1. Phân loại di sản phi vật thể: Nghề thủ công truyền thống.
2. Không gian địa lý: Làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.
3. Thời gian: Nghề tranh dân gian được người dân Đông Hồ làm quanh năm, tập trung từ tháng Tám đến tháng Chạp là mùa tranh Tết.
4. Chủ nhân di sản: Người dân làng Làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.
5. Nhận diện di sản: Trong số các dòng tranh dân gian Việt Nam được biết đến như Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Nội - Hà Tây cũ), Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Huế)…, tranh Đông Hồ nổi bật nhờ gắn liền với làng quê thôn xóm, với đời sống bình dị của người dân nông thôn, gần gũi với cộng đồng người dân Việt. Đây là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ dân gian đặc sắc cổ xưa nhất của vùng đất Kinh Bắc, được nhiều người cả trong và ngoài nước biết đến.
Tranh Đông Hồ được in trên giấy dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây dó mọc trên rừng. Thường tranh Đông Hồ chỉ giới hạn ở bốn màu. Người làng Hồ đã biết vận dụng, chắt lọc từ những chất liệu thiên nhiên để tạo nên những sắc màu truyền thống vừa tươi vừa có độ bền màu. Tranh Đông Hồ được vẽ theo dạng in lại qua những bản khắc. Để có bản khắc đạt đến độ tinh xảo, người vẽ mẫu và người khắc ván phải có lòng yêu nghệ thuật và trình độ kỹ thuật cao. Tranh Đông Hồ có đến 180 loại được phân thành 5 loại chính gồm tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh.
Hội làng Đông Hồ vào rằm tháng ba âm lịch. Trong ngày hội làng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ… Trước kia tranh Đông Hồ được làm ra chủ yếu phục vụ cho dịp tết Nguyên đán, người dân mua tranh về dán trên tường để trang trí trong dịp tống tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Tranh làng Hồ đã được nhiều người coi như đặc sản của xứ Kinh Bắc. Ngày nay, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến Đông Hồ không chỉ để tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà còn nhằm nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ.
HỒ SƠ ỨNG CỬ QUỐC GIA
VÀO DANH SÁCH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
CẦN BẢO VỆ KHẨN CẤP
NGHỀ LÀM TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ
BÁO CÁO KIỂM KÊ
Hà Nội – 2020
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU |
3 |
KẾT QUẢ KIỂM KÊ |
5 |
I. Nhận diện tên gọi, không gian thực hành và chủ thể di sản |
5 |
1. Tên gọi của di sản |
5 |
2. Loại hình |
5 |
3. Không gian văn hóa thực hành di sản |
5 |
4. Chủ thể văn hóa |
8 |
5. Quá trình ra đời và tồn tại của nghề tranh dân gian Đông Hồ |
17 |
II. Hình thức biểu hiện, quy trình thực hành di sản |
17 |
1. Hình thức biểu hiện |
17 |
2. Quy trình làm tranh |
18 |
3. In tranh |
20 |
4. Dụng cụ in tranh |
22 |
5. Các công đoạn in tranh |
23 |
6. Phơi tranh |
24 |
7. Các sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành nghề |
24 |
III. Giá trị tranh dân gian Đông Hồ |
24 |
1. Những giá trị nội dung tư tưởng |
24 |
2. Những giá trị nghệ thuật của tranh dân gian Đông Hồ |
26 |
IV. Hiện trạng và sự biến đổi của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ |
27 |
1. Hiện trạng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ |
27 |
2. Những thay đổi của tranh dân gian Đông Hồ hiện nay |
29 |
3.Thực trạng và nguy cơ mai một của nghề làm tranh Đông Hồ |
29 |
V. Vai trò của nhà nước trong bảo vệ di sản Nghề làm tranh Dân gian Đông Hồ |
32 |
VI. Nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghề làm tranh Đông Hồ dân gian của cộng đồng |
34 |
VII. Một số giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ |
37 |
1. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản |
37 |
2. Tôn vinh các nghệ nhân người có công khôi phục và duy trì nghề làm tranh |
38 |
3. Mở rộng tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước |
38 |
4. Trao truyền và giáo dục di sản |
39 |
5. Kiểm kê, tư liệu hóa, nghiên cứu khoa học: |
39 |
6. Tăng cường nguồn nguyên liệu tự nhiên và cây trồng: |
39 |
7. Nâng cao chất lượng bảo quản ván in và tranh Đông Hồ |
39 |
KẾT LUẬN |
39 |
TÀI LIỆU THAM KHẢO |
41 |
BÁO CÁO KẾT QUẢ KIỂM KÊ KHOA HỌC
NGHỀ LÀM TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ
Thời gian: 4/2018-10/2019
Địa điểm: Thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Chủ nhiệm: GS. TS. Bùi Quang Thanh
Cộng tác viên: GS.TS. Từ Thị Loan, ThS. Cao Trung Vinh, ThS. Trần Thị Hiên, CN. Nguyễn Trung Bình.
Với sự tham gia của các nghệ nhân: Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Tâm, Nguyễn Hữu Quả, Nguyễn Thị Oanh.
MỞ ĐẦU
Làng tranh Đông Hồ - tên đầy đủ là Làng tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ (tên nôm là làng Mái) - nay thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đã từ hơn 400 năm qua (thời Hậu Lê) sản sinh ra một dòng tranh dân gian nổi tiếng, bên cạnh những dòng tranh dân gian khác của Việt Nam như: tranh Kim Hoàng (thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), tranh Hàng Trống (phố Hàng Trống, Hà Nội) và tranh làng Sình (thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trên tiến trình lịch sử - văn hóa của người Việt, các dòng tranh dân gian danh tiếng này đã góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ di sản văn hóa của dân tộc, làm cho đời sống văn hóa người Việt Nam qua nhiều thế hệ luôn luôn phong phú và đa dạng.
Trong số 4 dòng tranh dân gian của 4 làng nghề nghệ thuật truyền thống Việt Nam, tranh dân gian khắc gỗ Đông Hồ có giá trị nổi bật nhất, có sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ, từ nhiều trăm năm qua đã trở thành sản phẩm văn hóa tinh thần quen thuộc với hầu khắp công chúng trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam; và được giới thiệu, đón nhận ở nhiều nước trên thế giới.
Hơn nửa thế kỷ qua, tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ đã trở thành đối tượng nghiên cứu, giới thiệu và khám phá của nhiều công trình, bài báo khoa học trong và ngoài nước.
Với sáng tạo nghệ thuật của người dân Đông Hồ, dòng tranh khắc gỗ dân gian này đã khẳng định được những giá trị mang tính bản sắc văn hóa riêng, từ đặc điểm in ấn, quy trình chế tác (chế tác hoàn toàn thủ công), giấy in (giấy điệp trộn với hồ bột gạo), màu sắc (màu tự nhiên từ cây cỏ) và nội dung theo 5 thể loại (tranh thờ, tranh lịch sử, truyện tranh, tranh chúc tụng và tranh sinh hoạt). Tranh Đông Hồ là nơi hội tụ những ước mong về cuộc sống hạnh phúc, sung túc và đánh giá các hiện tượng xã hội, phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi của văn hóa người Việt, thông qua nghệ thuật khắc ván tranh sinh động.
Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị lãng quên, nghệ thuật tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ đã bị mai một nhiều và trong điều kiện xã hội hiện nay, dòng tranh nghệ thuật này có nguy cơ biến đổi và thương mại hóa. Sự thưa vắng dần các nghệ nhân cùng sự thay đổi nghề nghiệp của nhiều gia đình vì nhu cầu cuộc sống đã tác động mạnh đến vị thế sinh tồn của một làng tranh dân gian nổi tiếng xưa nay. Các thế hệ tiếp theo không được và cũng không muốn kế thừa truyền thống của cha ông.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của một làng nghề nghệ thuật là một việc làm thiết thực và có ý nghĩa trong bối cảnh xã hội thay đổi hiện nay. Việc xây dựng bộ hồ sơ đề nghị UNESCO đưa Làng tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là một hoạt động tích cực, mang tính cấp thiết, đảm bảo sức sống của di sản cho thế hệ hiện tại và cho tương lai. Xuất phát từ những vấn đề đặt ra trên đây, việc tổng kiểm kê khoa học làng tranh dân gian Đông Hồ để cập nhật, đánh giá thực trạng và giá trị của di sản, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát huy trong cuộc sống đương đại là một công việc vô cùng cần thiết và hữu ích
- Kết quả kiểm kê năm 2018 có tham khảo và kế thừa một số dữ liệu từ Dự án kiểm kê nghề tranh dân gian Đông Hồ năm 2012 của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam do GS.TS. Từ Thị Loan làm chủ nhiệm.
Việc kiểm kê khoa học nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau:
KẾT QUẢ KIỂM KÊ
I. Nhận diện tên gọi, không gian thực hành và chủ thể di sản
1.Tên gọi của di sản:
Theo tổng hợp ý kiến chung của các nghệ nhân: Dòng tranh dân gian được in ra từ các bộ ván khắc do nhiều thế hệ người dân làng Đông Hồ sáng tạo và trao truyền, thực hành tại nhiều gia đình qua nhiều trăm năm, trở thành một nghề truyền thống của dân làng, do vậy, dòng tranh in khắc gỗ này dù được gọi theo các tên khác nhau nhưng luôn luôn gắn với địa danh nơi các thế hệ nghệ nhân sáng tạo và thực hành nó là làng Đông Hồ (nay thuộc thôn Đông Khê), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tranh dân gian Đông Hồ là một loại hình mỹ thuật cổ truyền, gắn bó chặt chẽ với sinh kế và đời sống thường nhật của các thế hệ người dân Đông Hồ, phản ánh những gì gần gũi, thân thiết qua những cảnh sinh hoạt đời thường, những quan niệm ứng xử với môi trường sinh thái, với quan hệ xã hội cùng cung cách đối nhân xử thế. Chính vì thế, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã tạo ra được đặc trưng khác biệt so với các dòng tranh dân gian khác như tranh Hàng Trống, tranh làng Sình (Huế) và tranh Kim Hoàng (Hà Nội).
2. Loại hình
Căn cứ Khoản 1, Điều 4, Chương II của Thông tư số 04/2010/TT- BVHTTDL ngày 30-6-2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể thì nghề làm tranh dân gian Đông Hồ thuộc về loại hình “Nghề thủ công truyền thống”.
3. Không gian văn hóa thực hành di sản:
Tranh dân gian Đông Hồ tồn tại và phát triển ở làng Đông Hồ, dân gian gọi là làng Hồ, xưa có tên là làng Đông Mại, gọi nôm là làng Mái, thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc xưa; nay là làng Đông Khê thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
3.1. Điều kiện địa lý
Về vị trí địa lý, làng Đông Hồ nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km. Thôn Đông Khê nằm bên dòng sông Thiên Đức (sông Đuống)[1], bên cạnh đường giao thông nối xứ Bắc (Hà Bắc cũ) với xứ Đông (Hải Dương), là hai vùng đất cổ trù phú của châu thổ sông Hồng. Trước đây làng Đông Hồ nằm sát bờ sông Đuống, chỉ cách sông một con đê, từ đó mà có câu "Có sông tắm mát có nghề làm tranh".
3.2. Lịch sử hình thành làng
Về lịch sử hình thành làng Đông Hồ, hiện nay hầu như không có tài liệu, văn bia nào ghi chép về quá trình hình thành và phát triển của các làng xã Song Hồ nói chung, làng Đông Hồ nói riêng thời cổ đại. Song qua những hiện vật khảo cổ, những huyền tích, truyền thuyết, phong tục, tập quán hiện có đã bước đầu phản ánh một quá trình khai phá lâu dài để tạo lập nên những làng xóm trù phú ngày nay.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng được thành lập, tổng Đông Hồ được tách ra thành 3 xã: xã Tú Hồ gồm các làng: Đông Hồ, Tú Khê, Đạo Tú, Xuân Tú và Tú Tháp; xã Bắc Hồ gồm các làng: Chương Xá, Lạc Thố, Lạc Đạo; xã Đông Côi gồm các làng: Cả, Lẽ và ấp Đông Côi; còn phủ Thuận Thành được đổi tên thành huyện Thuận Thành.
Năm 1966, xã Tú Hồ, Bắc Hồ hợp nhất lại, hình thành nên xã Song Hồ, gồm 7 thôn: Đạo Tú, Tú Tháp, Lạc Thổ, Chương Xá, Đông Khê, Lạc Hoài và Phố Hồ, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc.
Năm 1997, các thôn Lạc Thổ (Lạc Thổ Nam, Lạc Thổ Bắc), Chương Xá, Phố Hồ của xã Song Hồ được chuyển về thành lập thị trấn Hồ, còn lại 4 thôn: Đông Khê, Đạo Tú, Tú Tháp và Lạc Hoài thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh[2].
Như vậy, tên gọi chính thức của vùng đất thuộc làng Đông Hồ xưa hiện nay là thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thôn Đông Khê bao gồm 4 đội sản xuất (còn gọi là 4 xóm): Đội 1 và đội 2 thuộc làng Đông Hồ xưa; đội 3 thuộc làng Khê cũ; đội 4 thuộc làng Đạo Tú cũ.
3.3. Đặc điểm dân cư:
Năm 2019, dân số của xã Song Hồ là 7.022 người (ứng với 1.601 hộ), trong đó, thôn Đông Khê có 2.236 nhân khẩu (509 hộ) với diện tích đất canh tác là 224.000m2. So sánh diện tích đất canh tác với số nhân khẩu ở Đông Hồ có thế tính được bình quân diện tích đất canh tác là chưa được 1 sào cho một đầu người (gần 300m2/ người; 1 sào Bắc Bộ = 360m2).
Vì diện tích ruộng canh tác ít, nghề phụ ở Đông Hồ từ lâu đã phát triển và trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. Các cụ ở Đông Hồ kể lại rằng, dưới thời phong kiến làng Đông Hồ hầu như chỉ sống bằng nghề in tranh và làm hàng mã. Cả làng chỉ có 4, 5 nhà làm ruộng.
