1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội
2. Không gian địa lý: Thuộc địa bàn 9 bản Bản Nóc, Nà Mìn, Cốc Phường, Nà Tèn, Nà Pài, Nà Chón, Đoỏng Đeng, Nà Thoà và Phai Xả xã Chu Túc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
3. Thời gian tổ chức: Lễ hội Lồng Tồng của người dân xã Chu Túc huyện Văn Quan được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm.
4. Chủ nhân di sản: Cộng đồng cư dân Tày, Nùng sinh sống tại địa bàn xã Chu Túc huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
5. Nhận diện di sản:
Là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và hái lượm từ lâu đời, các sinh hoạt văn hoá tinh thần của dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn nói chung gắn chặt với chu kỳ mùa vụ. Lồng Tồng là lễ hội thuộc nghi lễ nông nghiệp của cư dân Tày, Nùng ở Chu Túc huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung. Lễ hội tổ chức vào mùa xuân hàng năm để thể hiện ước nguyện tới sự ấm no hạnh phúc, mong cho một năm mưa thuận gió hòa, màu màng bội thu, dân khang vật thịnh cho gia đình và cộng đồng của cư dân nông nghiệp. Theo tiếng Tày Lồng Tồng là xuống đồng, cũng giống như lễ xuống đồng của người Kinh, lễ hội Lồng Tồng mang đậm dấu ấn về tín ngưỡng phồn thực và có những tiết mục sinh động. Phần mở đầu của lễ hội chính là phần cầy ruộng. Người đàn ông có tay cày giỏi nhất sẽ thay mặt cho toàn bộ dân trong bản vạch đường cày đầu tiên cho một vụ mùa mới hứa hẹn đầy tươi tốt. Sau khi đã vạch đường cày, lễ hội chính thức diễn ra với nhiều nghi lễ khác. Tại mảnh ruộng rộng người ta lập một ban thờ để tổ chức cũng tế ở đó có bầy các vật cúng tế và thầy Mo sẽ là người đọc các bài khấn với nội dung cầu mong các vị thánh thần sẽ phù hộ cho bản làng có những vụ mùa bội thu, cầu mong cho dân trong bản sẽ có sức khỏe và hạnh phúc.
Các nghi thức của lễ hội gồm có:
- Xin Thần Thành hoàng cho mở lễ hội: Sau khi đặt các đồ cúng gồm thịt lợn, gà, rượu, nước, sla cao, thóc théc, khẩu sli, tiền vàng.... lên bàn thờ, chủ lễ làm lễ xin Thần linh phù hộ cho dân làng làm ăn mùa vàng bội thu, cây cối xanh tươi phát triển, nhà nhà ấm no, dồi dào sức khỏe và xin thần cho dân bản được phép tổ chức Lễ hội Lồng tồng.
- Chủ lễ làm lễ cúng tại nhà: Sau khi đặt các đồ cúng lên bàn thờ, ông chủ lễ báo cáo với tổ tiên thần linh, thưa Ngọc Hoàng thượng đế xin cho phép con cháu mở Lễ hội Lồng tồng và phù hộ độ trì cho họ mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, lúa nhiều hạt, vật nuôi chóng lớn, dân làng an khang, thịnh vượng.
- Sau khi chủ lễ làm lễ xin Thành hoàng, Thần nông cho dân làng được mở lễ hội xong, dân làng mới được đưa các mâm lễ cúng dâng lên Thành hoàng và Thần nông. Chủ lễ báo cáo với Thần linh kết quả một năm, dân làng làm ăn vất vả khó nhọc, có một vụ mùa tốt đẹp, mọi người trong bản luôn vui, khỏe; cảm ơn Trời, Đất, các Thần linh đã phù hộ,độ trì cho dân làng ăn nên làm ra... cây cối luôn xanh tốt; báo cáo toàn bộ con cháu trong dân bản Tế tửu tại đây cho vui lễ hội Lồng tồng.
Lễ vật dâng cúng là các món ăn chế biến từ sản vật địa phương, dung dị mà mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Các món ăn phải ngon, tinh túy, cầu kỳ, đẹp mắt như: Bánh khảo (sla cao) làm từ gạo nếp, lạc, vừng, đường được rang lên và xay thành bột; bánh bỏng (pẻng khô) cũng từ gạo nếp với nhựa cây khoai ngứa được đồ lên thành xôi rồi đưa vào cối giã bằng tay; ngoài ra còn có 2 loại bánh bỏng (thóc théc, khẩu sli) cũng được làm từ gạo nếp nhưng cách chế biến khác nhau; bánh chè lam (pẻng khinh); bánh chưng Tày (pẻng tổm, khẩu tổm); gà cúng phải là gà sống thiến béo có chân, đầu, mào đỏ đẹp; lợn đen tế phải từ 50kg trở lên; ngoài ra còn có thêm các loại sản phẩm nông nghiệp do dân bản trồng trọt, chăm sóc và các dụng cụ lao động sản xuất.v.v.
Cũng như các lễ hội Lồng Tồng truyền thống khác, lễ hội Lồng Tồng xã Chu Túc mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian. Tục vãi hạt thóc, hạt bông trong lễ hội thể hiện khát vọng no đủ sau mỗi vụ mùa. Những bài khấn Pú Mo trong lễ hội thể hiện sự phong phú đa dạng của tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Ở đây, có sự pha trộn, đan xen giữa tín ngưỡng thần Nông, tục thờ cúng tổ tiên và thờ Thành Hoàng. Lễ hội được tổ chức với mục đích ghi nhớ công lao dựng bản, giữ làng, là lễ hội của cư dân nông nghiệp với lễ tế cầu cho mùa màng bội thu, sức khoẻ, bình an. Chính vì thế trong lễ hội bao giờ cũng có nghi thức cúng bản thổ. Đây cũng là dịp dân bản được vui chơi các trò chơi dân gian (đánh cờ, ném còn, múa sư tử, kéo co, trò đánh yến, đánh sáng…); giao lưu tình cảm, là cơ hội trau dồi và sáng tạo nghệ thuật qua các làn điệu dân ca như điệu Sli, hát lượn với nhau cũng như những người dân vùng khác tới. Lễ hội còn là dịp để người đi hội khoe trang phục và thưởng thức những món ăn truyền thống dân tộc Tày – Nùng.
Lễ hội Lồng Tồng có ý nghĩa quan trọng trong vai trò gắn kết cộng đồng. Đến với lễ hội Lồng Tồng, con người được thể hiện khát vọng và niềm tin của mình về cuộc sống khoẻ mạnh, no đủ, bình an; được đùm bọc bởi tình làng xóm, được che chở của Thành Hoàng làng, được hoà mình vào thiên nhiên, được sáng tạo và thưởng thức cái đẹp. Thông qua các hình thức sinh hoạt lễ hội tạo nên sự cộng cảm giữa người với người để từ đó tình đoàn kết trong cộng đồng được củng cố thêm bền chặt.