kiemkedisan.d.webcom.vn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

DANH MỤC KIỂM KÊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

  • Dân ca Quan họ Bắc Ninh

    Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng, ứng tác thông qua hát ...

  • Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt

    Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ...

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

    Thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam ...

  • Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh

    Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh ...

  • Current
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn
  • kiemkedisan.d.webcom.vn

Di sản văn hóa Nepal đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy sau động đất


Động đất ở Nepal

80% các đền, chùa và kiến trúc lịch sử ở 02 quảng trường Bhaktapur và Kathmandu Durbar đã bị phá hủy sau trận động đất. Các bức tường ở hai bên Cung điện Hoàng gia trước đây tại Kathmandu, nay là viện bảo tàng, gần như đã sụp đổ hoàn toàn.

Ngày 25/4, đất nước Nepal và một số nước láng giềng đã hứng chịu một trận động đất khủng khiếp, hủy diệt sự sống và tàn phá các kiến trúc lịch sử, vốn có từ hàng thập niên, thế kỷ qua, nay chỉ còn đống gạch vụn. Thảm họa đã khiến hơn 8.000 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, Chính phủ Nepal đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chưa đầy 3 tuần sau đó, đất nước này lại tiếp tục chịu thêm một cơn địa chấn mạnh, gây ra sự mất mát lớn đối với người dân và các tài sản văn hóa, khiến Nepal hoàn toàn bị tê liệt.

Theo đánh giá sơ bộ của Tổ chức UNESCO, trận động đất đã gây thiệt hại lớn đối với di sản văn hóa Nepal, đăc biệt là thung lũng Kathmandu - một di sản thế giới, được biết đến với các ngôi chùa cổ, các bảo tháp và các ngôi nhà cổ - hơn một nửa trong số này đã bị sụp đổ hoặc bị hư hại nghiêm trọng.

Kathmandu là một quần thể với 7 nhóm di tích và công trình, đại diện cho những thành tựu về lịch sử và nghệ thuật. Thung lũng này nổi tiếng thế giới với 3 Quảng trường: Kathmandu, Bhaktapur và Patan, đền và bảo tháp Phật giáo Swayambhu và Bauddhanath, đền thờ Hindu Pashupati và Changu Narayan.

Thủ đô Kathmandu - trung tâm chính trị, thương mại và nghệ thuật của đất nước, đã tồn tại qua nhiều thế kỷ như một “sân khấu trình diễn” đầy màu sắc về văn hóa, đậm chất nghệ thuật và truyền thống, bao quanh là một dãy đồi bậc thang, điểm xuyết với những cụm nhà lát gạch, có mái che màu đỏ. Theo truyền thuyết, nơi đây đã từng bị bao phủ bởi một hồ nước cho đến khi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giơ cao cây gươm trí tuệ và cắt chia ra làm sáu mảnh, đồng thời xẻ núi cho nước thoát ra, làm khô cạn hồ và tạo ra các khu dân cư đầu tiên.

Ông Christan Manhart, Giám đốc UNESCO tại Kathmandu đã mô tả những thiệt hại về di sản văn hóa của Nepal, đặc biệt là Kathmandu: "Nửa số chùa chiền ở Quảng trường Patan Durbar đã sụp đổ. Tám mươi phần trăm các ngôi đền và kiến trúc lịch sử tại Quảng trường Bhaktapur và Kathmandu Durbar đã bị phá hủy. Các bức tường hai bên hông của Cung điện Hoàng gia cũ, đã bị đổ sập và chúng tôi chưa thể cứu được các hiện vật, cổ vật ở bên trong".

Vì vậy, theo đề nghị của Chính phủ, UNESCO đã bắt đầu đánh giá và lập kế hoạch cứu các di sản văn hóa. “Chúng tôi đang tiến hành đánh giá tình trạng của các di tích bên trong Thung lũng Kathmandu và đã cắt cử một nhóm cứu hộ đến khu vực nơi các ngôi chùa đang đứng trước nguy cơ bị đổ sập khi mùa mưa đến gần” - Ông Manhart cho biết.

Theo ghi nhận của UNESCO, tuy trận động đất vừa rồi không gây ra sạt lở đất như dự đoán, nhưng các vết nứt nghiêm trọng ở các vách núi phía Nam có thể gây ra lở đất, lở đá nguy hiểm khi mùa mưa đến trong 3 - 4 tuần nữa.

Có thể nói, sau trận động đất, ngành Du lịch - nguồn thu chính của Nepal, bị giảm mạnh. Rất nhiều khách sạn ởVườn quốc gia Sagarmatha (nằm tại phía Đông của Nepal, bao gồm: một phần dãy Himalaya và mặt phía Nam của đỉnh Everest) đã bị phá hủy, đặc biệt là trong trận động đất thứ hai mà tâm dư chấn nằm ngay dưới chân núi Everest. Các điểm cắm trại dành cho du khách leo núi cũng không còn nữa.

Trận động đất năm 1934 đã hủy hoại khoảng 20% nhà cửa của Kathmandu và 25% dân số nơi đây. 81 năm sau, Nepal lại oằn mình hứng chịu sự hủy diệt khủng khiếp này. Dường như hàng thế kỷ tồn tại bị sụp đổ trong một đêm, sức mạnh dân tộc, một lần nữa, lại được thể hiện ở sự đoàn kết, lòng quyết tâm gượng dậy từ đống tro tàn để gây dựng lại đất nước cho thế hệ mai sau.

Khánh Trang