kiemkedisan.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn

Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

Không gian địa lý: Dân ca Ví, Giặm được thực hành rộng khắp trong cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc Bắc Trung Bộ Việt Nam. Theo kết quả kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (năm 2013), có 260 làng trong đó có 168 làng ở tỉnh Nghệ An và 92 làng ở tỉnh Hà Tĩnh có người thực hành Dân ca Ví, giặm. Trung tâm của di sản Ví, Giặm ở các làng nằm hai bên bờ sông Lam và sông La như làng Kim Liên, Bồi Sơn (Nghệ An), Thạch Việt,Trường Lưu (Hà Tĩnh).

Thời gian tổ chức: Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên, v.v.

Cộng đồng chủ nhân di sản: Người Việt ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (sau đây viết tắt là Nghệ Tĩnh) đều biết hát Ví, Giặm. Hiện nay, có 75  Nhóm Dân ca Ví, Giặm, điển hình là Nhóm Dân ca Ví, Giặm Hồng Sơn, Nhóm Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn ở tỉnh Nghệ An, và Nhóm Dân ca Ví, Giặm O Nhẫn, Nhóm Dân ca Ví, Giặm Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh sinh hoạt dân ca thường xuyên. Nhiều nghệ nhân,  tiêu biểu là ông Nguyễn Trọng Đổng (82 tuổi), ông Trần Văn Tư (85 tuổi), bà Võ Thị Vân (49 tuổi) ở tỉnh Nghệ An,  ông Trần Khánh Cẩm (74 tuổi), ông Trần Minh Chính (65 tuổi),  bà Vũ Thị Thanh Minh (63 tuổi) ở tỉnh Hà Tĩnh, một số nghệ sĩ như  cô Trịnh Hồng Lựu, ông Nguyễn Ngọc Ất ở Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An, ông Vương Ngọc Vinh, ông Nguyễn Ngọc Thịnh ở Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh tích cực thực hành, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm.

Nhận diện di sản: Ví, Giặm có đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát. Ví, Giặm được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối, hát cuộc. Mỗi cuộc hát thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết, nổi bật nhất là hát giao duyên. Ca từ bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể (hát Ví), 5 chữ (hát Giặm), cô đọng, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát. Hát Ví có âm điệu tự do phụ thuộc vào lời ca, vào bối cảnh và tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8. Còn hát Giặm có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, nhịp 3/4 và 6/8. Hai lối hát này luôn được hát xen kẽ cùng nhau.

Hát Ví, Giặm rất phổ biến trong các cuộc vui, lễ hội, liên hoan, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng và còn được khai thác thành các trình diễn nghệ thuật trên sân khấu. Người thực hành là những người làm ruộng, thợ thủ công, người đánh cá, giáo viên, học sinh, công nhânv.v… Các nghệ nhân dân gian giữ vai trò chủ chốt trong việc truyền dạy và diễn xướng.

Sự hấp dẫn của Dân ca Ví, Giăm nằm ở sự tự do thể hiện tư tưởng, tình cảm bằng lời ca tiếng hát, bằng ngôn ngữ địa phương. Mỗi người có thể sáng tạo, đặt lời mới, bổ sung thêm nhiều bài bản phản ánh văn hóa, xã hội, cuộc sống, tình cảm. Lời ca của Dân ca Ví, Giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người.

Báo cáo kiểm kê về di sản: Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

BÁO CÁO TỔNG QUAN VỀ KIỂM KÊ KHOA HỌC

DÂN CA VÍ - GIẶM NGHỆ  TĨNH

                                                  Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam

  1.  Thời gian thực hiện công tác kiểm kê khoa học

+ Giai đoạn 1 - từ 25 tháng 12 đến 30 tháng 12 năm 2012

+ Giai đoạn 2 - từ 19 tháng 2 đến 8 tháng 3 năm 2013

  II. Mục đích của đợt kiểm kê khoa học

- Khảo sát và đánh giá thực trạng của sinh hoạt dân ca Ví - Giặm tại các địa vực cư trú của cộng đồng người Việt trong phạm vi hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi nảy sinh, lưu truyền và tồn tại hình thức sinh hoạt ca hát Ví - Giặm từ nhiều trăm năm qua.

- Bước đầu, tập hợp một cách có hệ thống những dữ liệu cụ thể do cộng đồng cung cấp, để đánh giá thực trạng hiện tồn của cơ sở vật chất cũng như sinh hoạt văn hóa hát dân ca Ví, Giặm tại địa bàn các thôn/xóm/khu dân cư và các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm (do chính quyền hoặc các cơ quan quản lý văn hóa cấp xã và huyện của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ra Quyết định thành lập); từ đó, có kế hoạch tiếp tục triển khai hoạt động sưu tầm, bảo tồn, khai thác giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (như đã tiến hành ở những cấp độ và mức độ khác nhau từ nhiều năm trước đây tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn hai tỉnh).

- Thu thập cứ liệu khoa học theo tiêu chí UNESCO đặt ra để phục vụ công tác xây dựng hồ sơ, trình UNESCO công nhận  “Dân ca Ví - Giặm Nghệ  Tĩnh” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

    III. Về địa bàn kiểm kê khoa học

       1. Đặc trưng của địa bàn cư trú và hệ thống sinh hoạt hát dân ca Ví, Giặm tại các làng/thôn/xóm/khu dân cư và các câu lạc bộ thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh

- Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh ven biển thuộc vùng bắc Trung Bộ Việt Nam, xưa có tên chung là quận Cửu Chân (thời nhà Hán), Cửu Đức (thời nhà Tấn), Nhật Nam (thời nhà Tùy), Hoan Châu (thời nhà Đinh và Tiền Lê), Nghệ An châu (thời Lý, Trần), Xứ Thừa tuyên Nghệ An (thời Lê Thánh Tông), Nghĩa An trấn (thời Tây Sơn), Nghệ An trấn (thời Nguyễn). Năm 1831, trấn Nghệ An được vua Minh Mệnh chia thành 2 tỉnh Nghệ An (bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (nam sông Lam). Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh sát nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh và đến năm 1991 lại tách ra thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

- Đây là vùng đất có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển, với khí hậu khắc nghiệt (đặc biệt vào mùa hè), đất đai cằn cỗi. Hệ thống sông ngòi tương đối phong phú, lớn nhất là sông Lam và sông La, góp phần tạo nên những thềm đất thuận cho nghề trồng lúa nước. Do vậy, đây cũng là vùng đất nảy sinh nhiều loại làng nghề truyền thống khác nhau, bám chặt vào điều kiện địa hình, tự nhiên, sinh ra văn hóa canh tác nương rẫy, lúa nước, trồng trọt, chài lưới và đánh cá ven biển.

- Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam (16.500 km2) với số dân cư gần 3 triệu người, chủ yếu là người Kinh (Việt) bên cạnh các dân tộc thiểu số cư trú vùng núi như Khơ-mú, Thái, Hmông. Hà Tĩnh có diện tích nhỏ hơn nhiều (6.000km2) với số dân cư hơn 1,2 triệu người, chủ yếu là người Kinh (Việt) bên cạnh các dân tộc thiểu số cư trú vùng núi như Chứt, Thái, Mường, Lào.

- Nghệ Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều danh nhân, anh hùng và các lãnh tụ kiệt xuất qua hầu khắp các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, đây là vùng đất có truyền thống hiếu học, có các nhà khoa bảng văn chương danh tiếng và nhiều làng văn nghệ nổi tiếng, nơi sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, lương thần cùng nhiều nhà văn hóa, nhà khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

- Nghệ Tĩnh là vùng đất có truyền thống cách mạng lâu đời. Đây cũng là vùng đất bị tàn phá nặng nề trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Thực tế lịch sử đó đã có những tác động nặng nề đến sự hủy hoại cơ sở vật chất của đời sống xã hội, đặc biệt là các di tích văn hóa, tín ngưỡng tâm linh.

- Nghệ Tĩnh là vùng đất cổ, có chung phương ngữ (tiếng Nghệ), đa số các cộng đồng làng xóm tương đồng về tập quán, tín ngưỡng và văn hóa dân gian nói chung. Là chủ thể lớn nhất, người Việt ở Nghệ An và Hà Tĩnh đều có ý thức cộng đồng chặt chẽ, giàu lòng yêu nước và mang những đặc trưng chung của một vùng văn hóa. Trên tiến trình lịch sử, từ quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội, tham gia quá trình dựng nước, giữ nước, người dân Nghệ An và Hà Tĩnh ở hầu khắp các làng, xã đã sáng tạo và lưu giữ được một nguồn di sản văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, mang nhiều hình thức và bản sắc vùng đất “Sông Lam – Núi Hồng”, nổi bật nhất là dân ca Ví, Giặm, trở thành những món ăn tinh thần thường nhật của người dân mọi thế hệ, góp phần nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn người Nghệ - Tĩnh qua trường kỳ lịch sử.

2. Việc lựa chọn các làng để tiến hành kiểm kê, tập trung chủ yếu vào một số vấn đề

 Trước hết, việc xác định không gian văn hóa và địa bàn hành chính để tiến hành kiểm kê di sản dân ca Ví, Giặm được đặt ra dựa trên 3 nguồn sau đây:

Một là, căn cứ vào các nguồn tư liệu được khảo sát, sưu tầm, ghi chép, giới thiệu qua các công trình sách nghiên cứu, các tiểu luận, bài báo liên quan trực tiếp đến sinh hoạt dân ca Ví, Giặm của các nhà sưu tầm, nghiên cứu nổi tiếng, đã công bố từ trước (1943) đến nay (2012), tiêu biểu như Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Lê Văn Hảo, Thái Kim Đỉnh, Lê Hàm, Thanh Lưu cùng hàng loạt các cây bút nghiên cứu, sưu tầm khác của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (thông qua các tập Kỷ yếu khoa học về bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, các bản Thông tin Văn hóa của các Trung tâm văn hóa Nghệ An và Hà Tĩnh), có thể nhận diện được phạm vi không gian văn hóa – môi trường xã hội nhân văn cùng địa bàn hành chính, nơi tồn tại của sinh hoạt dân ca Ví, Giặm từ xưa đến nay.

Hai là, dựa vào nguồn tư liệu kiểm kê di sản dân ca Ví, Giặm trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của cán bộ các phòng Nghiệp vụ, Quản lý di sản văn hóa, các Trung tâm văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ ứng cử vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, các năm 2011 và 2012 vừa qua.

Ba là, qua nguồn tư liệu khảo sát thực địa của các nhóm nghiên cứu Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã tiến hành từ hơn chục năm qua trên địa bàn nhiều huyện/thị của cả Nghệ An và Hà Tĩnh (nghiên cứu văn hóa làng, phục dựng lễ hội, quy hoạch văn hóa,…) và tư liệu khảo sát, nghiên cứu theo phương pháp nhân học của nhóm nghiên cứu thực hiện dự án kiểm kê này từ cuối năm 2012.

  Việc xác định các làng/thôn/khu có sinh hoạt dân ca Ví, Giặm được đặt ra theo một số tiêu chí:

- Một là, đây trước hết phải là nơi đã và đang hiện tồn môi trường sinh hoạt hát dân ca Ví, Giặm, được các làng/thôn/xóm lân cận công nhận hoặc có quan hệ giao lưu trong quá trình thực hành hình thức sinh hoạt văn nghệ này.

