kiemkedisan.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn

Lễ cúng Miễu của người Việt ở Bình Dương

1. Tên gọi di sản: Lễ cúng Miễu của người Việt

2. Loại hình: Tín ngưỡng và nghệ thuật trình diễn dân gian

3. Không gian địa lý: Tại các Miễu thờ Bà trong đơn vị hành chính các làng xã thuộc địa bàn sinh sống của người Việt ở Nam Bộ nói chung và Bình Dương nói riêng.

4. Thời gian tổ chức: Tùy từng nơi, từng vùng, tuân theo nhân vật được thờ tự của mỗi Miếu tại địa phương. Thường là vào trung tuần tháng 3 âm lịch hàng năm.

Chủ nhân di sản: Người Việt ở Nam Bộ nói chung và Bình Dương nói riêng.

5. Nhận diện di sản:

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta, nền văn hóa Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ, phát huy cao độ giá trị tinh thần và sức sống mãnh liệt. Trong đó, tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành mạch nguồn không thể thiếu trong tổng thể nền văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa ở Nam bộ nói riêng. Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, Mẫu vừa là người mẹ có công lao vô cùng to lớn đối với sự hoài thai một hình hài, nhân cách con người; vừa là khát vọng, mong muốn về cuộc sống ấm no hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, thoát khỏi thiên tai... Tín ngưỡng thờ Mẫu không ngoài mục đích là bày tỏ lòng biết ơn đối với thần linh mà còn cầu mong các vị thần chở che, bảo vệ con người. Nam bộ là vùng đất mới nên trong quá trình khai hoang mở đất cũng là quá trình cư dân mang theo hành trang tinh thần của mình từ nhiều vùng, miền khác nhau khi đến sinh sống tại Nam Bộ. Tín ngưỡng ở Nam Bộ vì vậy càng trở nên phong phú, đa dạng hơn. Mặt khác, tín ngưỡng ở Nam Bộ còn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng cư dân. Vì vậy, có thể thấy các thành tố có trong tín ngưỡng từng tộc người cư trú ở Nam Bộ như: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đều có một ảnh hưởng nhất định trong việc định hình thể loại, diện mạo của các tín ngưỡng thờ Nữ thần cũng như thờ Mẫu ở Nam bộ. Có hai dạng nữ thần, đó là nhiên thần và nhân thần. Các nữ thần mang tính siêu nhiên, thể hiện các yếu tố trong tính thiên nhiên như: thần mặt trăng, thần mặt trời, thần Đậu, thần Dâu, Năm bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)... Bên cạnh các nhiên thần, thì nhân thần vốn là những con người thật như các vị tướng khởi nghĩa ( Hai Bà Trưng), những người phụ nữ có công giúp dân dựng làng, lập ấp, lập chợ hay truyền thụ kiến thức, dạy nghề... Ở Nam bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu có ít nhiều thay đổi so với tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc. Tục thờ Mẫu Liễu ở miền Bắc khi vào đến miền Nam dần biến đổi thành tục thờ các vị nữ thần gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân miền Nam như: bà Đen, bà Chúa Xứ, bà Ngũ Hành... Nếu như ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định thì ở Nam Bộ ít có sự phân biệt hơn. Có thể thấy, thờ mẫu ở Nam bộ, không mang tính khuôn mẫu như ở Bắc Bộ, mang tính thông thoáng cởi mở, đã tích hợp nhiều loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu khác nhau. Từ nữ thần một số bà đã nâng lên, phổ biến với tên gọi Thánh Mẫu, có liên quan đến các yếu tố đất, nước, trời.

Không gian thờ tự của tín ngưỡng Thờ Mẫu chính là các Miễu (hay còn gọi là Miếu). Trên vùng đất mới, đến lập làng, khai khẩn canh tác thì người Việt cũng sớm tạo dựng cho mình không gian thờ tự song song với những ngôi nhà mọc lên quần tụ thành làng, thành ấp, theo đó đình, chùa, miễu cũng được xây dựng để thoả mãn phần tâm linh của những cộng đồng người xa xứ.

Miễu là một thiết chế dân gian và thường được xây dựng trong khuôn viên đình làng. Không gian trong miễu cũng được sắp xếp một cách rất quen thuộc với ba bệ thờ. Bàn thờ ở giữa thờ 5 vị ngũ hành nương nương, hai bên là bàn thờ tả Bang, hữu Bang. Trong Miễu cũng được trang hoàng với những hoành phi, câu đối và dàn nghi trượng khá giống với đình, đền ngoài Bắc.

Theo thống kê hiện nay, tỉnh Bình Dương có khoảng 160 miễu với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Miễu ở Nam Bộ nói chung và ở Bình Dương nói riêng là cơ sở tín ngưỡng mang tính dân dã. Các vị thần thường là thần bảo hộ của địa phương, bảo hộ nghề nghiệp như: thần nông, thổ thần, Quan Công, Ngũ hành nương nương, thiên y A na, Lỗ Bang tiên sư… Mọi người có thể đến cầu xin gia đạo bình an, mua may bán đắt, bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi. Lễ vật dâng cúng cũng đơn giản. Ai nguyện gì thì cúng nấy, biểu hiện tấm lòng thành của họ trước các đấng thần linh. Nổi lên trong lễ cúng miễu, ngoài phần cúng lễ là phần hội có hát trầu, múa bông, múa tạp kĩ, địa nàng rất hấp dẫn. Lễ cúng miễu với những nghi thức giản dị, vui tươi nhưng không kém phần long trọng. Đó là nơi mà mọi người có thể tìm đến như một yếu tố cấu kết cộng đồng, thoả mãn một phần nhu cầu về mặt tâm linh, giúp chúng ta thanh thản hơn để tiếp tục lại trở về với cuộc mưu sinh, bươn chải thường ngày.

Báo cáo kiểm kê về di sản: Lễ cúng Miễu của người Việt ở Bình Dương

Biện pháp bảo tồn: Lễ cúng Miễu của người Việt ở Bình Dương

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Lễ cúng Miễu của người Việt ở Bình Dương

Ảnh: Lễ cúng Miễu của người Việt ở Bình Dương

 

 

Phim: Lễ cúng Miễu của người Việt ở Bình Dương

Ghi âm: Lễ cúng Miễu của người Việt ở Bình Dương