa độc đáo và tiêu biểu trong không gian văn hóa Kinh Bắc nói riêng và cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung.

        Cũng qua quá trình điều tra, kiểm kê di sản văn hóa quan họ tại 5 làng phía bắc sông Cầu, chúng tôi nhận thấy, người dân của các làng quan họ gốc này trước đây thường đi giao lưu hát quan họ với nhiều làng tụ cư trên thềm phù sa cổ sông Cầu, thuộc huyện Việt Yên. Ví dụ: Làng Giá Sơn thường đi hát quan họ với làng Đông Tiến, Núi Hiểu, Tam Tầng thuộc các xã lân cận; làng Hữu Nghi thường đi hát quan họ với các làng Quang Biểu, Quang Châu; làng Nội Ninh thường đi hát quan họ với các làng Tiên Lát, Thổ Hà; làng Mai Vũ thường đi hát quan họ với các làng Hoàng Mai xã Hoàng Ninh và các làng Cao Lôi, Ninh Động, Phúc Ninh xã Ninh Sơn, làng Dương Huy xã Trung Sơn... Thực trạng này gợi ra việc cần thiết phải nghiên cứu, thẩm định để kiểm kê các làng quan họ trong một không gian văn hóa rộng hơn thuộc phạm vi hành chính tỉnh Bắc Giang.

        Thông qua các buổi thảo luận nhóm phục vụ cho công tác kiểm kê di sản văn hóa quan họ, chúng tôi ghi nhận 100% người dân tham dự đồng thuận quan điểm và nguyện vọng đề nghị các cấp và các nhà chức trách có thẩm quyền xem xét di sản văn hóa quan họ là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

                                                        Hà Nội, ngày 1.1.2008

                                                           Người viết báo cáo

                                                        TS. Bùi Quang Thanh

 

Biện pháp bảo tồn: Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Các biện pháp bảo vệ:

- Giúp cộng đồng nhận diện và kiểm kê Dân ca quan họ Bắc Ninh định kỳ theo từng năm.

- Hoàn thiện danh sách nghệ nhân quan họ ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang; Xây dựng chính sách đãi ngộ với nghệ nhân như lương, phụ cấp, nhất là những nghệ nhân được phong tặng “Báu vật nhân văn sống” ở các làng quan họ trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

- Hoàn thiện tư liệu và kết quả nghiên cứu về Quan họ Bắc Ninh, kể cả ở những làng quan họ thuộc vùng phụ cận.

- Phân loại, hệ thống tư liệu để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu về Quan họ Bắc Ninh.

- Hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cùng với cộng đồng tổ chức các Liên hoan quan họ Bắc Ninh định kỳ 2 năm/lần, trên cơ sở festival quan họ Bắc Ninh theo địa bàn huyện 01 năm/lần. Xây dựng đồi Lim thành một trung tâm văn hóa quan họ, có khu trình diễn, thực hiện dự án trồng lại cây xanh, trùng tu lăng Nguyễn Diễn trên đồi Lim. Xây dựng hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), lễ hội chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) thành hội hát đối đáp, hát thi giải quan họ Bắc Ninh, tổ chức định kỳ 01 năm/lần. Khôi phục hình thức hát thờ ở hội làng Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) để bảo tồn các giọng Lề lối của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

- Hỗ trợ cộng đồng phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở các làng quê, khôi phục việc hát thi lấy giải của các làng quan họ, tổ chức định kỳ 01 năm/lần.

- Thành lập hiệp hội nghệ nhân quan họ Bắc Ninh, trên cơ sở các Câu lạc bộ quan họ ở các làng hiện nay, xây dựng chương trình hoạt động cho hiệp hội để tổ chức phi chính phủ này đóng vai trò tích cực trong việc truyền dạy quan họ cho thế hệ trẻ.

- Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nghiên cứu giúp đỡ cộng đồng tổ chức tự quản lý, thực hiện các chương trình truyền dạy, phục hồi kỹ thuật hát quan họ theo lối hát truyền thống, tìm các giải pháp để quan họ thích ứng với sự phát triển của các phương tiện âm thanh của đời sống đương đại

- Hỗ trợ cộng đồng xây dựng nội dung truyền dạy quan họ Bắc Ninh trong các gia đình, và các lớp dạy quan họ Bắc Ninh tại cộng đồng theo địa bàn làng xã.

- Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang xây dựng chuyên đề Dân ca Quan họ Bắc Ninh để đưa vào giảng dạy ở nhà trường cấp 2, 3 trong chương trình văn học địa phương. Thành lập khoa Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

- Mở chuyên mục Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên báo Bắc Ninh, Bắc Giang, Đài phát thanh truyền hình Bắc Ninh, Bắc Giang định kỳ. Sử dụng đội truyền thanh cơ sở để tuyên truyền, giới thiệu giá trị của dân ca quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng làng xã. Xây dựng trang Web về Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

- Giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản thông qua việc xuất bản và cung cấp cho cộng đồng những sản phẩm văn hóa quan họ, dân ca quan họ Bắc Ninh dưới mọi hình thức: đĩa CD, VCD, DVD, sách, tờ gấp v.v...

- Tạo mọi điều kiện để cộng đồng trình diễn/giao lưu dân ca quan họ Bắc Ninh với các cộng đồng khác ở trong nước và ngoài nước.

- Phối hợp ngành du lịch khai thác và phát huy giá trị di sản quan họ một cách bền vững.

 

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Dân ca Quan họ Bắc Ninh

DANH SÁCH NGHỆ NHÂN QUAN HỌ

1. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lựu (tức nghệ nhân Hỉn), 77 tuổi, hát Quan họ từ năm 13 tuổi (1939). Làng Thị Cầu, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh.

2. Nghệ nhân Nguyễn Văn Bảo, 82 tuổi, hát Quan họ từ năm 21 tuổi (1942). Làng Thị Cầu, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh.

3. Nghệ nhân Vũ Thị Chịch, 84 tuổi, hát Quan họ từ năm 15 tuổi (1934). Làng Y Na, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh.

4. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tịnh, 82 tuổi, hát Quan họ từ năm 12 - 13 tuổi (1933- 1934). Làng Y Na, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh.

5. Nghệ nhân Nguyễn Thị Nguyên, 83 tuổi, hát Quan họ từ năm 15 tuổi (1935). Làng Khả Lễ, xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

6. Nghệ nhân Đỗ Thị Tước, 83 tuổi, hát Quan họ từ năm 13 - 14 tuổi (1933 - 1934). Làng Khả Lễ, xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

7. Nghệ nhân Nguyễn Thị Nguyên, 79 tuổi, hát Quan họ từ năm 15 tuổi (1939). Làng Bồ Sơn, xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

8. Nghệ nhân Mai Văn Sỹ, 83 tuổi, hát Quan họ từ năm 14 tuổi (1934). Làng Xuân Ổ, xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

9. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tiền, 86 tuổi, hát Quan họ từ năm 18 tuổi (1935). Làng Châm Khê, xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

10. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thới, 97 tuổi, hát Quan họ từ năm 15 tuổi (1921). Làng Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.

11. Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhậm, 87 tuổi, hát Quan họ từ năm 17 tuổi (1933). Làng Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.

12. Nghệ nhân Ngô Văn Sự (tức nghệ nhân Cừ), 80 tuổi, hát Quan họ từ năm 14 tuổi (1937). Làng Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.

13. Nghệ nhân Trần Thị Phụng, 80 tuổi, hát Quan họ từ năm 15 tuổi (1938). Làng Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.

14. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thị, 97 tuổi, hát Quan họ từ năm 16 tuổi (1922). Làng Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.

15. Nghệ nhân Ngô Thị Lịch, 76 tuổi, hát Quan họ từ năm 16 tuổi (1943). Làng Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.

16. Nghệ nhân Ngô Thị Nhi, 81 tuổi, hát Quan họ từ năm 10 tuổi (1932). Làng Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.

17. Nghệ nhân Nguyễn Thị Các, 86 tuổi, hát Quan họ từ năm 16 tuổi (1933). Làng Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.

18. Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu, 103 tuổi, hát Quan họ từ năm 13 tuổi (1913). Làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du.

19. Nghệ nhân Nguyễn Văn Bích, 88 tuổi, hát Quan họ từ năm 15 tuổi (1930). Làng Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du.

20. Nghệ nhân Nguyễn Sỹ Tăng, 80 tuổi, hát Quan họ từ năm 14 tuổi (1937). Làng Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du.

21. Nghệ nhân Dương Văn Quyến, 86 tuổi, hát Quan họ từ năm 15 tuổi (1932). Làng Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du.

22. Nghệ nhân Dương Thị Tiếp, 80 tuổi, hát Quan họ từ năm 13 tuổi (1936). Làng Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du.

23. Nghệ nhân Nguyễn Thị Bé (tức nghệ nhân Bế), 84 tuổi, hát Quan họ từ năm 13 tuổi (1932). Làng Đào Xá, xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

24. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng (tức nghệ nhân Tở), 88 tuổi, hát Quan họ từ năm 12 tuổi (1927). Làng Đào Xá, xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

25. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhập (tức nghệ nhân Trường), 80 tuổi, hát Quan họ từ năm 14 tuổi (1937). Làng Đào Xá, xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

* Danh sách nghệ nhân được vinh danh năm 2010            

1. Bà Nguyễn Thị Nguyên, khu Khả Lễ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

2. Ông Mai Văn Sỹ, làng Xuân Ổ A, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

3. Bà Nguyễn Thị Nguyên, khu Bồ Sơn, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

4. Bà Đỗ Thị Tước, khu Khả Lễ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

5. Bà Nguyễn Thị Lựu, khu 3, phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh

6. Bà Ngô Thị Lịch, làng Viêm Xá, xã Hoà Long, TP Bắc Ninh

7. Bà Trần Thị Phụng, làng Viêm Xá, xã Hoà Long, TP Bắc Ninh

8. Bà Ngô Thị Nhi làng Viêm Xá, xã Hoà Long, TP Bắc Ninh

9. Ông Ngô Văn Sự, làng Viêm Xá, xã Hoà Long, TP Bắc Ninh

10. Bà Nguyễn Thị Tịnh, khu Y Na, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh

11. Bà Dương Thị Tiếp, làng Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du

12. Ông Nguyễn Sỹ Tăng, làng Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du

 13. Ông Nguyễn Văn Bích, làng Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du

14. Bà Nguyễn Thị Yến, khu Hoà Đình, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

15. Bà Ngô Thị Khu, làng Viêm Xá, xã Hoà Long, TP Bắc Ninh

16. Bà Nguyễn Thị Con, làng Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du

17. Bà Tống Thị Lợi, làng Thượng Đồng, xã Vạn An, TP Bắc Ninh

18. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, làng Đương Xá, xã Vạn An, TP Bắc Ninh

19. Bà Nguyễn Thị Thắng, khu Thanh Sơn, Vũ Ninh, TP Bắc Ninh

20. Ông Nguyễn Văn Nhu, làng Đào Xá, Phong Khê, TP Bắc Ninh

21. Bà Nguyễn Thị Đấu, làng Đào Xá, Phong Khê, TP Bắc Ninh

22. Bà Nguyễn Thị Bẩy, làng Đào Xá, Phong Khê, TP Bắc Ninh

23. Bà Nguyễn Thị Cư, làng Đào Xá, Phong Khê, TP Bắc Ninh

24. Bà Nguyễn Thị Mừng, khu Hoà Đình, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

25. Bà Nguyễn Thị Bẩy, khu Hoà Đình, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

26. Bà Nguyễn Thị Thanh, khu Hoà Đình, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

27. Bà Nguyễn Thị Bình, khu Hoà Đình, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

28. Bà Nguyễn Thị Bao, Khu Bồ Sơn, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

29. Bà Lê Thị Thuý, Khu Bồ Sơn, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh

30. Bà Tạ Thị Vị, Khu Bồ Sơn, Võ Cường, TP Bắc Ninh

31. Bà Nguyễn Thị Quyết, Khu Bồ Sơn, Võ Cường, TP Bắc Ninh

32. Bà Nguyễn Thị Bàn, làng Viêm Xá, xã Hoà Long, TP Bắc Ninh

33. Ông Ngô Văn Bật, làng Viêm Xá, xã Hoà Long, TP Bắc Ninh

34. Bà Nguyễn Thị Quắt, làng Xuân Đồng, xã Hoà Long, TP Bắc Ninh

35. Bà Nguyễn Thị Mát, làng Bái Uyên, xã Liên Bão, huyện Tiên Du

36. Bà Ngô Thị Hối, làng Hạ Giang, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du

37. Ông Nguyễn Thừa Kế, làng Duệ Đông, thị trấn Lim, huyện Tiên Du

38. Ông Nguyễn Văn Đắc, làng Duệ Đông, thị trấn Lim, huyện Tiên Du

39. Bà Nguyễn Thị Kiệm, làng Bái Uyên, xã Liên Bão, huyện Tiên Du

40. Bà Nguyễn Thị Lịch, làng Lũng Giang, thị trấn Lim, Tiên Du

Ảnh: Dân ca Quan họ Bắc Ninh

 

 

 

Phim: Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Ghi âm: Dân ca Quan họ Bắc Ninh