1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội.
2. Không gian địa lý: Địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nơi có người Chăm sinh sống.
3. Thời gian tổ chức: Vào ngày hạ tuần trăng (Sa klam) tháng 11 Chăm lịch.
4. Cộng đồng chủ nhân di sản: Cộng đồng người Chăm sống tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, thuộc khu vực tháp Pô Klongiarai
5. Nhận diện si sản:
Người Chăm ở Ninh Thuận có khoảng hơn 70 nghìn người sinh sống trong 28 Palei được chia thành 2 cộng đồng là: Chăm Ahiêr (ảnh hưởng Bàlamôn giáo) và Chăm Awal (ảnh hưởng Hồi giáo). Hiện nay có 37 vị Pasaih (Pà xế), trong đó có 3 vị Pô xà (Cả sư) và các vị Po tapah (Phó cả sư) phụ trách 3 khu vực cộng đồng tín đồ và chịu trách nhiệm cúng lễ ở 3 khu vực đền tháp là Po Rame, Po Inư Nưgar, Pô Klongirai.
Trong hệ thống chức sắc Bàlamôn có hai tầng lớp, hệ thống các chức sắc tu sĩ pà xế (passeh) và các chức sắc dân gian. Tu sĩ pà xế là những chức sắc tôn giáo Bàlamôn.
Để nhập vào hàng ngũ Pasaih và lên đến chức Podhia (Pôxà) thì họ phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ tôn chức từ: lễ nhập đạo (Đung Akauk), lễ lên cấp Pasaih Liah, lễ tôn chức tăng lữ chính Pasaih Puah (Pahóa – thầy cho ăn), lễ tôn chức Potapah (phó cả sư), lễ tôn chức Podhia (Pôxà – cả sư).
Trước khi thực hiện các nghi thức chính của nghi lễ tôn chức thì gia đình của người được tôn chức Phó cả sư và thầy Pasaih phải tiến hành lễ cúng Mbai padaong trình thần Yàng các đền tháp cũng như ông bà tổ tiên trong nhà, để cầu xin họ phù hộ độ trì cho gia đình tổ chức thực hiện nghi lễ được suôn sẻ, gia đình mạnh khỏe và hạnh phúc.
Trước ngày hành lễ gia đình chuẩn bị các lễ vật gồm trứng gà, trầu rượu, mâm cơm gà đến đền Po Klaung Girai cúng thần Yang để rước bộ y trang (kaya binik), cối đá của ngài Po Klaong và đến đền tháp Po Inư Nưgar rước mão (pabah kap) về nhà. Người ta còn phải mang lễ vật gồm trứng gà, trầu rượu đến nhà Po Adhia cúng thần Yang để rước vật tổ (baginrac) về. Các đạo cụ đã rước về được đặt trên bộ ván có bài vị bàn tổ với lễ vật là hộp trầu, rượu và bộ bình trà.
Vào ngày Một hạ tuần trăng (Sa klam) tháng 11 Chăm lịch người ta tiến hành nghi lễ cắt ỏo (Dana cakak aw), ngày thứ ba hạ tuần trăng (klau klam) thánh 11 Chăm lịch người ta thực hiện các nghi lễ, ngày năm hạ tuần trăng (limâ klam) tháng 11 Chăm lịch đây là ngày làm rạp lễ trong sân nhà tân Phó cả sư, ngày sáu hạ tuần trăng (nem klam) tháng 11 Chăm lịch đây là ngày dựng nhà lễ (Harei kaoh sang mal) và là ngày diễn ra các nghi lễ chính thức.
Sau khi các bàn tổ và danaok đã được ổn định, các nghi lễ được bắt đầu theo thứ tự:
Nghi lễ cúng trình: Các chức sắc rót nước trà và rượu tuần tự mời các thần Yang, khấn vái xin thần Yang phù hộ cho việc dựng nhà lễ để tôn chức phó cả, Pasaih puah của tăng lữ Pasaih được bình an và hạnh phúc.
Nghi thức Padeng geng sang mal (nghi thức dựng cột nhà lễ): Sau khi hai Ong ragei thực hiện các nghi thức xong, tất cả cây cột cùng được đưa vào lỗ một lượt đều nhau, sau đó gác hai cây đòn tay cột hạng nhì (Geng tamaih) và Tuak pabeng (thả cây đòn tay đầu hồi) rồi đến nghi thức trong Inâ pabung (thả cây đòn dong), nghi thức Laik mal (thả cây rui).
Lễ Pabak sang mar (nghi thức vào nhà lễ) được diễn ra vào ngày 7 hạ tuần trăng (tijuh klam) tháng 11 Chăm lịch:
Buổi sáng các tăng lữ Pasaih chuẩn bị trong nhà lễ gồm:
- Bài vị Danaok gru của tăng lữ Pasaih đồng thời đưa tất cả vật dụng và đạo cụ vào trong nhà lễ.
- Paoh paca lam lin sang mal (trang trí nhà lễ), kéo trần và trang trí nhà lễ bằng cái chăn vải trắng (khan gru). Và làm một số vật dụng và đạo cụ để hành lễ Pabak sang mal và lễ Tadik.
Buổi chiều: Trước nhà lễ (Sang mal) ở ngoài sân bãi, chiếu được trải để cúng trình Pabak sang mal (vào nhà lễ).
Buổi tối: Trong nhà lễ (sang mal) ở ngăn giữa tăng lữ Pasaih bày trí bàn tổ với lễ vật là trứng gà, trầu rượu và các mâm lễ để thực hiện các nghi thức cúng lễ như: nghi lễ Balih sang mal (thánh tẩy nhà lễ), nghi lễ Cuh Yang apuei (đốt lửa thần), cúng trình các thần Yang, nghi thức Bac agal praong, nghi thức cúng chè xôi trong nghi lễ Bac agal praong, nghi thức cúng tạ ơn.
Vào ngày 8 hạ tuần trăng (Dalipan klam) tháng 11 Chăm lịch là ngày tôn chức chính thức (Harei tadik).
Nghi lễ Padik là nghi lễ đưa rước tăng lữ Pasaih được tôn chức từ trong nhà lễ Sang auek vào nhà lễ Sang mal.
Trong nhà Sang auek các chức sắc, phó cả sư, vật tổ (Po bac gru baoh languh), bà rót rượu (Muk tuh alak còn gọi muk auek), bà bưng thong trầu (muk pok hala) và hai cặp thiếu nữ múa hầu (kong hầu).
Ngoài nhà lễ Sang auek cả sư chủ lễ hành lễ đưa tân phó cả và tân Pasaih puah được tôn chức vào nhà lễ sang mal.
Lúc này trong nhà lễ chính tân phó cả và Pasaih puah thay trang phục thần Yang và mặc trang phục của Po Débita thuer. Với tân phó cả đầu tiên phải đóng khố (Plah kadaop), mặc trang phục Khan saong aw saong, đầu tóc thắt từng lọn cột bông và Lisei kapal, sau đó bịt khăn Mathem tabuel, đội Khan ban giné rồi đội khăn Glaom lên trên.
Trong nhà lễ chính Sang mar các chức sắc tiến hành các nghi lễ cúng cho tân phó cả và Pasaih puah: nghi lễ Paoh céng jep, nghi lễ Tamur, nghi thức Pathar pabah của các thành phần chức sắc.