1. Phân loại di sản phi vật thể: Nghề thủ công truyền thống.
2. Không gian địa lý: xã An lão, Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, Việt Nam.
3. Thời gian: Nghề đồ sừng mỹ nghệ Đô Hai được người dân làm quanh năm, tập trung nhiều vào dịp giáp Tết.
4.Cộng đồng chủ nhân di sản: Cư dân xã An Lão, Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, Việt Nam.
5. Nhận diện di sản:
Từ lâu, làng Đô Hai, xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã nổi tiếng với nghề làm sừng mỹ nghệ. Theo các câu chuyện được lưu truyền lại thì cụ Nguyễn Văn Tuấn là ông tổ nghề làm sừng mỹ nghệ của làng. Hơn trăm năm trước, cụ Tuấn đã sang các nước Đông Dương, Châu Âu, Châu Phi để học nghề. Sau khi về nước, cụ truyền nghề lại cho con cháu. Từ đó, nghề đồ sừng mỹ nghệ Đô Hai dần trở thành thương hiệu làng nghề nổi tiếng
Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay người dân nơi đây, những chiếc sừng trâu, sừng bò phế phẩm đã thành những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Theo các nghệ nhân Đô Hai, làm nghề chế tác sừng cũng như là một phương pháp để rèn luyện bản thân vì nghề này đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mỉ và tinh tế thì mới cho ra một tác phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng. Để có được một sản phẩm đẹp, ưng ý và hoàn mỹ từ những chiếc sừng trâu, bò các nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, cẩn thận và cực kì tinh mắt. Việc chế tác đồ mỹ nghệ từ sừng bao gồm mỗi người một công đoạn, không thể ôm đồm. Điều này yêu cầu phải dựa vào tay nghề của từng cá nhân, có những chi tiết làm cả ngày mới xong nên phải có tinh thần tập thể hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau thì mới có sản phẩm đẹp.
Tuy nghề làm sừng mỹ nghệ đã có cách đây gần 100 năm nhưng chỉ có một số nghệ nhân và hộ nhỏ lẻ chế tác. Từ khoảng năm 1980, nghề bắt đầu mới phục dựng trở lại, người tham gia làm nghề bắt đầu đông dần lên. Đến gần 15 năm trở lại đây, làng nghề mới phát triển một cách mạnh mẽ.