- Hai là, tại những làng/thôn/xóm/khu dân cư có thực hành sinh hoạt dân ca Ví, Giặm, phải có ít nhất từ 3 người trở lên am hiểu và thông thạo cách thức thực hành sinh hoạt dân ca Ví hoặc Giặm;

- Ba là, những địa phương đảm bảo một trong hai tiêu chí trên, nhưng chỉ tồn tại trong quá khứ (năm 1954 trở về trước), hiện không còn những người thực sự am hiểu cách thức thực hành di sản dân ca Ví, Giặm, vẫn được nêu ra để xem xét, phục vụ việc xác định không gian sinh hoạt văn hóa dân ca Ví, Giặm từ trước đến nay.

-Những địa phương trong vòng 10 năm trở lại đây đã thành lập câu lạc bộ (cấp xã và cấp huyện), từ sự tập hợp các cá nhân riêng lẻ thuộc các làng/thôn/xóm/khu dân cư, được xét coi như tương đương một đơn vị kiểm kê độc lập, với mục đích khai thác dữ liệu định tính về đối tượng chủ thể của công tác kiểm kê khoa học di sản.

Nhìn chung, các làng/thôn/khu dân cư được kiểm kê lần này chủ yếu thuộc địa bàn các huyện đồng bằng Nghệ Tĩnh. Riêng tỉnh Hà Tĩnh, sinh hoạt dân ca Ví, Giặm đã lan tỏa đến các huyện miền núi hoặc bán sơn địa như Vũ Quang, Hương Sơn.

 Đặc điểm chung dễ nhận ra qua quá trình khảo sát sự hiện tồn của sinh hoạt dân ca Ví, Giặm ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Một là, đa số các làng/thôn/khu dân cư có sinh hoạt dân ca Ví, Giặm tập trung đậm đặc ở các thềm sông, chủ yếu dọc theo hai con sông lớn là sông Lam và sông La. Hai là, hầu hết các làng nghề (tập trung ở phía nam sông Lam, có 21 làng nghề truyền thống nổi tiếng gắn chặt với sinh hoạt hát Ví, Giặm thuộc các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê, Cẩm Xuyên và thị xã Hồng Lĩnh) đều hiện tồn thực hành hát dân ca Ví, Giặm. Ba là, những làng/thôn sinh hoạt hát Ví, Giặm nổi danh như những trung tâm thực hành văn nghệ, hầu hết đều thuộc các địa bàn có truyền thống khoa bảng, có nhiều thế hệ đỗ đạt và thành danh về văn chương (Nghi Xuân, Can Lộc – Hà Tĩnh; Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Thanh Chương – Nghệ An). Bốn là, nhìn từ góc độ địa – văn hóa, các thế hệ dân cư có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau về lịch sử, chính trị, kinh tế - văn hoá xã hội và cùng chung một phương ngữ nên giữa các tiểu vùng (huyện, thị) không có sự khác nhau về tập quán, phong tục, tín ngưỡng. Năm là, do đây là vùng đất có truyền thống cách mạng, lại trải qua sự khốc liệt của chiến tranh và sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, cho nên, nhiều cơ sở vật chất của các di tích tín ngưỡng bị tàn phá, hủy hoại, việc thực hành sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh bị đứt đoạn lâu dài, ý thức “vô thần” phổ biến trong tâm thức các tầng lớp nhân dân.

IV. Phương pháp thực hiện

Phương pháp được sử dụng để thu thập thông tin gồm phỏng vấn bảng hỏi, phỏng vấn sâu, ghi chép thông qua thảo luận nhóm, hồi cố, thống kê và theo quan điểm tôn trọng tiếng nói của cộng đồng trong việc đồng thuận với nội dung giới thiệu về di sản văn hóa do chính cộng đồng sáng tạo và bảo tồn trong lịch sử. Kết hợp sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành (thư tịch học, khảo cổ học, văn bản học, bảo tàng học, xã hội học,…) trong việc phân tích, đối chiếu, so sánh các nguồn tư liệu để xác định đối tượng khảo sát, kiểm kê.

V. Một số khó khăn

- Trên bước đường phát triển của lịch sử xã hội và những biến đổi của cơ tầng địa lí tự nhiên, của nhiều giai đoạn tổ chức hành chính khác nhau, nhiều địa danh đã bị biến đổi, không ít địa danh cũ (do địa bàn đã chuyển đổi thành các thị tứ, đô thị) đã bị thay thế bằng thứ ngôn ngữ hiện đại; người am hiểu thực sự về di sản Ví, Giặm không còn hoặc các thế hệ nghệ nhân thiếu sự quan tâm trao truyền di sản, thế hệ trẻ không được tiếp nhận một cách hệ thống và bền vững từ những hình thức trao truyền bằng văn bản (dù đã xuất bản nhiều công trình sưu tầm của Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Nguyễn Chung Anh,…); nhiều cương vực hành chính đã biến cải, thay đổi hoặc mở rộng (cả về địa vực cư trú lẫn tên gọi hành chính); nhiều làng nghề bị triệt tiêu hoặc biến đổi; nhiều tập tục sinh hoạt tín ngưỡng và thực hành lễ hội bị mai một so với thời kỳ cách đây vài chục năm (đặc biệt là so với năm 1945 trở về trước), bên cạnh sự lấn át của văn hóa đương đại đối với văn hóa cổ truyền. Sự tiếp nối sinh hoạt văn hóa truyền thống giữa các thế hệ bị ngắt quãng do chiến tranh và điều kiện lịch sử - xã hội.

- Trong quá trình tiến hành điều tra tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy, rất nhiều di tích gắn với tín ngưỡng phụng thờ tổ tiên, thành hoàng, Thánh – Phật (đình, đền, chùa, miếu) đã bị phá hủy hoặc đang xuống cấp nghiêm trọng. Không ít các di tích thờ tự khi phục dựng đã được người dân chuyển sang vị trí hoàn toàn mới, hiện đại hóa trong kiến trúc và do vậy, không còn/không có sức hút về mặt tâm linh với cộng đồng. Nhiều làng nghề, từ 1954 trở về trước (khảo sát tại Hà Tĩnh), trước khi thực hành sinh hoạt dân ca Ví, Giặm tại các di tích tín ngưỡng, người dân đều thực hành nghi lễ, sau đó mới trình diễn ca hát. Hiện nay, các thủ tục thực hành nghi lễ đó gần như bị lãng quên.

- Trong khoảng chục năm trở lại đây (từ 1996), hầu hết các địa bàn dân cư nguyên là thôn, xóm, trại hoặc làng đã được chuyển đổi/phân chia thành các khu dân cư, đánh số từ thấp đến cao (khu 1, khu 2, khu 3,…). Điều đó vô hình chung, đã dẫn đến thực trạng xóa dần một cách tự nhiên tên gọi truyền thống của hàng loạt xóm, làng, những tự danh vốn đã đi theo cộng đồng dân cư hàng nghìn năm, ăn sâu vào tiềm thức văn hóa con người, gắn với đặc điểm, ngọn nguồn xuất xứ lập xóm, lập làng cùng hàng loạt các giá trị văn hóa truyền thống khác. Cạnh đó, có những làng/thôn, do diện tích cư trú rộng, dân cư đông, đã được chính quyền chia thành nhiều khu dân cư, điều đó dễ tạo ra sự rạn nứt của chỉnh thể văn hóa làng – đơn vị vốn cùng tuân thủ các quy định trong Hương ước (vốn phổ biến ở hầu hết các làng quê Nghệ - Tĩnh) do các thế hệ trước xây dựng và truyền lại. Và như vậy, gần như chỉ có khu dân cư gốc (vốn thuộc làng nghề truyền thống) có di tích tín ngưỡng là quan tâm, hiểu biết (ở những mức độ khác nhau) về đối tượng thờ phụng ở địa phương mình. Các khu dân cư khác (có chung cách thức hành nghề) lâm vào tình trạng tâm lý bị xa rời di tích tín ngưỡng, ý thức cùng trách nhiệm dần phai nhạt, mang tính khách thể hóa.

- Trong quá trình vận động và phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, phần lớn các làng nghề truyền thống trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bị tác động ghê gớm, dẫn đến co hẹp hoặc biến đổi, tiêu vong. Thực trạng đó tác động khá sâu sắc đến không gian văn hóa sinh tồn của di sản.

- Tại một số địa bàn cấp xã được kiểm kê, đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa và cán bộ lãnh đạo hầu hết đều trẻ tuổi, năng lực hiểu biết về văn hóa truyền thống còn hạn chế hoặc yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu quản lý văn hóa và giúp cộng đồng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản của địa phương. Chính vì vậy, nhiều di tích có giá trị của các làng/thôn/khu bị hủy hoại, xuống cấp chưa được quan tâm để lập kế hoạch phục hồi (thông qua hình thức xã hội hóa) hoặc đề đạt các cấp có thẩm quyền thẩm định, cấp kinh phí phục dựng, sửa chữa, tôn tạo. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm sưu tầm, ghi chép. Hầu hết các cấp lãnh đạo xã và huyện đều tập trung vào việc xây dựng các câu lạc bộ hát dân ca, thiên về hình thức sân khấu hóa, gây dựng phong trào đáp ứng các kỳ liên hoan, thi hát dân ca của địa phương, do vậy việc sinh hoạt dân ca Ví, Giặm ở khá nhiều làng quê nhiều năm qua vẫn dừng ở tình trạng tự phát, rời rạc, thiếu sự trao truyền qua các thế hệ.

- Do thời gian thực hiện việc kiểm kê - điều tra eo hẹp, lại phải thực hiện trên địa bàn quá rộng (đặc biệt là tỉnh Nghệ An) và số cán bộ chuyên môn thực hiện có hạn nên việc tập hợp và khai thác tư liệu cùng cộng đồng còn hạn chế… Điều này phần nào ảnh hưởng tới kết quả kiểm kê, nghiên cứu, đặc biệt là việc thẩm định những biểu hiện của đặc trưng di sản và hệ thống ngôn ngữ cổ hoặc phương ngữ, gắn với sinh hoạt lễ hội truyền thống nói riêng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã, thực hành di sản hát dân ca Ví, Giặm nói chung.

VI. Một số thuận lợi

- Trong thời gian tiến hành kiểm kê của nhóm nghiên cứu, chính quyền và đội ngũ làm công tác quản lý văn hoá xã, huyện và đội ngũ các trưởng thôn, chủ nhiệm câu lạc bộ đã thường xuyên trực tiếp và quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tận tình, tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra của công việc kiểm kê. Đặc biệt, các chủ nhiệm câu lạc bộ, các bí thư chi bộ, cán bộ văn hóa thuộc các thôn/khu tại hầu hết các xã đã trực tiếp tham gia tổ chức nhóm thảo luận tại địa phương, chủ động tham gia giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong quá trình thảo luận nhóm đại diện cộng đồng, nhằm cung cấp thông tin cho việc điều tra - kiểm kê.

- Tất cả những người dân (đặc biệt là các bậc cao niên, các thành viên trong các câu lạc bộ dân ca) trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công việc cung cấp thông tin tại đa số các thôn/xóm/khu dân cư đều nhiệt tình, có quan điểm đồng thuận với nhu cầu bảo tồn, khai thác và trao truyền di sản sinh hoạt hát dân ca Ví, Giặm tại địa phương. Một số bậc cao niên đã cung cấp những tư liệu quý do cá nhân tự sưu tầm, biên soạn hoặc biên dịch, làm tài liệu tham khảo tốt cho quá trình điều tra.

- Sự chỉ đạo cụ thể, khẩn trương và cấp thiết của lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, sự tham gia chỉ đạo, hỗ trợ về văn bản, nhân lực chuyên môn của các Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An và Hà Tĩnh (đặc biệt là các phòng Quản lý di sản, các Phòng nghiệp vụ và Trung tâm văn hóa) trong suốt thời gian thực hiện điều tra, kiểm kê di sản, góp phần đảm bảo cho công tác kiểm kê thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra .

- Quá trình thực hiện công tác kiểm kê đã nhận được sự quan tâm và cộng tác trực tiếp của nhiều nghệ nhân hát Ví, Giặm, nhiều cán bộ hoạt động – quản lý văn hóa nghệ thuật, giáo dục đã nghỉ hưu tại các địa phương. Điều đó tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình nâng cao nhận thức di sản đối với các thành viên trong cộng đồng, trả lời đúng trọng tâm yêu cầu của phiếu kiểm kê.

VII. Kết quả định lượng về địa bàn điều tra - kiểm kê

Dựa vào những thuận lợi và khắc phục những khó khăn trên, nhóm nghiên cứu (với sự cộng tác chặt chẽ của các cán bộ chuyên trách về văn hóa ở địa bàn các xã, cán bộ các phòng nghiệp vụ, quản lý di sản của 2 sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và đặc biệt là các nghệ nhân cùng ban chủ nhiệm các câu lạc bộ tại hầu khắp các địa phương, đã thu được những kết quả nhất định. Nguồn tài liệu và thông tin do các nhóm đại diện cộng đồng cung cấp, thông qua phiếu điều tra đã được tập hợp, cho phép khẳng định: Đây là nguồn tư liệu tương đối phong phú, có nhiều thông tin mới, có hệ thống về sinh hoạt thực hành dân ca Ví, Giặm trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong lịch sử và đương đại.

Kết thúc quá trình điều tra, kiểm kê di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh, bước đầu định danh được địa bàn hiện đã và đang thực hành di sản như sau:

Tại tỉnh Nghệ An (trong tổng số 1 thành phố trực thuộc, 2 thị xã và 17 huyện với 427 đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn), hiện nay đã và đang thực hành di sản dân ca Ví, Giặm thuộc địa phận hành chính của 15 huyện/thị/thành phố (Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Thị xã Thái Hòa, Huyện Anh Sơn, Huyện Diễn Châu, Huyện Đô Lương, Huyện Hưng Nguyên, Huyện Yên Thành, Huyện Nam Đàn, Huyện Nghi Lộc, Huyện Nghĩa Đàn, Huyện Quỳnh Lưu, Huyện Tân Kỳ và Huyện Thanh Chương, Quỳ Hợp). Đơn vị cộng đồng được kiểm kê bao gồm: 60 xã/phường/thị trấn với 168 làng/thôn/xóm/khu dân cư và 60 câu lạc bộ.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay đã và đang thực hành sinh hoạt dân ca Ví, Giặm tại địa phận hành chính của 12 huyện/thị/thành phố (Thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh, và các huyện: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà, Vũ Quang và Lộc Hà). Đơn vị cộng đồng được kiểm kê bao gồm: 38 xã/thị trấn/phường với 92 làng/thôn/xóm/khu dân cư và 15 câu lạc bộ.

Như vậy, cả 2 tỉnh hiện có 2.696 cá nhân đại diện cho cộng đồng và câu lạc bộ (Nghệ An: 783 nam và 901 nữ; Hà Tĩnh: 545 nam và 503 nữ) ký tên vào bản đại diện cho cộng đồng, cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ Việt Nam về việc đề cử hồ sơ quốc gia, trình UNESCO xét duyệt đưa “Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, năm 2013.

VIII. Một số kết quả cụ thể rút ra từ cuộc điều tra - kiểm kê

Các tư liệu thu thập được từ cuộc điều tra bao gồm nhiều nội dung, có thể chia thành 2 mảng chính: tư liệu định lượng (chủ yếu sử dụng phương pháp định lượng như phỏng vấn bảng hỏi, thống kê… để thu thập tư liệu) và tư liệu định tính (được thu thập bởi các phương pháp hồi cố, dân tộc học,...).

Các thông tin này phản ánh về: 1/Tên gọi di sản và nhận diện sinh hoạt dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; 2/ Các hoạt động sinh hoạt nghệ thuật dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong hoàn cảnh đương đại; 3/Những đặc điểm cơ bản của sinh hoạt nghệ thuật dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; 4/ Về xu hướng trao truyền của di sản; và, 5/ Những vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa của sinh hoạt nghệ thuật dân ca Ví - Giặm Nghệ  Tĩnh

1. Tên gọi di sản và nhận diện sinh hoạt dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh 1.1. Về tên gọi di sản

Tên gọi của di sản được cộng đồng các làng/thôn/xóm/khu dân cư và các câu lạc bộ gọi theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, có những tên gọi chủ yếu sau đây:

- Hát dân ca Ví, Dặm;

- Dân ca Ví, Giặm;

- Dân ca Ví, Giặm Nghệ  Tĩnh;

- Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ;

- Hát đò đưa sông La;

- Hát ví phường Vải;

- Dân ca giao duyên Ví, Giặm;

- Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm.

Nhận xét: Trong số các tên gọi di sản trên đây, có 3 cách gọi phổ biến nhất là Dân ca Ví, Giặm; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Đa số các làng nghề hoặc vốn là trung tâm sinh hoạt hát Ví tại làng nghề đều quen với tên gọi thể loại nghệ thuật (hát Ví) gắn với nghề nghiệp của địa phương mình cư trú và sinh hoạt. Đa số các nhà nghiên cứu tại Nghệ An (Ninh Viết Giao, Lê Hàm, Thanh Lưu, Đỗ Bảo,…) khi được phỏng vấn trực tiếp đều cho rằng, tên gọi Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là phù hợp nhất với góc nhìn về một vùng văn hóa. Nhiều người khẳng định từ “Xứ Nghệ” xuất hiện từ 1480 (thời Lê Thánh Tông), tuy nhiên soi vào sử sách, chữ “Xứ” lần đầu tiên xuất hiện trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư lại chỉ gắn với chữ “Thừa Tuyên” theo cách phân chia địa vực hành chính thời Hậu Lê. Trong khi đó, số phiếu kiểm kê cho thấy, đa số người trả lời lại ghi tên gọi di sản là Dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh và chữ “Giặm” được viết là “Gi”. Số phiếu điều tra có ghi tên gọi di sản là Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ chủ yếu thuộc các làng/ thôn/khu dân cư thuộc các huyện Nam Đàn, Can Lộc, Đô Lương, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh của Nghệ An.

1.2. Nhận diện sinh hoạt dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

1.2.1 Quá trình ra đời và tồn tại

Hầu hết các phiếu điều tra trả lời cho mục này đều cho rằng: Dân ca Ví, Giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Trải qua lịch sử tồn tại và phát triển nhiều trăm năm, dân ca Ví, Giặm đã hình thành nên các dạng bài ca tiêu biểu như:

- Hệ thống bài ca gắn với nghề nghiệp lao động sản xuất, chủ yếu được sáng tạo và lưu truyền ở các làng nghề (nghề dệt vải, nghề làm nón, nghề làm bánh, nghề đan lát, nghề làm hàng sáo, nghề đóng thuyền, nghề mộc, nghề đúc đồng, nghề gốm, nghề rèn,…). Thể loại được sử dụng nhiều hơn cả là hát Ví, thường được gắn với tên gọi từng loại nghề nghiệp ở từng địa phương khác nhau. Trong số hệ thống các làng nghề có sinh hoạt Ví, Giặm tính đến những năm gần đây, tỷ lệ ở các huyện thuộc Hà Tĩnh nhiều hơn các huyện thuộc Nghệ An.

- Hệ thống bài ca gắn với nhu cầu quan hệ giao duyên, hôn nhân, chiếm số lượng nhiều nhất.

- Hệ thống bài ca gắn với quan hệ gia đình, dòng họ, mang tính khuyên răn, giáo dục giữa các thế hệ.

- Hệ thống bài ca ca ngợi quê hương, đất nước và các bậc tài danh của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

- Hệ thống bài ca mang tính tự sự, diễn đạt dưới hình thức Giặm vè, gắn với nội dung kể về sự tích lập làng, các sự kiện, hiện tượng lịch sử và các nhân vật đặc biệt của một làng quê nhất định.

Như mọi loại hình dân ca của các địa phương khác, dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ có quá trình phát sinh, phát triển. Từ khi ra đời đến nay, có lúc Ví, Giặm trầm lắng xuống, song nhìn chung, lịch sử của Ví, Giặm là một quá trình luôn phát triển, cả bề rộng, bề sâu mà chưa hề đứt quãng. Tuy nhiên, theo thống kê, 95% số phiếu trả lời giai đoạn từ 1954 đến 1975, sinh hoạt hát Ví, Giặm ở các làng/thôn/xóm gần như không được quan tâm, không thực hành từ cấp nhóm trở lên. Lý do: Do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, cộng đồng không có không gian văn hóa để sinh hoạt, không khí chiến tranh không cho phép tụ tập đông người, nhân lực dốc cho nhiệm vụ phục vụ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Về lịch sử, nguồn gốc ra đời của Ví, Giặm xứ Nghệ có nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau, song có thể thấy từ thế kỷ XVII - XVIII thì hát Ví, Giặm đã phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến của cộng đồng với sự tham gia của nhiều tầng lớp, từ người lao động đến các nhà khoa bảng, thày đồ và trí thức đương thời nói chung.Từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, dân ca Ví, Giặm được lưu truyền rộng rãi, hình thành một số trung tâm gắn với sự tham gia tích cực của các nhà nho yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý,… Bởi vậy, bên cạnh những nội dung bài bản dân gian, Ví, Giặm còn có nội dung thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc với cách diễn đạt bác học – hàn lâm.

Từ giữa thế kỷ XX đến nay, Ví, Giặm Xứ Nghệ đã có những thay đổi về môi trường diễn xướng, về hình thức thể hiện, về đề tài phù hợp với sự thay đổi của hình thái kinh tế xã hội và nhu cầu của công chúng. Ví, Giặm được bảo tồn, phát triển trong cộng đồng bằng hình thức văn nghệ quần chúng, thông qua hoạt động Câu lạc bộ, được đưa lên sân khấu, đưa vào trường học và các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, có 4 loại/cấp độ CLB dân ca Ví, Giặm được hình thành:

- Câu lạc bộ do làng/thôn/xóm/khu dân cư tự lập nên;

- Câu lạc bộ do chính quyền xã thành lập;

- Câu lạc bộ do Phòng VHTT hoặc Trung tâm Văn hóa cấp huyện thành lập.

- Câu lạc bộ do nghệ nhân am hiểu và say mê với việc trao truyền, bảo tồn di sản tự đứng ra thành lập.

Đánh giá thực trạng di sản dân ca Ví, Giặm hiện nay, các ý kiến theo thống kê đều thống nhất nhận định:

- Ngày nay, xã hội hiện đại với sự phát triển của khoa học – công nghệ và các phương tiện truyền thông đại chúng, ở các làng quê (đặc biệt là các địa phương đã và đang bị đô thị hóa hoặc trở thành các thị tứ), Ví, Giặm có biểu hiện của nguy cơ mai một. Nhiều bài bản cổ không còn điều kiện để thực hành khi môi trường và không gian diễn xướng thay đổi; các nghệ nhân am hiểu, nắm giữ, thực hành Ví, Giặm thuần thục đã cao tuổi hoặc không đủ khả năng thực hành, hoặc quy tiên và rất ít người kế thừa.

- Tại các Trung tâm Văn hóa hoặc tại các câu lạc bộ do chính quyền thành lập, do không nắm vững những bài bản cổ, việc cải biên hoặc “sáng tác” đã và đang có nguy cơ “sân khấu hóa” Ví, Giặm truyền thống, có không ít bài bản làm thay đổi, thậm chí sai lệch di sản; một số người thực hành hiện nay không nắm vững kỹ thuật trình diễn và nội dung các bài bản truyền thống, bị ảnh hưởng phong cách trình diễn của sân khấu hiện đại.

- Đa số các Trung tâm văn hóa cấp huyện, bên cạnh những hoạt động mang tính tích cực đối với sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó có việc duy trì hình thức sinh hoạt dân ca Ví, Giặm và đi biểu diễn, gây dựng phong trào phục vụ cộng đồng; còn bộc lộ một số hạn chế, tác động không ít đến diện mạo vốn có của sinh hoạt Ví, Giặm truyền thống, thiên về hình thức biểu diễn sân khấu, thiếu sức lan tỏa bản chất vốn có của dân ca Ví, Giặm trong cộng đồng.

1.2.2. Cách thức và không gian trình diễn

a. Về cách thức thể hiện và ý nghĩa nội hàm của tên gọi di sản

- 100% số phiếu kiểm kê thể hiện ý kiến thống nhất của các nhóm thảo luận ở khía cạnh hiểu biết chung về di sản: Ví, Giặm là hai thể hát dân ca đặc sắc trong kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ, được hình thành từ đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân lao động, được diễn xướng trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào với mọi đối tượng thực hành khác nhau.

- 45% nhóm được kiểm kê chưa xác định/phân biệt được Ví và Giặm vừa có những nét tương đồng về đối tượng, cách thức, không gian, thời gian diễn xướng, vừa có những nét đặc trưng, khác biệt ở hình thức biểu hiện, âm nhạc, ca từ...

- Về ý nghĩa nội hàm khái niệm/tên gọi hát Ví: Hầu hết các nhóm được điều tra, phỏng vấn đều cho rằng Ví là Ví von, so sánh; hoặc Ví là Với, bên nam hát “với” bên nữ. Nói nôm na, hát Ví còn có nghĩa là hát Vói, bên nam đứng ngoài đường, ngoài ngõ “hát vói” vào sân, vào nhà với bên nữ, người ở ruộng này “hát vói” sang ruộng kia, người đi trên đường “hát vói” với người ở dưới ruộng,.., nghĩa là giao tiếp bằng lời hát trên một không gian nhất định. Hát Ví là một thể hát tự do, ngâm vịnh theo thể thơ lục bát, song thất lục bát và lục bát biến thể, trên cơ sở biểu đại bằng phương ngữ xứ Nghệ, có cách thức dễ hiểu, dễ thực hành. “Giặm” trong ngôn ngữ của người Nghệ An và Hà Tĩnh là giắm vào, thêm vào, điền vào chỗ còn trống, còn thiếu. Có người còn hiểu “Giặm” cũng có nghĩa là vừa hát vừa giẫm chân đánh nhịp. Nếu hát Ví phần lớn là những câu lục bát thì hát Giặm là thể hát nói có nhịp dựa theo thể thơ 5 chữ (ngũ ngôn)/vè. Một bài Giặm có nhiều khổ, loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 được gọi là “”giặm”.

- 100% nhóm thảo luận phục vụ kiểm kê đều cho rằng, hát Ví, Giặm có cách thức thể hiện đa dạng, mang nhiều ngữ điệu và làn điệu khác nhau. Trước hết, do môi trường và thời gian diễn xướng, tình cảm và tâm trạng người hát (vui, buồn, thương yêu, giận hờn, nhớ nhung, căm thù…) trong các điều kiện sinh hoạt và hoàn cảnh khác nhau nên diễn xướng thành những làn điệu khác nhau. Cạnh đó, trên cơ sở có hạn của số làn điệu cơ bản, tùy vào nghề nghiệp khác nhau mà có nhiều tên gọi như Ví phường vải, Ví xay lúa, Ví làm bánh, Ví đò đưa, Ví phường đan, Ví phường củi, Ví phường vàng, Ví phường nón, Ví phường cấy, Ví phường gặt, Ví phường chắp gai đan lưới,... Nhìn chung,Ví phong phú về làn điệu vì ở Nghệ Tĩnh mỗi nghề, mỗi việc người lao động đều có thể Ví về nghề đó (như đã nêu trên), nhưng khi hát lên chỉ khác nhau về âm sắc.

- 65% số người thảo luận hiểu được rằng, trong hát Ví có 3 hình thức diễn xướng chính là hát lẻ, hát đối đáp và hát cuộc. Hát lẻ là hát một mình trong lúc lao động, sinh hoạt hàng ngày như đang một mình cấy gặt, chèo thuyền, ru con, xay lúa… Hát đối đáp là hình thức hát có nam nữ tham gia ở mọi lúc, mọi nơi. Hát cuộc cũng là hát giao duyên nam nữ nhưng là hình thức hát có trình tự, quy cách, thủ tục, thường diễn ra ở một số phường nghề, theo những quy cách và thủ tục chặt chẽ, thể hiện trình độ hoàn thiện cao của Ví, Giặm.

- Về hiểu biết đối với quy trình, thủ tục một cuộc hát Ví ở mức hoàn thiện, 40% số nhóm có sự nhận thức đầy đủ  diễn trình của từng chặng hát:

- Chặng một có hát dạo, hát chào - hát mừng và hát hỏi.

Hát dạo là hát khi mới đến, dạo qua xem thử có đối tượng để hát, để thăm dò xem thế nào; nếu kết thì ở lại, không kết thì đi nơi khác. Khi đã hát dạo xong, xem chừng hợp tình hợp ý thì mới bắt đầu hát chào - hát mừng. Sau hát chào - hát mừng là hát hỏi. Hát hỏi là để tìm hiểu, thăm dò đối tượng xem quê quán ở đâu, cha mẹ, anh em, nhà cửa như thế nào và đã có vợ (chồng) con chưa. Hát hỏi thường là của bên nữ.

- Chặng hai là hát đố hoặc hát đối, yêu cầu đối tượng phải giải và đối.

Đây là bước quan trọng nhất trong thủ tục một cuộc hát Ví, là bước thử thách tài năng, học vấn, trí thông minh của đôi bên nam nữ. Hát đố có khi hát đố chữ, đố kiến thức sách vở, đố kiến thức thực tế về cuộc sống, về lao động sản xuất, công việc, y dược, thời tiết, sự đời… Khó nhất là hát đối, gần như câu đối trong văn chương bác học, không những chọi nhau về kiến thức mà còn chọi nhau về chữ nghĩa (danh từ đối với danh từ, tính từ đối với tính từ…). Nhà Nho tham gia hát Ví thường làm “thày bày”, “thầy gà”, làm cho câu hát hay hơn, mượt mà hơn, song cũng làm cho một số câu sa vào chữ nghĩa, thâm thuý, hóc hiểm.

- Chặng ba gồm hát mời, hát xe kết và hát tiễn.

Kiểu hát mời thể hiện rõ nhất ở chặng khai mào của hát Ví làng nghề, tiêu biểu là Ví phường vải, phường nón. Thông thường, khi nhóm hát nam tiếp cận gần nhóm nữ đang dệt vải hoặc làm nón, từ ngoài ngõ, họ phải đối đáp được những câu hát đố - hát đối, tức là thử thách tài năng, kiến thức, trí tuệ do bên nữ đặt ra, bên nam mới được bên nữ hát mời vào nhà, rồi hát mời uống nước, hút thuốc, ăn trầu. Khi hai bên đã tiến tới bước thân thiết, gắn bó hơn, thể hiện niềm yêu thương sâu sắc, thắm thiết, cuộc hát bước vào “xe kết”. Khi hai bên đã yêu nhau, thương nhau thì bước xe kết có khi là rất dài, kéo thâu đêm suốt sáng với bao nhiêu tâm sự. Sau cùng, như chặng hát giã bạn trong Quan họ, chủ - khách bước vào chặng hát tiễn, thể hiện sự bịn rịn, quyến luyến kèm theo ước hẹn.

Hầu hết các nhóm thảo luận hiểu biết theo nội dung này đều biết so sánh bước đầu/chung nhất cách thức thể hiện của Ví với dân ca Quan họ Bắc Ninh.

- Về hiểu biết chung đối với thể loại hát Giặm: Giặm có nhiều loại như: Giặm kể, Giặm nối, Giặm vè, Giặm cửa quyền, Giặm ru, Giặm xẩm,… Song, có hai làn điệu chính là hát ngâm và hát nói. Hát Giặm, nhất là hát Giặm vè có tính tự sự, khuyên nhủ, kể lể, khuyên răn, phân trần, giải bày; cũng có nhiều bài mang tính hài hước, dí dỏm, châm biếm, trào lộng, được sáng tác khá nhanh. Còn hát Giặm nam nữ nội dung vẫn là tình yêu đôi lứa, nỗi niềm đôi lứa với những nhớ thương trách móc, giận hờn. Hát Giặm dễ nhớ, dễ thuộc, đó là giọng nói, hơi thở, phong tục, tập quán của một miền quê, nó chuyển tải những thông điệp mang tính thời sự, tính thông tin rất cao. Hát Giặm mang nhiều âm ngữ địa phương như “mô, tê, răng, rứa, bà tui, bầy choa,…”. Thủ tục hát Giặm cơ bản  có ba chặng như hát Ví, song các bước thì không bài bản, chặt chẽ bằng:

-  Chặng 1: chủ yếu là hát dạo;

-  Chặng 2: hát đố hoặc hát đối;

-  Chặng 3: chủ yếu là bước hát xe kết.

b. Về không gian trình diễn

- 100% đều nhận thức được không gian trình diễn của Ví, Giặm là rất đa dạng, có thể thực hành ở mọi nơi, mọi chỗ. Đó có thể là không gian lao động gắn với một loại hoạt động sản xuất cụ thể ngoài đồng ruộng, có thể là không gian sinh hoạt ở gia đình hoặc chung của cộng đồng hay ngoài sông nước, đồng ruộng và trong mọi hoàn cảnh khác khau. Địa điểm thường gặp là sân kho, nhà văn hóa, bãi đất có đại thụ đầu làng.

- Có khoảng 5% số người thảo luận trong số phiếu thu nhận tại Hà Tĩnh (chủ yếu là các bậc cao niên của các làng nghề thuộc huyện Thạch Hà, Can Lộc, Kỳ Anh) và một số xã thuộc các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương của Nghệ An giới thiệu không gian sinh hoạt Ví, Giặm liên quan đến các di tích thờ tự, tín ngưỡng tâm linh (đình, đền, chùa). Tại các không gian này, người tham gia lao động (đan lát, làm nón, dệt vải,…) và sinh hoạt ca hát thường thực hành dâng lễ, thắp hương xin phép thần thánh cho mượn nền đình/đền/ chùa trước khi cùng nhau quây quần vừa làm vừa hát Ví, Giặm. Không gian thực hành này chủ yếu phổ biến tại các làng nghề từ 1954 trở về trước, khi các di tích tín ngưỡng ở Nghệ An, Hà Tĩnh còn hiện diện nhiều ở các làng nghề nói riêng và các làng quê nói chung. Từ sau 1954 đến 1975, hầu hết các di tích tín ngưỡng ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị hủy hoại do thời tiết khí hậu, do chiến tranh bom đạn hoặc do chính quyền chủ trương diệt trừ “mê tín dị đoan”. Một số ngôi đình và hàng loạt từ đường của các dòng họ mới được phục dựng từ những năm 90 của thế kỷ XX.

- 100% số nhóm thảo luận đều cho rằng, sinh hoạt dân ca Ví, Giặm đã được thực hành tại hầu khắp các cuộc sinh hoạt cộng đồng, các dịp kỷ niệm, sinh nhật, tân gia, lễ đầy tháng, các lễ tiết trong năm của làng/xóm và những năm gần đây đã được thực hành tại các đám tang với nội dung xoay quanh tình mẫu tử, tri ân công lao ông bà, cha mẹ và những người đã khuất nói chung (đặc biệt xuất hiện nhiều ở các huyện của tỉnh Nghệ An).

2. Những hoạt động sinh hoạt dân ca Ví, Giặm trong xã hội đương đại

            Tổng hợp các ý kiến thảo luận từ địa bàn hai tỉnh, hầu hết đều cho rằng, từ sau 1954 đến những năm 80 của thế kỷ trước, sinh hoạt Ví, Giặm gần như dừng ở hoạt động tự phát, tùy theo nhu cầu cá nhân hoặc nhóm người nhất định ở các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh thực trạng này, theo ý kiến tổng hợp qua kiểm kê, thể hiện cụ thể:

- Do hoàn cảnh chiến tranh, đặc biệt là giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, trong hoàn cảnh bom đạn, cộng đồng không có khả năng, thời gian để an vui sinh hoạt văn nghệ công khai, mang tính tập thể như thời bình. Nghệ - Tĩnh là trọng điểm của chiến tranh phá hoại, chịu nhiều bom đạn nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng không tồn tại là tất yếu.

- Do chính sách văn hóa thời chiến của Nhà nước, các hình thức sinh hoạt văn nghệ hội hè, tín ngưỡng tâm linh của cá nhân và tập thể bị ngăn cấm để tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị chống ngoại xâm. Trong hoàn cảnh lịch sử này, mọi hình thức sinh hoạt văn nghệ giao duyên, tình cảm ủy mị, tình cảm cá nhân (giống như sinh hoạt văn nghệ trong Quan họ, Ca trù, Xoan,…) đều bị cấm.

- Sau 1975, dù đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng cơ chế và thiết chế văn hóa chưa kịp chuyển biến phù hợp và kịp thời. Gần hai chục năm tiếp đó, đời sống kinh tế xã hội cực kỳ khó khăn, các cộng đồng không có điều kiện tổ chức sinh hoạt văn nghệ, hầu hết các hoạt động văn hóa truyền thống chưa được quan tâm khôi phục, đầu tư hoạt động. So với các địa phương khác trong cả nước, Nghệ - Tĩnh là 2 tỉnh bị hậu quả nặng nề trong chiến tranh (cả về nhân lực và vật lực), do vậy, mục tiêu của những năm này tập trung vào kinh tế trước khi hướng đến phục hồi môi trường văn hóa – nhân văn.

- Từ 1995 trở lại đây, sinh hoạt dân ca Ví, Giặm mới được sự quan tâm của chính quyền, các cấp quản lý văn hóa từ tỉnh đến xã/phường. Thực trạng sinh hoạt hát dân ca Ví, Giặm được thể hiện qua các hình thức tổ chức, hoạt động sau đây: Một là, cộng đồng đã chú ý đến sự hiện diện có uy tín của đội ngũ các nghệ nhân tại cùng không gian cư trú, có ý thức tham gia sinh hoạt hoặc học hỏi bài bản lời ca để đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân, tham gia với sinh hoạt chung của làng/xóm mỗi khi diễn ra các cuộc sinh nhật, hiếu, hỷ,…Hai là, chính quyền và đội ngũ quản lý văn hóa các cấp xã, huyện bước đầu tiến hành thành lập các câu lạc bộ, thu hút các cá nhân có khả năng ca hát và say mê với di sản, tổ chức các cuộc sinh hoạt mang tính nội bộ phục vụ cộng đồng, các lễ mít tinh, hội họp đoàn thể. Ba là, một số nghệ nhân hoặc các nghệ sĩ người địa phương đã có ý thức tự thành lập các câu lạc bộ hoặc nhóm hát, đầu tư kinh phí cho hoạt động theo sở thích của nhóm hoặc cá nhân. Bốn là, các cấp xã, huyện (và những năm gần đây có sự tham gia của cấp tỉnh và Trung ương) đã hàng năm đầu tư kinh phí, tổ chức các cuộc thi hát dân ca giữa các địa phương, bước đầu tạo kích thích cho sự nhận thức và phát triển sinh hoạt văn hóa cơ sở. Sự thành lập các Trung tâm văn hóa huyện đã có ý nghĩa tác động tích cực đến phong trào. Năm là, do kinh tế tại hầu khắp các địa phương của Nghệ - Tĩnh đã được nâng cao, cộng đồng đã có nhu cầu và đủ khả năng tổ chức các sinh hoạt hát dân ca Ví, Giặm tại làng/xóm nơi mình cư trú. Sáu là, tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã sớm thành lập các Trung tâm bảo tồn dân ca và các Nhà hát truyền thống, bước đầu tạo ra phong cách chuyên nghiejep trong quá trình bảo tồn và truyền dạy cũng như góp phần tạo sức lan tỏa, truyền bá di sản văn hóa địa phương qua thực tiễn cũng như các phương tiện truyền thông.

3. Những đặc điểm cơ bản của sinh hoạt dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

            Tổng hợp nhận thức của cộng đồng về đặc điểm của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, có thể xác định những đặc điểm chính sau:

            - 100 % các nhóm thảo luận đều cho rằng, dân ca Ví, Giặm là loại hình rất dễ tiếp nhận và thực hành bởi bất kỳ người dân nào gốc Nghệ An và Hà Tĩnh (những người cùng sử dụng, hiểu chung phương ngữ vùng đất này).

            - Dân ca Ví, Giặm không kén chọn thời gian, không gian và hoàn cảnh để thực hành. Người dân có thể hát Ví, Giặm bất kỳ khi nào, từ lao động sản xuất đến mọi hoàn cảnh trong sinh hoạt thường nhật, không cần nhạc cụ, đạo cụ và trang phục khác lạ nào. Người hát Ví, Giặm có thể thực hành trong các nghi lễ trang trọng, tang ma đến các cuộc vui, sinh hoạt của cá nhân hay nhóm người, cộng đồng và trước quảng đại dân chúng.

            - Với người dân, Ví, Giặm như sự hiện diện của lời nói sinh hoạt tự nhiên, thường trực hàng ngày, có thể dùng để kể chuyện, tâm tình, giao duyên hay độc thoại cá nhân.

            - 100 % nhóm thảo luận cho rằng, hát Ví, Giặm không bị gò bó bởi lề lối, niêm luật, câu chữ. Người hát có thể ứng tác để phù hợp với nhu cầu thể hiện tư tưởng, thái độ, tình cảm ở mọi hoàn cảnh, không gian và thời gian. Ví, Giặm được sử dụng một cách tự nhiên nhất cho nhu cầu giáo dục từ phạm vi gia đình, dòng họ đến nhà trường và ngoài xã hội. Điều này rất phù hợp (và chính là sản phẩm) của vùng đất có truyền thống hiếu học, khoa bảng Nghệ Tĩnh.

            - Dân ca Ví, Giặm dễ phổ cập trong cộng đồng người nói tiếng Nghệ (phương ngữ Nghệ Tĩnh) nói chung.

            - Dân ca Ví, Giặm với nhận thức của hầu hết dân chúng, có đặc điểm chung là nơi chứa đựng một cách tự nhiên, hồn nhiên mọi tri thức về văn hóa, lịch sử, về kỹ thuật canh tác, ứng xử với tự nhiên và xã hội cũng như cung cách ứng xử mang sắc thái Nghệ - Tĩnh do các thế hệ cha ông để lại.

4. Về xu hướng trao truyền di sản qua các thế hệ

- Cho đến nay, hầu hết các cộng đồng làng xóm người Việt tại các địa bàn thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn ham thích được hát, được nghe dân ca Ví, Giặm. Tuy nhiên, các hình thức tổ chức sinh hoạt dân ca tại các làng/thôn/khu dân cư vẫn chưa được quan tâm một cách thường xuyên, một số nơi hiện đang dừng ở hình thức tự phát.

- Lực lượng chủ yếu trực tiếp tham gia thực hành sinh hoạt hát dân ca Ví, Giặm vẫn chủ yếu là lứa tuổi trung niên (40 - 50 tuổi trở lên), tập trung ở những người có năng khiếu, có giọng hát hay hoặc có quá trình tham gia văn nghệ tại các cơ quan công tác từ trước. Các hình thức truyền dạy trong nội bộ cộng đồng trong những năm gần đây đã tránh được sự tùy hứng, các câu lạc bộ hoặc người phụ trách nhóm sinh hoạt đã có ý thức cung cấp bài bản (lời ca) cho người học.

- Thông qua phiếu kiểm kê, 85% người tham gia thảo luận đều khẳng định, thế hệ trẻ, con cháu các gia đình trong các xóm đều nhiệt tình và hứng thú muốn được/nếu được tham gia trực tiếp vào các buổi sinh hoạt ca hát. Phỏng vấn ngẫu nhiên các cháu (ở lứa tuổi 10 – 15) đã tham gia sinh hoạt văn nghệ ở địa phương hoặc nhà trường, đều cho rằng mình luôn thích thú được học và hát Ví, Giặm một cách tự giác, cho dù không được nhận thù lao, miễn là được nhà trường và gia đình cho phép. Tuy nhiên, do hoàn cảnh xã hội hiện đại và do thời gian học hành, phần lớn các thế hệ con cháu chưa tự giác tìm hiểu về cội nguồn di sản dân ca, các bài ca của thế hệ đi trước của địa phương.

- 80% số nhóm thảo luận cho rằng, hiện nay, con cháu không có thời gian để tham dự các sinh hoạt ca hát của thôn xóm và học hát dân ca Ví, Giặm một cách bài bản, có hệ thống. Lý do bởi thời gian học trên lớp và ở nhà chiếm 70%, thời gian phụ giúp gia đình làm kinh tế chiếm ít nhất 30 % (do đa số các làng quê Nghệ - Tĩnh còn khó khăn về kinh tế). Lớp trẻ hiện nay học Ví, Giặm chủ yếu qua 3 hình thức: Học từ chương trình dạy dân ca trên đài truyền thanh của xã/phường; Học từ cách dạy trực tiếp truyền khẩu của bố mẹ (hoặc người biết hát trong làng); Học trong chương trình ngoại khóa ở nhà trường.

