kiemkedisan.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn

Hát Xoan Phú Thọ

Không gian điạ lý: - 04 Phường Hát Xoan gốc: An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đái thuộc xã Phượng Lâu và xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, bên bờ sông Lô, cách Hà Nội 80 km.

- 03 Đội Hát Xoan mới hình thành từ năm 2006 ở huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Thời gian tổ chức: Hát Xoan được thực hành vào mùa xuân trong hai tháng đầu năm âm lịch.

Cộng đồng chủ nhân di sản:  - Phường An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì: 42 người;

- Phường Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì: 23 người;

- Phường Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì: 31 người;

- Phường Kim Đái (hay Kim Đới) xã Kim Đức, thành phố Việt Trì: 25 người.

Nhận diện di sản: Hát Xoan là loại hình nghệ thuật trình diễn liên quan tới tín ngưỡng thờ các Vua Hùng. Theo truyền thuyết, các Vua Hùng đã có công trong thời kỳ đầu dựng nước ở vùng đất cổ Phú Thọ. Vì vậy, người dân Phú Thọ đã sáng tạo ra Hát Xoan để tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng và còn để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn...

Hàng năm vào mùa xuân, các phường Xoan gốc là thôn  An Thái (xã Phượng Lâu - TP. Việt Trì); thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức - TP. Việt Trì) thường tổ chức hát ở cửa đình những ngày hội đám. Người đứng đầu một phường Xoan là ông trùm. Mỗi phường Xoan thường có từ 15 đến 18 người hoặc đông hơn, thường là trai gái tuổi 16-18. Nam gọi là kép, nữ gọi là đào, số đào thường đông hơn số kép. Trước mùa hội, họ tổ chức tập luyện bài bản, mùa hội họ đi tứ xứ hát có khi đôi ba tháng mới về.

Hát Xoan được thực hành theo trình tự và có ý nghĩa như sau: Hát Thờ để tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với nước và tổ tiên của các dòng họ. Hát nghi lễ ngợi ca thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng. Hát hội (trong đó có Hát giao duyên) để bày tỏ ước mơ, tình cảm, tình yêu nam nữ và phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân qua các bài bản trữ tình, vui nhộn…

Báo cáo kiểm kê về di sản: Hát Xoan Phú Thọ

Biện pháp bảo tồn: Hát Xoan Phú Thọ

Những nỗ lực bảo vệ di sản gần đây và hiện nay:

Năm 1996, Câu lạc bộ Hát Xoan ra đời do nghệ nhân 04 Phường Hát Xoan gốc được tụ hợp lại.

Năm 2005, 04 Phường Xoan gốc được phục hồi và họ đã xác định phải tôn trọng và phục hồi vốn Hát Xoan cổ.

Năm 2005, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chỉ đạo nghiên cứu, khôi phục và truyền dạy Hát Xoan. Sau đó, Hát Xoan được giới thiệu tại Hội thảo khoa học quốc tế: Những nét văn hóa tương đồng Đông Nam Á phong tục nghi lễ tại Thái Lan với sự tài trợ của Quĩ Ford và Giao lưu Văn nghệ truyền thống tại Hàn Quốc. Cho tới nay, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho 29 nghệ nhân Hát Xoan. 

Viện Âm nhạc, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần tiến hành điều tra, khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu phục hồi Hát Xoan vào các năm: 1957, 1967, 1998, 1999, 2002, 2009, 2010. Viện Âm nhạc có một số công trình sưu tầm, nghiên cứu về Xoan kèm theo CD, VCD. Những sản phẩm này được quảng bá, giới thiệu trong nước và quốc tế. Các Đài Phát thanh, Truyền hình địa phương có chương trình giới thiệu Xoan trong nhiều năm qua cho cộng đồng.

Nghệ nhân 04 Phường Hát Xoan Thét, An Thái, Kím Đái, Phù Đức mặc dầu tuổi đã cao nhưng nhiều năm gần đây vẫn rất tích cực truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp vốn liếng Hát Xoan tại cộng đồng.

Từ năm 1991 - 2010 có 11/30 đình làng - không gian trình diễn Hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tập quán nghi lễ thờ cúng trở lại và cơ hội cho Hát Thờ trở lại. Miếu Lãi Lèn gắn sự tích ra đời của Hát Xoan bị hoang phế từ lâu nhưng gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đề nghị và được Nhà nước duyệt, cấp kinh phí khôi phục lại.

