1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội
2. Không gian địa lý: Xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
3. Thời gian tổ chức: Ngày tổ chức lễ tùy theo từng dòng họ, nhưng các năm tiếp theo phải tổ chức đúng ngày đã chọn năm đầu.
4. Cộng đồng chủ nhân di sản: Cộng đồng người Cống sinh sống tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
5. Nhận diện di sản:
Lễ cúng tổ tiên được xem là nghi thức quan trọng nhất trong năm của người Cống, lễ được tổ chức tại nhà con trưởng, anh em trong nhà có trách nhiệm đóng góp lễ vật và chuẩn bị lễ. Sau khi rời khăn tang, người con trưởng có trách nhiệm đi xem ngày để tổ chức lễ, mỗi dòng họ đều có những ngày kỵ của mình như: họ Hù kiêng ngày con hổ, họ Lùng kiêng ngày con trăn… và phải tránh những ngày trong nhà có người mất. Những năm tiếp theo, phải tổ chức lễ đúng vào ngày, tháng đã chọn từ đầu.
Trước ngày làm lễ, chủ nhà cùng với các em trong gia đình phải chuẩn bị đầy đủ các thứ lễ vật và mời anh em trong họ, trong bản tới tham dự cùng. Lễ vật phải có một con lợn đen, nếu là lợn cái thì phải chưa sinh con lần nào. Nếu không có lợn, được thay bằng một đôi gà, đảm bảo các con vật đem ra cúng tế phải đủ 4 chân.
Theo truyền thống, lễ cúng tổ tiên diễn ra trong hai ngày, từ buổi chiều hôm trước đến sáng hôm sau.
Buổi chiều, chủ nhà sẽ lấy cành măng đắng, cung tên của năm trước và năm nay buộc vào chân cột chủ nhà, chuẩn bị cúng dâng lễ vật.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, chủ nhà sẽ bê mâm lễ từ trên nhà xuống gầm sàn, thực hiện nghi lễ cúng dâng lợn sống tại chân cột chủ.
Con lợn được những người giúp việc chọc tiết ngay tại chỗ, chủ nhà lấy dao cắt lông vai, tai để phần cho anh em trong họ, cắt móng chân trước và lông vai để phần cho những người con gái trong nhà đi lấy chồng xuất giá, cắt móng chân sau và lông đùi để phần cho bên nhà ông cậu.
Nghi thức cúng thức ăn chín quan trọng nhất của lễ, chủ nhà sẽ đích thân cúng với sự giúp đỡ của người vợ. Dứt lời cúng, chủ nhà lấy cây Xừ lâu từ trên gác xuống buộc vào cột cái giữa nhà cùng với ống rượu cần thực hiện cúng mời rượu.
Cúng mời uống rượu xong, chủ nhà trở lại gian đặt bàn thờ, gói mỗi thứ lễ vật một ít vào lá dong, buộc treo lên bàn thờ với quan niệm để phần cho ngày mai. Đồ lễ được cất đi, để dành cho lễ cúng sáng hôm sau.
Sáng hôm sau, khi mặt trời còn khuất sau những rặng núi, chủ nhà đã dậy sớm để chuẩn bị cho nghi thức cúng cuối cùng, hay còn gọi là cúng óc và lưỡi.
Theo quan niệm của người Cống, óc thể hiện cho suy nghĩ, lưỡi thể hiện cho lời nói. Qua lễ cúng, họ cầu mong cho con cháu trong gia đình biết yêu thương đùm bọc nhau.
Trong lễ cúng tổ tiên, mọi người anh em bên nội, bên ngoại đều được chủ nhà chia phần, theo thứ tự, vai vế và địa vị mà từng người được hưởng từng bộ phận của con lợn: phần đầu để cho anh em họ hàng, phần đùi cho bên cô, phần vai cho bên cậu. Các thứ lễ vật đó được đích thân chủ nhà đem đi biếu.
Sau lễ chừng nửa tháng, tùy theo dòng họ sẽ phải tổ chức lễ tụ hồn. Đây là lễ tiễn hồn ông bà tổ tiên về với trời, không cho ở trần gian nữa, vì như thế con cháu trong nhà sẽ khó làm ăn. Chủ nhà sẽ phải chuẩn bị mâm lễ có đủ gà, lợn, và mời thầy cúng trong bản đến làm giúp mình.