- Hiện nay, các câu lạc bộ được chính quyền các cấp thành lập đã được hỗ trợ một phần kinh phí bồi dưỡng truyền dạy, được giúp đỡ về địa điểm sinh hoạt và được tạo điều kiện giao lưu giữa các làng/xóm hoặc tham gia các cuộc thi do chính quyền tổ chức.

- Hiện nay, các cơ quan quản lý văn hóa đã chủ động sản xuất nhiều loại đĩa nhạc hát dân ca, trong đó hát Ví, Giặm là chủ yếu để quảng bá di sản trong dân chúng. Đây cũng chính là một loại tài liệu phục vụ người học Ví, Giặm ở các làng quê.

- Những năm gần đây, nhiều xã/phường đã chủ động tạo điều kiện để các nghệ nhân đến dạy dân ca cho học sinh các lớp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Hình thức truyền dạy ở nhà trường do giáo viên kiêm nhiệm hoặc giáo viên được đào tạo âm nhạc hiện đại giảng dạy, trong thời gian hoạt động ngoại khóa.

- Đội ngũ các thành viên câu lạc bộ và các trung tâm văn hóa cấp huyện đã và đang hướng tới các chuyến thực tế tại các địa phương, tìm học Ví, Giặm từ các nghệ nhân. Cho đến nay, nhiều thành viên đã có trình độ am hiểu thực hành Ví, Giặm và đây là lực lượng “xung kích” trong việc đóng vai trò hạt nhân xây dựng phong trào hát dân ca tại các địa phương.

5. Một số vấn đề đặt ra trong quá trình bảo tồn và khai thác giá trị di sản

5.1. Về tình trạng và hiệu ứng tích cực của di sản

- Cho đến nay, phần lớn các sinh hoạt văn hóa nói chung và dân ca Ví, Giặm nói riêng đã được các cấp lãnh đạo chính quyền và quản lý văn hóa tại 14 huyện/thị của Nghệ An và 12 huyện/thị của Hà Tĩnh quan tâm, khôi phục, cả về vật chất (xây dựng nhà văn hóa cộng đồng) lẫn tinh thần (thành lập câu lạc bộ, tổ chức các cuộc thi hát dân ca,…). Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế các địa phương phần lớn còn eo hẹp cùng những hoàn cảnh chủ quan, khách quan khác nhau, số lượng các cơ sở dành riêng cho sinh hoạt nghệ thuật truyền thống còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các địa bàn thị tứ, đô thị.

- Tại hầu hết các làng nghề của Nghệ An và Hà Tĩnh, cũng do trên dưới gần nửa thế kỷ, nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ, hội hè, tín ngưỡng bị cấm đoán (do nhiều nguyên nhân), cho nên tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, thiếu sự quan tâm quản lý của chính quyền cơ sở và người dân địa phương, nhiều di tích đã bị hủy hoại hoặc bị chiếm dụng ở những mức độ khác nhau. Nhiều vật dụng phục vụ cho quá trình hành lễ, bài trí nội thất thờ tự cổ xưa tại các làng thờ tổ nghề bị huỷ hoại hoặc cũ nát. Trong khi đó, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng – tâm linh của cộng đồng vẫn rất cao. Tại đa số các địa phương, việc phục dựng cơ sở tín ngưỡng, thờ tự mới chủ yếu do cộng đồng dân chúng đóng góp và hợp sức xây dựng thuộc các dòng họ có các tiền nhân thuộc hàng khoa bảng, đỗ đạt hoặc nơi có sự giúp đỡ của con cháu có khả năng, tiềm lực về kinh tế. Thể hiện rõ nhất ở các huyện Can Lộc, Hương Sơn, Thạch Hà thuộc Hà Tĩnh và Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương thuộc Nghệ An.

- Ý thức bảo tồn và duy trì các hình thức sinh hoạt văn nghệ truyền thống nói chung, hát dân ca Ví, Giặm nói riêng tại các làng/thôn/khu dân cư chủ yếu thuộc lứa tuổi trung niên trở lên, thể hiện qua việc tham gia vào các câu lạc bộ, làm hạt nhân cho phong trào từng địa phương.

- Việc thành lập hệ thống các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm tại 60 xã/phường Nghệ An và 15 xã/phường Hà Tĩnh cùng hoạt động của các Nhà hát truyền thống, Trung tâm bảo tồn dân ca truyền thống cấp tỉnh và cấp huyện tại Nghệ - Tĩnh trong vòng khoảng 10 năm gần đây đã bước đầu thu hút sự quan tâm của quần chúng. Những địa phương chưa có câu lạc bộ đã và đang xúc tiến thành lập. Một số huyện miền núi Nghệ An, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú cũng đã bước đầu triển khai kế hoạch xây dựng câu lạc bộ văn hóa, tiếp cận di sản Ví, Giặm do người Việt tại địa phương truyền dạy, chọn người tham gia các cuộc thi hát dân ca trong phạm vi xã, huyện.

- Tại hầu khắp các thôn/xóm/khu dân cư, hệ thống truyền thanh và truyền hình đã tăng thời lượng giới thiệu dân ca Ví, Giặm, có chương trình dạy hát qua đài, giới thiệu hoạt động ca hát của các địa bàn tiêu biểu,… Từ đó, giúp người dân hiểu biết sâu rộng hơn về Ví, Giặm, tăng lòng yêu thích và học được những bài Ví, Giặm quen thuộc, phổ biến. Theo người dân, thực trạng tích cực này giúp cho các gia đình có thêm hình thức giáo dục sinh động cho con cháu về nhận thức xã hội, văn hóa nghệ thuật và lối sống đạo đức nói chung.

- Khảo sát thực tiễn tại các địa phương có tổ chức sinh hoạt dân ca Ví, Giặm thông qua số phiếu kiểm kê từ 75 câu lạc bộ, có thể nhận thấy, chính quyền và các bộ máy quản lý văn hóa các cấp, đặc biệt là cấp xã đã trực tiếp cử người tham gia gánh vác trách nhiệm tổ chức, điều hành, theo dõi, kiểm tra tất cả mọi khâu của quá trình chuẩn bị nhân tài vật lực, diễn tập và điều hành sinh hoạt câu lạc bộ. Tổng hợp các phiếu điều tra của các nhóm đại diện cho cộng đồng, có thể nhận thấy sự hài lòng của dân chúng đối với chính quyền địa phương cấp xã và cấp thôn. Điều đó cho thấy rõ những cơ sở tạo ra sự đồng thuận theo chiều hướng tích cực để duy trì lễ hội một cách bền vững và đem lại hiệu ứng tích cực trong quá trình khai thác những giá trị và ý nghĩa của môi trường sinh hoạt văn hóa – văn nghệ truyền thống, phục vụ công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong hiện tại và lâu dài.

- Bước đầu, chính quyền cấp xã đã kết hợp chặt chẽ với cộng đồng theo phương châm xã hội hóa trong quản lý câu lạc bộ, bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Theo thống kê, có 90% số ý kiến của cộng đồng nhất trí với bước đi ban đầu của chính quyền địa phương trong quá trình khôi phục, bảo tồn và khai thác vốn Ví, Giặm hiện nay trong quá tình tổ chức cho hoạt động của các câu lạc bộ dân ca tại địa phương…

5.2.  Một số nguy cơ đặt ra từ thực tế đối với di sản

- Qua điều tra, 95% số người đại diện cho cộng đồng thôn, xóm, khu dân cư tham gia thảo luận đều khẳng định đa số các địa phương vẫn còn hạn chế trong các khâu sưu tầm, ghi chép về lịch sử di tích văn hóa tín ngưỡng cũng như diễn trình của lễ hội truyền thống địa phương (số người biết chữ Hán, Nôm ngày một ít, có địa phương không còn ai). Tại nhiều làng/xóm, các hình thức tổ chức trò chơi dân gian gắn với các bài Giặm hầu như biến mất. Một số bậc cao niên ở một số làng quê (chủ yếu là các nghệ nhân hoặc các trí thức về hưu) đã có ý thức ghi chép, nhưng đều mang tính tự phát, theo nhận thức chủ quan cá nhân, chưa được đưa ra trao đổi, bổ sung và phổ biến trong cộng đồng. Thực trạng đó dẫn đến sự rơi rụng, mất mát nguồn văn hóa phi vật thể quý báu vốn đã được sáng tạo, thực hành trong quá khứ, làm cho đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hiện nay rơi vào hoàn cảnh đơn điệu, chắp vá và mất đi bản sắc độc đáo, hấp dẫn vốn có của vùng đất Nghệ - Tĩnh.

- 80% nhóm thảo luận cho rằng, đối với những bài Ví, Giặm có chen nhiều điển tích, thành ngữ Hán – Việt đã bị diễn đạt lại hoặc cắt bỏ do người thực hành và người nghe không hiểu, khó hiểu. Điều đó dẫn đến nhiều bài Ví, Giặm được các bậc trí thức, khoa bảng sáng tạo và hoàn thiện đã bị rơi rụng, không được trao truyền một cách nguyên bản, làm giảm đi sự đa dạng về nội dung và giá trị của dân ca Ví, Giặm nói chung.

- 70% các nhóm tham gia thảo luận phục vụ kiểm kê di sản đều cho rằng, môi trường diễn xướng của Ví, Giặm đã biến dạng cả về không gian sinh thái lẫn hoàn cảnh lao động và sinh hoạt tại các làng quê. Điều đó đặc biệt rõ nét tại các làng nghề. Do sự phát triển của môi trường và nhu cầu lao động xã hội trong điều kiện xã hội mới, hầu hết các làng nghề truyền thống vốn từ 1975 trở về trước, gắn với sinh hoạt dân ca Ví, Giặm, như làng dệt vải, làng gốm, làng mộc,… đã được chuyển đổi, liên kết hoặc hoàn toàn biến đổi để phù hợp với nhu cầu và điều kiện mới của cộng đồng. Do vậy, những hình thức sinh hoạt Ví phường vải, Ví phường nón, phường củi, Ví – Giặm xay lúa, giã gạo,… không thể bảo tồn và lưu giữ được môi trường sinh hoạt, thực hành như xưa. Thực trạng này, qua nhiều chục năm đã tác động rất lớn đến sự mất mát của nguồn dân ca Ví, Giặm tại hầu khắp các làng quê Nghệ Tĩnh.

- 95% người thảo luận đề nghị nâng cao vai trò hơn nữa của chính quyền các cấp trong việc tổ chức đầu tư trí tuệ, công sức cho việc sưu tầm, ghi chép, xuất bản và phát hành đến các thành viên trong cộng đồng những di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến văn hóa truyền thống địa phương nói chung và sinh hoạt dân ca Ví, Giặm nói riêng...

- Hiện nay, đa số các làng quê đang hiện tồn sinh hoạt Ví, Giặm đều có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, không đủ năng lực vật chất để xây dựng phong trào học hát dân ca, tổ chức các hình thức sinh hoạt dân ca Ví, Giặm phong phú như xưa. 100% các nhóm thảo luận đề nghị chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí hơn nữa cho việc truyền dạy và khôi phục đời sống sinh hoạt dân ca Ví, Giặm tại các làng quê.

