Loại hình: Lễ hội truyền thống.
Không gian địa lý: Được tổ chức tại Dinh bà Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Thời gian tổ chức: Dinh bà Chiêm Sơn hàng năm diễn ra ba kì lễ hội là ngày 12 tháng giêng là ngày lễ vía Bà, ngày 15 tháng 3 là lễ Mục đồng và ngày 12 tháng 10 là ngày hội xuống đồng. Nhưng ngày chính hội và quan trọng nhất vẫn là ngày 12 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Cộng đồng chủ nhân di sản: là người dân làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Nhận diện di sản: Lễ hội bà Chiêm Sơn là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng đặc trưng của xứ Quảng. Lễ hội là sự kết hợp hài hoà giữa phần lễ và phần hội, giữa những giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Lễ hội Bà Chiêm Sơn là lễ hội của cư dân nông nghiệp kết hợp giữa tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt và bà Mẹ xứ sở của người Chăm thể hiện sự giao lưu, tiếp biến trong văn hoá Việt - Chăm một cách độc đáo và sâu sắc.
Diễn trình của lễ hội: Ngày mồng 10 tháng Giêng dân làng họp bầu chánh Tế và ban hành lễ theo quy định của làng. Sau đó là lễ mộc dục, hay còn gọi là lễ tắm tượng Bà, do chánh tế và ban hành lễ mới thực hiện. Buổi chiều ngày mồng 10 tháng Giêng là lễ mục đồng và hội thi nghé của trẻ chăn trâu diễn ra dưới chân núi Triền Tranh mang những nét đặc trưng riêng của cư dân nông nghiệp.
Ngày 11 tháng Giêng dân làng làm lễ tiên thường để mời Bà về Dinh dự hội. Lễ vật trong lễ túc yết gồm một mâm cơm, hoa quả và bánh trái. Lễ đại tế được cử hành vào lúc nửa đêm, thời điểm chuyển giao giữa ngày 11 và rạng ngày 12 được coi là giờ thiêng của thần. Xưa, lễ vật trong lễ tế bà gồm 100 món ăn, nhưng quan trọng và không thể thiếu trong buổi tế này là một con chồn quay, một con cua đồng, một con cá lóc nấu om, một nhánh tỏi gồm cả lá và rễ để dâng lên bà. Ngày nay, lễ vật chủ yếu là hương đăng hoa quả nhưng vẫn không thể thiếu món chồn quay đặc trưng của vùng đất Chiêm Sơn.
Ngày 12 tháng Giêng là lễ rước sắc từ bến Giá Ngự bên bờ sông Thu Bồn về Dinh bà Chiêm Sơn. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân sư, cờ thần, chiêng, trống cái, theo sau là bát âm, kiệu nông sản và kiệu sắc do 16 thanh niên trai tráng trong làng cùng khiêng, rồi đến đoàn binh lính tuỳ tùng phù giá cùng toàn thể nhân dân trong làng và khách thập phương về dinh dự hội. Đám rước sắc tái hiện lại cảnh rước sắc phong năm xưa khi vua Duy Tân phong sắc cho bà là Nhân Uyển Dực Bảo Trung Hưng. Về đến dinh bà, đoàn rước dừng lại nhường đường cho kiệu sắc tiến thẳng vào dinh. Theo lệ cũ, sau khi rước sắc thì dân làng làm lễ tuyên sắc để tưởng nhớ đến công đức của bà trước khi tế thần.
Lễ hội bà Chiêm Sơn không chỉ thu hút du khách thập phương bằng những phần lễ trang trọng, linh thiêng mà còn cả phần hội với nhiều hình thức vui chơi phong phú, đa dạng phù như; thi thả diều, đá gà, biểu diễn võ thuật, cờ tướng, múa lân sư và tục Hát bài chòi, thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa vùng đất Quảng Nam.