Dân số ít nhưng lại thuộc tới 17 dòng họ khác nhau - có gốc từ Hải Dương, Thanh Hóa... Đó là các dòng họ Nguyễn (Nguyễn Đăng, Nguyễn Hữu, Nguyễn Nhân, Nguyễn Bá, Nguyễn Thế, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Đức, Nguyễn Văn), họ Trần, họ Hà, họ Dương, họ Lê, ọ Lý, họ Vương. Sau cách mạng tháng Tám, làng có thêm họ Nguyễn Khắc[3]. Hiện nay hai dòng họ Nguyễn Đức và Nguyễn Văn không còn ở làng nữa.
3.4. Đặc điểm văn hóa-xã hội:
Đông Hồ nổi tiếng trong quá khứ với nghề làm hàng mã và tranh dân gian. Người Đông Hồ làm hàng mã và tranh theo mùa chứ không làm quanh năm. Một năm thường có hai mùa: mùa làm hàng mã kéo dài từ tháng giêng đến tháng bảy âm lịch (khoảng tháng 3 đến tháng 8 dương lịch); mùa làm tranh bắt đầu sau rằm tháng bảy (từ tháng 8 đến tháng 2 dương lịch) chủ yếu phục vụ dịp tết Nguyên đán.
Trước đây, chợ Đình do dân cư các thôn Đạo Tú, Ngọc Tú và Tú Khê cùng nhau lập ra để thành nơi chuyên buôn bán các loại giấy màu, trong đó có loại giấy phục vụ cho việc in tranh dân gian Đông Hồ. Chợ Đình họp mỗi tháng 6 phiên chợ chính (vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp) và 6 phiên chợ xép. Bên cạnh chợ Đình, chợ Đông Hồ được lập ra trong phạm vi không gian của đình làng Đông Hồ, mỗi năm chỉ họp từ ngày mùng sáu đến ngày cận Tết. Điều đặc biệt của chợ Đông Hồ so với các chợ khác trong vùng là hàng bán ở chợ chỉ là tranh dân gian do các hộ dân của làng sản xuất ra. Ngôi đình làng được rất nhiều người nơi khác biết đến do phía trước cửa đình thường tổ chức chợ bán tranh của làng, do vậy người dân nơi đây gọi là chợ đình tranh hay chợ tranh Đông Hồ.
Bên cạnh 2 nghề có bề dày lịch sử và tạo nên danh tiếng cho làng, người dân ở đây cũng từng làm nhiều nghề khác. Ngoài số lượng nhỏ gia đình có thêm nghề nông, vào thập niên 60 - 80 của thế kỷ XX, nhiều gia đình mở mang thêm việc làm, như bện thảm xuất khẩu bằng bẹ ngô, làm rèm cửa, làm đồ chơi Trung thu, hoa ngày Tết...
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nghề làm tranh đem lại hiệu quả kinh tế thấp dần và có nguy cơ tàn lụi, do bế tắc đầu tiêu thụ; trong khi đó, xu hướng trỗi dậy của sinh hoạt thực hành tín ngưỡng ở hầu khắp các làng quê. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho người dân tự do thực hành tín ngưỡng, mở lại hàng loạt cửa đền, chùa vốn đã bị cấm cúng bái trước đây đã làm gia tăng nhu cầu vàng mã. Hàng chục gia đình vốn có tay nghề làm tranh đã chuyển hẳn sang nghề làm đồ hàng mã, nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại. Tuy thế, vẫn có số ít gia đình trung thành với nghề làm tranh truyền thống của mình.
3.5. Không gian văn hóa tâm linh, công trình kiến trúc, biểu hiện văn hóa liên quan:
Đình làng Đông Hồ thờ thành hoàng làng là Đức Ông. Đình làng Đông Hồ chính là một không gian đặc biệt gắn liền với nghề làm tranh của làng. Đã hàng trăm năm từ năm 1945 trở về trước, tại không gian văn hóa tâm linh của đình, dân làng đã tổ chức họp chợ chỉ chuyên dành cho việc mua bán tranh. Đến phiên chợ, khắp trong và ngoài đình rực rỡ bởi màu sắc của tranh. Tranh treo trên dây, vắt lên tường, bày trên chiếu cói, tấp nập kẻ mua, người bán. Vì vậy, đôi khi chợ tranh còn được gọi là hội tranh. Với giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của mình, trong đó có việc đình gắn với chợ tranh và nghề tranh truyền thống mà năm 1993, đình đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.
4. Chủ thể văn hóa:
Những năm gần đây, nghề tranh mai một dần, đa số dân làng đã và đang chỉ làm nghề hàng mã. Cho đến nay, chỉ còn 3 gia đình [gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (từ 2008 chuyển cho con trai cả Nguyễn Hữu Hoa kế thừa] và gia đình con trai thứ của cụ Sam là Nguyễn Hữu Quả mới tách ra hoạt động độc lập] chuyên tâm với nghề làm tranh. Các thành viên trong các gia đình này vẫn đang giữ vai trò nguồn lực chủ chốt trực tiếp bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ trong điều kiện xã hội đương đại.
4.1. Những chủ thể có vai trò chủ chốt trong thực hành, bảo vệ tranh Đông Hồ
4.1.1. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế:
- Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế:
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sinh năm 1936, dân tộc Kinh, sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm tranh lâu đời ở làng Đông Hồ. Theo như lời ông nói thì đến đời ông là đời thứ 20 đã nối tiếp nhau làm tranh (!). Ông Chế học nghề của cha ông từ bé. Ông đã từng là giảng viên hướng dẫn kỹ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (1964 - 1975); công tác tại Nhà xuất bản Mỹ thuật và Âm nhạc (1975 - 1991).
Sau khi nghỉ hưu, ông trăn trở trước tình trạng mai một của nghề làm tranh truyền thống của làng, nên đã dành dụm lương hưu tìm cách mua lại những bản khắc từ 10 gia đình vốn gắn bó với nghề cũ vẫn giữ được, phục chế và nhân thêm nhiều bản khắc mới.
Tính đến thời điểm tháng 5-2019, gia đình ông sở hữu khoảng 1.200 bản khắc, trong đó có 100 bản khắc cổ, bản cổ nhất có tuổi đời 200 năm, bản mới nhất cách nay khoảng 50 năm. Hiện gia đình ông thường xuyên sản xuất khoảng 180 loại tranh, trong đó có 9 loại tranh bộ: tranh Tứ bình có 17 bộ (với 68 bản khắc); tranh chữ có 7 bộ (với 21 bản khắc); tranh Ngũ sự (với 26 bản khắc); 150 bộ tranh theo chủ đề khác nhau (với 600 bản khắc); 70 bộ tranh mới khắc theo chủ đề cũ (với 350 bản khắc). Hiện nay, 900 bản khắc thường xuyên được sử dụng tại gia đình ông để sản xuất tranh phục vụ du khách trong, ngoài nước.
Bản khắc cổ nhất chính là bộ 26 bản khắc để tạo nên bức tranh Ngũ sự (tranh thờ gia tiên gồm 5 đồ thờ tự: đỉnh trầm, đài hương, đài nến, lọ hoa, mâm quả). Ông cho biết đây là bộ ván khắc có từ cách đây 200 năm, thuộc đời thứ 8 - kể từ đời ông trở về trước.
Bộ tranh cổ nhất mà ông còn lưu giữ được là tranh về tích truyện Thạch Sanh gồm 4 bức, nay đã hỏng 1 bức, nhưng ông vẫn cho treo ở nơi trang trọng nhất trong gian nhà trưng bày của gia đình.
Năm 2010, nhà sưu tập tranh dân gian Đông Hồ người Pháp Jean Piere Pascal[4] sang thăm làng tranh Đông Hồ và tặng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bộ sách ảnh in 100 bức tranh Đông Hồ gốc rất quý do ông sưu tầm trước đây. Nhờ đó, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã căn cứ vào số bản tranh gốc tưởng thất truyền đó để khắc ván lại 100 bức trong vòng 4 năm (2010 - 2014), góp phần bổ sung nguồn tranh phong phú và đa dạng của gia đình mình.
Tính chung hiện nay, ngoài hàng trăm bức khắc gỗ từ đời trước truyền lại và mua từ các gia đình có hoạt động nghề tranh trong làng, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã có thêm khoảng 200 bản khắc tranh mới, 100 loại tranh phục hồi, trong đó có 20 loại tranh mới sáng tạo theo chủ đề hiện đại như: Bác Hồ với thiếu nhỉ, Bắt phi công Mỹ, Đào mương chống hạn, Đổi công hợp tác, Hợp tác xã mua bán, Cải tiến nông cụ, Phụ nữ ba đảm đang, Không cho chúng nó thoát.
Ông Nguyễn Đăng Chế hàng chục năm qua luôn giữ vai trò là thợ cả, là linh hồn của các khâu quan trọng và quyết định nhất trong quá trình làm tranh của gia đình như: tìm chủ đề, cấu tứ, bố cục của tranh, khắc ván in, pha màu...
Hiện nay, ông đã truyền nghề cho một đội ngũ con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại lên đến hơn hai chục người, đặc biệt là cho anh Nguyễn Đăng Tâm - một trong 4 người con trai của gia đình, người đã có thể đảm đương được hầu hết các công đoạn từ đầu đến cuối của nghề làm tranh, cũng như quyết định các vấn đề liên quan đến chế tác nguyên vật liệu đầu vào và tổ chức tiêu thụ sản phẩm ở đầu ra cho đại gia đình.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế hiện là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hiệp hội UNESCO, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh nhiều nhiệm kỳ; được Chương trình Mỹ thuật Đông Dương - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải “Bàn tay vàng”. Năm 2000, ông được Bộ Văn hóa Thông tin trao tặng Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa; Năm 2007 được Trung ương Hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề”; Năm 2012 được UBND tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh”; Ông được UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen và nhận nhiều Giấy khen từ các ban, ngành ở Trung ương và địa phương.
- Những người thực hành nghề trong gia đình:
+ Bà Nguyễn Thị Tám (Vợ nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế), sinh năm 1934, dân tộc Kinh. Khi mới về làm dâu, bà tham gia phụ giúp gia đình vào nhiều công đoạn làm tranh như: in tranh, vẽ nét, phơi tranh... Hiện nay, do đã nhiều tuối, bà chỉ tham gia dán tranh vào sổ, buộc dây vào trục tranh... những khi có công việc nhiều.
+ Gia đình người con trai cả:
Anh Nguyễn Đăng Phùng, sinh năm 1959. Anh Phùng có vợ là chị Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1960, dân tộc Kinh. Hai anh chị là nhân lực chính ở cơ sở sản xuất tranh của ông Chế. Anh chủ yếu lo phần chuẩn bị nguyên, vật liệu đầu vào và tiêu thụ sản phấm ở Hà Nội và các địa phương.
Anh chị có hai con là Nguyễn Đăng Đức, sinh năm 1984 và Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1986. Các cháu đều có các kiến thức, kỹ năng làm tranh và có thể phụ giúp gia đình khi cần.
+ Gia đình người con trai thứ hai:
Anh Nguyễn Đăng Dũng, sinh năm 1963. Anh hiện đang làm ở cơ quan nhà nước, nhưng thứ bảy, chủ nhật vẫn giúp bố và vợ làm tranh.
Vợ anh Dũng là chị Mai Thị Thanh Huyền, sinh năm 1969. Chị là một trong những nhân lực chính ở cơ sở sản xuất tranh của ông Chế.
Gia đình anh chị Dũng - Huyền có 2 con: Cháu Nguyễn Đăng Nam sinh năm 1990, đã có thể phụ giúp gia đình và một cháu còn nhỏ sinh năm 2004.
+ Gia đình người con trai thứ ba:
Anh Nguyễn Đăng Luân, sinh năm 1966. Anh hiện đang làm ở cơ quan nhà nước, nhưng thứ bảy, chủ nhật vẫn giúp gia đình làm tranh.
Vợ anh Luân là chị Đào Ngọc Thu, sinh năm 1974, là nhân công thường xuyên của xưởng sản xuất tranh của ông Chế.
+ Gia đình người con gái thứ tư:
Chị Nguyễn Thị Minh Phương, sinh năm 1969. Chị Phương tuy đã lấy chồng nhưng vẫn tham gia công việc làm tranh với doanh nghiệp của ông Chế.
Chị Phương có chồng là anh Nguyễn Ngọc Chiến, sinh năm 1966. Anh chị Phương - Chiến có 2 con: Cháu Nguyễn Ngọc Mai sinh năm 1993, cháu Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 1998 đều có thể phụ giúp làm tranh.
+ Gia đình người con trai thứ năm:
Anh Nguyễn Đăng Tâm, sinh năm 1972. Anh là người được nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế trao truyền lại tất cả mọi bí quyết, kỹ năng nghề nghiệp, cũng như công việc quản lý kinh doanh của cơ sở sản xuất hiện nay. Anh là người chuyên khắc ván in, đây là công đoạn khó, đòi hỏi tay nghề cao của nghệ nhân.
Vợ anh Tâm là chị Trần Thị Tố Tâm, sinh năm 1974, con gái một nghệ nhân ở làng là Trần Nhật Tấn (đã mất năm 2008). Trước khi mất, cụ Tấn đã trao lại cho con gái và con rể toàn bộ các bản khắc cổ và các bí quyết về nghề nghiệp. Chị là người chuyên vẽ tranh, cũng là một công đoạn khó, đòi hỏi tay nghề cao.
Vợ chồng anh Nguyễn Đăng Tâm có 3 con: Cháu Nguyễn Thu Thảo sinh năm 1993, cháu Nguyễn Đăng Hiếu sinh năm 1996 và cháu Nguyễn Thảo My, sinh năm 2003.
Tất cả các con cháu nội, ngoại trong gia đình ông Chế, dù lớn bé đều tham gia làm tranh, đều có thể thực hành nghề tranh ở mức độ nhiều hay ít. Họ có thể tham gia các công đoạn như bồi giấy, in tranh, vẽ tranh... mỗi người một việc khi được huy động.
+ Những người thực hành nghề ngoài gia đình:
Ngoài những người trong gia đình, ông Chế còn thuê thêm nhân công ở bên ngoài là Nguyễn Hữu Hạnh (sinh năm 1973), Nguyễn Đức Tám (sinh năm 1975) quê ở An Bình, Bắc Ninh. Các anh đều là thợ giỏi, có tay nghề cao, chủ yếu làm công việc khắc khuôn tranh để làm tranh khắc gỗ bên cạnh các công việc khác như giã điệp, vận chuyển gỗ làm ván khắc,..
4.1.2. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam
- Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam sinh năm 1930, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời. Từ nhỏ ông đã đam mê những sắc mầu độc đáo của tranh dân gian Đông Hồ. Ông theo học nghề tranh từ lúc lên 5, 6 tuổi. Ông nói do nhà nghèo nên phải cố gắng học để giữ cái nghề của cha ông, cho dù lúc thuận lợi hay lúc khó khăn, ông vẫn quyết tâm không bỏ nghề.
Khi làng thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ, ông đã tham gia ngay từ những ngày đầu với tư cách Chủ nhiệm hợp tác xã từ năm 1967 đến năm 1970. Khi đó, lúc đông nhất, hợp tác xã có của trên 50 xã viên.
Từ năm 1970 đến năm 1989 ông vừa là đội trưởng đội sản xuất tranh, trực tiếp chỉ đạo sản xuất và kỹ thuật, vừa nghiên cứu, sưu tầm, phục chế, sáng tác tranh. Hơn 37 năm qua, ông đã cặm cụi sưu tầm, bảo tồn những bản khắc cổ và tận tâm truyền nghề cho con cháu. Đến nay, ông có trên 800 bản khắc kể cả các bản sưu tầm, phục chế và sáng tác mới, trong đó có gần 200 bản khắc cổ (10 bộ ván khắc in tranh bộ; 10 bộ ván khắc in tranh chữ; 76 bộ ván khắc).
Trong số các bản khắc cổ, ông lưu giữ được cả những bản khắc đơn như: Đàn lợn, Gà mẹ gà con, Em bé ôm cả, Lão nông... lẫn những bản khắc bộ như Thạch Sanh, Tống Trân - Cúc Hoa, Tùng - cúc - trúc - mai, Kiều, Cá chép trông trăng... kích thước trung bình từ 26 x 37cm đến 90 x 140cm. Các bản khắc tuy đã cũ, mòn theo thời gian, nhưng trông vẫn rất rõ, với những đường nét hết sức uyển chuyển, sống động.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam từng tâm sự: "Ở làng, nhiều gia đình đã dùng các bản khắc cổ để làm cửa chuồng gà, chuồng lợn, làm ván xe cải tiến, thậm chí vứt bỏ lung tung mặc cho nắng mưa dãi dầu, nhìn thấy mà xót”[5]. Với lòng yêu nghề và xót xa vì nghề nghiệp tổ tiên bị mai một, ông đã cùng với các con, bên cạnh việc lưu giữ những bản khắc cổ của riêng gia đình, còn đến các gia đình khác thu gom những bản khắc còn sót lại.
Trong bối cảnh rất nhiều gia đình ở làng bỏ nghề, chuyển nghề, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn quyết tâm đầu tư phát triển nghề tranh, tiếp tục sản xuất các mẫu tranh theo đề tài dân gian truyền thống và các mẫu mới phù hợp với nhu cầu của thị trường như: lịch tranh, các ấn phẩm lưu niệm bằng chất liệu giấy dó theo các đề tài khác nhau. Ngoài ra, gia đình ông còn bán các bản khắc phiên bản để du khách có thể mua về nhà tự làm tranh. Gia đình ông có phòng trưng bày tranh “Gian nhà Việt” ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam do tuổi cao sức yếu đã mất năm 2016. Gia tài của ông được trao truyền lại cho người con trai cả là Nguyễn Hữu Hoa để kế nghiệp.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội viên Hiệp hội UNESCO, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh nhiều nhiệm kỳ; được Chương trình Mỹ thuật Đông Dương - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải “Bàn tay vàng”. Năm 2000, ông được Bộ Văn hóa Thông trao tặng Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa; Năm 2007 được Trung ương Hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề”; Năm 2012 được UBND tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh”; Năm 2016, ông là nghệ nhân duy nhất thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của tỉnh Bắc Ninh được Chủ tịch nước vinh danh là “Nghệ nhân Ưu tú”. Ông đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cơ quan ban ngành Trung ương và tỉnh Bắc Ninh.
- Những người làm nghề trong gia đình:
+ Vợ nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam là bà Hà Thị Ngâm sinh năm 1930, đã mất. Sinh thời, bà là cộng sự đắc lực của chồng, gắn bó với nghề làm tranh hàng chục năm trời, cùng chồng dạy dỗ, trao truyền nghề tranh cho các con cháu trong nhà.
Ông bà có tất cả 5 người con là:
+ Gia đình người con trai cả Nguyễn Hữu Hoa:
Anh Nguyễn Hữu Hoa, sinh năm 1958, nguyên là cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh. Anh là người được bố truyền dạy và ham học hỏi nên nắm vững kiến thức và kỹ năng về nghề làm tranh, có thể thực hành các công đoạn làm tranh khi cần thiết.
Vợ anh Hoa là chị Nguyễn Thị Oanh, sinh năm 1960. Vốn xuất thân từ một gia đình trước đó có làm tranh trong làng, đến khi về làm dâu, chị là chủ lực chính phụ giúp ông Sam sản xuất tranh và bán tranh tại nhà. Được bố chồng dìu dắt, chị Oanh đã nắm vững mọi quy trình sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Là người có năng khiếu hội họa, chị Nguyễn Thị Oanh đã tự học thêm và sáng tác được nhiều tranh mang chủ đề mới như: Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp, Chợ tranh, Tượng phật A Di Đà,… Tranh của chị đã từng tham gia nhiều triển lãm tranh quốc gia và quốc tế, đoạt các giải thưởng cao: Giải Sản phẩm được nhiều người ưa thích nhất tại Hội chợ Quốc gia đồng bằng sông Hồng; Giải A báo Nông thôn ngày nay; Giải Vàng Festival Bắc Ninh lần thứ 2,… Chị Nguyễn Thị Oanh là Hội viên làng nghề Việt Nam, được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề, được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Con trai anh Hoa là Nguyễn Hữu Tảo, sinh năm 1982, công tác tại một công ty thương mại ở Bắc Ninh. Vào ngày nghỉ, anh về phụ giúp gia đình trong khâu “đục ván” (khắc ván in). Khi có cơ hội, anh Tảo tham gia vẽ và in tranh dân gian Đông Hồ tại Gian nhà Việt ở Bào tàng Dân tộc học Việt Nam.
Con dâu Lý Thị Thương, sinh năm 1992, hiện đã và đang cùng bố mẹ chồng trực tiếp thực hành các công đoạn in tranh cũng như các công việc phục vụ nhiệm vụ bán tranh, giao tiếp với du khách.
Con gái anh Hoa là Nguyễn Hoàng Lan, sinh năm 1988, công tác tại Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank. Ngày nghỉ, Nguyễn Hoàng Lan luôn trực tiếp làm giúp gia đình trong khâu in tranh.
Từ năm 2008 đến nay, gia đình anh Nguyễn Hữu Hoa được thừa kế toàn bộ vốn di sản của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam trao truyền lại và tiếp tục phát huy những thành tựu truyền thống của gia đình.
+ Gia đình con trai thứ hai
Anh Nguyễn Hữu Quả, sinh năm 1963, là người được ông Sam tin tưởng nhất vì anh vừa có năng khiếu, tư chất làm nghề, vừa yêu nghề, hội đủ các yếu tố đế ông tín nhiệm truyền nghề. Anh theo học nghề tranh của bố từ bé. Lớn lên anh đi học đại học tài chính và đã tốt nghiệp, nhưng nghe lời khuyên của bố anh chuyển sang chuyên làm tranh.Với lòng tâm huyết với nghề, anh đã tìm thầy học thêm chữ Hán đế hiểu được ý nghĩa trong tranh. Đã ba lần anh lọt vào chung khảo hội thi Sản phấm thủ công mỹ nghệ Việt Nam và đều trúng giải. Anh cũng luôn trăn trở trước hiện tượng mai một của làng tranh và quyết tâm cùng gia đình giữ nghề. Anh từng tâm sự rất yêu nghề tranh và nguyện cống hiến cả đời cho dòng tranh Đông Hồ.
Ông Sam trao truyền cho anh tất cả các bí quyết làm nghề, các mẫu vẽ và bản in quý. Anh có thể thực hành thuần thục tất cả các công đoạn từ vẽ mẫu, đục bản khắc, in tranh, pha màu. Anh là người rất tài hoa, siêng năng nhưng lại rất đức độ, khiêm tốn.
Hiện nay, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đang lưu trữ và sở hữu khoảng 1.000 bản khắc tranh các loại, trong đó có 600 bản vốn do người cha lưu giữ và trao truyền lại, 50 bản cổ xưa có tuổi nhiều trăm năm, 12 bộ tranh Tứ bình, 25 bộ tranh chữ, hơn 100 bộ tranh khắc mới cùng hàng trăm bản khắc tranh đơn như Cưỡi trâu thổi sáo, Hứng dừa, Vinh quy, Lợn đàn,…
Nguồn lực làm tranh trong gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả bao gồm: Nguyễn Thị Dung (vợ anh Quả), Nguyễn Hữu Đạo (con trai), Nguyễn Thu Trang (vợ anh Đạo), cùng sự tham gia của các em gái và cháu nội, ngoại. Từ khi lấy vợ (1992) đến nay, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đã tách ra thành một chủ hộ riêng, độc lập trong sản xuất tranh dân gian Đông Hồ tại làng.
+ Gia đình người con thứ ba
Chị Nguyễn Thị Đào, sinh năm 1965. Chị đã từng tham gia hợp tác xã làm tranh cùng với bố và có các hiểu biết và kỹ năng về nghề làm tranh truyền thống của gia đình.
Chị có 2 con: Con lớn là Nguyễn Hữu Sơn, sinh năm 1989; Con thứ hai: Nguyễn Hữu Phóng, sinh năm 1991. Hai cháu đều đang đi học nhưng đều có thể phụ giúp gia đình trong nghề làm tranh.
+ Gia đình người con thứ tư:
Chị Nguyễn Thị Liễu, sinh năm 1967. Vợ chồng chị Liễu có 3 người con: Nguyễn Thị Hiên, sinh năm 1990; Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1992; Nguyễn Nhân Long, sinh năm 1996. Các cháu đều có hiểu biết về nghề làm tranh và thực hành được ở các công đoạn đơn giản.
+ Gia đình người con thứ năm:
Anh Nguyễn Hữu Chanh, sinh năm 1970, chuyên lo phần nguyên vật liệu phục vụ việc làm tranh, từ khâu nhập giấy dó, mua điệp, giã điệp và làm giấy điệp...
Vợ anh Chanh là chị Nguyễn Thị Lợi, sinh năm 1972, tham gia phụ các phần việc trong các khâu làm tranh.
Anh chị Chanh - Lợi có 3 người con: Cháu Nguyễn Thị Cúc sinh năm 1994; cháu Nguyễn Hữu Khanh sinh năm 1997; cháu Nguyễn Hữu Duẩn sinh năm 2003. Các cháu đang đi học, nhưng khi ở nhà đều có thể tham gia in tranh và phụ giúp các phần việc khác trong các khâu làm tranh cho gia đình.
4.1.3. Gia đình nghệ nhân Trần Nhật Tấn
Nghệ nhân Trần Nhật Tấn sinh năm 1938 tại làng Đông Hồ. Xuất thân từ dòng dõi đồ Nho, từ bé đã được học chữ Hán cùng bố và học làm tranh tại gia. Với năng khiếu bẩm sinh và nỗ lực học hỏi, ông trở thành người có vốn hiểu biết sâu rộng và tay nghề chạm khắc tranh vững vàng, được đồng nghiệp coi là nghệ nhân tranh dân gian đích thực. Những năm 1970 - 1980, ông góp công quảng bá di sản tranh Đông Hồ qua nhiều công trình, bài báo ở Trung ương và tỉnh Bắc Ninh, trực tiếp sáng tác một số tác phẩm đề tài hiện đại theo phong cách tranh dân gian Đông Hồ, như: Mùa xuân vùng cao; Bác Hồ với thiếu nhi quê hương nghìn việc tốt; Được mùa lúa xuân; Nghề truyền thống; Bắt sống giặc lái; Hội làng; Vua Quang Trung.
Nghệ nhân Trần Nhật Tấn là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội UNESCO Việt Nam và năm 2000, ông được Bộ Văn hóa Thông tin trao tặng Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Ông mất năm 2008. Gia tài tranh do nghệ nhân Trần Nhật Tấn lưu giữ và truyền lại gồm: 3 bộ ván khắc in tranh bộ (Tứ quý, Tứ bình, Tố nữ) với 44 ván khắc nét và màu; 63 bộ ván in tranh điệp với hàng trăm ván khắc nét và ván in màu.
Nghệ nhân Trần Nhật Tấn có 3 con trai và 1 con gái, nhưng 3 người con trai không có ai nối dõi nghề làm tranh của gia đình. Chỉ có người con gái là Trần Thị Tố Tâm (sinh năm 1974) là theo nghiệp bố cùng con trai người anh cả là Trần Nhật Sở một thời chuyên tâm vào nghề tranh, bên cạnh 3 người con trai cùng dâu rể, cháu nội, ngoại chuyên làm đồ vàng mã.
Năm 1992, chị Trần Thị Tố Tâm xây dựng gia đình với anh Nguyễn Đăng Tâm, con nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Từ đó, nhận thấy gia đình không có người chuyên tâm gìn giữ phát huy nghề làm tranh dân gian, nghệ nhân Trần Nhật Tấn đã trao lại toàn bộ “kho” ván khắc in tranh của mình cho con gái và con rể, những mong góp phần bảo tồn được nghề tranh cao quý của làng Đông Hồ và của các thế hệ tiền nhân trong gia đình trao truyền lại.
5. Quá trình ra đời và tồn tại của nghề tranh dân gian Đông Hồ:
Về thời điểm xuất hiện, đa số các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng tranh dân gian Đông Hồ xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVI, XVII. Căn cứ vào các tư liệu đó thì nghề làm mã ở Đông Hồ có ít nhất từ thời Lê Sơ.
Về nguồn gốc tranh dân gian Đông Hồ, nghệ nhân Trần Nhật Tấn cũng cho biết, Đông Hồ vốn có truyền thống hiếu học, các nhà Nho rất coi trọng việc khai bút đầu năm với vài nét vẽ vài cành hoa, lá, cánh chim... làm cho bức tranh thêm sinh động. Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế: “Cho đến nay, làng Đông Hồ vẫn còn lưu lại dấu tích bằng những tấm bia đá tìm được ngoài bãi sông Đuống trên nền chùa cổ dựng từ thời Mạc thế kỉ XVI. Bia khắc vào năm 1680, ở giữa trán bia trong vành mặt nguyệt có chạm hai con chuột đang giã gạo. Đó là những con vật quen thuộc đã được các nghệ nhân Đông Hồ thể hiện trên nhiều bức tranh, phần nào khẳng định sự tồn tại cùng quan hệ của nghề tranh với ngôi chùa”[6].
Như vậy, nghề tranh Đông Hồ đã có bề dày lịch sử và truyền thống từ hơn bốn trăm năm. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử và xã hội, các thế hệ nghệ nhân của làng Đông Hồ đã nỗ lực giữ gìn, kế thừa, bảo vệ và trao truyền vốn di sản văn hóa quý báu cho thế hệ hiện nay.
II. Hình thức biểu hiện, quy trình thực hành di sản
1. Hình thức biểu hiện:
Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, tranh dân gian Đông Hồ có bốn loại chính gồm: Tranh truyền thống vẽ bằng tay (tranh in nét và vẽ thủy mặc, vờn màu); Tranh vừa in vừa vẽ; Tranh in bằng ván khắc gỗ; Tranh khắc gỗ, trong đó thông dụng và phổ biến nhất là tranh đen trắng (tranh vẽ thủy mặc, vờn màu) và tranh màu được in bằng bản khắc gỗ. Các loại sản phẩm tranh này hiện nay vẫn được duy trì ở các gia đình làm tranh, đó là những đặc sản riêng của tranh dân gian Đông Hồ đã nổi tiếng và hiện vẫn còn được phát huy. Về kỹ thuật làm tranh in bằng ván khắc gỗ, thì đặc thù của tranh Đông Hồ chủ yếu là tranh khắc gỗ in tay, hay còn được gọi là tranh in mộc bản tức là loại tranh khắc bằng ván gỗ, dùng để in.
Với những hình thức thể hiện đó, tranh dân gian Đông Hồ tập trung phản ánh xoay quanh 5 dạng/chủ đề/đề tài: Tranh chúc tụng; tranh lịch sử; tranh truyện/sự tích; tranh thờ; tranh sinh hoạt.
2. Quy trình làm tranh:
- Sáng tác mẫu tranh:
Khâu đầu tiên của việc làm tranh là sáng tác mẫu tranh, hay còn gọi là vẽ mẫu, hay ra mẫu. Đây là khâu quan trọng và khó nhất trong quy trình kỹ thuật làm tranh.
Công đoạn này đòi hỏi nghệ nhân phải có năng khiếu hội họa thực sự. Khâu ra mẫu cùng với khâu khắc ván in là hai công đoạn khó nhất của nghề làm tranh, ít người thông thạo được cả hai. Số người có khả năng sáng tác mẫu không nhiều. Họ thường là những nghệ nhân giỏi trong làng. Những nghệ nhân sáng tác giỏi trong làng sau Cách mạng tháng Tám luôn luôn được dân làng ghi nhớ và tri ân là: Nguyễn Thế Thức, Nguyễn Thế Giác (Giác nhất), Nguyễn Thế Lãm (Giác nhì), Vương Chí Long, Vương Chí Hồ...
Để vẽ một mẫu tranh, các nghệ nhân phải mất hàng tháng trời tìm tòi ý nghĩa, nội dung, đề tài và hình thức thể hiện. Đề tài trong tranh là những hình ảnh gần gũi, thân quen như lợn đàn, gà đàn, con trâu, con vịt, con mèo... Đối với thể loại tranh sinh hoạt hay tranh truyện như Truyện Kiều, Thạch Sanh, Nhị độ mai.... các nghệ nhân phải trải qua quá trình nghiên cứu, ngẫm nghĩ, suy tính xem nên chọn hồi nào, cảnh nào để vừa biểu đạt ý nghĩa sâu sắc, vừa có giá trị nghệ thuật.
Trong nhiều trường hợp, tranh mẫu không chỉ là sáng tạo riêng của nghệ nhân, mà còn là kết quả góp ý của các nghệ nhân khác và quần chúng. Những lời bình luận, góp ý giúp tác giả sửa chữa, bổ sung để tờ tranh mẫu đạt đến độ hoàn thiện, trước khi chuyển sang tay người khắc ván in. Có thể nói, việc ra mẫu là một quy trình sáng tạo nghệ thuật đặc biệt của nghệ nhân.
Các dụng cụ vẽ mẫu tranh gồm có bút lông, mực nho (hay mực tàu) và giấy bản mỏng. Khi vẽ mẫu tranh, nghệ nhân dùng bút lông chấm vào mực tàu đã pha và vẽ hình mẫu lên các bản giấy mỏng. Sau đó, giấy mẫu được dán vào mặt trước của tấm gỗ, và nét vẽ sẽ thấm ra mặt sau tờ giấy, nhờ đó người thợ khắc mới khắc được hình vẽ lên bản gỗ.
Những dụng cụ sáng tác mẫu tranh và chạm khắc ván tranh là những công cụ thiết yếu, quan trọng đối với người làm tranh, chúng luôn được cất giữ cẩn thận như những bảo bối trong nhà.
- Khắc ván tranh:
Sau khi vẽ mẫu xong, các nghệ nhân đem mẫu khắc vào bản gỗ (ván khắc). Đây là công đoạn khắc ván in tranh, hay thường được gọi ngắn gọn là khắc ván.
Nghệ nhân khắc ván phải là người có kỹ thuật chạm trổ giỏi. Trước Cách mạng tháng Tám, những nghệ nhân khắc ván có tay nghề cao ở làng Đông Hồ nổi tiếng là Nguyễn Đăng Tụy, Nguyễn Đăng Mưu, Nguyễn Thế Bân, Hà Vãn Tư...
Ván in được sử dụng lâu dài, nên người làm tranh phải chọn loại gỗ tốt, bền và ổn định nét. Ván in được chia làm hai loại là ván in nét và ván in màu.
Ván in nét dùng để phác các đường nét cho bức tranh. Mỗi bức tranh chỉ cần 1 ván in nét. Sau khi hình mẫu được tạo ra và khắc xong, đó là bản nét hoàn thiện.Về chất liệu, ván in nét thường được làm bằng gỗ thị. Gỗ thị thớ đa chiều, có đặc tính dẻo, mịn, không mọt, ít bị dập vỡ, dùng đế khắc ván có thể tạo được nét tinh vi, mảnh nhỏ, nét bền. Các tấm gỗ được xẻ thành ván theo độ dày nhất định, để một, hai năm cho gỗ khô kiệt, rồi mới khắc để ván không bị cong, vênh.
Ván in màu dùng để in các mảng màu khác nhau trong tranh. Mỗi lần chỉ in một màu, khi màu khô mới in sang màu khác. Do vậy, tranh có bao nhiêu màu, thì có bấy nhiêu ván in. Đây là các ván nhỏ hơn ván nét, người thợ khắc theo từng mảng màu có trên từng tờ tranh (màu xanh, đỏ, vàng). Ván in màu này sẽ được trực tiếp dùng in lên giấy điệp.
Đối với các gia đình làm tranh, ván in trở thành vật gia bảo, thành tài sản quý báu truyền lại cho con cháu đời sau. Đây là tập tục mang tính văn hóa xã hội thể hiện di sảnvăn hóa của cộng đồng làng.
Dụng cụ chính để khắc ván in là mũi đục, hay còn gọi là ve bằng thép cứng, và dùi đục dùng để gõ đục (so sánh với tranh Hàng Trống dùng dao khắc).
Mỗi bộ ve khắc ván gồm khoảng 40 chiếc,
Ngoài mũi đục và dùi đục, còn có dao khắc mũi mài một mả (vát một bên má dao).
Muốn có bản khắc gỗ đẹp, ngoài việc chọn được gỗ tốt thì tài năng người chạm khắc giữ vai trò quyết định. Khi khắc ván, người thợ khắc cầm ve (hay đục) bằng tay trái, đặt lưỡi đục lên cạnh nét vẽ, tay phải cầm dùi đục đập mạnh lên đầu cán ve. Khắc nét thẳng thì dùng ve lưỡi thẳng, khắc nét cong thì dùng ve lòng máng. Cứ như vậy, tùy đường thẳng hay cong của nét mà lựa chọn lưỡi ve to nhỏ, cong nhiều hay ít cho ăn khớp với nét vẽ. Các loại đục khác nhau giúp cho người nghệ nhân có thể tạo được nhiều nét khắc to, nhỏ khác nhau, khỏe mà vẫn tinh tế, có hồn.
Cách khắc ván này khiến cho nét khắc trên ván thường to đậm, sâu nét và đứng cạnh. Khác với tranh Hàng Trống là khắc bằng dao mũi nhọn, sắc, người thợ đặt mũi dao hơi nghiêng nên những nét khắc trên ván thường choãi chân thang, tỉa gọt, nhỏ nét hơn tranh Đông Hồ. Sau khi tạo ván khắc xong, người thợ lấy giấy ráp cọ tỷ mỷ cho mặt nhẵn mịn rồi in thử. Mỗi ván in vì thế dù có in qua hàng vạn bản vẫn thấy bền nét, do chất gỗ thị rất tốt, bền chắc theo thời gian.
Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, bản khắc để in tranh hết sức quan trọng, in đen trắng thì đơn giản, còn in tranh màu phải tạo màu, sửa nét, tạo hồn cho tranh rất cầu kỳ, công phu thì mới tạo nên được những bức tranh có giá trị.
3. In tranh
- Nguyên vật liệu in tranh
+ Giấy in: Trước hết phải kể đến giấy in tranh, là giấy dó quét điệp. Giấy dó được làm từ vỏ cây dó, lấy ở trong rừng. Ưu điểm của giấy dó là nhẹ, mỏng, mềm, dễ hút màu, giữ được rất lâu, chống được vi khuẩn, mối mọt. Giấy dó nguyên khổ dài 70cm, rộng 25cm. Người ta có thể chia giấy ra nhiều kích cỡ khác nhau.
Giấy dó phủ một lớp điệp quyện với hồ nếp. Ngày nay, người làng Đông Hồ tự đặt mua điệp ở vùng biển huyện Quảng Yên, Quảng Ninh. Sau khi chọn được loại điệp ưng ý, họ mua về, có khi đến hàng tấn để dùng quanh năm. Lấy vỏ các con sò biển, sò điệp đã bị xác hóa dưới các lớp cát biển, còn lại màu óng ánh, họ đem ra đãi sạch, đem nghiền giã thành bột. Sau đó đem bột điệp đó trộn với bột gạo nếp, bột sắn hoặc bột mỳ, quấy đều và đun lên thành một thứ hồ sệt sệt. Nấu điệp phải có kinh nghiệm và khéo tay, sao cho vừa đủ độ, không bị non hay già hồ. Sau khi đã hanh khô, đem hồ trộn điệp đó ra quét mỏng trên giấy dó thành giấy điệp.
Trước đây, người Đông Hồ không tự sản xuất được phải mua giấy dó ở Đống Cao (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), Bưởi (Hà Nội), Dương Ổ (thành phố Bắc Ninh). Giấy dó sau khi được làm xong sẽ được người làng Đạo Tú (Thuận Thành, Bắc Ninh) hoặc làng Trưởng Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) thu mua. Người thợ thủ công của hai làng này sau khi phết lên mặt giấy một lớp xà cừ, lại đem bán giấy cho thương nhân Hà Nội để người ta phủ lên đó một lớp dầu bóng, sau đó mới chuyển về bán cho người thợ để in tranh.
Muốn cho màu nền của giấy in tranh phong phú, ngoài màu trắng điệp các nghệ nhân thường sáng tạo, quét thêm trên nền điệp một lớp màu đỏ son hay màu vàng hòe để thành màu nền đỏ cam hoặc vàng chanh. Đó là 3 màu nền chính của tranh Đông Hồ.
+ Màu in và cách tạo màu: Màu dùng để in tranh Đông Hồ là màu thuốc cái - tức là các màu được chế tác từ nguyên liệu và thảo mộc tự nhiên, được chế biến theo kỹ thuật thủ công.
Trước đây, tranh Đông Hồ chỉ dùng 4 màu cơ bản là đen (than lá tre), xanh (lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang...), ít có sự pha trộn màu vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ.
Sau này, trên cơ sở các màu cơ bản, các nghệ nhân pha chế thêm nhiều màu khác nhau. Ví dụ: Màu đỏ có đỏ điều, đỏ hoa hiên, đỏ cánh quế, đỏ cánh sen, đỏ hoa đào... Màu xanh có xanh nước biển, xanh lá mạ, xanh hoa lý. Màu nâu có nâu đất, nâu cánh kiến...
Mỗi màu được tạo ra từ một quy trình kỹ thuật với phương tiện hết sức thô sơ như:
Màu đen được chế từ than lá tre, than rơm. Lá tre phải là lá vừa rụng, còn vàng đem đốt. Khi đốt phải lựa chiều gió, không được cho gió bay ngược lại. Đốt đến đâu vẩy nước tắt đến đấy. Than tre ấy đem ngâm vài năm mới lấy ra dùng. Than càng được ngâm nước, ủ kỹ lâu ngày màu càng đen đậm. Màu đen lá tre dùng để in nét với đặc tính màu xốp nhẹ, là đường biên giữa các mảng màu, tạo cho tranh sự chắc, khỏe...
Màu xanh chàm lấy từ lá chàm, ngâm cho đến khi nát rữa, đánh tơi nổi bọt, vớt lấy bọt chàm nổi ở trên mặt nước, gạn lọc kỹ cho hết chất vôi, cô đặc thành màu. Khi dùng có pha thêm nhựa thông. Màu xanh chàm có đặc tính xốp, nhẹ, trầm đậm, có thể trộn với màu vàng hòe để có màu cái xanh già, xanh non.
Màu vàng hòe được chế ra từ hoa của cây hòe hay hạt dành dành. Để lấy chất vàng các nghệ nhân phải sao vàng, đun sắc kỹ, công phu, đều lửa. Khi nấu màu cho thêm lá chua hay phèn chua cho màu vàng đẹp, gọi là vàng cái có màu vàng óng ánh. Màu vàng hòe trong tranh dân gian Đông Hồ tôn thêm vẻ cao quý của nhiều loại tranh chúc tụng, cảnh vật.
Màu đỏ vang được nấu từ gỗ vang trong rừng và nước lã. Từ thân cây cong queo như cò quăm, người Đông Hồ đã chẻ nhỏ, cho vào nồi đun rồi gạn lấy nước đặc, đun suốt ngày đêm, gỗ không mềm đi mà lại thu được nước cô đặc, có màu đỏ tươi hay đỏ sẫm.
Màu đỏ son chế tạo từ bột sỏi son, tán nhỏ mịn thành bột dùng in tranh và quét nền tranh.
Màu trắng điệp lấy từ vỏ sò điệp, tán nhỏ mịn. Điệp cho màu trắng.
Màu nâu có thế lấy từ sỏi màu.
Các màu trên pha trộn với hồ nếp quấy kỹ thành chất màu đặc quánh rất dính, vừa dễ thấm vào giấy, vừa chịu được ánh sáng, ít bị phai màu.
4. Dụng cụ in tranh
Sau khi đã có nguyên liệu là giấy điệp, màu in, thì dụng cụ in tranh gồm có:
Sau khi chuẩn bị xong các nguyện liệu, dụng cụ, người nghệ nhân tiến hành in tranh.
5. Các công đoạn in tranh
Tranh Đông Hồ được in theo phương thức xấp ván, nghĩa là cầm ván in rập xuống bìa màu, sao cho màu thấm đều vào hình khắc trên ván rồi in lên giấy điệp, lấy miếng xơ mướp xoa đều lên mặt sau của giấy để màu hoặc nét in đều lên giấy. Sau khi in xong mỗi màu, tranh được đem ra phơi khô rồi mới in màu tiếp theo. Khi phơi tranh phải phơi úp tranh, tránh ánh nắng làm hỏng màu của bức tranh.
Trong một bức tranh có nhiều màu, người ta thường in theo thứ tự sau:
1. Đầu tiên là màu đỏ;
2. Sau đó là màu xanh;
3. Tiếp theo là màu vàng rồi đến các màu khác như màu trắng, màu nâu;
4. Cuối cùng là màu đen.
Mỗi người trong dây chuyền làm tranh thường in một màu, do vậy có nhiều người in trong một dây chuyền để hoàn thành một bức tranh. Để cho các mảng màu in ăn khớp vói nhau, mỗi tấm ván in đều có hai điểm cữ đánh dấu ở cạnh ván in. Khi in, hai điểm này sẽ để lại dấu chấm tròn nhỏ trên tranh. Cách làm này sẽ đảm bảo cho việc in các màu xen kẽ nhau, không chồng lên những mảng màu in trước[7].
- In nét:
Sau khi in xong các mảng màu, người nghệ nhân in ván nét đen, hay còn gọi là in nét để viền các mảng màu. Người Đông Hồ cũng gọi đó là công đoạn cắt nét. Cắt nét là khâu cuối cùng trước khi hoàn chỉnh một tờ tranh dân gian, nhưng cũng rất quan trọng để tạo nên đường nét và giá trị biểu đạt cho tranh Đông Hồ. Công việc này khó nhất ở chỗ làm sao cho các nét viền phải đều tay, không được chỗ đậm, chỗ nhạt. Màu in phải no, nghĩa là mảng màu đều, không bị sót, khuyết.
Việc sử dụng các loại ván in khác nhau đòi hỏi về trình độ, kỹ thuật của người in tranh, đồng thời người làm phải có tình yêu và sự sáng tạo đối với nghề.
Ngoài tranh in nhiều mầu, tranh Đông Hồ còn được in chỉ hai mầu đen, trắng hay còn gọi là tranh vờn thủy mặc. Thể loại tranh này gần với kỹ thuật in, vẽ của dòng tranh Hàng Trống. Ở thế loại này, sau khi in rập, người nghệ nhân thường dùng kỹ thuật cản màu, nghĩa là dùng bút lông tô màu theo lối vờn đậm nhạt, sáng tối, làm nổi bật hoặc làm mờ khối, hình.
6. Phơi tranh:
Sau khi in xong mỗi loại màu, người ta đem tranh ra phơi khô rồi mới in tiếp màu khác. Đến công đoạn cuối cùng là in nét thì người ta phơi tranh ra ngoài trời hoặc khi trời mưa thì hong trong nhà, ở chỗ khô thoáng đế tránh ẩm mốc.Trước đây, các nghệ nhân giỏi ở Đông Hồ có thể tự mình đảm nhận tất cả các khâu từ vẽ mẫu, khắc ván, in tranh. Sau này, do yêu cầu phát triển của nghề nên ba khâu đó tách ra thành các công đoạn riêng cho từng người chuyên trách, như một yêu cầu cao về chuyên môn hóa.
7. Các sản phẩm vật chất và tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành nghề:
Sản phẩm hiện nay của nghề tranh dân gian Đông Hồ gồm có bốn loại chính gồm:
Trong đó thông dụng và phổ biến nhất là tranh đen trắng (tranh vẽ thủy mặc, vờn màu) và tranh màu được in bằng bản khắc gỗ.
Các loại sản phấm tranh này hiện nay vẫn đang được duy trì ở các gia đình làm tranh, là những đặc sản riêng của tranh dân gian Đông Hồ đã nổi tiếng và hiện vẫn còn được phát huy.
III. Giá trị tranh dân gian Đông Hồ
1. Những giá trị nội dung tư tưởng
Tranh dân gian Đông Hồ phản ánh từ những điều gần gũi, bình dị của cuộc sống người dân đến những điều thiêng liêng cao quý trong các tranh thờ. Những truyện Nôm như Truyện Kiều, Nhị Độ Mai cũng được dùng làm đề tài tranh. Do vậy, các đề tài dân dã như: Cóc, chuột, đàn gà, hái dừa, đánh ghen, khiêng trống, đánh vật... đồng hành với những đề tài như: Phú Quý, Vinh hoa, Tố nữ... Đề tài lịch sử cũng được tranh dân gian đề cập đến nhiều như tranh Bà Trưng Trắc cưỡi voi xung trận, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh dương cờ lau tập trận. Bước sang thời kỳ lịch sử hiện đại còn có các bức tranh thấm đượm hơi thở của cuộc sống mới như: Việt Nam độc lập, Bình dân học vụ, Bắt sổng giặc lái Mỹ, Bác Hồ về thăm làng...
Nội dung của tranh dân gian Đông Hồ rất phong phú, đa dạng. Mỗi bức tranh đều mang nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu xa, biểu hiện nhiều góc độ cuộc sống của con người, thể hiện những ước vọng của người dân, từ những ước mong bình thường, giản dị cho tới những điều cao quý, thiêng liêng. Dựa theo cách phân loại của tranh, chúng tôi xin nêu lên bốn giá trị tiêu biểu về nội dung tư tưởng của tranh dân gian Đông Hồ. Đó là:
a. Tranh Đông Hồ thể hiện ước mơ, khát vọng của người lao động, mang nội dung chúc tụng:
Từ bao đời nay, người Việt Nam có phong tục treo tranh dân gian ngày Tết, đó là tập quán lâu đời và tốt đẹp mỗi dịp xuân về. Tập quán ấy đã được phản ánh rất sống động qua thi ca, văn chương. Người ta treo tranh mới khắp nhà, một mặt để trang hoàng nhà cửa “tống cựu nghinh tân”, mặt khác để cầu mong một năm mới tốt đẹp, may mắn, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.
b. Tranh Đông Hồ giáo dục truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam
Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo đã có từ lâu trong lịch sử dân tộc. Tranh dân gian Đông Hồ đã phản ánh rất sinh động nội dung này trong tranh. Ví dụ trong bức tranh Lý ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng) có hai con cá chép đối nhau, nhìn bóng trăng. Tranh này nhắc lại sự tích Cá chép vượt vũ môn - khuyến khích người học trò chăm chỉ học tập rồi thi đỗ. Bức tranh cũng là lời chúc cho con người hãy kiên nhẫn, cần cù, chịu khó, bền gan, lập chí thì đến một ngày sẽ đạt được thành công.
Một bức tranh mang nhiều ẩn ý phê phán và khuyến khích học hành là Thầy đồ cóc. Tranh mang tính ẩn dụ, khuyên con cháu chăm chỉ học hành với khung cảnh trường học đông đúc học trò. Tranh hướng đến đề tài giáo dục. Các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình học được ít nhiều chữ Thánh hiền để nên người. Ngoài ra, bức tranh còn thể hiện sự kính trọng của trò với thầy.
Những bức tranh như Đám cưới chuột, Rước ông nghè vinh quy bái tổ hay Mục đồng đọc sách cũng đều thể hiện sự khuyến học mạnh mẽ.
c. Tranh Đông Hồ phản ánh lịch sử giữ nước, ngợi ca các anh hùng dân tộc:
Tranh Đông Hồ phản ánh quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước kiên cường, bền bỉ của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Qua các bức tranh Đông Hồ, chúng ta thấy lịch sử dân tộc hiện lên thật sinh động và rõ nét. Từ những bức tranh ca ngợi lịch sử thời kì đầu - sau công nguyên với các nhân vật như: Bà Triệu cưỡi voi, , Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Bắt giặc lái Mỹ, Hòa bình...
d. Tranh Đông Hồ ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, đề cao đạo đức phương Đông qua các bức tranh bộ
Trước hết là những bộ tranh ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên. Tiêu biểu là những bộ tranh Tứ bình (bốn bức) vừa mang tính lãng mạn vừa mang tính nghệ thuật cao. Về thời tiết có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tương ứng với bốn loại hoa cỏ là Mai, Lan, Cúc, Trúc. Các chữ đề trên tranh là: xuân sang, hè qua, thu tới, đông về..., bên cạnh cỏ hoa còn có các loại chim như khổng tước, sơn ca, trĩ, hạc, công... tương thích với bối cảnh.
e. Tranh dân gian Đông Hồ phê phán, đả phá những thói hư, tật xấu, có tác dụng giáo dục sâu sắc
Tranh dân gian Đông Hồ có những bức tranh về sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao ở các miền quê xưa là lễ hội làng. Những khung cảnh làng quê trong các bức tranh Đánh đu, Đánh vật, Rước trống, Múa rồng, Hội làng... đều gợi nên trong người xem một cảm giác thân quen, gần gũi, thân thiết trước không khí vui tươi ngày hội hè, lễ tết và các trò chơi truyền thống.
Bên cạnh đó, về phương diện xã hội, tranh dân gian Đông Hồ thành công trong việc phê phán, đả kích không khoan nhượng tầng lớp phong kiến thống trị với những thói hư tật xấu của họ. Hai bức tranh tiêu biểu là Thầy đồ cóc và Đám cưới chuột được nghệ sĩ dân gian thể hiện một cách tài tình.
2. Những giá trị nghệ thuật của tranh dân gian Đông Hồ:
Về bố cục: Là sự sắp xếp các mô típ trong tranh sao cho chặt chẽ, hợp lý[8]. Tranh Đông Hồ tiêu biểu cho nghệ thuật khắc họa không gian theo lối ước lệ, tượng trưng là phổ biến. Tranh Đông Hồ không thể hiện các hình tượng to - nhỏ theo luật xa - gần/cận - viễn như của phương Tây, mà tùy theo cảm hứng sáng tác và tùy thuộc vào yêu cầu, bối cảnh cũng như nội dung của người mong muốn thể hiện bức tranh.
Về đường nét: Nghệ thuật làm tranh Đông Hồ được khắc họa bởi đường nét bao giờ cũng được thế hiện sau cùng, bằng ván in nét. Theo cách tạo hình, đường nét làm nên linh hồn cho bức tranh. Đường nét cũng mang yếu tố trang trí cao. Vì thế, đường nét rất quan trọng, nét là phương diện tạo hình, là biên giới của các mảng màu và nền tranh. Đường nét trong tranh Đông Hồ thiên về đơn giản, chắc khỏe, có xu hướng cách điệu và trang trí hơn là tả thực. Đó là vì, đặc trưng tiêu biểu của tranh Đông Hồ là tính dân gian và diễn tả không gian ước lệ. Vì không gian ước lệ nên các nhân vật cũng mang tính ước lệ, cấu trúc và tỷ lệ nhân vật không cần đúng như ngoài đời thực. Nhưng các nhân vật được chú trọng cao về động thái, tư thế, thần sắc sao cho nhân vật vừa sinh động, vừa biểu hiện được thần thái của nhân vật.
Về sắc màu dân gian: Màu sắc cổ truyền xưa, nhất là màu trắng điệp và màu đen, hay nét viền đen, màu vàng hòe, màu đỏ vang, màu đỏ son... tạo nên giá trị của bức tranh Đông Hồ. Để làm nên một bức tranh dân gian, người nghệ nhân Đông Hồ phải khéo léo tạo các mảng màu thật hài hòa, cân đối, cũng như các nét phải rõ ràng, to, chắc, đậm. Đó là các mảng màu dẹt, không gợi khối hay ánh sáng như những tranh hiện đại khác. Trên nền màu của tranh Đông Hồ, cũng là màu giấy in tranh (vàng hay trắng, hoặc đỏ), nghệ nhân in các mảng màu lên tạo hình bức tranh và in nét đen cuối cùng tạo thành bức tranh hoàn chỉnh.
Mỗi mảng màu được in bằng một ván khắc riêng, khi in trên nền điệp khiến cho màu tạo được ý vị riêng, vừa tươi sáng, mộc mạc, đậm đà vừa giàu tính trang trí. Sự phân bố các mảng màu, cùng với cách diễn tả đường nét nhằm kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố nét và mảng. Trên mỗi tờ tranh, ngoài màu nền và nét đen, gần như tranh Đông Hồ chỉ sử dụng thêm ba đến bốn màu nữa, có tranh chỉ thêm hai màu. Nền điệp và vàng hòe, đỏ hoa hiên được in bởi những sắc tươi vui, rực rỡ khiến cho các mảng màu trong tranh Đông Hồ vừa đằm thắm, vừa biểu hiện cái hồn của dân tộc.
IV. Hiện trạng và sự biến đổi của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ
1. Hiện trạng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ
1.1. Đặc điểm nghề nghiệp và nghệ nhân, người làm nghề
Đặc điểm cơ bản của lao động trong các làng nghề truyền thống là lao động thủ công, có sự kết hợp giữa lao động chân tay với sự sáng tạo và kỹ năng tinh xảo. Sản xuất tranh dân gian là một loại lao động có nét đặc thù riêng, vừa là lao động vật chất, vừa là lao động nghệ thuật.
Trong nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, người nghệ nhân thế hệ sau được kế thừa những kinh nghiệm của cha ông đi trước, đồng thời biết cách nâng cao nghệ thuật làm tranh để sản phẩm ngày càng đa dạng, đẹp mắt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong xã hội hiện đại.
Trong các khâu của quá trình tạo ra sản phẩm tranh dân gian, có những khâu có thể huy động được lao động của nhiều thành viên trong gia đình, cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên có những khâu chỉ các nghệ nhân có tay nghề cao mới làm được như khâu sáng tác mẫu, khắc ván in, pha chế màu.
Từ năm 2008 đến nay, số lao động thường xuyên, hàng ngày trực tiếp làm tranh ở Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chỉ trên dưới 10 người. Đa số đều là con cháu trong nhà nghệ nhân, ngoài ra còn có 3 lao động làm thuê, 2 người bồi giấy điệp là người làng và 2 người thợ khắc ván ở xã khác đến. Ngày công được tính trả theo sản phẩm hoặc công nhật cũng tương đối cao theo giá trị lao động hiện tại. Còn lại, lao động là con cháu trong nhà nghệ nhân, được trả lương theo tháng hay thời vụ.
Tuy nhiên, với số lượng nghệ nhân mỏng như thế, thì nguy cơ mai một của làng nghề tranh dân gian Đông Hồ là rất cao. Thêm nữa, do thực trạng nghề làm tranh còn rất ít người theo nghề nên số lao động có tay nghề cao chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng số lao động.
1.2. Dạy nghề và đào tạo nghề:
Trong các làng nghề truyền thống nói chung, làng nghề tranh dân gian Đông Hồ nói riêng phương pháp dạy nghề chủ yếu là truyền nghề, truyền ngón nghề qua thực tế lao động. Theo phương thức này, người thợ vừa học vừa làm, hoặc được các nghệ nhân có tay nghề cao kèm cặp, học cho đến khi thành nghề, có thế tự làm ra sản phấm được.
Nghề làm tranh đòi hỏi một khả năng đặc biệt về cả năng khiếu nghệ thuật, cũng như sự chịu khó, bền bỉ không ngừng rèn luyện. Quá trình làm nghề cũng là quá trình sáng tạo và học tập liên tục, đặc biệt là óc sáng tạo, khiếu thấm mỹ và sự nhanh nhạy với thời cuộc. Các nghệ nhân đều cho rằng, học nghề làm tranh đã khó nhưng theo nghề và giữ gìn nghề này còn khó hơn. Đó không chỉ bằng tâm huyết, lòng yêu nghề mà còn là sự cố gắng, trau dồi trong mỗi công đoạn làm nghề.
Hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đều truyền dạy trực tiếp cho các con cháu trong nhà học nghề, theo nghề. Những người đi học, đi làm công chức, không theo nghề truyền thống cũng đều biết làm và tham gia một khâu đoạn nào đó, tùy theo khả năng của mỗi người những lúc rảnh rỗi. Ngoài ra, nếu có người ngoài gia đình có nhu cầu học nghề, các nghệ nhân cũng đều vui vẻ truyền dạy.
2. Những thay đổi của tranh dân gian Đông Hồ hiện nay
2.1. Thay đối về chất liệu, hình thức nghệ thuật
Những biến đối của tranh dân gian Đông Hồ hiện nay được các nhà nghiên cứu và họa sĩ đánh giá: “Tranh Đông Hồ in ở thời điểm hiện tại thường không có màu sắc thắm như tranh cổ, nguyên nhân là người ta trộn màu trắng vào điệp quét giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh và trở nên “thường”, màu sắc sử dụng cũng chuyển sang loại màu công nghiệp, các bản khắc mới có bản không được tinh tế như bản cổ.
Qua khảo sát thực tế, đa số du khách nội địa đều cho rằng, mặc dù các nghệ nhân vẫn sản xuất tranh điệp và làm theo mẫu tranh truyền thống, song tranh điệp hiện giờ có sự khác biệt so với tranh trước kia, thể hiện ở độ đậm nhạt của màu sắc, sự tạo ra chiều sâu trong không gian bức tranh và sự hài hòa mang vẻ đẹp giữa màu sắc và giấy in. Có lẽ do kỹ năng pha chế màu và thể hiện giữa người thực hiện có sự so lệch nhau, những bí quyết, ngón nghề chưa được truyền lại hoặc tiếp nhận hạn chế.
2.2. Thay đổi và mở rộng về nội dung thể hiện:
Về nội dung thể hiện của tranh dân gian Đông Hồ hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả khẳng định: Nội dung phản ánh trong tranh Đông Hồ đã có sự biến đổi nhất định, nhưng không nhiều và tùy thuộc vào ý tưởng sáng tạo thể hiện qua mỗi bức tranh. Như tranh Tứ bình, Tứ quý - về cơ bản các nghệ nhân vẫn tôn trọng các khuôn mẫu truyền thống, chỉ có thay đổi, cải biến một số họa tiết trang trí sao cho đỡ rườm rà, gợi cảm giác thanh thoát, phù hợp với thị hiếu đương đại.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cải biến tranh khắc gỗ dân gian (theo lối khắc in âm bản) thành tranh khắc gỗ (in khắc dương bản) với hai màu đen, trắng. Nghệ nhân cho biết, những năm gần đây, có khá nhiều khách hàng (đặc biệt là khách nước ngoài) thích loại tranh này.
3. Thực trạng và nguy cơ mai một của nghề làm tranh Đông Hồ
3.1. Thực trạng làng nghề là tranh
Làng Đông Hồ trong lịch sử được biết đến như một làng nghề với hai nghề truyền thống làm mã và làm tranh. Theo dòng chảy của thời gian, hai nghề này lúc thăng lúc trầm, lúc thịnh, lúc suy, nhưng cả hai cùng hỗ trợ cho nhau và không loại trừ lẫn nhau. Trong quá khứ nghề làm tranh có phần nổi trội hơn và mang lại sự nổi tiếng cho làng nghề.
Đến những thập niên 80 thế kỷ XX, sau thời kỳ “mở cửa”, kinh tế thị trường phát triển, người dân được tự do thực hành tín ngưỡng và khôi phục, phục dựng di tích tâm linh ở hầu khắp các làng quê. Từ đó, nghề làm mã ở Đông Hồ lại được khôi phục và các hoạt động xung quanh nghề này ngày càng trở nên nhộn nhịp, phát triển. Trong khi đó, cũng từ khoảng thời gian này, sức tiêu thụ của tranh dân gian Đông Hồ ngày một kém đi. Nhiều gia đình vốn đang hành nghề làm tranh đã thể hiện sự thích ứng mới, gác hẳn công việc làm tranh, chuyển sang làm đồ hàng mã, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của gia đình. Một số gia đình song hành, vừa làm tranh vừa làm đồ hàng mã.
Trong khi đó, từ năm 1975 đến nay các hoạt động trên của tranh dân gian tại làng nhiều người đánh giá ít đi, đặc biệt mức độ tiêu thụ sản phẩm tranh ít; các hoạt động khác cũng ít hơn như: số lượng các bản khắc mẫu để in, số lượng người biết khắc ván tranh, nguyên vật liệu phục vụ cho chế tác màu để in tranh và số lượng người trực tiếp làm tranh thể hiện ở bảng số liệu trên. Theo thống kê của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế: Từ 1975 trở về trước, làng Đông Hồ có 150 gia đình (trong tổng số 180 hộ gia đình) của làng trực tiếp sản xuất tranh, hơn 30 gia đình vừa làm tranh vừa làm đồ hàng mã. Đến 1990, chỉ còn 60 hộ gia đình trực tiếp làm tranh (trong đó đã có 30 gia đình bước đầu chuyển sang làm thêm đồ hàng mã). Đến đầu những năm 2000, chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân làm tranh (Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam và Trần Nhật Tấn), và sau 2008, chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam chuyên tâm và trung thành với nghề nghề làm tranh Đông Hồ.
Hiện nay, hai dòng họ với ba hộ gia đình có xưởng làm tranh dân gian Đông Hồ tại nhà, sản xuất tranh thường xuyên để bán và làm theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng không nhiều và không liên tục, việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường hạn chế đã tác động trực tiếp đến nguy cơ mai một nghề làm tranh dân gian truyền thống.
Có 4 nghệ nhân trong ba hộ gia đình hiện giữ vai trò là thợ cả, chịu trách nhiệm chính thực hiện các khâu quan trọng và giữ vai trò quyết định trong quá trình làm tranh của gia đình như: Sáng tạo chủ đề mới, đa dạng hóa sản phẩm, chỉ đạo sản xuất, giám sát chất lượng các khâu làm tranh. 4 nghệ nhân này cũng là nguồn lực chính trong trao truyền nghề trong gia đình và cho những người ngoài quan tâm đến di sản.
Tuy số lượng thành viên 4 thế hệ trong hai dòng họ là 45 người, nhưng có khoảng 30 người làm được tranh. Trong đó 13 thành viên chuyên làm tranh, số còn lại coi nghề làm tranh chỉ là nghề phụ, tham gia vào các công đoạn sản xuất tranh khi có thời gian nhàn rỗi. Các cháu thuộc thế thệ thứ 4 còn nhỏ, đi học ở trường phổ thông. Số lượng người thành thục nghề quá ít để phát triển bền vững nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Nghề làm tranh không đảm bảo sinh kế cho gia đình, cũng như những khó khăn về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các gia đình nghệ nhân hiện đang làm nghề đã tác động trực tiếp đến khả năng tồn tại của nghề làm tranh.
3.2. Nguy cơ mai một nghề làm tranh dân gian Đông Hồ
Mặc dù có sự nỗ lực của chính quyền hỗ trợ về chính sách, tài chính, cho thuê đất xây dựng xưởng làm tranh, cũng như ý thức rất rõ về việc duy trì và phát triển bền vững nghề làm tranh của hai dòng họ Nguyễn Đăng, Nguyễn Hữu và cộng đồng thôn Đông Khê, nghề làm tranh Đông Hồ vẫn đang đối diện với những nguy cơ mai một và cần phải bảo vệ khẩn cấp. Cụ thể, có các nguy cơ sau: tiêu thụ sản phẩm rất hạn chế; người làng chuyển đổi nghề; nguồn nhân lực rất ít; nguyên liệu tự nhiên và cây trồng suy giảm; thiếu hụt phương tiện bảo quản ván khắc và tranh.
- Tiêu thụ sản phẩm hạn chế: Tập tục mua tranh vào Tết Trung thu, tranh treo ở không gian thờ cúng trong gia đình, thú chơi tranh dân gian ngày Tết không còn do nhu cầu thị hiếu của người dân trong bối cảnh cuộc sống đương đại thay đổi. Chợ Đình Tranh ở làng cũng như việc bán tranh ở các chợ truyền thống cũng không còn. Hơn nữa, người dân không mua tranh, thay tranh hàng năm như trước kia, mà tranh hiện nay đã được đóng khung treo lâu dài trong nhà.
Mặc khác, chất lượng tranh Đông Hồ suy giảm do nguyên liệu tự nhiên khan hiếm, đắt nên đã bị thay thế bằng những nguyên liệu dễ kiếm như màu xanh chàm pha thêm màu của các lá thân mềm khác. Giấy dó không còn độ dai và bền như trước vì có sự can thiệp của máy công nghiệp trong quá trình sản xuất. Sò điệp bị cạn kiệt nên giấy dó bồi điệp mỏng hơn. Một lượng hóa chất nhất định được sự dụng vào quá trình làm màu. Điều này khiến cho tranh Đông Hồ kém vẻ rực rỡ của màu thuốc cái, độ óng ánh và xốp của chất điệp, tranh in không tinh tế như trước đây khiến cho mọi người cũng không mặn mà với dòng tranh này. Mặc dù các nghệ nhân cố gắng cải tiến mẫu mã sản phẩm như làm lịch tranh Đông Hồ, thiếp mời tranh Đông Hồ, sổ tay tranh Đông Hồ, dán tranh Đông Hồ lên những tấm màn tre, v.v., nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn rất hạn chế.
- Chuyển đổi nghề: Trong thời kỳ Đổi mới, kinh tế thị trường phát triển, người dân được tự do thực hành tôn giáo tín ngưỡng. Nghề làm mã dùng trong các nghi lễ được khôi phục và việc mua bán sôi động mặt hàng này đã thu hút đông đảo các hộ gia đình chuyển sang làm mã nên bỏ nghề làm tranh. Hiện nay ở thôn Đông Khê có tới 95% hộ làm hàng mã quanh năm, dẫn đến giảm nguồn lực trong làng nghề tham gia làm tranh dân gian truyền thống.
- Hạn chế về nguồn nhân lực: Hiện nay, những người trẻ trong làng Đông Khê không mặn mà với nghề làm tranh, có xu hướng đến sống ở các thành phố và tham gia làm việc cho nhà nước, công ty, hoặc làm hàng mã tiêu thụ tốt, có thu nhập cao hơn. Số lượng người làng tham gia làm tranh cho ba hộ gia đình hầu như không có ai. Hạn chế nguồn lực có thể coi là một trong những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và phát triển nghề làm tranh.
- Hạn chế về nguyên liệu tự nhiên và cây trồng: Cây dó là nguyên liệu sản xuất giấy dó được trồng ở các tỉnh Bắc Cạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Hiện nay, chỉ có 4 hộ gia đình ở làng Đống Cao, thành phố Bắc Ninh sản xuất giấy dó. Việc sản xuất các loại màu từ sỏi son, vỏ sò điệp, hoa và nụ hòe, quả dành dành, lá chàm, lá tre đòi hỏi nhiều nhân công và kỹ thuật, mà số lượng người theo nghề ít. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khiến cho một số nghệ nhân đã dùng giấy in và màu kém chất lượng, ảnh hưởng chất lượng của tranh, cũng như việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Thiếu hụt các phương tiện bảo quản: Ván in được tổ tiên lưu truyền cho con cháu, như là một tập tục trong gia đình, nhưng một số lượng ván in đã bị hỏng do chiến tranh, thời gian, cháy, lũ lụt và độ ẩm cao. Số ván in được sưu tầm, lưu giữ ở các gia đình nghệ nhân không có phương tiện, kỹ thuật bảo quản nên nguy cơ bị hủy hoại rất cao. Chất lượng một số những ván in mới không được tốt như những ván cổ được truyền lại.
V. Vai trò của nhà nước trong bảo vệ di sản Nghề làm tranh Dân gian Đông Hồ
Hành động đáng được ghi nhận đầu tiên trong việc bảo tồn làng tranh dân gian Đông Hồ của chính quyền xã Song Hồ bắt đầu từ năm 1967, khi ra Quyết định thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ và giao cho nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam điều hành, quản lý.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 25-5-1998 về phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. đồng thời, sau đó hai năm, ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 03-2-2000 về xây dựng và phát triển khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Triển khai thực hiện những chủ trương chỉ đạo của tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện dự án nghiên cứu khoa học với đề tài “Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể làng tranh Đông Hồ”, với mục đích điều tra khảo sát, ghi chép, mô tả, tiến hành tập hợp đánh giá, thẩm định những giá trị di sản văn hóa làng tranh dân gian Đông Hồ, từ đó đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy di sản làng tranh dân gian Đông Hồ. Kết quả dự án thể hiện trong tập sách 140 trang: Bảo tồn di sản văn hóa làng tranh dân gian Đông Hồ, do TS. Trần Đình Luyện chủ biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh xuất bản năm 2016[9].
Năm 2010, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tôn vinh và phong danh hiệu Nghệ nhân (cấp tỉnh) cho 2 ông Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế, ban hành Quyết định phục hồi và củng cố Câu lạc bộ nghệ nhân tranh dân gian làng Đông Hồ. Đồng thời, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thực hiện dự án Bảo tồn, phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ với mức kinh phí ban đầu hơn 1 tỷ đồng.
Năm 2010, Đảng bộ và Chính quyền xã Song Hồ đã đề xuất với tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng, tổ chức hội thảo khoa học về nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để tìm ra giái pháp hỗ trợ các nghệ nhân duy trì nghề phát triển bền vững.
Chính vì thế, năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định kiểm kê di sản tranh dân gian Đông Hồ với tham gia của các nghệ nhân, người làm nghề, tập trung vào các khía cạnh chủ đề, họa tiết và kỹ thuật nghề. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) được giao nhiệm vụ kiểm kê và đã hoàn thành công việc này năm 2012, kết quả dự án thể hiện trong tập sách 270 trang: Di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, do GS.TS. Từ Thị Loan chủ biên, Nxb. Lao động, 2016.
Cuối năm 2012, Tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghề thủ công truyền thống. Đồng thời, đến tháng 3 năm 2013, Chính phủ Việt Nam cũng đã chính thức cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp xây dựng Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đệ trình UNESCO xét duyệt đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Năm 2013, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư hỗ trợ cho 3 nghệ nhân làng tranh Đông Hồ vay số tiền 50 triệu đồng để phục vụ cho việc khắc một số ván tranh quý hiếm.
Tháng 6 năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 660/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030, với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác. Có thể nói, Đề án này đã là minh chứng cụ thể nhất, sâu sắc nhất cho ý thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp ở tỉnh Bắc Ninh đối với di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ từ trước đến nay.
Cũng từ năm 2010 trở lại đây, chính quyền và đội ngũ quản lý văn hóa tỉnh Bắc Ninh đã thường xuyên tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân đưa tranh Đông Hồ tham dự các hội chợ quốc gia, quốc tế và hội chợ các khu vực, góp phần quảng bá di sản địa phương mở rộng từ phạm vi trong nước tới nước ngoài.
Năm 2017, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ, lãnh đạo xã Song Hồ đã tiến hành giải tỏa mặt bằng, với diện tích 19.000m2, phục vụ mục đích thực hiện dự án đầu tư 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho chợ tranh, xây dựng nhà truyền thống trưng bày tranh dân gian Đông Hồ.
VI. Nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghề làm tranh Đông Hồ dân gian của cộng đồng
Từ năm 2010 trở lại đây, cộng đồng người dân Đông Hồ (Đông Khê) đã và đang thể hiện những nỗ lực lớn trong công việc bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị của nghề làm tranh dân gian truyền thống của địa phương, tạo ra những chuyển biến vừa cụ thể, vừa dự báo những xu hướng phát triển tích cực. Đứng trước thực trạng bảo vệ sự tồn vong của di sản của dân tộc, các gia đình nghệ nhân đã và đang giữ vai trò hạt nhân, thể hiện sự năng động và nỗ lực về tài trí và vật lực để tìm cách bảo vệ di sản.
Về mặt củng cố và mở rộng nguồn nhân lực: Những năm vừa qua, gia đình các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã quan tâm thực sự đến việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm tranh, trao truyền kỹ thuật cho các thế hệ con cháu nội, ngoại trong phạm vi gia tộc và mở rộng truyền dạy cho các thành viên cộng đồng có nhu cầu.
Tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, từ nguồn lực chỉ có một người được trao truyền kỹ năng thực hành nghề là cụ Nguyễn Đăng Chế, trải qua gần bốn chục năm, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã truyền dạy cho tất cả con trai, con gái và dâu, rể, cũng như các cháu nội, ngoại. Cho đến nay, con trai thứ năm là Nguyễn Đăng Tâm đã nắm vững mọi kỹ năng nghề, am hiểu sâu rộng và có khả năng thực hành mọi công đoạn của nghề làm tranh từ các đời tiền nhân truyền lại. Gần ba chục nhân lực trong đại gia đình đã đảm nhận được các khâu thuộc các công đoạn của thực hành nghề. Sau những năm đảm nhiệm vai trò giảng viên hướng dẫn thực hành làm tranh dân gian Đông Hồ cho hàng chục khóa sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội từ nửa cuối thế kỷ trước, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã trực tiếp mở lớp truyền dạy tại gia cho hàng chục học viên từ các địa phương khác về học và thực hành nghề, không nhận kinh phí đào tạo. Hàng năm, ông còn dành nhiều thời gian để giúp hàng nghìn học sinh của tỉnh đến trải nghiệm nghề làm tranh tại gia đình, trao đổi, quảng bá để góp phần nâng cao nhận thức về giá trị di sản tranh Đông Hồ tới nhiều thế hệ giáo viên và học sinh.
Tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, sinh thời, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã trực tiếp truyền dạy kỹ năng nghề cho hai con trai và con gái, con dâu cùng các cháu nội, ngoại trong gia đình. Cho đến nay, hai con trai của cụ đã tạo lập được hai hộ gia đình độc lập sản xuất tranh, tạo ra những bước phát triển mạnh và bền vững cho hoạt động nghề, tạo được uy tín chuyên môn và xã hội sâu rộng. Con trai thứ Nguyễn Hữu Quả cùng con dâu trưởng Nguyễn Thị Oanh đã là hai nghệ nhân làm tranh có tay nghề điêu luyện, có sự am hiểu nghề sâu sắc và có sức sáng tạo ứng dụng tốt phục vụ nhu cầu của cộng đồng trong điều kiện xã hội đương đại. Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, bên cạnh việc trực tiếp làm tranh tại gia, còn dành nhiều thời gian trực tiếp giảng dạy về kỹ năng sáng tạo mỹ thuật theo phong cách dân gian tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, giảng dạy kỹ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Về việc đầu tư xây dựng không gian sản xuất và trưng bày sản phẩm tại gia, ba gia đình nghệ nhân đều quan tâm và thiết lập được cơ ngơi đủ sức cuốn hút, đón du khách trong, ngoài nước. Năm 2006 gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đầu tư xây dựng khu nhà trưng bày riêng, rộng 120m2 dành cho việc quảng bá hàng trăm bức tranh theo các kích cỡ khác nhau. Trên phạm vi diện tích đất cư trú hơn 5.000m2 của gia đình, Ông Chế xây dựng một gian lớn để thợ ngồi in, một gian nhỏ để giã sò điệp và làm màu
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa xây dựng khu vực rộng 150m2 dành riêng cho phòng khách và trưng bày sản phẩm tranh của gia đình, cải tạo và nâng cấp khu nhà cổ (do nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam giao thừa kế) thành nơi thờ tự và kho chứa các bộ ván khắc.
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả dành hẳn tầng 1 rộng khoảng 150m2 của khu nhà 3 tầng của gia đình làm nơi đón khách, trưng bày sản phẩm và sản xuất tranh phục vụ khách đến trải nghiệm, mua tranh.
Việc tạo lập các cơ sở phục vụ đầu ra của sản phẩm tranh do gia đình các nghệ nhân chế tác được coi là một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Khoảng gần hai chục năm trở lại đây, các gia đình nghệ nhân đã quan tâm đầu tư kinh phí mua đất để xây dựng hoặc mua quầy bán hàng tại một số đô thị lớn để giải quyết đầu ra cho sản phẩm tranh.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ngay từ năm 2008 đã thuê một gian thuộc ngôi nhà số 16 phố Chân Cầm, giữa khu vực phố cổ Hà Nội để trưng bày và bán tranh, giao cho gia đình con trai Nguyễn Đăng Dũng và con dâu Mai Thị Huyền đảm nhiệm. Năm 2018, đầu tư thuê nhà để mở một phòng trưng bày và bán tranh tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, giao cho gia đình cháu ngoại phụ trách.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI đã quan tâm thuê cơ sở tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) để làm nơi trưng bày và bán sản phẩm cho du khách. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đã quan tâm đầu tư thuê nhà tại số 1 phố Lương Văn Can, Hà Nội làm nơi quảng bá và bán tranh, phục vụ du khách trong, ngoài nước. Đồng thời ông thuê không gian làm cửa hàng bán lưu niệm trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật, phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Những năm gần đây, các gia đình nghệ nhân đã quan tâm và đầu tư cho con, cháu tích cực tham gia trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và đưa sản phẩm tranh tham dự các hội chợ quốc tế ở trong nước cũng như nước ngoài. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm đã 2 lần tham gia tập huấn chuyên môn tại Nhật Bản vào các năm 2016 và 2017, góp phần mở rộng quan hệ và gây dựng đầu mối tiêu thụ sản phẩm ở nước bạn. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế gần như tham dự hầu hết các hội chợ lớn được tổ chức ở các vùng, miền trên cả nước, góp phần quảng bá sâu rộng sản phẩm và giao lưu bán sản phẩm: Hội chợ tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại khu vực Tây Nguyên, tại chợ Xuân khu vực châu thổ sông Hồng. Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã “đặc cách” mời gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế về mở phòng tranh tại thành phố Hạ Long để phục vụ du khách nước ngoài.
Năm 2015, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã trao tặng 26 tranh dân gian Đông Hồ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tạo điều kiện quảng bá di sản. Tháng 5-2015, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam trao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 20 bức tranh khổ lớn chuyển sang Liên bang Nga để tham dự Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga. Tháng 5-2018, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa (con trưởng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) gửi 169 bức tranh tham gia triển lãm quốc tế mang chủ đề Sắc màu tranh dân gian Đông Hồ tổ chức tại thủ đô Hoa Kỳ; và toàn bộ số tranh đã được du khách mua hết. Tháng 5-2019, nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa gửi 80 tranh chọn lọc để tham dự Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Nga. Tháng 6 năm 2019, nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa đã trao cho Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh 15 bức tranh mành khổ lớn mang đi quảng bá tại một số nước châu Âu. Ngoài ra, cùng với người em trai Nguyễn Hữu Quả, nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa đã trực tiếp đưa tranh tham dự hầu hết các hội chợ Xuân lớn ở các đô thị và khu vực trong nước, tạo điều kiện quảng bá và giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm, mang lại thu nhập ngày một tăng cho kinh tế gia đình. Hàng năm, vào tháng cận tết Nguyên đán, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa thuê địa điểm tại khu vực Văn miếu Quốc tử giám, Hà Nội, để mang tranh về trưng bày, quảng bá và kinh doanh.
VII. Một số giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ
1. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản
Những chục năm trở lại đây, chính quyền cùng các nhà quản lý văn hóa và cơ quan chức năng đã và đang có những chính sách, biện pháp tích cực nhằm tăng cường giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, của cán bộ các cơ quan hữu quan về giá trị quý giá của tranh dân gian Đông Hồ với tư cách là một di sản văn hóa của dân tộc. Bên cạnh công tác quảng bá di sản thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo và tổ chức hoạt động ngoại khóa cho hàng nghìn lượt học sinh đến trải nghiệm thực tế tại gia đình các nghệ nhân, nghe nghệ nhân trò chuyện để nâng cao hiểu biết về nghề làm tranh của địa phương. Tuy nhiên, nhiệm vụ thực hiện giao lưu, học tập, quảng bá để nâng cao nhận thức của người dân với di sản tranh dân gian Đông Hồ cần được triển khai sâu rộng, thiết thực hơn nữa, tới công chúng trong và ngoài nước.
2. Tôn vinh các nghệ nhân người có công khôi phục và duy trì nghề làm tranh
Nghệ nhân là những người nắm giữ những kỹ thuật truyền thống và là hạt nhân của làng nghề, giữ vai trò quyết định cho sự tồn vong của chính làng nghề đó. Chính vì thế, những năm gần đây, chính quyền một số địa phương đã có những cơ chế, chính sách ứng xử cụ thể đối với bộ phận chủ thể văn hóa làng nghề đặc biệt này, tôn vinh bằng các danh hiệu, khen. Tuy vậy, nhiều nghệ nhân ở các làng nghề trên phạm vi cả nước cho biết đến nay, các chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước cho các nghệ nhân dân gian vẫn chưa được giải quyết thoả đáng, chưa có chính sách đãi ngộ và sự quan tâm thích đáng. Nhiều nhu cầu đáp ứng cho hoạt động bảo tồn nghề, phát triển nghề từ các nghệ nhân vẫn đã và đang gặp những rào cản nhất định, dẫn đến những nguy cơ tác động xấu vào hoạt động nghề, đặt làng nghề làm tranh trước những thách thức tồn vong lớn.
3. Mở rộng tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước
Đối với việc duy trì và phát triển một làng nghề, vấn đề đầu ra, hay việc tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quyết định. Do vậy, một giải pháp quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với việc duy trì nghề tranh Đông Hồ là tìm được đầu ra ổn định với số lượng lớn cho các sản phẩm tranh.
Nhà nước cần phối hợp, giúp đỡ các nghệ nhân đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giúp làng nghề tiêu thụ sản phẩm, duy trì sản xuất. Đưa các thông tin liên quan đến lịch sử phát triển, giá trị văn hóa của tranh, minh họa bằng các hình ảnh, giải thích ý nghĩa của các bức tranh trên các website của ngành và địa phương, trên các báo, tạp chí và chương trình truyền hình.
Nhà nước cần có chỉ đạo cho các cơ quan chức năng của Bộ Công thương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch liên kết giữa các hoạt động văn hóa, hội chợ của các tỉnh thành với việc trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tranh Đông Hồ. Nhờ đó, góp phần quảng bá địa chỉ làng nghề, giá trị sản phẩm của nghề, góp phần tăng cao lượng khách du lịch giữa các khu vực vùng, miền trên phạm vi cả nước. Đối với quốc tế, Nhà nước có những chỉ đạo cụ thể cho các cơ quan đại diện văn hóa và thương mại tích cực phối hợp chặt chẽ và cụ thể với làng nghề tranh Đông Hồ, giới thiệu các triển lãm văn hóa, hội chợ quốc tế và quảng bá, kết nối các “tour” du lịch - lữ hành quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài đến Đông Hồ nói riêng và các “điểm đến” khác ở Việt Nam nói chung, góp phần tích cực vào việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nghề.
4. Trao truyền và giáo dục di sản:
Các nghệ nhân tiếp tục trao truyền và nâng cao tay nghề cho con cháu và người ngoài dòng họ Nguyễn Hữu và Nguyễn Đăng. Đẩy mạnh việc giáo dục di sản tranh dân gian Đông Hồ trong các trường phổ thông; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, đưa học sinh, sinh viên tới các xưởng sản xuất tranh để trải nghiệm làm tranh.
5. Kiểm kê, tư liệu hóa, nghiên cứu khoa học:
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cùng với các nghệ nhân tiếp tục cập nhật tư liệu kiểm kê.
Các nhà nghiên cứu trung ương hợp tác với các nhà văn hóa dân gian địa phương cùng với các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, cập nhật thông tin và tư liệu hóa toàn bộ quy trình kỹ thuật Nghề làm tranh Đông Hồ.
6. Tăng cường nguồn nguyên liệu tự nhiên và cây trồng:
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp với chính quyền các cấp xây dựng và triển khai đề án với chiến lược khai thác và dự trữ nguồn nguyên liệu tự nhiên và cây trồng làm giấy dó và màu.
Hỗ trợ các nghệ nhân khai thác và bảo đảm nguồn dự trữ vỏ sò điệp bị phong hóa ở vùng nước lợ ven biển Quảng Ninh.
Có chính sách hỗ trợ các gia đình, cá nhân sản xuất giấy dó tại làng nghề Đống Cao ở tỉnh Bắc Ninh.
7. Nâng cao chất lượng bảo quản ván in và tranh Đông Hồ
Do thời tiết nóng và độ ẩm cao, nhiều ván khắc và tranh không được bản quản tốt, dẫn đến hư hỏng nhiều. Do vậy, cần có sự vào cuộc của những người làm công tác bảo tồn, hướng dẫn nghệ nhân về kỹ thuật, điều kiện bảo quản ván in khắc gỗ và tranh với sự tham gia của các chuyên gia về bảo quản hiện vật. Hơn nữa, các nghệ nhân cũng cần được hỗ trợ về tài chính và thiết bị bảo quản ván in và tranh Đông Hồ.
KẾT LUẬN
Tranh dân gian Đông Hồ là một trong ba dòng tranh dân gian chính ở miền Bắc Việt Nam là tranh điệp Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh thờ Hàng Trống (Hà Nội), tranh đỏ Kim Hoàng (huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Trong quá khứ làng nghề Đông Hồ từng nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc là một trong những trung tâm sản xuất tranh dân gian và hàng mã lớn nhất Việt Nam. Tranh dân gian Đông Hồ mang nhiều đặc trưng của ngôn ngữ tạo hình, được xếp vào dòng nghệ thuật đồ họa, một loại hình ra đời sớm trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.Với tuổi đời hơn bốn thế kỷ, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã và đang để lại những dấu ấn đậm nét, mang sắc thái riêng trong sinh kế, văn hóa làng xã và mối giao lưu nghề nghiệp. Nghề làm tranh đã đi vào lịch sử của làng, gắn liền với tên làng, tên nghề và di tích “Đình Tranh”, danh tiếng “Làng tranh dân gian Đông Hồ”.
Nghề làm tranh dân gian ở Đông Hồ đã trải qua bao thăng trầm cùng với những biến thiên lịch sử, từng đạt đến độ cực thịnh nhờ thị trường tiêu thụ rộng lớn, trải khắp các tỉnh từ đồng bằng đến miền núi, từ Bắc vào Nam. Tranh dân gian Đông Hồ đã mang đầy đủ các đặc trưng của một dòng tranh riêng biệt. Về nội dung; tranh Đông Hồ đa dạng về thể loại, đề tài. Đó là tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh sinh hoạt, tranh đả kích, châm biếm, tranh phong cảnh và tranh truyện. Các loại tranh Đông Hồ đều toát lên vẻ đẹp dân dã, mộc mạc và thân thuộc với người nông dân thuần hậu, chất phác. Tranh Đông Hồ phản ánh những nội dung dễ hiểu, gần gũi với người lao động như: nội dung chúc tụng bộc lộ ước mơ ngàn đời của người dân, cầu mong sự che chở của ông bà tổ tiên; ca ngợi truyền thống “tôn sư trọng đạo”, đề cao chủ nghĩa nhân đạo, ca ngợi chính nghĩa, ca ngợi tôn vinh anh hùng dân tộc; đả kích, phê phán, châm biếm thói hư, tật xấu của giai cấp thống trị thời phong kiến, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên đất nước, cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh những đặc thù về nội dung thể hiện, tranh Đông Hồ còn có hình thức nghệ thuật dân gian về cả bố cục, chất liệu, đường nét, màu sắc dân gian.
Quy trình làm tranh Đông Hồ vẫn mang tính truyền thống và độc đáo rất riêng. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến kỹ thuật làm tranh đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình truyền thống. Nét nổi bật của dòng tranh dân gian Đông Hồ là phương pháp in tranh bằng ván in nét và ván in màu. Tranh dân gian Đông Hồ dù in nét và in màu đều in úp ván theo kiểu đóng dấu trên giấy dó quét nền điệp. Màu dùng để in tranh là những sản vật và nguyên liệu lấy từ tự nhiên được chế biến bằng kỹ thuật thủ công, như màu đen làm từ than lá tre, lá chàm; màu vàng làm từ hoa hòe, , đỏ làm từ sỏi son, màu trắng làm từ điệp. Màu tự nhiên tạo cho tranh độ mềm, xốp, không bị phai màu. Chất điệp óng ánh làm cho màu in trong và sâu. Đường nét trong tranh dân gian Đông Hồ cũng to, đậm, đơn giản nhưng cô đọng, chắc khỏe.
Cho đến những chục năm gần đây, vì những lý do chủ quan và khách quan khác nhau, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã và đang đứng trước những khó khăn lớn có nguy cơ tác động xấu đến sự tồn tại của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.
Sự phục hưng làng tranh Đông Hồ đã nhận được sự quan tâm từ chính quyền các cấp và cộng đồng người dân với các cơ chế, chính sách và quản lý phù hợp có ý nghĩa lớn trong việc giữ gìn, bảo vệ và khai thác vốn văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc. Mặt khác, điều đó cũng góp phần kích thích, thúc đẩy phát triển một nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở nước ta, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững ở địa phương, tôn trọng nền văn hóa phong phú và đa dạng của dân tộc
1. Nguyễn Vũ Tuấn Anh (2002), Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. Nguyễn Đăng Chế (2008), Khai mạc hội thảo Bảo tồn và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ, Bài tham gia Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ”, Tài liệu lưu hành nội bộ.
3. Du Chi, Nguyễn Bá Vân (1978), Làng Đông Hồ với nghề làm tranh dân gian, trong sách “Nông thôn Việt Nam trong lịch sử” tập II, tr.276.
4. Vương Như Chiêm (1970), “Tư liệu về làng Hồ và tranh Đông Hồ”; Tạp chí Mỹ thuật, số 6.
5. Chu Quang Trứ (1974), Tranh Đông Hồ, in trong: Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập 3, Kỷ yếu Hội nghị truyền thống Đất nước con người, Ty Văn hoá xuất bản.
6. Văn Côn (2004), Tranh Đông Hồ nét văn hóa Kinh Bắc, Tạp chí Du lịch Việt Nam số 12/2004, tr. 20.
7. Trần Đồng (2005), Phương ngôn trên tranh Đông Hồ, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 1 + 2, tr. 40 - 41.
8. Đỗ Đức (2005), “Năm Dậu: Trò chuyện về 7 bức tranh “già” dân gian”, tạp chí Dân tộc và Thời đại, số 75/2005, tr. 12.
9. Đỗ Đức (2006), “Cách chơi tranh Tết ngày xưa”, Tạp chí Dân tộc và Thời đại, số 87, tr. 7, 35.
10. Đỗ Đức (2008), Những đặc điểm làm nên vẻ đẹp của tranh Đông Hồ, Tham luận tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ”, Tài liệu lưu hành nội bộ.
11. Henri Oger (tái bản 2009), Technique du peopỉe annamỉte- Mechanics and Crafts of the Annamites - Kỹ thuật của người An Nam, tập I, II, III, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Hậu, Đời sống văn hóa ở làng tranh Đông Hồ qua góc nhìn nhân học biểu tượng, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 5 tháng 6/2001.
13. Nguyễn Phi Hoanh (1984), Lịch sử mĩ thuật Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
14. Mai Thế Hởn (chủ biên), GS.TS. Hoàng Ngọc Hòa, PGS.TS. Vũ Văn Phúc (2003), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa (Sách tham khảo), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
15. Nguyễn Thị Thái Lai (2001), Làng tranh Đông Hồ, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành văn hóa dân gian, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian.
16. Trần Đình Luyện (2004), “Bắc Ninh đất trăm nghề”, Tạp chí Di sản văn hoá số 7, tr.78-81.
17. Làng nghề Bắc Ninh - tiềm năng và hội nhập (2005), Sở Kế hoạch Đầu tư - Tạp chí Thương mại.
18. Nhiều tác giả (1982), Địa chí Hà Bắc, Ty Văn hóa và thông tin Hà Bắc.
19. Đỗ Thị Tuyết Nhung (2004), Làng nghề chạm bạc Đồng Sâm ở Thái Bình, Luận văn Thạc sĩ Văn hoá học, lưu tại khoa sau Đại học, trường Đại học Văn hoá Hà Nội.
10. Philippe Le Failler (2001), “Tranh dân gian Việt Nam”, Tạp chí Xưa & Nay, 2001, số 84+85.
21. Rudolf Mayel, Hạnh phúc và thịnh vượng (Tranh tết ở làng Hồ), người dịch: Lê Bạch Tuyết, Tư liệu Viện Mỹ thuật, D22/cd79.
22. Sơ lược lịch sử dòng họ Nguyễn Đăng, thôn Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, 1991.
23. Trần Đình Luyện - Chủ biên (2016), Bảo tồn di sản văn hóa làng tranh dân gian Đông Hồ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh.
24. Phạm Công Thành (1972), “Tinh thần khoa học trong tranh dân gian”, Mỹ thuật, (13), tr 40.
25. Nguyễn Hữu Toàn (1995), “Tranh Đông Hồ và đình tranh”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 7/1995, tr 43-45.
26. Nguyễn Trân (1968), “Bước đầu tìm hiểu ỷ nghĩa và nguồn gôc xuất hiện tranh dân gian Việt Nam”, Tạp chí Mỹ thuật số 1/1968.
27. Đỗ Trọng Vĩ (1997), Bắc Ninh dư địa chí, Nxb. Văn hóa thông tin.
1 Đông Hồ theo chữ Hán nghĩa là Hồ ở phía đông.
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Song Hồ (2002), sđd.
[3] Nguyễn Thái Lai (2002), Làng tranh Đông Hồ, Trường Đại học Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, tr. 13.
[4] Địa chỉ: 43 wenue Rockefeller 69003 Lyon France; email: andree.pascal @yahoo.fr.
[5] Từ Thị Loan (2012), tư liệu điền dã.
[6] Dẫn theo Từ Thị Loan (2016), Di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, Nxb. Lao động, tr. 44.
[7] Vũ Tú Quyên (2010), bđd, tr. 7.
[8] Nguyễn Thuần (2007), Ai về làng mái Đông Hồ - Nghiên cứu, tiểu luận, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, tr. 59.
[9] Tham khảo thêm: Bảo tồn di sản văn hóa làng tranh dân gian Đông Hồ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, 2016, tr.8.