- 100% số nhóm thảo luận cho rằng, hầu hết những người trực tiếp tham gia truyền dạy Ví, Giặm, đặc biệt là các nghệ nhân am hiểu di sản này còn ít được nhà nước và chính quyền các cấp quan tâm, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Nhiều nghệ nhân cao niên, có danh tiếng từ lâu (đã quá cố hoặc quá già yếu) không được quan tâm trợ cấp vật chất, vinh danh và khai thác vốn di sản do họ nắm giữ kịp thời. Do đó, một bộ phận di sản Ví, Giặm đã biến mất, gây ra thiệt thòi, mất mát cho vùng văn hóa Nghệ Tĩnh nói riêng và văn hóa cả nước nói chung.

- 100% số nhóm thảo luận cho rằng, cần tăng thời lượng giới thiệu dân ca Ví, Giặm trên các phương tiện truyền thông các cấp hơn nữa, góp phần chống lại sự lấn át của ca nhạc hiện đại đối với dân ca cổ truyền của Nghệ  Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

- 90% người thảo luận cho rằng, chính quyền các cấp còn chưa năng động và sáng tạo trong việc mở rộng quan hệ, vận động sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ, các thành phần xã hội khác nhau đến việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa ở địa phương. Chính vì thế, sự hạn chế trong tiềm lực của công cuộc xã hội hóa phục vụ nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa đã chưa đủ lực tạo ra sức hút của di sản và quá trình trao truyền di sản giữa các thế hệ.

- Theo ý kiến của đại diện các câu lạc bộ do xã hoặc huyện thành lập, các cấp quản lý văn hóa còn nặng về chỉ thị văn bản hành chính, nghiêng về việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền đường lối, chính sách, chưa thực sự chủ động, năng động sâu sát với cơ sở, có kế hoạch hành động trước mắt và lâu dài đối với việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa của dân ca Ví, Giặm ở các địa phương. Sinh hoạt câu lạc bộ còn thiên về tập luyện đối phó để tham dự các cuộc thi hát dân ca các cấp, thiếu tính phổ biến thường nhật trong cộng đồng. Tại các bộ phận đảm trách việc quản lý và nghiên cứu nghiệp vụ văn hóa (phòng VHTT huyện/thị xã, cán bộ văn hóa xã/phường), phần lớn đội ngũ cán bộ nghiệp vụ còn trẻ, kiến thức về văn hóa truyền thống còn không ít hạn chế, ý thức học hỏi, đi sâu thực tiễn nghiên cứu chưa cao. Do vậy, việc tham gia quản lý văn hóa cơ sở gặp không ít hạn chế, thậm chí có phần sai lệch cả về nhận thức chuyên môn lẫn nhu cầu của đời sống văn hóa cộng đồng.

- Trong thực tế, sự gắn kết giữa nhà trường các cấp tại địa phương với việc bảo vệ, quảng bá giá trị di sản văn hóa của các làng/thôn chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, giáo dục còn nhiều hạn chế, chưa tạo thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng. Hiện tại, nội dung và cách thức trao truyền dân ca Ví, Giặm đã chú ý đến việc mời nghệ nhân truyền dạy, nhưng ở một số địa phương, việc dạy dân ca vẫn đang chủ yếu phụ thuộc vào ý thức và năng lực hiểu biết, nhận biết chủ quan của giáo viên dạy âm nhạc.

- Đa số người dân đã đề nghị chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa đến lực lượng doanh nhân, vốn là con em người địa phương, do hoạt động doanh nghiệp mà thành đạt, quan hệ tốt để tạo điều kiện thuận lợi về vật chất – kinh phí cho phong trào sinh hoạt dân ca Ví, Giặm nói riêng, khai thác và quảng bá giá trị di sản văn hóa của địa phương nói chung với cộng đồng sở tại, trong nước và quốc tế.

Người viết báo cáo

PGS.TS. Bùi Quang Thanh

Trưởng nhóm kiểm kê khoa học phục vụ xây dựng hồ sơ

 Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

PHỤ LỤC:

  1. KIỂM KÊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ DÂN CA VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH, TỈNH NGHỆ AN

 

Thành phố/ huyện/ thị xã

Xã/ phường/ thị trấn

Làng/thôn/xóm/ khu

Câu lạc bộ

Ghi chú

stt

Tên gọi

stt

Tên gọi

stt

Tên gọi

1

Huyện Đô Lương

1

Xã Tân Sơn

1

 Xóm 5

  1. 1.

CLB xã Tân Sơn

2

 Xóm 11

3

Xóm 12

2

Thị trấn Đô Lương

  1. 2.

CLB thị trấn Đô Lương

3

Xã Bồi Sơn

4

Xóm 5

CLB xã Bồi Sơn

5

Xóm 2

4

Xã Giang Sơn Đông

6

Xóm Tây Xuân

CLB Giang Sơn Đông

7

Xóm Đông Xuân

2

Huyện Anh Sơn

5

Xã Lĩnh Sơn

8

Thôn 4

CLB xã Lĩnh Sơn

9

Thôn 5

10

Thôn 6

11

Thôn 7

12

Thôn 9

13

Thôn 10

14

Thôn 11

15

Thôn 14

6

Xã Hoa Sơn

16

Thôn 6

CLB xã Hoa Sơn

17

Thôn 7

18

Thôn 9

19

Thôn 10

7

Xã Thạch Sơn

20

Thôn 1

CLB Thạch Sơn

21

Thôn 2

22

Thôn 3

23

Thôn 4

24

Thôn 5

25

Thôn 6

8

Xã Hùng Sơn

26

Thôn 3

CLB xã Hùng Sơn

27

Thôn 5

28

Thôn 6

9

Xã Đức Sơn

29

Thôn 3

CLB xã Đức Sơn

30

Thôn 4

31

Thôn 5

32

Thôn 8

3

Thị xã Thái Hòa

10

Xã Đông Hiếu

33

Xóm Đông Quang

CLB xã Đông Hiếu

34

Xóm Đông Du 1

35

Xóm Đông Mỹ

11

Phường Quang Tiến

CLB Phường  Quang Tiến

CLB Phuong Quang Phong

4

Huyện Tân Kỳ

CLB Huyện Tân Kỳ

CLB Thị trấn Tân Kỳ

12

Xã Nghĩa Đồng

36

Xóm 8

CLB xã Nghĩa Đồng

37

Xóm 9

38

Xóm 1

39

Xóm 6B

40

Xóm 10

13

Xã Kỳ Sơn

41

Xóm Phượng

Kỳ 1

CLB xã Kỳ Sơn

42

Xóm Kỳ Lâm

5

Huyện Hưng Nguyên

14

Trung tâm văn hóa huyện

CLB Huyện Hưng Nguyên

15

Xã Hưng Thắng

43

Xóm 16

CLB xã Hưng Thắng

44

Xóm Ao

45

Xóm 17

46

Xóm Đồng

16

Xã Hưng Mỹ

47

Xóm 5A Mỹ Thịnh

CLB xã Hưng Mỹ

48

Xóm 3 Mỹ Thịnh

6

Huyện Quỳnh Lưu

17

Xã Quỳnh Hậu

CLB Hồng Sơn

49

Xóm 7

CLB xóm 7 Xã Quỳnh Hậu

18

Xã Quỳnh Xuân

50

Thôn 11

51

Thôn 16

7

Huyện Thanh Chương

CLB Huyện Thanh Chương

19

Xã Cát Văn

52

Xóm 1

CLB xã Cát Văn

53

Xóm 6A

54

Xóm 5B

55

Xóm 5A

56

Xóm 4

57

Xóm 3

58

Xóm 2

59

Xóm 12

60

Xóm 11

61

Xóm 10

62

Xóm 9B

63

Xóm 9A

64

Xóm 8

65

Xóm 7

66

Xóm 6B

20

Xã Ngọc Sơn

67

Xóm 2

CLB xã Ngọc Sơn

68

Xóm 4

69

Xóm 10

70

Xóm 5

71

Xóm 3

72

Xóm 6

21

Thanh Tường

73

Thôn 6

22

Xã Đồng Văn

74

Xóm Xuân Phượng

75

Đông Thượng

23

Xã Thanh Lĩnh

76

Thôn Sơn

CLB xã Thanh Lĩnh

77

Thôn Trường

78

Thôn Thủy

8

Huyện Nghĩa Đàn

24

Xã Nghĩa Hưng

79

Xóm 12

CLB xã Nghĩa Hưng

25

Xã Nghĩa Hội

80

Xóm Khe Bai

CLB xã Nghĩa Hội

81

Xóm Đồng Trường

82

Xóm Đồng Hội II

83

Xóm Đồng Thanh

26

Nghĩa Khánh

84

Xóm Mát

CLB xã Nghĩa Khánh

9

Huyện Nghi Lộc

27

Nghi Khánh

85

Xóm Khánh Trung

CLB xã Nghi Khánh

28

Nghi Lâm

86

Xóm 9

CLB Nghi Lâm

29

Nghi Trung

87

Xóm 17

CLB xã Nghi Trung

88

Xóm 10

89

Xóm 7

30

Nghi Long

90

Xóm 13

31

Nghi Thái

CLB xã Nghi Thái

10

Huyện Yên Thành

32

Xã Phúc Thành

91

Thôn Nam Chính

CLB xã Phúc Thành

92

Xóm Đông Tây Hồ

33

Xã Bảo Thành

93

Xóm Thịnh Đức

CLB xã Bảo Thành

34

Xã Đồng Thành

94

Xóm Đồng Phúc

CLB xã Đồng Thành

95

Xóm Vũ Kỳ

96

Xóm Hồng Kỳ

35

Xã Viên Thành

97

Thôn Yên Xá

98

Hậu Sơn

99

Đề Thám

CLB xã Hợp Thành

11

Thành Phố Vinh

36

Phường Lê Lợi

CLB phường Lê Lợi

37

Phường Vinh Tân

CLB phường Vĩnh Tân

38

Phường Trường Thi

100

Khối 6

CLB phường Trường Thi

39

Phường Đội Cung

101

Khối 1

102

Khối 4

103

Khối 5

40

Xã Nghi Liên

104

Xóm 18C

CLB xã Nghi Liên

105

Xóm 9

106

Xóm 11

107

Xóm 5

108

Xóm 2

109

Xóm 14

12

Thị xã Cửa Lò

CLB thị xã Cửa Lòa

41

Phường Nghi Hải

CLB phường Nghi Hải

42

Phường Thu Thủy

CLB phường Thu Thủy

43

Phường Nghi Hòa

110

Khối Đông Hòa

CLB phường Nghi Hòa

111

Khối Tân Diệu

112

Khối Bắc Hòa

113

Khối Hải Bằng 2

13

Huyện Diễn Châu

CLB Huyện Diễn Châu

44

Xã Diễn Thọ

114

Xóm 11 Tây Thọ

CLB Diễn Thọ

115

Xóm 2 Tây Thọ

116

Xóm 6 Đông Thọ

45

Xã Diễn Lâm

117

Xóm 9 Bắc Lâm

CLB xã Diễn Lâm

118

Xóm 1 Bắc Lâm

119

Xóm 6 Nam Lâm

120

Xóm 5 Nam Lâm

121

Xóm 8 Bắc Lâm

46

Xã Diễn Thái

122

Xóm 3

CLB Diễn Thái

123

Xóm 6

124

Xóm 10

125

Xóm 7

47

Diễn Thắng

126

Làng Đại Thắng

127

Làng Xuân Thắng

128

Làng Quyết Thắng

129

Làng Lâm Thắng

48

Diễn Trung

130

Xóm 1

CLB Diễn Trung

131

Xóm 2

132

Xóm 3

133

Xóm 4

134

Xóm 5

49

Diễn Bình

135

Xóm 1

CLB Diễn Bình

136

Xóm 3

50

Diễn Lợi

137

Xóm 1

CLB Diễn Lợi

138

Xóm 2

139

Xóm 3

140

Xóm 4

141

Xóm 6

142

Xóm 8

51

Diễn Hạnh

143

Xóm 6

CLB Diễn Hạnh

144

Xóm 2

52

Diễn Mỹ

145

Xóm 9 (làng Đông Thanh)

