Không gian địa lý: Theo kết quả kiểm kê năm 2011, có hơn 29.000 người đang thực hành Nghệ thuật Đờn ca tài tử ở 21 tỉnh, thành phố miền Nam Việt Nam: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Những tỉnh, thành phố có nhiều người thực hành là: Bạc Liêu, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử chịu ảnh hưởng, giao thoa với một số loại hình di sản văn hóa khác ở miền Trung, miền Nam như: nhạc Lễ, hát Bội, dân ca,...
Thời gian tổ chức: Đờn ca tài tử được thực hành ở: lễ hội, ngày giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt,… Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo. Người miền Nam coi Đờn ca tài tử là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là di sản quý giá của chính họ. Lễ giỗ Tổ được duy trì hàng năm vào 12/8 âm lịch.
Cộng đồng chủ nhân di sản: Chủ nhân của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đờn ca tài tử) là những người thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau như: nông dân, ngư dân, công nhân, trí thức,... thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình.
Tiêu biểu là:
· Nhóm ở Huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre;
· Nhóm ở Xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương;
· Nhóm ở Thị trấn Châu Thành, tỉnh Tây Ninh;
· Câu lạc bộ Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu;
· Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau;
· Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Thanh Phúc, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai;
· Gia đình (3 thế hệ) ông Nguyễn Văn Du, ấp Thới Thanh, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
· Gia đình (3 thế hệ) ông Lê Khắc Tùng, ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh…
Nhận diện di sản: Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là loại hình nghệ thuật do cộng đồng 21 tỉnh thành miền Nam Việt Nam cùng nhau tạo ra, là một phần bản sắc của người dân phía Nam và được trao truyền từ đời này qua đời khác, được đảm bảo tính tiếp nối liên tục.
Đờn ca tài tử có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế được du nhập vào miền Nam từ cuối thế kỷ XIX, lúc đầu chỉ để phục vụ việc giải trí nghe chơi trong một cộng đồng nhỏ. Sau đó, nghệ thuật này ngày càng lan rộng và thu hút thêm nhiều đối tượng khác tham gia. Ban đầu chỉ có đờn, về sau mới xuất hiện thêm hình thức ca dần dần gọi thành đờn ca.
Trong nghệ thuật đờn ca, nam và nữ có vai trò bình đẳng, người đàn và người hát có vị trí tương đương nhau. Trước đây, dàn nhạc đờn ca tài tử sử dụng các loại nhạc cụ gồm đàn kim, đàn cò, đàn tranh song lang, ống tiêu. Khoảng từ năm 1920, lục huyền cầm (đàn ghi ta), hạ uy cầm và violon cũng được thêm vào trong dàn nhạc. Phần hay nhất trong tài tử là ở phần rao của người đàn và lối nói của người ca. Người đàn dùng rao - người ca dùng lối nói – để lên dây đàn và gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn tấu. Ngoài ra khi trình diễn các nghệ sĩ có thể dùng tiếng đàn của mình để “đối đáp” hoặc “thách thức” với người đồng diễn. Đây cũng là điểm mới lạ, hấp dẫn, cuốn hút của loại hình nghệ thuật dân tộc này.
Các biện pháp bảo vệ
Tiếp tục thực hiện việc sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện, tư liệu hóa, kiểm kê Đờn ca tài tử và tập huấn để nâng cao nhận thức cộng đồng và phục vụ cho các mục đích quảng bá và giáo dục di sản. Tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế để trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm áp dụng vào việc bảo vệ và phát huy Đờn ca tài tử. Ngành văn hóa trung ương và địa phương xuất bản và cung cấp cho cộng đồng sách, tạp chí, CD, VCD và DVD về Đờn ca tài tử. Đội thông tin cơ sở ở các làng, xã, huyện, tỉnh phổ biến giá trị của di sản thông qua các hoạt động của trung tâm văn hóa và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khuyến khích cộng đồng ở miền Nam và cả toàn quốc tham gia thực hành Đờn ca tài tử và sáng tạo bài bản mới trên cơ sở 20 bản Tổ để làm phong phú thêm lượng bài bản.
Tiếp tục duy trì cả hai hình thức truyền dạy: hỗ trợ bằng nhiều biện pháp cho người dạy và người học để truyền dạy theo hình thức truyền thống tại cộng đồng; Xây dựng các chương trình giáo dục trên cơ sở tích hợp những kiến thức về di sản, trong đó có nghiên cứu đưa Đờn ca tài tử vào nhà trường theo các chương trình giáo dục chính thức và ngoại khóa. Biên soạn, hoàn chỉnh bộ giáo án Đờn ca tài tử đủ điều kiện để giảng dạy ở các cấp trường học với sự hỗ trợ của các nghệ nhân. Đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng cho cán bộ văn hóa ở cơ sở.
Xây dựng chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân, người thực hành, truyền dạy, học viên theo học Đờn ca tài tử. Xây dựng Quỹ bảo vệ Đờn ca tài tử với sự đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để hỗ trợ cho việc giáo dục và quảng bá di sản. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm, gia đình. Hỗ trợ tổ chức liên hoan, giao lưu trình diễn và sáng tạo Đờn ca tài tử. Các tỉnh, thành phố cùng toàn cộng đồng duy trì tổ chức các Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia định kỳ 3 - 5 năm/lần, trên cơ sở Liên hoan theo địa bàn tỉnh 2 năm/lần, huyện, xã 01 năm/lần. Thành lập Hội nghệ nhân, Hội người thực hành Đờn ca tài tử trên cơ sở các câu lạc bộ, nhóm, gia đình ở cộng đồng; xây dựng chương trình hoạt động cho Hiệp hội để đóng vai trò tích cực trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Hỗ trợ cộng đồng duy trì, phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Đờn ca tài tử ở các ấp, xã, khu phố, thị xã, thị trấn,... Phục hồi sinh hoạt Đờn ca tài tử cổ, sưu tầm và phục hồi các bài bản cổ; phát huy, phát triển yếu tố mới phù hợp cuộc sống đương đại.
Tuyên truyền, xuất bản, quảng bá, giới thiệu về Đờn ca tài tử cho công chúng trong và ngoài nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu về Đờn ca tài tử tại Viện Âm nhạc Việt Nam theo hình thức mở, phục vụ việc nghiên cứu, khai thác thông tin để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận.
Tiến trình thực hiện: Các hoạt động trên được tiến hành đều đặn hàng năm.
Lộ trình cụ thể:
2013 - 2016: Tập trung thực hiện các hoạt động sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu, phục hồi, tư liệu hóa.
2014 - 2016: Củng cố, hỗ trợ hoạt động cho các câu lạc bộ, nhóm, gia đình. Thiết lập mạng lưới giao lưu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các cá nhân, nhóm, câu lạc bộ.
2014 - 2017: Hỗ trợ nghệ nhân mở lớp truyền dạy. Xây dựng các chương trình giáo dục trong nhà trường. Đào tạo cán bộ quản lý di sản tại địa phương. Liên kết các tổ chức đẩy mạnh việc quảng bá di sản trong và ngoài nước.