kiemkedisan.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn

Lễ cưới truyền thống dân tộc Chăm H’ROI

1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội.

2. Không gian địa lý: Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

3. Thời gian tổ chức:  Vào lúc nông nhàn, sau khi mùa vụ đã thu hoạch xong

4. Cộng đồng chủ nhân di sản: Cộng đồng người Chăm H’roi sinh sống tại huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên

5. Nhận diện di sản:

Đám cưới của người Chăm H’roi trải qua rất nhiều bước, với rất nhiều thủ tục nghi lễ mang tính bắt buộc. Ông mai, bà mối hay còn gọi là ma dông là người khai mào việc xe duyên kết tóc cho đôi vợ chồng.

Lễ ăn hỏi bao giờ cũng được nhà trai chuẩn bị khá kĩ lưỡng, ngoài đại diện đàng trai và chú rể, thành phần đi hỏi lúc nào cũng bắt buộc có một già làng (ba ma giông). Lễ vật ăn hỏi gồm 1 cân gạo, trầu, 1 vòng đeo tay, 1 cây nến và 1 chai rượu trắng.

Theo phong tục của người Chăm H’roi, dọc đường đi đến nhà gái, những người trong đoàn không được chào hỏi bất kỳ ai gặp trên đường dù là quen biết nhau.

Khi đến nhà gái hai họ sẽ trình bày gia cảnh, nếu nhà gái đồng ý sẽ gọi con gái ra hỏi ý kiến, theo lệ thì cái nhéo tai giữa già làng và cô gái thể hiện sự đồng ý. Nhà gái đồng ý, bốn ma giông của hai họ sẽ cùng ngồi cúng giàng trước bàn thờ.

Trong bữa cơm của lễ ăn hỏi, hai họ sẽ cùng bàn đến ngày cưới, lễ vật hồi môn. Đối với người Chăm H’roi ở Đồng Xuân lễ cưới thường tổ chức sau lễ ăn hỏi 15 ngày.

Khác với một số dân tộc, lễ cưới của người Chăm H’roi là lễ rước rể, do đó vai trò của người cậu rất quan trọng. Sau khi nhà gái rước rể về, lễ cưới mới được diễn ra. Đoàn rước rể gồm hai ma giông, một già làng, em trai cô dâu và 5 thanh niên khoẻ mạnh trong làng. Vì là đi bắt rể, nên lễ vật nhà gái đem sang chỉ là một chiếc khăn để cột tay chú rể dẫn về.

Trước khi đi về nhà vợ, ma giông nhà gái dẫn em trai cô dâu đến buộc chiếc khăn tay vào cổ tay chú rể, ma giông bốc một nắm cơm bỏ vào miệng chú rể với ý nghĩa chú rể ăn bữa ăn cuối cùng với gia đình sau đó tạ từ cha mẹ bắt đầu cuộc sống mới bên nhà vợ.

Khi đoàn nhà gái tới, nhà trai phải đứng chờ sẵn với những cồng chiêng, múa xoang dưới sân để chúc mừng lễ cưới. Các cô gái nhà trai sẽ phải mời rượu nhà gái cho đến khi khách không muốn uống nữa mới thôi.

Khi chú rể bước đến cầu thang, mẹ vợ sẽ đập vỡ những chum nước, cầu mong sự ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, bà sẽ đốt song sáp ong hơ hai bàn chân con rể và cho uống nước lã, rửa mặt, ăn trầu để xua đuổi hết những cái xấu theo đuổi chú rể. Sau khi tất cả đã vào nhà, nhà gái bê lên một con gà luộc để làm lễ cúng nhận rể, lễ cúng có mặt các già làng, ma giông và cha mẹ hai bên. Cô dâu và chú rể lúc này xuất hiện cùng nhau, cùng hướng về phía mặt trời mọc để làm lễ.

Lễ cưới diễn ra trong thời gian rất gắn nhưng lại là phần quan trọng nhất, lễ vật có rượu, gạo, trầu cau và sáp ong với sự chủ trì của ma giông. Khi làm lễ, ma giông sẽ cầm hai chiếc vòng lồng vào nhau với ý nghĩa hai người chính thức là vợ chồng. Nếu sau này cuộc sống vợ chồng không suôn sẻ, nhưng chiếc vòng chưa được trả lại cho người kia thì quan hệ vợ chồng vẫn còn và một trong hai người không được tái hôn.

Một phong tục đặc biệt trong nghi lễ cưới hỏi của người Chăm H’roi đó là cô dâu và chú rể sẽ không được động phòng ngay trong đêm tân hôn mà phải về nhà gái theo đúng phong tục. Lễ này cũng khá đặc biệt, mâm lễ gồm có 4 miếng trầu têm, 4 ly rượu. Sau khi khấn vái xong, người mai mối sẽ gỡ những bùa phép đã yểm trước đó ở gối, tóc cô dâu, vách tường. Trước khi ra về, người mai mối sẽ dặn dò đôi vợ chồng trẻ những kiến thức trước khi động phòng, họ cũng không quên dặn những cách khắc phục sự cố để 2 vợ chồng thêm phần trọn vẹn trong ngày cưới.

Theo các cụ già làng kể lại, hiện nay người Chăm H’roi vẫn giữ được phong tục này xuất phát từ việc cha mẹ là người quyết định hôn nhân cho các con. Nhiều cặp đôi thậm chí còn chưa từng nói chuyện trước đó nên còn e ngại, ngượng ngùng. Vì thế, thời gian 3 ngày là để họ quen biết và thân mật với nhau hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, nghỉ ngơi 3 ngày là để cô dâu chú rể phục hồi sức khỏe bởi lễ cưới của người Chăm có rất nhiều nghi thức khiến họ bị mệt mỏi, khoảng thời gian này sẽ giúp họ thư thái, tận hưởng đêm tân hôn.

Sau lễ cưới, nhà gái sẽ tổ chức lễ tạ ơn tất cả những người đã giúp đỡ gia đình mình.

 

Báo cáo kiểm kê về di sản: Lễ cưới truyền thống dân tộc Chăm H’ROI

Biện pháp bảo tồn: Lễ cưới truyền thống dân tộc Chăm H’ROI

Danh sách nghệ nhân tiêu biểu: Lễ cưới truyền thống dân tộc Chăm H’ROI

Ảnh: Lễ cưới truyền thống dân tộc Chăm H’ROI

 

 

Phim: Lễ cưới truyền thống dân tộc Chăm H’ROI

Ghi âm: Lễ cưới truyền thống dân tộc Chăm H’ROI