1. Phân loại di sản phi vật thể: Nghề thủ công truyền thống.
2. Không gian địa lý: Những khu vực có đồng bào Khmer sinh sống ở tỉnh Trà Vinh, Việt Nam.
3. Thời gian: Nghề làm mão, mặt nạ được làm quanh năm, chủ yếu trong các dịp lễ, tết truyền thống của người Khmer hay khi có khách yêu cầu.
4. Cộng đồng chủ nhân di sản: Người Khmer ở tỉnh Trà Vinh, một tỉnh nằm ở Đồng bằng song Cửu Long, Việt Nam.
5. Nhận diện di sản: Người Khmer Nam Bộ gọi những chiếc mũ mang hình đầu các nhân vật hoặc linh vật trong văn hóa tín ngưỡng dân gian là mão. Cùng với chiếc mặt nạ, mão được dùng làm phục trang trong Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok, lễ hội Đôn Ta… hay được trình diễn trong các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer như: múa Rô băm, múa Chhay dăm, hát Aday, hát Dù Kê...
Nghề làm mão, mặt nạ mang tính "cha truyền con nối" và đòi hỏi người phải có kiến thức và am hiểu nhiều về lĩnh vực nghệ thuật khác, đồng thời trong quá trình chế tác phải khéo léo và kiên trì mới có một tác phẩm bền, đẹp. Để có được chiếc mão, mặt nạ truyền thống, các nghệ nhân phải mất nhiều công sức và thời gian đi tìm nguyên vật liệu cũng như thực hiện các công đoạn chế tác như: tạo khuôn, đắp vải hoặc dán giấy, sau đó tách khuôn và vẽ hoa văn trang trí cho từng loại mão, mặt nạ. Để tạo khuôn mão, mặt nạ, các nghệ nhân thường dùng đất sét nhão để nhồi nặn, tạo thành hình đầu và các chi tiết mắt, mũi, miệng, tai... rồi mang đi phơi khô. Ngày nay, nhiều nghệ nhân thường dùng xi măng để tạo khuôn, cách này có ưu điểm là khuôn được tái sử dụng nhiều lần.
Các công đoạn để làm nên một sản phẩm đều hoàn toàn bằng thủ công và phải thật cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Tùy các loại mão, mặt nạ đơn giản hay phức tạp mà thời gian hoàn thành cũng khác nhau. Các nghệ nhân chủ yếu chỉ làm khi khách hàng yêu cầu hoặc trong các dịp lễ, tết truyền thống của người Khmer.