1. Phân loại di sản: Tri thức và thực hành liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ
2. Không gian địa lý: xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái
3. Thời gian tổ chức: Theo phong tục tập quán truyền thống của người Tày, diễn xướng khảm hải thường được diễn ra trong dịp lễ hội và dịp cầu cúng.
4. Cộng đồng di sản: Đây là nét văn hóa độc đáo của người Tày.
5. Nhận diện di sản: Khảm hải có nghĩa Vượt biển là truyện thơ của dân tộc Tày. Đây là truyện thơ có giá trị về nội dung và hoàn chỉnh về nghệ thuật. Diễn xướng Khảm hải là sự tổng hợp các hình thức: múa, hát, kể, hét. Đặc biệt các yếu tố này đều được thực hiện trước bàn thờ Then dưới sự chứng dám của các vị thần linh trong một khung cảnh thiêng liêng tạo nên một thứ diễn xướng sân khấu tâm linh. Với tư cách là người liên hệ được với thần linh, người làm Then, Pụt đã đi lại một cách dễ dàng từ cõi này sang cõi khác mà ranh giới chỉ là “biển”, con sông ngăn đôi thế giới trần gian và thế giới người chết. Then chính là một hình ảnh phản chiếu cõi trời. Ngoài những cung phủ nguy nga cõi trời trong Then cũng có rừng sâu, biển cả, chợ… như dưới trần gian. Như vậy, Then đã truyền tải được những tâm tư, nguyện vọng của người Tày và trong Khảm hải người ta thấy rõ môi trường sống miền núi với những lễ vật mà họ tự nuôi trồng, săn bắn mang cung tiến Ngọc Hoàng. Qua đó thể hiện ước nguyện về một cuộc sống bình dị của người dân: có thóc gạo, trâu bò, có gà vịt đầy nhà, cha mẹ già trường thọ, gia đình hòa thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành.
Để tổ chức nghi lễ này thì gia chủ phải chuẩn bị những lễ vật như: bánh dày, đan lát những đồ cúng tế như mô hình tháp cửu tầng, nhà miếu tế lễ, sọt đựng lễ vật nhiều dạng, nhiều kích cỡ cùng với những sản phẩm nông nghiệp vừa đặc trưng của dân tộc vừa coi là của ngon vật quý.
Bản chất của nghi lễ Khảm hải thực chất là tục cầu cúng giải hạn, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu trường thọ. Tuy nhiên, người Tày Xuân Lai thường thực hiện nghi lễ Khảm hải khi trong gia đình có người già. Theo quan niệm của người Tày ở đây thì con người tuổi càng cao số mệnh con người càng ngắn nên dễ sinh bệnh tật mà chết. Do đó, muốn sống lâu, khỏe mạnh thì phải làm lễ nối số. Và khi thực hiện nghi lễ Khảm hải cho người già thì gia đình có thể kết hợp cầu may, cầu phúc…
“Pựt” được thể hiện từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc lễ cúng vía với nhiều đoạn và trường đoạn khác nhau. Khảm hải chỉ là một đoạn trong trường ca đó nhưng lại là đoạn hay nhất, hấp dẫn nhất, đoạn này bao giờ cũng được diễn vào lúc đêm khuya nhất nhưng luôn thu hút sự chú ý của mọi người. Đến nay, “Khảm hải” cũng như hát “Pựt” vẫn được người Tày bảo tồn và giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Đây là nghi lễ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng con người tới cái thiện, về cội nguồn tổ tiên, răn dạy con cháu biết quan tâm đến ông bà, cha mẹ và có một ý chí và nghị lực để vượt qua những khó khăn để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp.
Trải qua nhiều bước thăng trầm, Khảm hải với đầy đủ giá trị của một khúc ca nghi lễ, khúc ca cuộc đời. Với ca từ đặc sắc, với nghệ thuật diễn xướng linh thiêng Khảm hải chính là nơi lưu giữ, biểu dương những nét đẹp của văn hóa nghệ thuật Tày.