146

Xóm 11

147

Xóm 8 (Đông Thượng)

148

Xóm 5 (Đông Tiến)

149

Xóm 1

53

Diễn Hoa

150

Xóm 7

151

Xóm 3

152

Xóm 1

153

Xóm 4

154

Xóm 2

155

Xóm 6

156

Xóm 5

14

Huyện Nam Đàn

CLB Huyện Nam Đàn

54

Thị trấn Nam Đàn

157

Thôn 5

CLB Thị trấn Nam Đàn

55

Nam Lộc

158

Thôn 6

CLB Nam Lộc

159

Thôn 7

160

Thôn 8

161

Thôn 9

162

Thôn 10

56

Nam Hưng

163

Thôn Đình Long

CLB Nam Hưng

164

Thôn Ba Hai

57

Nam Trung

165

Xóm 7

166

Xóm 11

167

Xóm 13

58

Xuân Hòa

168

Xóm 10

CLB Xuân Hòa

59

Nam Anh

CLB Nam Anh

60

Kim Liên

CLB Kim Liên

15

Huyện Quỳ Hợp

CLB Thị trấn Quỳ Hợp

 

            * Tổng số tại Nghệ An: 15 huyện /thị, 60 xã/thị trấn, 168 thôn/xóm, 60 CLB.

2.KIỂM KÊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ DÂN CA VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH, TỈNH HÀ TĨNH

 

STT

Thành phố/ huyện/ thị xã

Xã/ phường/ thị trấn

Làng/thôn/xóm/ khu

Câu lạc bộ

Ghi chú

stt

Tên gọi

stt

Tên gọi

stt

Tên gọi

1

Huyện Can Lộc

1

Trường Lộc

1

 phượng Sơn

2

 Tân Tiến

3

Quỳnh Sơn

4

Phúc Trường

2

Trung Lộc

5

Minh Hương

6

Nhụ Hòa

3

Tùng Lộc

7

Tân Quang

8

Tài Năng

4

Thị trấn Nghàn

9

Khu 5 (Xóm Năm)

2

Huyện Đức Thọ

5

Xã Tùng Ảnh

10

Châu Linh

1

CLB xã Tùng Anh

11

Đông Thái

12

Sơn Lễ

6

Xã Trường Sơn

13

Bến Hầu

7

Xã Thái Yên

2

CLB Thái Yên

8

Xã Đức La

14

Thôn Quyết Tiến

3

Huyện Vũ Quang

9

Xã Ân Phú

15

Thôn 5 (làng Tân Miện)

16

Thôn 1 (làng Đông)

17

Thôn 2 (làng Đoài)

18

Thôn 3 (làng Biểu)

19

Thôn 4(làng Bòong)

10

Xã Đức Giang

20

Cẩm Trang

4

Thành phố Hà Tĩnh

11

Phường Đại Nài

3

CLB Đại Nài

12

Xã Thạch Môn

21

Thanh Tiến

13

Phường Thạch Linh

22

Yên Đồng

5

Huyện Lộc Hà

14

Xã Thịnh Lộc

23

Yên Định

24

Hồng Thịnh

25

Nam Sơn

15

Xã Thạch Châu

26

Bằng Châu

4

CLB Thạch Châu

27

Lâm Châu

28

Hồng Lạc

29

Châu Hạ

30

An Lộc

31

Minh Quý

32

Thanh Tân

33

Hòa Ngọc

34

Quang Phú

6

Huyện Kỳ Anh

16

Xã Kỳ Thư

5

CLB O Nhẫn

17

Xã Kỳ Hải

18

Xã Kỳ Bắc

35

Tân Tiến

36

Trung Tiến

37

Đông Tiến

38

Hợp Tiến

39

Nam Tiến

19

Xã Kỳ Văn

6

CLB Đồng Sơn

7

Thị xã Hồng Lĩnh

20

Trung Lương

40

Tân Miến

41

Trung Hậu

42

Hầu Đền

43

Bân Xá

21

Xã Thuận Lộc

7

CLB trường mầm non

44

Phú Thuận

45

Thôn Chùa

46

Tân Hòa

8

Huyện Hương Khê

22

Xã Hương Trà

47

Thôn Bắc Trà

48

Tiền Phong

49

Nam Trà

50

Tân Hương

51

Đông Trà

23

Xã Hương Vĩnh

52

Thuận Trị

53

Vĩnh Thắng

54

Vĩnh Giang

55

Ngọc Mỹ

56

Vĩnh Hương

9

Huyện Hương Sơn

24

Thị trấn Phố Châu

8

CLB thị trấn Phố Châu

25

Xã Sơn Bình

57

Xóm 6 (Bảo Thịnh)

10

Huyện Cẩm Xuyên

26

Trung tâm VHTT huyện      

9

CLB ví giặm huyện Cẩm Xuyên

27

Xã Cẩm Nhượng

10

CLB Nhượng Bạn

28

Xã Cẩm Mỹ

58

Thôn 6

59

Thôn 7

11

Huyện Thạch Hà

29

Xã Phù Việt

11

CLB dân ca Phù Việt

60

Trung Tiến

61

Thống Nhất

62

Bùi Xá

30

Xã Thạch Khê

12

CLB Hội người cao tuổi

63

Tân Phúc

64

Thanh Cao

65

Phúc Lan

66

Vĩnh Long

31

Xã Thạch Long

67

Gia Ngãi 1

68

Nam Giang

69

Gia Ngãi 2

70

Đan Trung

32

Xã Thạch Tân

13

CLB dân ca Thạch Tân

33

Xã Việt Xuyên

71

Trung Trinh

72

Việt Yên

34

Thị trấn Thạch Hà (thị trấn Cày)

73

Tổ dân phố1

74

Tổ dân phố2

75

Tổ dân phố3

76

Tổ dân phố4

77

Tổ dân phố5

78

Tổ dân phố6

79

Tổ dân phố7

80

Tổ dân phố8

81

Tổ dân phố9

82

Tổ dân phố 10

83

Tổ dân phố 11

12

Huyện Nghi Xuân

35

Xã Tiên Điền

84

An Mỹ

14

CLB xã Tiên Điền

36

Xã Cương Gián

85

Song Nam

86

Đại Đồng

37

Xã Xuân Giang

15

CLB xã Xuân Giang

87

An Tiên

88

Hồng Thịnh

89

Hồng Tiến

38

Xã Xuân Hồng

90

Thôn 1 – làng Xuân Lát

91

Thôn 4 – làng Song Hồng (Đồng Ván)

92

Thôn 8 – làng Hồng Phú

 

 

* Tổng số tại Hà Tĩnh: 12 huyện/thị, 38 xã/thị trấn, 92 thôn/xóm và 15 CLB.

Biện pháp bảo tồn: Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh phối hợp với 75 Nhóm Dân ca Ví, Giặm tổ chức các buổi thảo luận nhằm nâng cao trách nhiệm truyền dạy và bảo vệ di sản; hỗ trợ cộng đồng nâng cao chất lượng thực hành, truyền dạy ở các Nhóm Dân ca Ví, Giặm nhằm phát huy vai trò của nghệ nhân và thu hút thế hệ trẻ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp với cộng đồng tổ chức giao lưu  các Nhóm Dân ca Ví, Giặm, các hội diễn, liên hoan “Tiếng hát dân ca” giữa các vùng, miền để tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực hành.

Chính quyền và cơ quan văn hóa tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, vinh danh các nghệ nhân truyền dạy trong gia đình, cộng đồng, Nhóm Dân ca Ví, Giặm, trong trường phổ thông và trường nghệ thuật. Đài phát thanh truyền hình Nghệ An và Hà Tĩnh duy trì, phát triển chương trình Dạy hát dân ca và chuyên mục 15 phút dân ca vào sáng thứ Hai, Tư, Sáu và 30 phút dân ca vào thứ Ba trên phát thanh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ hợp tác với các nhà nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tiếp tục cùng cộng đồng điều tra, khảo sát, nhận diện, đánh giá toàn bộ kho tàng Dân ca Ví Giặm, hòan thiện kết quả kiểm kê, thường xuyên cập nhật thông tin về Ví Giặm và một số hình thức dân ca ở các vùng, miền khác ở Việt Nam, tăng cường xuất bản sách, CD, DVD để phổ biến giá trị di sản.

Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp, với sự tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Dụ lịch) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực kiểm kê, quản lý và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở; nâng cao hiểu biết của cán bộ địa phương và cộng đồng về Luật Di sản Văn hóa, Công ước 2003, định hướng hoạt động của các Nhóm Dân ca Ví, Giặm.

Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát

nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh sẽ khôi phục lại một số bài bản, điệu hát truyền thống đã bị mai một phục vụ đông đảo khán giả và truyền dạy cho thế hệ trẻ ở Nhóm Dân ca Ví Giặm và trường phổ thông trên địa bàn hai tỉnh.

Xây dựng trang Web “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” liên kết với Trạm vệ tinh của Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được xây dựng ở Tp. Vinh và Tp. Hà Tĩnh. Cục Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam sẽ hướng dẫn, hợp tác và hỗ trợ các Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương các cấp và cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh triển khai các biện pháp bảo về Dân ca Ví Giặm đã nêu ở phần 3.b.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Sở Giáo dục và đào tạo của hai tỉnh tiếp

tục hoàn thiện, mở rộng chương trình dạy hát Dân ca Ví, Giặm trong trường phổ thông.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của hai tỉnh tiếp tục kiểm kê khoa học, cập nhật thường xuyên kết quả kiểm kê Ví, Giặm, vận hành Trạm vệ tinh

Ngân hàng dữ liệu ở Tp. Vinh và Tp. Hà Tĩnh. Bộ Văn hóa Thể thao, và Du lịch cùng với các Bộ, ngành liên quan và hai

tỉnh tổ chức tôn vinh và có chính sách đãi ngộ các nghệ nhân Dân ca Ví, Giặm sau khi Nghị định quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được Chính phủ ban hành (dự kiến năm 2013).

Nhà nước hỗ trợ kinh phí tiếp tục xuất bản các công trình nghiên cứu và sưu tầm Dân ca Ví, Giặm, kinh phí tổ chức các hội diễn, liên hoan Dân ca Ví, Giặm.

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

Ảnh: Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

 

 

Phim: Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh

Ghi âm: Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh