1. Phân loại di sản: Nghệ thuật biểu diễn âm nhạc dân gian
2. Không gian địa lý: Địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Thời gian tổ chức: Các dịp vui, đón khách…
4. Chủ nhân di sản: Người dân xứ Huế
5. Nhận diện di sản:
Thừa Thiên Huế vốn là vùng đất miền Trung nổi tiếng về hò. Ngày trước, hò khá phổ biến trên mọi miền đất nước, nhưng đặc biệt ở miền Trung, hò là một đóng góp quan trọng về thể loại dân ca Việt Nam. Trong những thể dân ca Huế, điệu lý thường được nói bên cạnh những điệu hò và điệu vè. Lý Huế là một thể loại hát có gốc từ dân gian xứ Huế.
Trong quá trình phát triển, lý chịu sự tác động của âm nhạc cổ truyền (cụ thể là âm nhạc Cung đình). Sự giao lưu văn hoá giữa cung đình và dân gian thật chặt chẽ tạo nên các ca khúc với giai điệu hoàn chỉnh. Thông thường, trong lúc hát chơi, bất cứ câu ca dao nào được ưa thích cũng được đưa vào thể lý một cách dễ dàng. Khác với hò, là những giai điệu còn mang nhiều tính chất tự do, phóng khoáng, thì thể lý là những giai điệu khá hoàn chỉnh, cố định. Mỗi điệu lý thường mang tính chất riêng biệt, khi thì mang vẻ tình tứ, tha thiết, có khi lại buồng thảm não nùng. Cũng có khi nói lên niềm phấn khởi vui tươi, nhưng cũng có thể nói lên khía cạnh tâm tư của con người. Lý là một bộ phận đặc sắc trong dân ca Huế, bởi nó mang đầy đủ những yếu tố đặc trưng tạo nên nét riêng trong tính chất âm nhạc của vùng đất này. Và, bước phát triển cao của lý chính là ca Huế, âm nhạc thính phòng Huế.
Lý Huế, không những cũng đã trải qua quá trình trau chuốt trong dân gian, mà quan trọng hơn là đã được trau chuốt bởi bàn tay của giới nho sĩ đam mê nghiệp cầm ca. Điều đó thể hiện rõ ở lời ca không nôm na, ví von theo kiểu dân gian như các điệu lý Nam bộ không có gốc Huế. So với thể Lý trong dân ca Nam bộ, lý Huế không có số lượng hàng trăm bài, nhưng nó mang đầy đủ sắc thái Huế và sự hoàn chỉnh về nghệ thuật trong cấu trúc, giai điệu, lời ca. Nó trở thành một mẫu mực mang tính “lan toả” cao. Đặc tính cạn và hẹp trong giọng nói của người Huế cũng là một yếu tố chi phối mạnh mẽ vào âm điệu dân ca Huế tạo nên những âm điệu đặc trưng không thể lẫn với các vùng khác.
Lý Huế thường có nội dung là hát giao duyên hoặc hát sinh hoạt gia đình và sinh hoạt khác. Hát giao duyên ở đây có điều đặc biệt đó là “giao duyên tự tình” khác hẳn với giao duyên đối đáp. Không gian trong lý Huế là không gian của tình yêu, tự sự thâm trầm. Tất cả đều chất chứa những nỗi niềm riêng tư thầm kín, những thương nhớ hoài mong, những hẹn thề, duyên nợ… tồn tại trong trái tim biết sống vì tình yêu và dám hy sinh vì tình yêu. Lý Huế không những là lối hát tự tình mà còn là phương thức để bộc lộ thái độ của con người đối với hoàn cảnh xã hội. Nội dung các điệu lý có lời khuyên răn đạo lý và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Lý Huế được ngân lên như liệu pháp để “giải toả tâm tư” đồng thời cũng trở thành khát vọng vươn đến hạnh phúc vẹn tròn, là cốt cách để thể hiện cái Chân - Thiện - Mỹ của con người.
Một số bài lý nổi tiếng trong kho tàng dân ca Việt Nam
- Lý Con sáo
- Lý Hoài xuân
- Lý Mười thương
- Lý Tình tang
- Lý Giang Nam
- Lý Giao duyên