Không gian địa lý: Rải rác trên khắp năm tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng ngày nay.
Thời gian tổ chức: Cộng đồng các dân tộc bản địa có di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn thường xuyên thực hành di sản của mình trong các lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa nghệ thuật của địa phương cũng như của khu vực.
Cộng đồng chủ nhân di sản: Chủ nhân của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là cư dân các tộc người Môn-Khơme (Banar, Giẻ-triêng, Xơ đăng, Rơ-măm, Mnông, Cơho, Mạ, Brâu) thuộc ngữ hệ Nam Á và các dân tộc Malayo Pôlinêsi (Êđê, Gia rai, Chu ru) thuộc ngữ hệ Nam Đảo.
Nhận diện di sản: Với các tộc người Tây Nguyên, cồng chiêng là một vật thiêng. Người dân Tây Nguyên tin rằng trong mỗi chiếc cồng, chiêng đều có một vị thần trú ngụ. Là một vật thiêng nên âm thanh cồng chiêng cũng mang tính thiêng, con người đã sử dụng nó như một ngôn ngữ để thông qua đó, họ “đối thoại” với tổ tiên và thần linh.
Nếu đã từng tham dự một chương trình biểu diễn cồng chiêng, ai cũng sẽ bị cuốn hút bởi âm thanh độc đáo phát ra từ những bộ cồng, bộ chiêng cùng với những điệu múa ấn tượng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ, mỗi bộ có số lượng khác nhau, kích cỡ khác nhau tùy thuộc vào từng tộc người, nhưng thường thì 7-8 cái, bộ nhiều lên tới 12 cái và sắp xếp theo thứ tự cái đầu lớn nhất rồi nhỏ dần. Diễn trình như sau: “đầu tiên, tám người cầm đồng la, tiếp ba người cầm chiêng và sau hết là một người cầm trống.
Cho đến nay, văn hóa cồng chiêng vẫn được thể hiện rõ nét trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên bởi nó vẫn gắn bó với những lễ nghi, sinh hoạt của họ hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật của địa phương cũng như của khu vực. Cồng chiêng và sinh hoạt cồng chiêng vẫn gắn bó giữ nguyên dáng vẻ dân gian, thô mộc mà chắc khỏe, tinh tế và sâu lắng nơi núi rừng đại ngàn.
- Tuyên truyền, vận động bà con duy trì thường xuyên những sinh hoạt văn hóa gắn với cồng chiêng. Tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng ý thức bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nói chung, cồng chiêng nói riêng.
- Các tỉnh Tây Nguyên có sinh hoạt văn hóa cồng chiêng đều đã xây dựng và thực hiện các đề án, dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình. Cụ thể:
+ Tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều cuộc liên hoan cồng chiêng trong tỉnh và năm 2009 tổ chức Liên hoan cồng chiêng quốc tế; UBND tỉnh xây dựng giai đoạn 2 Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk” (giai đoạn 2012-2016) trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp đầu năm 2012.
+ Tỉnh Lâm Đồng có Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 – 2015 và tầm nhìn 2020”;
+ Tỉnh Đắk Nông với Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội – hoa văn – cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông tỉnh Đăk Nông” (2005-2009) đã trang bị 72 bộ cồng chiêng cho nhà văn hóa cộng đồng các huyện, thị; tổ chức được 58 lớp truyền dạy cồng chiêng; tổ chức và khôi phục được 38 lễ hội, góp phần tạo môi trường diễn tấu cho cồng chiêng. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đăk Nông tiếp tục xây dựng, bảo vệ thành công đề án “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội – hoa văn – cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc thiểu số tại chỗ, giai đoạn 2010 – 2015”. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông sẽ tiếp tục trang bị thêm cồng chiêng, tổ chức các lớp tập huấn cồng chiêng, khôi phục các lễ hội, tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc để góp phần bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng của tỉnh. Xây dựng quy chế và chính sách về tôn vinh, phong tặng nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Các tỉnh Tây Nguyên còn đầu tư kinh phí trang bị cồng chiêng cho các cộng đồng để họ có điều kiện tập luyện, thực hành di sản.
Việc truyền dạy chính thức trong các trường nghệ thuật các tỉnh và truyền dạy không chính thức tại các trung tâm văn hóa hoặc các câu lạc bộ cồng chiêng được tiến hành ở tất cả các địa phương có di sản. Các nghi lễ liên quan đến di sản được đầu tư khôi phục.
- Các cộng đồng đang lưu giữ di sản văn hóa cồng chiêng đều thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng để sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng mình và giao lưu với các cộng đồng khác vào những dịp lễ hội hoặc tổ chức liên hoan định kỳ hàng năm hoặc vài năm một lần.
- Công tác truyền dạy trình diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng được tổ chức với sự tham gia của nghệ nhân và những người yêu thích vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.