1. Phân loại di sản phi vật thể: Nghề thủ công truyền thống.
2. Không gian địa lý: Làng Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.
3. Thời gian: Nghề gò đúc đồng được người dân Đại Bái làm quanh năm.
4. Chủ nhân di sản: Người dân làng Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.
5. Nhận diện di sản: Từ xưa làng Đại Bái đã chuyên sản xuất đồ đồng phục vụ về mặt dụng cụ gia đình. Đến đầu thế kỷ 11, nghề truyền thống của làng được phát triển mạnh nhờ công của ông Nguyễn Công Truyền lo tổ chức sản xuất và tạo mẫu. Vì thế dân làng tôn ông là "Tiền tiên sư". Làng Đại Bái có 4 xóm, mỗi xóm chuyên một loại sản phẩm như: xóm Sôn chuyên đồ thờ và chậu; xóm Tây chuyên về mâm, chiêng, cồng, thanh la; xóm Giữa chuyên niêu, siêu; xóm Ngoài chuyên nồi. Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh đã giúp cho Đại Bái nhanh chóng phát triển với ngành nghề đúc đồng, gò đồng với sự nâng cao rõ rệt về kỹ thuật luyện đồng: Lấy đất sét bờ sông xây lò đúc, lấy bùn ao nhào với tro trấu làm nơi luyện đồng, đồng pha kẽm làm đồng thau và sáng chế ra thuốc hàn đồng...
Các sản phẩm truyền thống nổi tiếng của làng: Tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa, tranh, câu đối bằng đồng… Ngoài ra, ở đây còn nhận dát mỏng kim loại, gia công cơ khí, kim khí hoàn chỉnh các chi tiết, chạm khắc kim loại, ghép tam khí... Ngày nay, nhiều cơ sở sản xuất tại Đại Bái còn khá thành công trong việc chuyển hướng sang những mặt hàng đồng phục vụ công nghiệp, hay phát triển mở rộng sang các loại hình đòi hỏi trình độ cao như chạm khắc hàng mỹ nghệ. Sự phát triển này đã đem lại cho Đại Bái nói chung và nghề đúc đồng truyền thống nói riêng một chỗ đứng mới trong nền kinh tế thị trường.