1. Phân loại di sản: Nghệ thuật biểu diễn dân gian
2.Không gian địa lý: Hát Chèo Kiều được thực hành phổ biến trong đời sống của người dân của người dân xứ Nghệ đặc biệt là người dân của huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Trung tâm của di sản hát Chèo Kiều hiện nay là xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân nơi có chất giọng, ngôn ngữ và cách diễn xướng đặc trưng nhất của hát Chèo Kiều.
3.Thời gian tổ chức: Hát Chèo Kiều được biểu diễn vào các dịp kỷ niệm ngày sinh của đại thi Hào Nguyễn Du (27/11); trong các dịp hội hè, lễ tết, các chương trình văn nghệ quần chúng, các ngày lễ lớn của gia đình, dòng họ, và làng xã.
4. Chủ nhân di sản: Người Việt xứ Nghệ
5. Nhận diện di sản: Hát Chèo Kiều hay còn gọi là Trò Kiều là loại hình nghệ thuật được sáng tạo từ Truyện Kiều. Trong đó lời ca, giai điệu là sự hòa trộn pha trộn giữa cải lương, tuồng, chèo, ca trù, ngâm, lẩy Kiều và dân ca Nghệ Tĩnh, người biểu diễn vừa hát, vừa diễn trò. Mỗi nhân vật, mỗi trường đoạn sẽ “ứng” với các làn điệu cụ thể. Các làn điệu chính của chèo Kiều ở Tiên Điền, ở Xuân Liên thường là: làn ngang - làn dọc - nam bằng - nam ai - nam thương - hát sử - hát sắp - sa lệch - hát đi đường - hát văn - hát lối - hát vần…
Về lối diễn xuất Chèo Kiều ở Nghi Xuân được thể hiện với các thủ pháp gần giống như chèo, tuồng Bắc Bộ. Lối diễn về không gian, thời gian, động tác ước lệ là chủ yếu, dùng động tác vũ đạo để thay đổi không gian, địa điểm và cả thời gian (nếu quất roi nhảy một bước rồi lượn vòng là thay đổi địa điểm. Quất roi chứng tỏ là phi ngựa. Nếu xách quần làm động tác nhảy chéo chân là qua sông, nếu vuốt râu giơ tay đặt lên trán là ngủ…) Đặc biệt, đối với chèo Kiều nhân vật xuất hiện là phải xưng danh. Xưng danh là giới thiệu tóm tắt lai lịch, tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, hoàn cảnh, sở trường, sở thích của nhân vật để người xem hiểu được phần nào lai lịch của nhân vật đó.
Hát Chèo Kiều đã neo đậu trong tâm hồn người dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) qua hàng trăm năm với nhiều thế hệ, được người dân nơi đây sáng tạo, gìn giữ và lan tỏa trong cộng đồng. Người dân nơi đây hát Chèo Kiều, diễn Chèo Kiều khi đi làm đồng, ngồi khâu nón, dệt vải, đan rổ rá hay đi biển... Mọi niềm vui, nỗi buồn, tâm tư tình cảm đều có thể được biểu hiện thông qua những câu Kiều. Không chỉ các cụ ông, cụ bà mà nam thanh, nữ tú ở trong vùng hễ cứ lớn lên đều thuộc lòng mấy câu Kiều, ra đường họ còn vận dụng để thay cho cách nói chuyện, chào hỏi thông thường. Chèo Kiều giúp họ quên đi những vất vả của công việc đồng áng, quên đi lo toan mệt nhọc của bộn bề cuộc sống.
Chèo Kiều đặc sắc nhất vẫn là ở Tiên Điền trên quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du. Ở Tiên Điền Chèo Kiều mang đúng đặc trưng giọng điệu, ngôn ngữ và cách diễn xướng, khiến người nghe, người xem cảm nhận và hình dung về các nhân vật truyện Kiều sinh động và gần gũi hơn. Chèo Kiều ở tiên điền đã đi vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây, ăn sâu vào tiềm thức của họ.
Chèo Kiều không chỉ được diễn trên sân khấu mà còn là loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính chất cộng đồng gắn với không gian diễn xướng bởi vậy loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo này cũng chính là sợi dây nối kết tình làng nghĩa xóm, kéo những con người xích lại gần nhau hơn.