Nhiều cuộc liên hoan dân ca cấp quốc gia và địa phương có phần trình diễn Hát Xoan. Các Đài Phát thanh, Truyền hình của trung ương và địa phương đã xây dựng nhiều chương trình giới thiệu về Hát Xoan cho cộng đồng. Từ năm 1992 - 2010 có 07 cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc tế, quốc gia và địa phương về Hát Xoan, giúp nhận dạng giá trị Hát Xoan một cách khoa học, đánh giá đúng thực trạng, sức sống của Hát Xoan và dự báo tương lai.

Đề xuất các biện pháp bảo vệ

Mục tiêu đặt ra:

Phải phục hồi đầy đủ Hát Xoan cổ trong thời gian ngắn nhất khi các nghệ nhân cuối cùng còn trợ giúp được công việc này; đồng thời đưa Hát Xoan trở lại với đời sống thường ngày của nhân dân Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Kết quả mong muốn:

         - Sưu tầm được tối đa và trao truyền được toàn bộ bài bản, nghệ thuật trình diễn, các phong tập tục đúng của Hát Xoan cổ (Xoan gốc) đã sưu tầm được cho các thế hệ tại cộng đồng.

         - Các giá trị của Hát Xoan được tuyên truyền quảng bá rộng rãi trong nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. 

Biện pháp cụ thể:

Từ năm 2010 - 2014, Viện Âm nhạc, Cục Di sản văn hóa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các Hội nghị khoa học tìm hiểu thực trạng, nhận dạng giá trị của nghệ thuật Hát Xoan; tiếp tục xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tư liệu hóa, phục hồi, truyền dạy, bảo tồn và nâng cao nhận thức, quảng bá Hát Xoan trong xã hội và cộng đồng Hát Xoan đương đại. Dự kiến kinh phí 1.500.000.000 VND từ ngân sách trung ương và địa phương.

Từ năm 2010 - 2012, Viện Âm nhạc đăng ký dùng kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia hàng năm để gấp rút ghi hình, ghi tiếng toàn bộ bài bản, điệu múa, tục lệ gắn với Hát Xoan... do các nghệ nhân cao tuổi còn trình diễn được giúp đỡ. Dự kiến kinh phí mỗi năm từ 150.000.000 VND đến 500.000.000 VND.

Từ năm 2010 - 2014 với kinh phí của Nhà nước, địa phương và các nguồn tài trợ khác, dự kiến từ 200.000.000 đến 800.000.000 VND, cộng đồng Phú Thọ, Vĩnh Phúc được Viện Âm nhạc và 02 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc hỗ trợ chuyên môn để tổ chức 10 lớp truyền dạy hát  Xoan tại cộng đồng cho 50 - 250 học viên. Cộng đồng Hát Xoan trực tiếp tham gia sưu tầm, tìm hiểu di sản Hát Xoan nhằm nâng cao nhận thức để bảo tồn tốt nhất Hát Xoan cổ hiện còn. Hết sức tránh truyền dạy sai các bài bản của Hát Xoan cổ vốn có từ xưa.

Hai Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức sưu tầm, sản xuất các CD, VCD Hát Xoan để quảng bá, đưa Hát Xoan vào các trường phổ thông, các trường nghệ thuật của địa phương.

Từ năm 2010 - 2015 Viện Âm nhạc, hai Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc phối hợp mở lớp tập huấn về điều tra, kiểm kê, sưu tầm, cập nhật thông tin về Hát Xoan hằng năm cho cán bộ địa phương và các Phường Hát Xoan bằng kinh phí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của Uỷ ban nhân dân hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc; dự kiến từ 500.000.000 VND đến 800.000.000 VND.

Khuyến khích nhân dân và cộng đồng thành lập thêm các tổ chức và hình thức hoạt động, sinh hoạt trong khuôn khổ Phường/Họ và Câu lạc bộ Hát Xoan. Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin hai chiều nhằm nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của/giữa các cấp chính quyền, các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa ở địa phương, trung ương cùng đại diện cộng đồng 04 Phường Hát Xoan, 03 Đội Hát Xoan và cộng đồng của 30 làng có miếu, đình từng đón Phường Hát Xoan tới trình diễn.

Vận động và khuyến khích các tổ chức xã hội lập các quỹ hỗ trợ để trực tiếp đầu tư, giúp đỡ các nghệ nhân, học viên và cộng đồng Hát Xoan, phục hồi, thi tìm hiểu và thực hành Hát Xoan.

Khuyến khích các Phường/Họ và Câu lạc bộ Hát Xoan tiếp tục phục hồi, đưa Hát Xoan trở lại trình diễn trong các ngày hội làng, nhất là hội xuân ở hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc; tạo điều kiện để các Câu lạc bộ, Phường/Họ Hát Xoan duy trì nhiều cuộc hát thi như các Phường/Họ Hát Xoan xưa thường vẫn tổ chức. Các cơ quan văn hóa cấp làng, xã, huyện, tỉnh lo tổ chức hát thi, thi tìm hiểu về Hát Xoan ở mỗi cấp theo khả năng kinh phí mỗi năm. 

Tạo điều kiện tốt hơn cho Hát Xoan được trình diễn trong các cuộc liên hoan ở nhiều cấp, ngành, đặc biệt ở cấp làng, xã, huyện, tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế, đồng thời giới thiệu Hát Xoan gắn các hoạt động du lịch.

          Ở các đô thị, thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức các điểm Hát Xoan với chương trình biểu diễn có dẫn giải miễn phí, định kỳ hay thường kỳ; có kinh phí chi bồi dưỡng cho các nghệ nhân, nghệ sỹ tham gia tập luyện, biểu diễn Hát Xoan với kế hoạch dài lâu hay ngắn hạn từ kinh phí Nhà nước, địa phương và các nguồn tài trợ khác.

Xây dựng Trung tâm trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống cổ như Quan họ, Ca trù, Hát Xoan…

Trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu và quản lý văn hóa: 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc hằng năm có kế hoạch liên kết quản lý, chỉ đạo thực hiện và cấp kinh phí đủ cho các hoạt động nói trên đạt hiệu quả tốt.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Viện Âm nhạc chịu trách nhiệm điều hành các dự án, xây dựng và tổ chức thực hiện hoặc phối hợp chặt chẽ cùng hai Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, tỉnh Vĩnh Phúc và các Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam và các Chi hội (chuyên ngành) ở hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc trong mục tiêu bảo tồn Hát Xoan đạt kết quả cao nhất có thể.

Các cấp lãnh đạo địa phương từ xã tới tỉnh cùng với Ban Chủ nhiệm các Phường/Họ và Câu lạc bộ Hát Xoan xây dựng kế hoạch cụ thể như mở lớp truyền dạy, tổ chức trình diễn, quảng bá Hát Xoan cho nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng tại cộng đồng và phối hợp tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án phù hợp thực tế ở từng cấp.

 Sự cam kết của cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân có liên quan:

          Cộng đồng Hát Xoan cùng các cấp chính quyền ở địa phương đều thống nhất thể hiện quyết tâm bảo vệ Hát Xoan tại các cuộc tọa đàm, hội thảo với nhiều bản cam kết của cá nhân, tập thể, đồng thuận tích cực, tự nguyện tham gia xây dựng Hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ và thực tế họ đã tham gia tích cực vào công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể này.

Đặc biệt, tại Hội nghị Tổng kết Kiểm kê Hát Xoan lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Viện Âm nhạc, đại diện 04 phường Xoan, đại diện cộng đồng 30 đền, miếu, đình từng có Hát Xoan và nhiều cá nhân khác đã cùng ký vào Bản cam kết đồng thuận bảo tồn tốt nhất di sản Hát Xoan Phú Thọ.

Sự tôn trọng đối với các tập tục chi phối sự tiếp cận đến di sản:

Các chức năng hoạt động xưa của Hát Xoan chủ yếu mang ý nghĩa phong tục, tín ngưỡng, tâm linh nhưng vì một thời gian dài bị quên lãng, lề lối Hát Xoan cổ nay chưa được phục hồi hết; Hát Thờ chưa được tổ chức đúng như Hát Xoan cổ vốn có.

Riêng lối Hát Thờ Vua, gần đây đã được tổ chức vào đúng ngày giỗ Tổ Vua Hùng tại đền Thượng do các Phường, Câu lạc bộ Hát Xoan tỉnh Phú Thọ tham gia. Một số lề lối trình diễn cổ truyền vẫn được bảo lưu. Phần trình diễn Hát Nghi lễ: Giáo trống, Giáo pháo, Dâng hương các nghệ nhân vẫn hát múa bên trong đình (Lâu Thượng, Thét, Phù Đức…); khi Hát Thờ, Đào/Kép phải đứng quay mặt vào hương án; Kép/Đào vào Hát múa thờ Vua phải là trai gái trẻ chưa chồng, chưa vợ, gia đình không có việc tang ma, không làm điều xấu, không gặp điều xúi... Đào khi ngồi hát, khép gối, khi thực hành (hát, múa) Hát Xoan tránh không được quay lưng vào hương án thờ Vua... Trong các Câu lạc bộ, nhất là ở các Phường/Họ Hát Xoan, việc truyền dạy vẫn giữ quy định cổ truyền như: làm lễ xin phép Vua, Thần cho đi hát cửa đình làng khác; làm lễ “nhập môn” cho các Đào/ Kép, các thành viên Hát Xoan khi đã học đủ kiến thức và bài bản cơ bản bắt buộc. Khi Hát Thờ: Đào/Kép xếp đội hình hàng dọc để hát múa trước hương án thờ Vua ở gian tiền bái của đình. Khi Hát Hội: Những người thực hành xếp đội hình hàng ngang hát múa cạnh gian có hương án thờ Vua.

04 Phường Xoan còn lưu giữ được 14 Quả cách (14 bài Xoan cổ) chữ Hán - Nôm hoặc đã dịch tiếng Việt để truyền dạy trong cộng đồng Xoan. 

64 Sắc phong do triều đình phong kiến tặng cho các di tích đền, miếu, đình thờ Vua, Thần ở vùng Xoan nay vẫn được cộng đồng lưu giữ cẩn trọng.

Cộng đồng Xoan vẫn kiêng phạm húy những từ trùng tên các nhân thần, linh thần. Tránh không đặt tên con, cháu là Hùng vì phạm húy tên Vua Hùng. Tránh từ Hoa, gọi chệch là Huê vì một nhân thần có tên là Hoa; từ Hồng được phát âm là Hường vì một nữ thần được thờ ở vùng Xoan mang tên Hồng. Một số từ huý khác phải đọc tránh như: Hương đọc là Nhang; Minh đọc là Miêng; Đông đọc là Đương; Xuân đọc là Xoan; Ngọc đọc là Nguộc… 

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Hát Xoan Phú Thọ

DANH SÁCH NGHỆ NHÂN HÁT XOAN PHÚ THỌ

1. Ông Nguyễn Ngọc Bảo -  Khu 10 , xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 2. Bà Nguyễn Thị Bảy -  Khu 10, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 3. Bà Nguyễn Thị Bẩm - Thôn An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố  Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 4. Ông Nguyễn Văn Bình - Khu 6, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

 5. Bà Triệu Thị Chĩ - Thôn Nam Giáp, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

 6. Bà Phan Thị Diệm - Khu 2, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 7. Ông Vũ Văn Dinh - Khu 7, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

 8. Bà Triệu Thị Dung - Thôn Giáp Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

 9. Bà Lê Thị Đá -  Khu 4, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 10. Bà Bùi Thị Đạm - Khu 9, xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

 11. Ông Nguyễn Văn Đọc - Khu 8, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 12. Bà Nguyễn Thị Điệp – Khu 10, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 13. Bà Nguyễn Thị Hải – Khu 3 An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 14. Bà Nguyễn Thị Hon – Khu 6, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 15. Ông Nguyễn Xuân Hội  - Khu 4, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 16. Bà Lê Thị Huệ - Khu 4, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 17.  Bà Phan Thị Kiếm - Khu 1, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 18. Bà Nguyễn Thị Lịch – Thôn An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 19. Bà Nguyễn Thị Liên - Thôn An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 20. Ông Nguyễn Văn Lợi - Thôn An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 21. Bà Nguyễn Thị Mót- Thôn An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 22. Bà Nguyễn Thị Nhang - Khu 6, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 23. Bà Nguyễn Thị Nhân - Khu 9, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 24. Bà Lê Thị Nghĩa - Khu 2, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 25. Ông Lê Xuân Ngũ - Khu 5, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 26. Ông Nguyễn Văn Phấn – Thôn Giáp Thượng , xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh  Vĩnh Phúc

 27. Bà Đào Thị Phụng - Khu 8, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 28. Bà Nguyễn Thị Quy - Khu 4, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 29. Bà Nguyễn Thị Sung - Khu 3, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 30. Bà Nguyễn Thị Sủng - Khu 9, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 31. Bà Lê Thị Tân - Khu 2, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 32. Bà Nguyễn Thị Thược - Khu 9, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 33. Ông Nguyễn Văn Tiếu (Nguyễn Sỹ Tiếu )  - Khu 8, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 34. Bà Lê Thị Tú - Khu 4, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Ảnh: Hát Xoan Phú Thọ

Phim: Hát Xoan Phú Thọ

Ghi âm: Hát Xoan Phú Thọ