1. Phân loại di sản:
Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội.
2. Không gian địa lý:
Lễ cấp sắc của người Sán Dìu ở xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
3. Thời gian tổ chức:
Từ sáng ngày mùng 8 đến trưa ngày 10 tháng 10 năm Giáp Thân, (ngày 19 đến ngày 21 tháng 11 năm 2004, dương lịch).
4. Cộng đồng chủ nhân di sản:
Người Sán Dìu sinh sống ở xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Theo phong tục, lễ cấp sắc không chỉ dành riêng cho những người làm nghề thầy cúng, trong từng điều kiện cụ thể cấp sắc còn là nghi lễ chung tất cả nam giới đã lập gia đình và một số trường hợp nữ giới.
5. Nhận diện di sản:
Theo phong tục truyền thống của người Sán Dìu cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng trong chu trình đời người đàn ông đó là nghi lễ cấp sắc, nó xác định sự trưởng thành của họ trước cộng đồng và tổ tiên. Qua lễ cấp sắc người đàn ông được cấp sắc, cấp âm binh, được tổ tiên công nhận là con cháu được đặt pháp danh, khi sống được cúng cha mẹ, tổ tiên, khi chết được gặp Ngọc Hoàng thượng đế. Tổ chức lễ cấp sắc vừa là trách nhiệm vừa là bổn phận cũng chính là niềm vinh dự của mỗi người đàn ông cũng như của gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Trong quá trình hành nghề cúng tế, ai thuận nghề thì được cấp nhiều bậc sắc, thường chỉ được cấp cho những người đã có vợ. Có nơi cấp sắc cho cả phụ nữ là những người vợ của thầy cúng hay những người không có con cái. Theo quan niệm của đồng bào, người phụ nữ nào được cấp sắc mới được công nhận là thầy cúng. Được cấp sắc, họ vẫn trực tiếp lao động sản xuất như những người bình thường khác. Để tiến hành lễ Cấp sắc, người được cấp sắc phải theo thầy học chữ Hán, học cúng... Nhiều năm trước đó, người học chuẩn bị tiền, của khi nào đã đủ điều kiện mới tổ chức lễ Cấp sắc. Tục Cấp sắc của người Sán Dìu là sự cột chặt con người trong phạm vi bản làng bằng những sợi dây khe khắt của thần quyền. Lễ cấp sắc được tiến hành, gia đình đi mời 9 thầy cúng về tổ chức làm lễ, trong đó có 2 thầy làm chủ lễ còn các thầy kia là thầy giúp việc. Thầy thứ nhất là Thầy cả tiếng Sán Dìu gọi là Bón slay hay còn được gọi Bản sư, là người cấp pháp cho đệ tử. Người có vị trí quan trọng thứ hai là Gia bổ chức sư - Ca bú chênh slay. Các thầy như Chứng Minh, Bảo quý, Truyền phép, Kết quy, Đinh đẩu, Dẫn đàn là những người dẫn dắt đệ tử thực hành các nghi lễ. Ngoài ra, còn có hai người chuyên dâng lễ lên tất cả các ban thờ gọi là Đông hoàng công và Tây mẫu vương – hai người này phải là bố mẹ vợ của người được cấp sắc, nếu bố mẹ vợ không còn thì là vợ chồng ông mối.
Để được cấp sắc, người được cấp sắc và chín thầy phải trải qua 15 bước cúng như: Cúng tổ tiên, khai đàn, chiêu binh, phát tấu sớ mời thánh sư, xuất cờ tiếp thánh, đón bát tiên, triệu ngũ lôi… Ở mỗi bước có nhiều lễ nhỏ - mỗi lễ mang nội dung khác nhau nhưng đều chung ý nghĩa mời thần thánh về cấp sắc cho đệ tử.
Đối với những người làm cấp sắc chỉ là để thờ cúng tổ tiên thì cấp sắc là đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông trong cộng đồng. Còn với người hành nghề thấy cúng thì lễ này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó là bước khởi đầu cho việc hành nghề, tăng quyền hành pháp, tăng âm binh trợ giúp với những lần cấp sắc tiếp theo. Tục Cấp sắc là một loại hình sinh hoạt tôn giáo lễ nghi độc đáo, điển hình cho nghi lễ tộc người. Cấp sắc là một nghi lễ quan trọng trong chu trình đời người, nó thể hiện đạo lý sống, hướng con người đến những điều Chân – Thiện – Mỹ, đến với cuội nguồn tổ tiên, nó vừa là công việc riêng của các gia đình, vừa là sinh hoạt mang tính cộng đồng của đồng bào Sán Dìu cả nước nói chung và đồng bào Sán Dìu sinh sống thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng.