1. Loại hình: Nghệ thuật trình diễn
2. Không gian địa lý: Vùng châu thổ sông Hồng, trung du Bắc Bộ bao gồm các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa và TP. Hà Nội.
3. Thời gian tổ chức: Thường vào mùa Thu và vào những dịp lễ tết hội hè của làng.
4. Cộng đồng chủ nhân di sản: là những người nông dân sinh sống ở vùng châu thổ sông Hồng và trung du Bắc Bộ.
5. Nhận diện di sản: Hát Trống quân Là hình thức diễn xướng dân gian đặc trưng của vùng châu thổ và trung du Bắc Bộ, cùng với hát ví và hát quan họ, Hát trống quân là lối hát dân ca trao tình trai gái gắn liền với tiết trung thu tháng tám hay những khi làng vào đám mở hội. Sinh hoạt trống quân một hình thức hát giao duyên, được nam thanh nữ tú hát vào những đêm trăng tỏ, bởi đến với canh hát họ không chỉ được giao lưu, tìm bạn, thể hiện tài năng ứng xử của mình mà ở đó trong từng câu hát đã gom cả vốn dân ca trữ tình của người nông dân vùng nông thôn. Nơi diễn ra lễ hội Hát trống quân thường là sân đình hoặc mảnh đất ven làng, có khi tổ chức ngay trên một đám ruộng khô vừa gặt. Nhạc cụ của hội là chiếc trống được tạo bởi một sợi mây dài chừng 10 m, một chiếc mâm, một chiếc thùng và một đoạn cành cây. Hộp cộng hưởng âm thanh được khoét sâu vào lòng đất và âm hưởng của chiếc trống tạo nên nhờ sự va đập một cây dài làm bằng cành cây, mảnh tre, do các nghệ sĩ gõ vào sợi dây mây. Đám hát trống quân ở Dạ Trạch xưa thường dùng thùng gỗ để làm hộp cộng hưởng khiến cho tiếng trống rất vang và ấm. Để tạo trống người ta đào một hố đất, kê mấy thanh tre ngang rồi úp thùng gỗ xuống. Sau đó đóng cọc căng dây mây, sợi dây dài 5m vắt qua một cái chạc chữ V trên mặt đáy thùng gỗ. Khi hát, người ta cầm dùi gỗ, gõ vào cái dây mây căng thẳng. Người hát trải chiếu, nam một bên, nữ một bên. Từng đôi một vào hát thì ngồi trên hai chiếc ghế gần thùng trống, cách nhau sợi dây trống. Cứ nam hát xong thì người nữ hát đáp, hoặc ngược lại, không hát song ca. So những làn điệu dân ca giao duyên khác như hát đúm, hát ghẹo, hát xoan, hát ví, thì trống quân là một thể hát có thể nói là đơn giản nhất về cả âm nhạc lẫn cách diễn xướng. Nhạc cụ gõ duy nhất là chiếc trống quân giữ nhịp, tạo tiết tấu. Âm thanh bập bùng của trống độc đáo hòa quyện cùng tiếng hát có khả năng lan truyền khá xa, nhất là vào những đêm gió mát trăng thanh, với giai điệu thình thùng thình của trống quân tạo ra, các đôi trai gái hoặc cho hai tốp nam nữ hát thâu đêm suốt sáng để bày tỏ nỗi lòng thầm kín.
Hát trống quân đã gắn liền với lịch sử của làng quê Việt, có những làn điệu đã tồn tại hàng trăm năm, song cũng có những làn điệu còn mới mẻ, nhưng tất cả đều gắn bó mật thiết với đời sống của người nông dân trong mỗi xóm làng, nó phản ánh tâm hồn và cuộc sống của những người lao động, và nó đã trở thành di sản văn hoá quý báu của người Việt, mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước vùng châu thổ.
STT |
Họ và tên |
Địa chỉ |
1. |
Nguyễn Duy Phí |
Xã Dạ Trach, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên |
2. |
Lê Hồng Điệp |
Xã Dạ Trach, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên |
3. |
Nguyễn Hữu Bổn |
Xã Dạ Trach, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên |
4. |
Lê Thị Lâm |
Xã Dạ Trach, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên |
5. |
Lê Xuân Mau |
Xã Dạ Trach, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên |
6. |
Nguyễn Thị Thanh Xuyên |
Xã Dạ Trach, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên |
7. |
Nguyễn Ngọc Lại |
Xã Dạ Trach, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên |