Nguồn gốc của di sản: châu thổ Bắc Bộ
Địa điểm tổ chức: phủ, miếu, đền, điện thờ Mẫu tam phủ
Thời gian tổ chức: quanh năm theo nhu cầu cá nhân, cộng đồng, tiêu biểu là lễ hội Phủ Dầy vào tháng ba âm lịch hàng năm
Chất liệu: trang phục, nhạc cụ truyền thống, đạo cụ, lễ vật, hàng mã.
Chủ thể di sản: cộng đồng người Việt (Kinh) ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ
Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Họ thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, Bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo. Bà được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những diễn xướng dân gian đặc sắc như xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh. Thông qua các yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.