Loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian
Không gian địa lý: Bao gồm các tỉnh Nam Trung Bộ của Việt Nam (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Thời gian tổ chức: Thường được tổ chức vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, ngày hội của những làng xã trong vùng. Nơi diễn ra hội đánh bài chòi thường là sân đình làng hoặc những khoảng đất rộng, bằng phẳng gần các khu dân cư, gần chợ, thuận lợi cho mọi người đi dự hội.
Cộng đồng chủ nhân di sản: Quần chúng nhân dân lao động ở nông thôn các tỉnh Nam Trung Bộ của Việt Nam.
Miêu tả về di sản văn hoá phi vật thể:
Khi mới hình thành hội đánh bài chòi, một trò chơi đơn giản, họ dựng những cái chòi tranh tre, những người chơi bài ngồi trên chòi, có người ở dưới đất hô tên những con bài gọi là người cầm cái, chòi nào có con bài trùng khớp với con bài người cầm cái hô gọi là trúng, chòi nào trúng đủ 03 con bài gọi là tới một ván. Thời kỳ đầu bài chòi, cũng chỉ là một trò chơi, giải trí bình thường trong những dịp lễ tết, hội hè và có tên gọi “Hội bài chòi xuân”. Người đánh bài chòi vào dịp đầu xuân là dịp để cùng gia đình chơi vui, giải trí vừa là dịp cầu may, cầu lộc đầu năm. Đến thế kỷ XX, người ta sáng tạo ra nhiều điệu hò để nâng cao nghệ thuật của bộ môn này. Người hô phải theo nhịp trống, nhịp sanh, có tiếng đàn tiếng kèn đệm theo, làm cho điệu hò thêm réo rắt, hấp dẫn. Người hô với chức năng quản trò, được gọi là “Hiệu”. Người này không phân biệt tuổi tác và giới tính, miễn là phải rành các điệu hát nam, hát khách, hát lý, thuộc nhiều thơ, ca dao, biết pha trò đồng thời ứng đối nhanh nhẹn. Những anh hiệu, chị hiệu trong thời kỳ này phần đông là những đào kép hát bội, cho nên những lớp diễn có trống chầu đệm, có dàn nhạc cổ phục vụ, rất hấp dẫn người chơi và người xem hội. Anh hiệu, chị hiệu vừa hô tên con bài được rút từ trong ống thẻ giữa sân hội, vừa biểu diễn những động tác, giọng điệu để góp vui, tăng phần hấp dẫn cho người chơi và người xem hội. Nét độc đáo của trò chơi bài chòi còn nằm ở việc xướng những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè, kể những câu chuyện trong dân gian có nội dung ý nghĩa tương ứng với tên gọi của mỗi con bài được rút ra. Khi nghe gọi tên những con bài ta cảm thấy rất vui tai, ngộ nghĩnh như: Bảy liễu, bảy thưa, ba gà, ba bụng, nhứt nọc, năm dụm, ông ầm, bạch huê, tứ tượng, chín cu…
Hát Bài Chòi trải qua 3 giai đoạn phát triển: Giai đoạn 1; Bài Chòi độc diễn, chỉ có một người hô và nhiều người ngồi nghe - trong hội chơi chỉ có một mình Anh Hiệu vừa hát, vừa làm động tác để tạo thêm tính hấp dẫn cho trò chơi. Theo thời gian, những câu hát ngày càng dài ra và động tác cũng phong phú hơn. Người chơi và người xem nghe từng câu và chờ đợi tới lúc ứng với tên con bài. Khi có tiếng mõ vang lên ở chòi nào, Anh Hiệu sẽ mang khay tiền tới thưởng người chơi ở chòi đó. Giai đoạn 2; Bài Chòi tiến dần đến hình thức nhiều người hô theo lớp lang, tuồng tích. Đó là tiền đề cho sân khấu ca kịch Bài Chòi hiện đại ra đời. Giai đoạn 3; Sân khấu ca kịch Bài Chòi hiện đại: đây là thời điểm Bài Chòi ở sân đình, làng, chợ tiến lên sân khấu, với ánh đèn rực rỡ, với nhiều đào, kép sặc sỡ xiêm y, với những điệu hát khách, hát nam gần như hát Bội.
Ngoài việc thử thời vận hên xui vào dịp đầu năm, người ta còn tìm đến bài chòi để mua vui qua giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của hiệu. Bên trên các chòi tre, người chơi vừa lắng nghe tên con bài do anh hiệu, chị hiệu hô vừa thưởng thức các điệu hò vè, vừa được xem các anh, chị hiệu diễn trò. Cứ thế tất cả đều say mê hào hứng tạo cho cuộc chơi một sắc thái mang lại đậm chất dân gian bởi cái mộc mạc đáng yêu của nó. Vì vậy, đánh bài chòi là một thú vui tiêu khiển, một hình thức diễn xướng dân gian, vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã.