1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội
2. Không gian địa lý: Lễ hội diễn ra tại đình làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thai Dương Hạ nằm cách kinh thành Huế khoảng 12km về phía Đông Bắc. Làng được bao bọc bởi phá Tam Giang ở phía Tây Nam và biển ở phía Đông Bắc. Địa thế của Thai Dương Hạ chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, lần lượt giáp ranh với xã Hải Dương (huyện Hương Trà) và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang)
3. Thời gian tổ chức: Lễ hội cầu ngư chính thức được làng Thai Dương Hạ tổ chức tế tại đình làng vào mùa xuân (ngày 11 tháng Giêng). Ngoài ra, còn có một dạng lễ cầu ngư khác được tổ chức vào cuối tháng Tư âm lịch. Nghi lễ đó được tiến hành trong một rạp lớn tại bãi cát bên bờ biển.
4. Chủ nhân di sản: Lễ cầu ngư đầu mùa là một trong lễ lớn và quan trọng trong hệ thống lễ tiết về nghề nghiệp của cộng đồng ngư dân làng Thai Dương Hạ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
5. Nhận diện di sản: Làng Thai Dương Hạ thờ vị thành hoàng làng có tên là Trương Quý Công (tên huý là Trương Thiều). Đó là người có công khai khẩn và truyền nghề đánh bắt cho dân trên đầm, phá và ngoài biển khơi. Các nghi lễ diễn ra trong lễ hội cầu ngư là cuộc đối thoại giữa người sống với người đã khuất. Nó cộng gộp về ý thức nguồn cội thiêng liêng và là cách thể hiện thế giới tâm linh của cộng đồng. Đó là: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; tín ngưỡng thờ thành Hoàng; tín ngưỡng thờ kính nghiệp tổ và tín ngưỡng thờ kính quỷ thần.
Trong lễ hội cầu ngư: phần lễ có thể ví như một cuộc tiếp xúc giữa người sống và người chết; phần hội có các diễn xướng như (hát bội, làm trò bủa lưới…) và thi tranh tài (đua thuyền, bơi trải…) – là cuộc giao tiếp lễ hội giữa người trần với nhau. Ở đó, con người cùng nhau sáng tạo, thi tài và củng cố tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Giống như nhiều lễ hội cầu ngư của các làng dọc vùng duyên hải Việt Nam, lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ là một dạng văn hoá phi vật thể thể hiện một cách đậm nét ký ức văn hoá, di sản văn hoá của cộng đồng.
Lễ hội cầu ngư là một dịp sáng tạo văn hoá của người Thai Dương Hạ. Những bước chuẩn bị cho không gian đền miếu, những đám rước, các món ăn, trang phục, diễn xướng, đua bơi… chính là cơ hội cho mọi người thể hiện tài năng của mình. Thêm vào đó, cộng đồng có cơ hội được củng cố, những kinh nghiệm sản xuất được đúc rút. Tất cả có vai trò khích lệ con người vươn tới sự hoàn thiện hoàn mỹ hơn.
Qua lễ hội, đời sống đạo đức, trí tuệ, tinh thần của ngư dân vùng biển được phác hoạ một cách đầy đủ và sâu sắc, trở thành hiện tượng văn hoá phổ biến của cư dân ven biển dọc vùng duyên hải Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Cư dân miền biển – những con người biết thể hiện bản lĩnh để mưu sinh trước biển cả mênh mông nhưng qua đời sống tâm linh cho thấy họ biết mình chỉ là một phần nhỏ nhoi của thiên nhiên. Tuy nhiên nhưng sự khát khao, ước vọng trong lời cầu khấn trong lễ cầu ngư thể hiện rõ tham vọng vươn ra biển lớn không bao giờ dừng lại của cộng đồng ngư dân dọc miền duyên hải.