1. Phân loại di sản: Nghệ thuật biểu diễn dân gian
2.Không gian địa lý: Địa bàn sinh sống của người Việt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Thời gian tổ chức: Hò được thực hành trong lao động sản xuất, hay trong lúc rảnh rỗi nông nhàn.
4.4. Chủ nhân di sản: Người Việt vùng đồng bằng sông Cửu Long.
5.5. Nhận diện di sản:
Hò Cần Thơ là một trong những làn điệu dân ca độc đáo được sản sinh ra trong lao động sản xuất, chuyển tải nội dung trữ tình, phản ánh tâm tư tình cảm của người nông dân, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Hò cần thơ bao gồm: Hò mái dài, hò cấy, và hò huê tình, các điệu hò này mang những đặc trưng tiêu biểu của hò Nam bộ, đồng thời chúng cũng có những nét riêng. Những nét riêng ấy bộc lộ trong cách lấy hơi, ngân hơi, hoặc trong lời kể có ý tứ độc đáo, trữ tình, mang hơi hướng của con người Cần Thơ.
Nói một cách cụ thể hơn: Một câu hò chỉ có thể hay, có thể làm sao xuyến lòng người nếu được cất lên một cách đúng giọng, đúng điệu giữa một bối cảnh thích hợp góp phần làm phong phú thêm thể loại hò của dân ca miền sông nước. Chất giọng hò của người Cần Thơ âm vang triền miên, bay bổng trải dài đã từng nổi tiếng là một đặc sản lâu đời chỉ có thể nảy sinh trong môi trường sông nước hữu tình.
Trên những cánh đồng mênh mông của miền đất Hậu giang những người nông dân thường hò hát để than thân trách phận, để gửi gắm tâm tư tình cảm của mình trong hoàn cảnh buồn vui hoặc hò hát trong lao động để bớt nặng nhọc trong công việc. Không phải kỹ thuật âm thanh đẻ ra làn điệu hò mà chính là trái tim con người.
Các điệu hò còn lưu truyền đến nay ở Cần Thơ vẫn mang đậm dấu ấn của cuộc sống lao động của người dân trên một vùng quê đồng rộng, sông dài, phản ánh những tình cảm suy nghĩ rất bình dị, mộc mạc nhưng lại giàu tình nghĩa, nhân đạo, và cũng không kém phần duyên dáng, dễ thương. Những điệu hò ấy đã khắc sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ người Cần Thơ, thành một trong những nguồn mạch nuôi lớn tình cảm, tạo thành nhân cách, góp phần tạo nên nền tảng văn hóa truyền thống của người Cần Thơ, cũng như đặc trưng văn hóa cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.