1. Phân loại di sản: Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội
2. Không gian địa lý: Địa bàn sinh sống của ngư dân bám biển thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa
3. Thời gian tổ chức: Tuỳ theo ngày mất của cá Ông ở mỗi nơi mà ngư dân ven biển nơi đó trên vùng đất Khánh Hoà dựa vào để làm lễ cúng, cầu Ông.
4. Chủ nhân của di sản: Ngư dân ven biển sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản dọc các tỉnh Nam Trung Bộ nước ta.
5. Nhận diện di sản:
Lễ hội cầu ngư là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân các làng biển, phát triển từ lễ cúng Lăng tức lễ tế Ông Nam Hải. Lễ hội gồm có hai phần: Lễ đình và Hội làng (diễn ra tại sân đình).
Nằm trong dòng chảy của tín ngưỡng thuỷ thần, tục thờ Cá Ông ở Khánh Hoà hình thành và phát triển với những đặc điểm riêng của cộng đồng cư dân ven biển. Dọc theo các làng xã ven biển Khánh Hoà, người Việt đều có lăng thờ Ông Nam Hải với mật độ khá dầy đặc. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 40 lăng phân bố đều khắp các huyện, thị, xã, phường ven biển và hải đảo. Thường mỗi xã, phường có 1 lăng, cũng có xã có đến 2, 3, 4 lăng, thậm chí có đến 6 lăng do mỗi thôn đều có một lăng. Lễ hội cầu ngư là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân các làng biển, phát triển từ lễ cúng lăng tức lễ tế Ông Nam Hải. Lễ hội gồm có hai phần: Lễ đình và Hội làng (diễn ra tại sân đình). Đây là sự tích hợp từ một hình tượng xa xăm trong truyền thuyết, thần thoại Champa (Nữ thần Poh In ư Nagar) và (Thành hoàng làng) của người Việt di cư từ đất Bắc, khi đứng trước biển đã cụ thể hoá, Việt hoá trở thành tín ngưỡng thờ Cá Ông mang đậm dấu ấn Việt trên vùng đất mới -duyên hải phương nam. Điểm dị biệt so với nơi khác của Khánh hoà là sự phổ biến của loại hình đình - lăng kết hợp, hay sự phổ biến của việc phối thờ Thiên Y A Na trong hệ thống thiết trí thờ tự của lăng Ông Nam Hải.
Văn hóa đình - lăng là mảng văn hóa lớn ở Khánh Hòa: đình của làng nông nghiệp, lăng của làng ngư nghiệp. Cá Voi với người vốn gắn bó, nên khi sống cá được tôn kính, khi chết cá hiển linh thành Thánh, được ngư dân tôn làm thượng đẳng thần, xây lăng tẩm thờ cúng. Nếu là cá Voi đực chết già gọi là lăng Ông, chết trẻ gọi là lăng Cậu. Cá Voi cái chết già gọi là lăng Bà, chết trẻ gọi là lăng Cô. Hàng ngày có người hương khói, hàng năm lấy ngày Ông lị (Ông mất) làm giỗ chung gọi là cúng Lăng.
Tục thờ cúng cá Ông bắt nguồn từ dạng tín ngưỡng thờ vật tổ, vốn hình thành từ tín ngưỡng của cư dân ven biển thời kỳ sơ khai. Trong đời sống dân gian làng xã ven biển, lệ cúng tế Cá Voi thường niên, lại thêm chức năng cầu đảo, có cả lệ tam sinh -sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng lên đồng của người Việt… đã rất phổ biến và xuất hiện từ rất sớm. Trong tục thờ cá Ông ở Khánh Hoà, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như tuồng, hò bá trạo, múa bóng… và các trò chơi là những thành tố quan trọng tạo nên yếu tố mang đậm giá trị đặc trưng.
Tục thờ cá Ông là một yếu tố văn hoá đặc thù của cộng đồng cư dân vùng ven biển miền Trung và Nam bộ Việt Nam mà ở đó, vùng biển Khánh Hoà có một vai trò, vị trí chiến lược. Nó đã trở thành chỗ dựa tinh thần trong đời sống của mọi người dân ven biển chuyên nghề đánh bắt hải sản trên biển khơi đầy bất chắc. Quan trọng hơn nữa là sự thể hiện thông điệp hoà bình, khát vọng thống nhất về lãnh thổ lẫn lãnh hải để khẳng định chủ quyền thiêng của dải đất duyên hải - phần máu thịt của ông cha đã hy sinh một thời đi mở cõi.A